Thursday, May 21, 2020

Tản mạn: Yếu hay mạnh ?





Trước tiên phải nói là từ ngày dịch bệnh Vũ Hán xảy ra, thế giới xảy ra lắm chuyện. Con người và trật tự xã hội cũng thay đổi nhiều. Từ cách nhìn, cách giao tế, cách ăn, cách ở, cách suy nghĩ, cho đến cách sống, cách chết. Nhiều người ngày đêm sợ chết, sợ mất cái đài cái xe, thì bên cạnh đó cũng không hiếm người cho rằng đó chỉ là những chuyện bình thường xảy ra trong cuộc sống này. Có thịnh tất có suy, có sinh tất có diệt....

Còn trên chính trường, truyền thông, thì biết bao nhiêu là câu chuyện ngắn dài, thiệt giả khó phân. Người thì phê phán cái mạnh cái yếu của ông này bà kia, kẻ thì ca tụng cái đúng cái sai của nước này nước nọ. Thực tình mà nói thì tranh luận kiểu như khảo sát hàm số mà chẳng cùng hệ trục toạ độ, nên mạnh ai nấy phán. Tràn lan, ai nói được cứ nói, cuối cùng vẫn là hồn ai nấy giữ. Nhưng nhân nói đến chuyện yếu mạnh, mình lại nghĩ đến những khái niệm trong sách kinh nhà Phật ngày xưa. Rảnh rang tản mạn chút cho vui ....

Theo đạo Phật, cuộc sống luôn luôn tồn tại 3 bản chất tự nhiên, đó là vô thường (anicca), khổ (duḥkha), và vô ngã (anatta). Tiếng Anh gọi là "Three Marks of Existence", một số tu sĩ VN dịch là Tam Pháp Ấn. (Một só quan niệm PG đại thừa cho là Vô thường, Vô Ngã, và Niết bàn). Đây cũng là những triết lý cơ bản nhất của đạo Phật rút ra từ bản chất tự nhiên của cuộc sống. Cho nên dẫu không có Đức Phật giảng dạy những điều này, thì những bản chất đó vẫn tồn tại chung quanh ta mỗi ngày.

Cuộc sống thì đương nhiên là có "phiền khổ". Còn "vô thường" là quy luật tất nhiên của vũ trụ rồi. Nhà bác học Einstein khi nói về tôn giáo cũng nói "If there is any religion that could cope with modern scientific needs it would be Buddhism". (Lưu ý là ở đây chỉ nói về bản chất nguyên thuỷ của PG. Còn thời buổi này nhiều nơi dẫn dắt đạo Phật đi theo nhiều hướng mê tín khác nhau, thì mình không bàn đến). Cho nên khi nói về 2 bản chất tự nhiên của "khổ" và "vô thường" thì ai cũng hiểu được, vì thực tế và rõ ràng. Nhưng để hiểu được "vô ngã" thì có vẻ khó khăn hơn, vì khái niệm trừu tượng hơn. Mà có hiểu được, thì cũng chưa chắc là thực hành được. Chứ nếu dễ dàng thực chứng được cái đạo lý "vô ngã" như vậy, thì thiên hạ này đã có lắm thánh nhân. Mà có khi lại chẳng có những ông sư chức sắc đình đám, hoặc những câu chuyện hấp dẫn như nhà sư Tam Đảo gạ tình, hay chùa Ba Vàng gọi hồn, trừ tà bắt ma, đuổi COVID 19 :-) ..v.v.

Nhớ hồi còn ở VN, đi chùa thỉnh thoảng cũng được nghe mấy Thầy thuyết giảng về "vô ngã". Còn ở ngoài đời thì ôi thôi vô vàn, muôn màu muôn sắc. Nhiều học giả giáo sư, trí thức, thiện nhân, đại tri thức, tiểu giáo chủ, tửu đồ lưu linh, hiền triết, ẩn sĩ vô danh, cà phê, quán nhậu ...v.v tha hồ mà bình loạn cái đạo lý này. Lâu lâu gặp mấy ông đồng hương cũng thế, gật gù triết lý, trầm ngâm "mặc khải", úp úp mở mở, cao siêu vời vợi.... quả nhiên là u u bất tận :-).
Mình thì không dám lạm bàn về khái niệm này. Tuy nhiên nhận thấy ngày càng nhiều nguời phương Tây đi sâu nghiên cứu vào triết lý PG, và dường như họ lãnh hội sâu sắc hơn. Có lẽ do họ đi thẳng vào bản chất nguyên thuỷ của PG, mà không bị chi phối bởi những hình thức cúng bái, ngôn từ, dịch thuật diễn giải, hoặc tục lệ hư cấu như ở các nước phương Đông. Nên thỉnh thoảng mình được đọc và nghe một số bài viết về bản chất vô ngã (no self) rất hay.

Nôm na nói về "ngã" là nói về cái bản ngã, cái bản thể, cái thuộc tính, cái sở hữu, cái có, cái "tôi" của con người, của sự vật ....v.v..(Xin lỗi, có những khái niệm PG phải dùng ngôn ngữ để giải thích nhưng thực ra ngôn ngữ bị hạn chế nên không diễn tả hết được. Chịu khó suy diễn ra vậy :-)). Đức Phật ngày xưa thuyết giảng về "vô ngã" và "tánh không" rất nhiều. Bạn nào muốn nghiên cứu sâu hơn nên tìm đọc ở các bản kinh sách. Lâu nay nhiều nhà nghiên cứu và tu sĩ cho rằng có cái "ngã" sinh ra là do tự nhiên (Sankhara), cũng có cái "ngã" tạo ra là do sự tương tác mà thành (Sankhata). Còn theo cách hiểu hạn hẹp của mình, thì có "ngã" kiểu nào cũng u đầu sứt trán, cũng khổ. Cứ cái gì không có thực, mà mình tưởng là thực, rồi cứ tôn thờ bám víu theo, hoặc cứ lo âu nơm nớp sợ mất, là khổ rồi. Đơn giản thế thôi. Ví dụ giữ cái chức to cũng mệt, mà giữ cái chùa lớn cũng khổ. Huống hồ chi lo sợ những thứ ảo giác mơ hồ, mà kết quả là do tự chính mình tưởng tượng ra !

Trở lại chuyện dịch Vũ Hán. Mấy tuần trước, khi dịch bệnh dồn dập, chính phủ khuyến cáo ở nhà, rãnh rỗi ngồi đọc nhiều bài viết trên mạng xã hội mà thấy tràn đầy cảm xúc. Nhiều vị nói tới lúc dịch bệnh mới nhận ra rằng lâu nay đã sống chỉ để giữ cái "mác" mà thiên hạ cài đặt cho mình. Nghe thiên hạ khen vài câu, sướng. Nghe thiên hạ chê vài câu, buồn. Chưa đủ, bắt cả con cái học theo thị hiếu của thiên hạ, cưới gả cũng theo "chuẩn ISO" của thiên hạ. Nhiều vị nhận ra lâu nay so đo chắt chiu từng đồng, đến khi thấy thiên hạ trước lúc chết rải tiền qua cửa sổ, mới tiếc hùi hụi sao lâu nay phải sống kiếp trùm sò. Nhiều vị thấy nhiều đại gia tắt thở trong BV, mà không có người thân nào được phép vào tiễn đưa, ngậm ngùi sao lâu nay chỉ lo cơm áo gạo tiền, mà không dành thời gian cho gia đình, bạn bè, người thân. Nhiều vị còn đi xa hơn, ưu tư về tình hình chính trị chính em, kêu gọi buông bỏ nạn tham quyền cố vị, tỉnh mộng Tào khê, buông bỏ cái "tôi", cái tư lợi cướp đất xưng vương, mà sống vì bá tánh nhân dân ..v.v...và v.v . Có nhiều vị vừa trãi lòng vừa lo lắng sao mình ủy mị mất quan điểm quá. Đọc thấy rất cảm động, nhưng mình cũng thắc mắc không hiểu đến khi hết dịch, đại dịch qua rồi, thì những nỗi niềm đó có còn đọng lại hay chăng. Hay đó chỉ là những phút yếu lòng tức thời của những con người đã từng "mạnh mẽ" ?

Thực ra cái quan niệm yếu, mạnh trong nhà Phật cũng có khác. PG cho rằng yếu hay mạnh cũng chỉ là những trạng thái tự nhiên bình thường, sản phẩm của ngũ uẩn. Mà ngũ uẩn thì vốn thay đổi liên tục tức là "vô thường", cũng không có tự tánh tức là "vô ngã". Vậy thì có gì đáng phải quan tâm cho mệt. Khi nào buồn cứ khóc, khi nào vui cứ cười cho đã. Mình vẫn thường nghĩ có mạnh tất có yếu, ai cũng có lúc này lúc nọ, cần gì phải "gồng" hoài cho nó cực. Ngài Dalai Lama cũng nói "Mạnh không phải ở chỗ nhấc lên, mà ở chỗ đặt xuống". Mạnh không phải ở chỗ hùng hổ la to, mà ở chỗ bình tĩnh điềm đạm. Mạnh không phải ở chỗ thị uy bức hiếp kẻ yếu, mà ở chỗ nhẫn nhục giúp người. Tài giỏi không phải ở chỗ bằng này cấp nọ, mà là ở chỗ giúp gì được cho xã hội, cho cuộc sống. Tư tưởng lớn không phải  ở chỗ cao siêu, nói không ai hiểu, tự mình nói tự mình khen, mà là ở chỗ giúp được cho người cho mình, sống ngày mỗi tốt hơn. Thỉnh thoảng đọc tin tức cũng thấy nhiều ông lớn bên VN hồi còn làm quan, mạnh mẽ, la hét, đến khi ra toà khóc thút thít, thấy mà mủi lòng. Nghe mấy đứa bạn kể nhiều ông bên VN bị vợ la mắng, vẫn mạnh mẽ cương quyết "giữ vững lập trường", không khóc. Lẳng lặng đi ra quán nhậu, nạt lại mấy em phục vụ đáng thương thôi ....:-).

Nhân tiện, lấn sân qua chuyện chính trường một chút cho mang tính thời sự. Cũng là do con cúm Vũ hán, truyền thông nhắc nhở lại duyên tình của Mỹ và TQ ngày xưa, rồi lan man qua tận nguồn gốc của chiến tranh VN.
Nhiều học giả cho rằng nguyên nhân chính của chiến tranh VN là bắt đầu từ sự sợ hãi của tổng thống Harry Truman. Họ cho rằng nếu tổng thống Franklin D. Roosevelt không bị chết bất ngờ, thì cuộc chiến VN chắc chắn sẽ không bao giỡ xảy ra. Bởi T/T Roosevelt là một người nhìn xa trông rộng, và luôn phản đối chính sách thực dân (anti-colonialism) của Pháp. Nhưng cũng bởi sự tài giỏi bao quát đó của FDR, mà hình ảnh phó T/T Truman đã từng như một bóng mờ trong chính trường khi Roosevelt còn sống. Cho nên khi T/T Roosevelt bất ngờ ra đi, phó T/T Truman lên làm tổng thống, đã có nhiều ứng xử và đường lối đi ngược lại với quan điểm của người tiền nhiệm của mình. T/T Truman đã bỏ qua sự thỉnh cầu của chủ tịch VNDCCH là HCM thời bấy giờ. Thực ra đó cũng là một trạng thái tâm lý dễ hiểu thôi. Tuy nhiên ông Truman vẫn giữ thế dè dặt trung lập, mãi cho đến năm 1950 khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra. Và khi nhận thấy sự hổ trợ của TQ và Liên Xô cho Việt Minh, thì chính phủ Mỹ mới thực sự sợ hãi sự bành trướng của chủ nghĩa CS. Thuyết Domino & Chiến tranh Lạnh (Cold War) ra đời. Còn diễn biến sau đó thì ai cũng biết hết rồi. Suy cho cùng, đó cũng là những nhân duyên tạo ra bởi cái "ngã", nỗi lo âu và sự sợ hãi !

Lâu nay nhiều người cho rằng nếu ngày đó tổng thống Truman đáp ứng lời thỉnh cầu xin trợ giúp của ông HCM, thì chắc cũng chẳng bao giờ có cuộc "chiến tranh thần thánh chống Mỹ" như lâu nay thường nghe. Nhiều nhà phân tích chính trị khẳng định nếu VN ngày đó không chạy theo Quốc tế CS, mà chọn những giải pháp đấu tranh khác để giành độc lập, thì dẫu có trăm ngàn cuộc kháng chiến chống Pháp của VN chăng nữa, cũng không là mối đe doạ đến thế giới. Chắc chắn Mỹ và đồng minh cũng chẳng bao giờ lo lắng đến sự bành trướng của chủ nghĩa CS ở châu Á (Domino theory). Tất nhiên Mỹ cũng chẳng cần nhảy vào tham chiến ngăn chận CNCS ở VN, và cũng chẳng bao giờ có cuộc "chiến tranh Vietnam" đẫm máu kéo dài mấy chục năm.
Ông Archimedes Patti, trưởng toán OSS ở VN thời kỳ 1944-1945, người từng đọc bản "Tuyên ngôn độc lập" của VN trước ngày 2/9/1945 tại Hà Nội, trong cuốn "Why Vietnam" đã cho rằng cuộc chiến Vietnam War là hoàn toàn không cần thiết phải có. (Ref: Why Vietnam - Prelude To America's Albatross). Xin lưu ý OSS là tiền thân của CIA ngày nay, và là cơ quan huấn luyện cho lực lượng Việt Minh tại Tân Trào trước 2/9/1945.
Nhưng đó cũng là chuyện đã rồi. Ai muốn đoán già đóan non thế nào cũng không thay đổi gì. Chỉ thấy rõ ràng là đất nước và con người VN đã nhận lãnh những hệ quả tang thương nhất, kéo dài cho mãi đến ngày hôm nay !

Rồi cho đến thời T/T Nixon và tên phù thuỷ Kissinger, cũng vì muốn chấm dứt cuộc chiến tranh VN & chiến tranh lạnh (Cold War), mà lân la đến với TQ, sẵn sàng bán đứng đồng minh VNCH mà họ đã từng xương máu hứa hẹn. Thế là ngàn năm một thưở, TQ mới có dịp nắm bắt cơ hội cọng tác cùng thế giới tư bản. Mặc kệ lý tưởng chuyên chính vô sản, bỏ Liên Xô theo Mỹ. Chạy theo triết lý "mèo trắng mèo đen" của họ Đặng, hợp tác với thế giới tư bản tự do để kéo đất nước TQ ra khỏi cơn đói nghèo của nền kinh tế XHCN. Trong khi đó Mỹ và các nhà tư bản phương Tây, từng một thời ám ảnh lo sợ chủ nghĩa cọng sản đến thế, nhưng khi tìm được một thị trường lao động giá rẻ TQ, vì lợi nhuận đã không ngần ngại ào ạt đổ vốn vào để đầu tư bất chấp hậu quả. Một TQ nghèo đói đã nhẫn nhịn chịu đựng, bằng tất cả những xảo thuật tinh vi nhất để trở thành công xưởng của thế giới, và cuối cùng đạt thành tựu như ngày hôm nay. Nhưng rồi cũng chính sự phát triển ào ạt đó và tham vọng bá quyền Đại hán của TQ lại là nỗi lo của các nhà tư bản phương Tây đã từng đóng góp tạo ra nó. Quả là thế sự xoay vòng, đạo lý nhân quả, vô thường. Còn trên chính trường tất nhiên là không có kẻ thù hoặc bạn bè nào vĩnh viễn !

Mấy tháng nay trên thế giới, mỗi lúc dân càng chết, người ta càng nghĩ đến TQ. Nhìn cách hành xử và thái độ của TQ trong thời dịch bệnh, cọng với những thành kiến lâu nay, không hiếm người đã lên án và chỉ trích TQ tận mạng. Nhiều báo nhiều đài, nhiều nhà phân tích, dân cư mạng xã hội ... tha hồ mà bàn tán, so sánh đến cái yếu và mạnh của Mỹ và TQ. Ngày nào cũng nghe cũng đọc, đến phát chán mà dịch vẫn chưa qua. Đạo lý "người mù sờ voi" thì chưa bao giờ lỗi thời. Cứ ngã mạn càng to, thì con voi càng lớn, sờ hoài không hết. Bên này cứ chửi bên kia ngu dốt miệt mài. Chuyện thị phi hơn thua trong cuộc sống thì ở đâu cũng thế !

Mình thì luôn tin vào nhân quả, tin vào đạo lý vô thường, và càng tin vào thuyết nhân duyên trong cuộc sống. Cho nên mình luôn nghĩ rằng sự yếu mạnh của một quốc gia, hay sự tồn vong của một thể chế chính trị, là kết quả của những nhân duyên trong đời sống xã hội của quốc gia đó. Tuỳ theo nhân quả của vấn đề và bản chẩt của sự việc mà sẽ thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử. Có khi đã đến lúc nước Mỹ cần tỉnh giấc và thay đổi. Cũng có khi lãnh đạo TQ cần tỉnh thức về tham vọng của mình. Rõ ràng là biết bao nhiêu máu và mạng sống của những người dân đen đã bỏ ra để khơi dậy sự tỉnh thức đó. Mong rằng đây không phải chỉ là một trò chơi của sự yếu mạnh hơn thua tức thời, mà là sự thay đổi để bình ổn cho xã hội và trật tự của thế giới.

Trong lúc mình ngồi viết bài này, thì lại thấy tin tức của Đài Loan và Hồng Kông. Thực ra mình cũng không hiểu một chế độ mà chỉ dùng bạo lực để bắt người ta tuân phục theo mình, hoặc cưỡng chiếm nhân tâm thiên hạ, thì liệu đến bao giờ mới có được giờ phút thảnh thơi cho chính họ và cho đất nước của họ ? Xưa nay ai cũng biết chỉ có những quốc gia an dân thì mới tạo được hạnh phúc.

Hong Kong từng là một trong những trung tâm tài chánh, dân chủ và phồn thịnh nhất thế giới. Từ lúc về tay Cọng sản TQ, chỉ có đi xuống với những bạo lực, máu và nước mắt. Thế mà lại lăm le tiếp đến Đài Loan. Nhưng đó là những câu chuyện tạo nghiệp bởi cái tham vọng, vô luân của nhà cầm quyền CS TQ. Bao giờ mới hết....?





No comments:

Post a Comment

Comments: