Monday, January 25, 2021

Phiếm: Thánh Phán :-)

 


Hôm nay là cái chủ nhật đầu tiên sau khi Mỹ có ông tổng thống mới. Không biết từ ngày ông ấy nhận chức đến nay, số lượng "Thánh Phán" trên mạng xã hội đã giảm bớt chưa. Nhưng sáng nay uống cafe bỗng dưng muốn bàn loạn một chút về cái đề tài hấp dẫn này :-)

Nhớ VN ngày xưa có câu ca dao "Hòn đất mà biết nói nói năng, thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn". Nhưng thời nay không còn ai lo lắng chuyện đó cả. Vì dẫu cho hòn đất có biết nói năng, chữ nghĩa có biết đôi chối, tin tức có biết tố cáo, thì cũng không ai sợ mất hàm răng. Chẳng ai biết ai ở đâu mà lần, vả lại đó là quyền tự do ngôn luận của họ. Còn răng giả răng sứ, implant, bây giờ cũng đầy rẫy:-). Bởi vậy cho nên trên mạng xã hội, ai phán được thì phán, ai "lai chim" thì cứ "lai chim", ai vịt cứ vịt, ai gà cứ gà, vô tội vạ, nghe như thiệt ai tin ráng chịu. Thỉnh thoảng mình cũng nhận được emails hoặc tin nhắn từ một số người quen. Nhiều khi coi Youtube hoặc tin tức của họ gởi, mà giựt mình không biết chuyện từ đâu ra, ma từ đâu đến ? Buồn cười là có nhiều ông chữ nghĩa một bụng lại đi nghe theo cái ông chữ được chữ không, chẳng qua vì “phán” đúng ý nhau. Ban đầu thấy lạ, nhưng riết rồi cũng quen dần. Thôi thì cứ nghe theo nhạc sĩ VTA, "lâu rồi đời mình cũng qua", sẽ cảm thấy dễ chịu hơn :-) 

Thực ra, chuyện "thánh phán" thì lâu nay cũng không lạ lẫm gì. Ở quê nhà, gọi đó là những "câu chuyện làm quà". Thích thì phán, vô tội vạ, vô căn cứ. Đôi lúc lập lờ nửa đúng nửa sai, nghe cứ như thiệt, rồi cũng có người tin, cứ thế mà đồn đãi. Giỗ chạp, hội hè, họp mặt đồng hương, đồng trường, đồng lớp .... thỉnh thoảng vẫn nghe những câu chuyện như thế. Ngại nhất là lần hồi trở thành một thứ nhu cầu, thành một thứ văn hoá “địa phương”, thì nguy hiểm hơn nhiều. Thời đại bây giờ có nhiều công cụ mạng xã hội như Facebook, Twitter, gục gờ (google), lai chim (livestream) lai chuột...thì những tin tức đồn đãi lại càng nhanh chóng và dễ dàng hơn nữa. 

Thương nhau hoặc ghét nhau, lâu lâu cứ ưu ái tặng nhau vài câu chuyện làm quà. Đúng sai cũng chẳng cần kiểm chứng, có khi nhân vật chính nghe được cũng vò đầu bức tai không biết tích tuồng từ đâu ra :-). Ra nước ngoài, tưởng chừng đời sống văn minh hơn, ứng xử sẽ khác hơn, nhưng rồi đâu cũng vào đấy. Suy cho cùng ở đâu cũng không tránh được những hệ lụy này. Đôi lúc ở những xứ văn minh, tự do ngôn luận, các "thánh phán" càng phát triển mạnh mẽ hơn. Kỳ bầu cử ở Mỹ vừa qua là ví dụ điển hình rõ nét nhất, tin vịt nhiều như lá rụng mùa thu. Nhưng không phải chỉ có dân gốc Á mới độc quyền món này, mà các cộng đồng khác cũng có, chỉ là nhiều hay ít, tùy theo khả năng phân tích vấn đề hoặc văn hoá ứng xử khác nhau mà thôi. 

Khi nói đến những câu chuyện làm quà, “fake news”, tin gà tin vịt, thì chắc ai cũng từng là nạn nhân dăm ba lần hoặc nhiều lần trong đời, chứ chẳng phải cứ là ông Trump ông Biden thì mới bị. Nên đó không phải là những chuyện lạ lẫm gì. Cũng chẳng cần phải là những tin tức chính trị chính em to tác đội đá vá trời gì cả, mà có khi chỉ đơn giản là những câu chuyện nói cho có, hoặc nói cho vui để rôm rả trên bàn ăn bàn nhậu. Nghe đi nói lại thiếu chữ thêm chữ, hoặc hiểu theo cách riêng muốn hiểu. Thế rồi đôi lúc đi quá giới hạn, thành ra phát tán tin vịt tin gà, tam sao thất bổn. Có người đi xa hơn nữa, dựng thành thuyết âm mưu, đả kích vu khống, mạ lị cá nhân, rồi kéo nhau ra tòa. Có nhiều người cho là chuyện vặt vãnh bỏ qua, nhưng cũng có người bức xúc làm lớn chuyện lên, tai tiếng cả cộng đồng, hội đoàn, đồng bào đồng hương với nhau. Cứ thỉnh thoảng lại nghe báo đài đăng tin. Mới năm rồi một ông tiến sĩ gốc VN vùng DC cũng bị phạt cả hơn trăm ngàn đô, vì tội phỉ báng đồng hương. Quan toà nghe kể tích tuồng cũng phải lắc đầu chào thua, nhưng rồi đâu cũng vào đấy. Suy cho cùng, có thể đó cũng là một phần của văn hoá địa phương hoặc nhu cầu đời sống của họ !

Cái quan trọng hơn là làm sao tránh được những hệ lụy của các thánh phán gây ra trong đời sống hàng ngày của mình. Gần đây nhất, đặc biệt nổi trội là chuyện bầu bán tổng thống Mỹ. Ôi thôi, thượng vàng hạ cám, không biết là bao nhiêu kênh Youtube, Facebook, Twitter, Instagram  ... ra đời. Thánh  phán, thánh chửi, thánh vịt, thánh đề ... kênh nào mở lên cũng thấy. Ai cũng nói hay nói đúng, tin tức trung thực, phân tích khách quan. Nhiều người có tiệm quán làm ăn đàng hoàng, cũng ráng kê sẵn cái bàn "lai chim", rãnh lúc nào là leo lên phân tích tình hình kinh tế, chính trị, sách lược bầu bán nghe như chuyên nghiệp. Thỉnh thoảng có những kênh tin tức nhảy xổm vào trang nhà của mình. Nghe mà cảm thấy nể nang sự “can đảm” và lòng “nhiệt tình” của các anh các chị. Âu chắc cũng là có ý tốt giúp đỡ đồng hương hải ngoại và bà con ở quê nhà thông hiểu thêm về tình hình thế giới. Có nhiều người thấy đọc tiếng Anh không rành, nhưng tin tức của họ dịch ra tiếng Việt lại rất mạch lạc lưu loát. Phân tích tình hình nghe còn mới lạ hơn cả các đài tầm cỡ thế giới như BBC, RFA, Fox News, CNN, Newsmax, NBC, Politico, ABC....v.v. Thỉnh thoảng mấy anh em bạn bè của mình cũng có chuyển tiếp một số tin tức & clips liên quan đến bầu cử. Nhưng thực ra nhiều quá rồi cũng bỏ qua, quên mất. 

Có một điều mình vẫn thắc mắc là thông tin tin tức thì cũng xuất phát từ bấy nhiêu nguồn ấy thôi, cho dù là "trái" hay "phải". Nhưng sao khi các vị dịch ra tiếng Việt thì lại có nhiều tin tức giựt gân đến thế. Tất nhiên là báo chí truyền thông ở những nước tự do như Mỹ thì rất phong phú. Có cánh hữu (bảo thủ - conservative), cánh tả (cấp tiến -liberal), rồi cực hữu, cực tả, hữu sơ sơ, tả sơ sơ, tả hữu lẫn lộn ....v.v.. Nên chuyện giới truyền thông bị lũng đoạn thao túng, báo đài cánh hữu cánh tả, thiên vị đưa tin, tấn công phe phái nhau, cũng là những chuyện bình thường thôi. Thực tế có nhiều người cả đời chỉ đọc tin tức của cánh tả, thì chắc cũng không biết cánh hữu nói gì, và ngược lại cũng vậy, thế rồi suốt ngày lại cãi nhau. Mà xã hội thì lâu nay vẫn thế chứ không phải đến bây giờ mới có những tệ nạn đó, chỉ là thời gian gần đây bùng phát dữ dội, ngày càng tha hoá hơn thôi.

Cho nên thời đại bây giờ đọc tin tức phải chịu khó phân tích kỹ càng, nếu không cũng dễ bị lệch lạc nghe tin phiếm diện một chiều. Mà lại dễ dàng trở thành nạn nhân của các “thánh phán”. Nói một cách công bằng thì có lẽ một số vị thánh phán cũng không biết mình đang “phán”, vì cũng nghe đi nghe lại trên mạng, rồi vô tình đồn đãi, tung tin thất thiệt trong cộng đồng, đồng hương bạn bè với nhau mà thôi.

Ở những nước tự do, thông tin rộng rãi, nhưng đó cũng là một con dao 2 lưỡi. Tin tức báo chí truyền thông thì lâu nay vẫn vậy, tự do ai thích nghe, thích đọc bên nào thì cứ tìm mà đọc, rồi chuyển gởi cho bạn bè người thân. Đương nhiên là nếu thích bên này thì phê phán bên kia, tìm cái xấu của bên kia mà thổi phồng lên, còn cái sai cái xấu của bên ta thì dấu lại. Nhiều lúc bạn bè tin nhau, đọc cứ tưởng thiệt, không cần kiểm chứng, thành ra cố chấp hiểu sai vấn đề. Tất nhiên là con người thì ai cũng tin tưởng và ủng hộ phe mà họ cho là “chính nghĩa”, nên bao giờ phe đối lập cũng là “tiểu nhân dối trá”. Nhưng sự thật thì đại đa số chúng ta cũng chỉ hiểu biết vấn đề trong phạm vi khuôn khổ giới hạn của mình. Càng bảo thủ thì càng hạn chế góc nhìn, càng dễ dẫn đến những ứng xử cực đoan, càng khó có được tầm nhìn tổng quan và công bằng. Nguy hiểm hơn nữa là có một số người luôn tử tế chia sẻ những thông tin “mới mẻ” và “nóng bỏng” cho người khác, vô tình phát tán những thuyết âm mưu, hoặc truyền tải những tin tức mà họ “thích nghe” hoặc “muốn nghe” đến với đồng hương và bạn bè của họ. Trong đó có những người không có thời gian xem tin tức hằng ngày, hoặc tiếng Anh tiếng u không rành, không có cơ hội kiểm chứng, nên cứ thế mà tin tưởng nghe theo. Cũng bởi vậy mà có nhiều người không hề biết rằng chính họ đang từng bước trở thành nạn nhân của các “thánh phán”, hoặc đang bị cuốn theo các những  tin tức sai lệch một chiều, thậm chí bị “tẩy não” từ bạn bè hoặc người thân của họ. Đó là còn chưa nói đến nhiều người chuyên nghiệp hơn, tài giỏi cao siêu hơn, biết thiên hạ thích nghe gì, luôn nghĩ ra cách câu view, câu like, lên YouTube vẽ rồng vẽ rắn kiếm thêm nút vàng nút bạc cho kênh của họ.

Cho nên hầu như là tuỳ theo ở trong môi trường nào, tiếp cận với ai, bạn bè thuộc phe phái nào, thì có thể có những nguồn thông tin khác nhau. Nhưng còn thông tin đó đúng hay sai lại là chuyện khác. Tất nhiên là ai cũng cho tin tức của mình là đúng, nhận định phân tích của mình là chuẩn xác :-). Điều đó cũng hợp lý thôi, lâu nay ai cũng biết gần mực thì đen gần đèn thì sáng, và ai lại chẳng nghĩ rằng mình đang ở gần đèn. Bỗng nhớ đến trước giờ nhiều người từng phê phán và lên án Joseph Goebbels của Đức quốc xã về câu nói "“If you tell a lie big enough and keep repeating it, people will eventually come to believe it." (Tạm dịch: Nếu nói dối và lập đi lập lại mãi, người ta nghe hoài cũng tin). Nhưng biết đâu chính chúng ta cũng đang là nạn nhân của câu nói đấy ?

Nhìn lại, khoa học công nghệ thời nay phát triển quá nhanh và ảnh hưởng quá lớn đối với xã hội chúng ta. Chắc chắn ít nhiều tạo ra sự mất cân bằng về khả năng xử lý thông tin trong đời sống hằng ngày của con người, nhưng mấy ai chấp nhận điều đó ? Hôm trước mới coi một cuốn phim tài liệu ở Netflix tựa là "Social Dilemma". Khá hay, mình nghĩ các bạn nên coi, nhất là những bạn có con nhỏ.

Ngày xưa các tôn giáo cũng quan tâm nhiều đến sự nhận thức đúng đắn của con người và các vấn nạn thông tin lệch lạc, phiếm diện trong đời sống. Trong Kinh Thánh (Isaiah 5:20) cũng có nói "Woe unto them that call evil good, and good evil; that put darkness for light, and light for darkness; that put bitter for sweet, and sweet for bitter". Còn đối với đạo Phật, thì lại càng chú trọng đến vấn đề nhận thức của mỗi cá nhân hơn, vì đó là mục đích tối thượng của sự giác ngộ trong PG. Trong đạo Phật, có cả một tông phái, "Duy Thức học" hoặc "Duy thức Tông", tiếng Phạn là Yogacara/Yogachara, chuyên tu tập và nghiên cứu về "ý thức, nhận thức" (Consciousness) của con người. Ngày nay các trường đại học lớn như Harvard, Yale, Standford ... khoa Phật học (Buddhist Studies) đều có dạy môn này. 

Tất nhiên ai cũng đồng ý là cách tiếp cận thông tin của con người với thế giới chung quanh vô cùng quan trọng. Nhưng nếu như cách tiếp cận không đúng sẽ dẫn đến nhận thức lệch lạc. Chỉ biết dựa vào các tin tức mơ hồ, thông tin phiếm diện một chiều, chắc chắn sẽ dẫn đến những vấn đề phức tạp trong ứng xử đời sống và nhiều hệ lụy đáng tiếc. Mấy tháng qua, biết bao nhiêu bạn bè thân quen, gia đình bằng hữu, đồng hương, đổng bào, đồng sàn, đồng chí... trở mặt chửi bới nhau, ghét thương lẫn lộn, chỉ vì thông tin của một mùa bầu cử Mỹ. Dĩ nhiên là thông tin đến với con người bằng nhiều hình thức khác nhau. Có đúng có sai, có thực có giả, có thêm có bớt. Nhưng ai cũng có những lăng kính và bộ lọc (filters) nhất định dành cho riêng mình. Khả năng nhận định đúng sai còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, nhưng ai cũng có quyền tin theo cách của họ. Và chính những sự khác biệt đó đã làm nên cuộc sống đa dạng và sinh động như ngày hôm nay. Thiết nghĩ chúng ta nên tôn trọng sự khác biệt đó, và công bằng với nhau, mặc dù có lúc sự bảo thủ cố chấp và những tin tức ngụy tạo có thể gây ra muôn vàn phiền phức cho chúng ta và những người chung quanh. Lại càng không nên vì những quan điểm khác biệt mà thêm thắt dựng chuyện làm khổ những người dễ tin. Một trong những câu chuyện ngụ ngôn mình thích nhất xưa nay là chuyện "Sáu người mù sờ voi". Tuy nhiên, mỗi lúc nhắc đến câu chuyện đó, mình vẫn ước ao giá như sáu anh mù đó chỉ cần ngưng cãi một lúc và tự hỏi tại sao có đến 6 con voi khác nhau, thì có lẽ thiên hạ đã trở nên thái bình và an vui hơn nhiều. Trộm nghĩ vậy, nhưng điều đó đến nay vẫn mãi là một ước mơ :-) !

PN
(Those who cannot change their minds cannot change anything - George Bernard Shaw)


2 comments:

  1. Bài viết có nhiều chi tiết sâu sắc, nhiều so sánh,phân tích đối chiếu rỏ ràng,nếu có thêm nhiều ví dụ thì hay hơn.

    ReplyDelete
  2. Cảm ơn anh. Em nghĩ mấy chuyện này xảy ra hàng ngày trên mạng, nên không nêu thêm ví dụ. Chúc anh vui khoẻ bình an. PN

    ReplyDelete

Comments: