Sunday, December 16, 2018

Tản mạn: Gốc hay ngọn ?



Mấy tuần nay bận rộn chuyện công, chuyện tư, đi hoài, ít có thời gian đọc báo quê nhà. Hôm rồi, bão tuyết nằm nhà, đọc được bài báo của cụ chủ tịch VN kêu gọi đất nước "Phải xây dựng văn hóa khinh bỉ kẻ tham nhũng". Tự nhiên suy nghĩ mông lung ....

Từ lâu nay hầu hết trên thế giới, những chuyện phân biệt đúng sai, trọng thiện khinh ác, khen tốt chê xấu ... đều được xã hội dạy dỗ cho trẻ con từ thời còn mang bĩm, ị bô. Còn định nghĩa hoặc khái niệm thế nào là đúng sai, thiện ác, cũng dựa vào những nền tảng đạo đức căn bản chung. Văn hoá ứng xử công bằng (fair) cũng được phụ huynh và nhà trường dạy dỗ cho con cái rất sớm. Còn nếu phân tích cặn kẽ ra xã hội con người bắt đầu biết nhận thức đựợc đúng sai, thiện ác từ đâu hay khi nào ? chắc khó có ai giải thích chính xác.

Ngày xưa Nho, Khổng, Đạo, Lão cũng từng đưa ra những chuẩn mức đạo đức nhất định, nhưng đó chỉ là phạm vi văn hoá của Á đông, có nhiều điểm khác biệt với quan niệm Tây phương. Trong đó vai trò của tôn giáo, văn hoá, thuyết phái, giáo dục, thể chế chính trị, xã hội .v.v.. cũng đóng góp quan trọng trong việc giáo dục và định hình những ứng xử đúng sai trong cuộc sống hàng ngày. Dĩ nhiên quan niệm đạo đức xã hội của mỗi đất nước hoặc vùng miền, bên cạnh cái chung cũng có những nét đặc thù riêng, ảnh hưỏng bởi những yếu tố khác nhau.

Tuy nhiên, cho đến ngày nay thì hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có quan điểm chung về những giá trị đạo đức căn bản. Bởi thế cho nên việc giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ trên thế giới đều được xây dựng trên những nền tảng tương đối giống nhau, cho dù có khác biệt về tôn giáo, văn hoá, và quan điểm chính trị. Chỉ có một số rất ít quốc gia có định nghĩa (hoặc khái niệm) khác hơn về đạo đức, ví dụ như đạo đức XHCN. Và họ kiên định ở mục đích giáo dục & đào tạo theo mô hình "con người mới XHCN". Còn chuyện đúng sai tốt xấu thì "tuỳ người đối diện", mỗi người nên tự khám phá theo kinh nghiệm thực chứng của chính mình. Đơn giản nhất là cứ coi chuyện ứng xử người với người trong xã hội hằng ngày rồi tự mình chiêm nghiệm ra thôi. Những ai có điều kiện hơn, đi du lịch nước ngoài, tham quan các nước XHCN anh em như TQ, Triều tiên ...và các quốc gia khác, thì cũng dễ dàng nhận ra sự khác biệt.

Thực ra, các nhà giáo dục trên thế giới cũng đã từng nhiều lần tranh luận về mô hình lý tưởng của "con người đạo đức XHCN" là như thế nào ? Có lẽ đó vẫn chỉ còn là câu hỏi. Cũng mong rằng những nước như Trung quốc, Triều tiên, và Việt Nam sẽ sớm có câu trả lời, để thế giới văn minh có dịp học hỏi theo mô hình giáo dục đạo đức XHCN.

Nhớ hồi mình còn đi làm bên Anh quốc, có ông giáo sư kia hùng hồn nói: "Tôi đã lật từng trang của Communist Manifesto và Das Kapital, mà vẫn chưa thấy chỗ nào Karl Marx nói về phương cách đào tạo đạo đức con người để xây dựng đất nước"... :-). Đúng ra thì sau năm 1849, khi Marx chuyển về London, cả bộ sậu của Communist League cũng dọn về London. Quyền điều hành thuộc về August Willich và Karl Schapper. Hai ông này tối ngày lo nghĩ và cổ vũ chuyện bạo động khởi nghĩa (uprising), nên sớm bị các chính quyền châu Âu ngăn chận. Sau một thời gian khó khăn thì nhóm của Willich/Schapper cũng rời bỏ Communist League. Sau đó Marx lại tham gia cật lực vào tổ chức "German Workers' Educational Society" của công nhân Đức, nhưng rồi nội bộ lại mâu thuẩn, phân tán. Để cuối cùng ông lại thất bại và từ chức ra khỏi German Workers' Educational Society vào năm 1850.
Ông Marx đã sống rất chật vật & nghèo đói ở London trong quãng đời còn lại với mớ lý thuyết suông của mình. May mắn có được sự giúp đỡ của ông bạn tư sản Engels. Nên sau này nhiều người vẫn còn thắc mắc là những luận thuyết xã hội của Marx có liên quan gì đến khái niệm đạo đức XHCN ngày nay chăng ? Cuối đời trước khi chết, Marx nhờ Engels ghi chép lại những tư tưởng sau cùng để trình làng. Và sau khi Marx chết, năm 1884 Engels cho xuất bản cuốn sách "The Origin of the Family, Private Property and the State" (tiếng Đức là  Der Ursprung der Familie, des Privateigenthums und des Staats). Không biết VN có dịch quyển này ra tiếng VN không ?

Hết chiến tranh VN đến nay, hơn 40 năm, một thời gian quá dài và dư đủ để xây dựng một thế hệ đạo đức XHCN hoàn toàn mới, độc lập, thuần chất. Những em bé sinh sau năm 75, hôm nay cũng đã đã trưởng thành trên 40, và là tuổi đang dấn thân cống hiến nhiều nhất cho đất nước VN. Phải chăng những hạt giống XHCN đã đến hồi đơm hoa kết trái ? Đó chẳng phải là niềm mong đợi sao ? Đúng vậy, những khuôn mẫu con người mới, đạo đức mới XHCN, đã và đang nắm giữ các cương vị trọng yếu để góp phần xây dựng đất nước. Thế nhưng hôm nay nghe cụ CT kêu gọi đất nước cần xây dựng văn hoá "phải biết khinh bỉ tham nhũng". Thấy khó hiểu !

Thiết nghĩ, đất nước nào cũng thế, thời chiến tranh khác với thời bình. Đánh nhau hy sinh khác với làm kinh tế xây dựng đất nước. Bạn bè cũng thế, lúc cơ hàn thì chia nhau nắm cơm con mắm, lúc phú quý lại sinh ra ghen ăn tức ở. Vốn cũng là chuyện thường tình !
Lúc nghèo lấy gì tham nhũng nên ai cũng là quan thanh liêm, đến lúc giàu mà không biết tại sao giàu, thì thấy gì cũng ham, tham nhũng & biến chất cũng là chuyện thường thấy. Chuyện đạo đức hình thành cũng như các lãnh vực khác thôi, có gốc có ngọn, có nguyên nhân xa có lý lẽ gần. Thiết nghĩ tỉa ngọn mà gốc vẫn còn, lại cứ mọc ra. Cái chìa khoá chính yếu vẫn là do hệ thống. Mấy ông quan ở xứ này chắc gì đạo đức tốt hơn mấy ông quan ở xứ nọ. Chẳng qua là hệ thống chính trị, kinh tế, và pháp luật ở những quốc gia dân chủ văn minh không cho họ cơ hội để thông đồng, móc nối, cậy quyền cậy thế, lợi ích nhóm, tham nhũng, lường gạt mà thôi.

Ở quê nhớ ông bà thường nói "Khoá cổng là khoá kẻ ngay, chứ sao khoá được kẻ gian". Đúng vậy, đã gian thì dẫu khoá tốt cỡ nào, cũng bẻ khoá chui vào được, rinh đi hủ mắm :-). Ý là chưa nói đến chuyện vừa rinh hủ mắm lại vừa chửi, vừa tuyên bố huyên hoang khinh bỉ bọn xấu, tung hỏa mù mờ mịt, thiệt giả khó phân !

Nói một cách công bằng, thì ít có quốc gia nào trên thế giới mà nổ lực kêu gọi, hô hào đào tạo đạo đức con người XHCN như ở VN. Đi đâu cũng thấy khẩu hiệu biểu ngữ giăng đầy. Ngân sách chi tiêu cho việc đào tạo con người & đạo đức XHCN cũng không phải là nhỏ. Dạy từ thưở còn là cháu ngoan nhi đồng, thiếu niên tiền phong, đến đoàn thanh niên, hội đoàn, tổ chức, đoàn thể, khu phố văn hoá ..v.v. Một nền giáo dục chu đáo, toàn diện và công phu bậc nhất trên thế giới. Bây giờ nhiều người được ra nước ngoài, ai cũng nhìn thấy tận mắt, so sánh được, không phải nói ngoa. Tính ra là chỉ có vài quốc gia như Triều tiên, Trung Quốc, Việt nam mới có được ngân sách đào tạo đặc biệt đến thế. Những nước khác, kể cả những nước tư bản lớn mạnh như Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức, Úc, Canada, châu Âu, châu Mỹ  ....cũng không thấy được những biểu ngữ, khẩu hiệu, đoàn thể, phong trào đoàn đội, dạy dỗ thanh thiếu niên rầm rộ như ở VN.

Thế nhưng, tội phạm xã hội càng lúc càng nhiều. Cứ nghe đến là diễn biến phức tạp. Hàng ngày đọc báo, nhiều lúc mở ra thấy ngỡ ngàng. Từ những trộm cắp vặt vãnh, cho đến "văn hoá hơn thua" nhỏ nhặt, cũng đâm chém giết người. Từ những câu chuyện đạo đức suy đồi, biết luật phạm luật, kẻ thi hành luật đi hiếp dâm cưỡng đoạt, thầy cô lạm dụng học trò...v.v.. Cho đến quan thầy rủ nhau xộ khám vì tham nhũng, lạm quyền, bè nhóm, một tay che trời, coi thường pháp luật. Nhiều người đã không khỏi băn khoăn liệu đạo đức XHCN có thay đổi được đất nước chăng ? Chuyện bắt bớ tù đày cũng chỉ là giải quyết phần ngọn của vấn đề, còn phần gốc rễ nguyên nhân giải quyết thế nào ? Liệu nhà tù và những bản án có làm thay đổi văn hoá ứng xử, đạo đức con người, và vận mạng của đất nước được chăng ? Liệu ngân sách khủng và hệ thống hội đoàn dày đặc có làm cải thiện được đạo đức xã hội và con người hay chăng ? Vấn đề là nằm ở gốc hay ngọn ? Cái nào là bản chất, cái nào là hiện tượng ?

Bên cạnh đó, thì các phương tiện truyền thông vẫn nổ lực đưa tin những tấm gương tốt về đạo đức và phẩm hạnh của giới hữu trách. Ví dụ như " 34 nghìn người khai tài sản, chỉ phát hiện 1 người không trung thực" (BM). "Hơn 1,1 triệu quan chức kê khai tài sản, chỉ 6 người sai phạm" (TN)" ..v.v... Nghe xong không biết có đọc nhầm không ? Nhưng liệu những câu chuyện và hình ảnh tốt đẹp ấy có đủ để làm cho người dân tin tưởng, noi theo gương tốt của các vị quan chức thanh liêm đó hay lại phản tác dụng? Gần đây dồn dập những vị quan chức lãnh đạo, những tấm gương từng là đoàn viên đảng viên ưu tú xộ khám, dĩ nhiên là làm cho nhiều giới hâm mộ & nhiều người quan tâm. Buồn vui lẫn lộn. Kẻ mừng người lo, kẻ vui người buồn, kẻ hóng người trông. Kẻ chán chường điệp khúc, người khinh bỉ tận cùng. Kẻ ngán ngẩm vai tuồng diễn dở, người khóc lóc van xin, đủ cả.

Suy cho cùng, thì người dân ở đất nước nào cũng thế, ai cũng đều luôn mong mỏi đất nước họ được ấm no, tự do, để sống bình đẳng, an toàn. Con cái được giáo dục đàng hoàng. Chứ không ai mong mỏi đất nước họ nhiều nhà tù, bắt bớ giam cầm, sống trong lo âu hồi hộp. Xưa nay quốc gia nào càng lôi cuốn sâu vào những việc thanh trừng tội phạm (cho dù dưới hình thức nào), thì đó không phải là quốc gia sẵn sàng cho một phát triển lành mạnh. Như ông Nelson Mandela đã nói .... "May your choices reflect your hopes, not your fears". (Tạm dịch: Hãy để sự chọn lựa trong cuộc sống là những hy vọng, chứ không phải là nỗi sợ hãi). Và chọn lựa nào sẽ dành cho người dân VN hôm nay và ngày mai ?
Lịch sử xưa nay sự thay đổi nào cũng cần phải có những đánh đổi. Kết quả luôn luôn là câu trả lời đúng nhất cho mọi lý thuyết. Càng trốn tránh sự thực, càng kéo dài thời gian, về sau càng khó khăn để sửa đổi, lại càng thiệt thòi chậm lụt cho sự phát triển của nước nhà.





No comments:

Post a Comment

Comments: