Friday, August 20, 2021

Tản mạn về "vô úy thí" !

 


Hôm trước viết bài tản mạn về từ thiện, mình có nhắc đến chữ "vô úy thí". Có vài bạn gởi email hỏi thêm, nhưng bận rộn rồi cũng chưa có dịp trả lời. Sáng nay đọc tin dịch bệnh ở quê nhà, thấy ngày càng căng thẳng, mình muốn viết thêm chút về đề tài này. 

Như trước đây mình có nói, rất nhiều kinh sách và kinh tụng của VN thường được phiên âm hoặc phiên dịch với những từ Hán Nôm, làm cho nhiều người khó hiểu, khó nhớ, nên dễ bỏ qua, đặc biệt là giới trẻ. Ví dụ như cụm từ "vô úy thí" này cũng vậy, mình tạm dịch ra tiếng Việt là "giúp cho người khác không sợ hãi". (Cũng xin nhắc lại đây là những tiêu chí thực hành trong lục ba la mật (six paramitas), hướng dẫn cho những người muốn tu tập, thực chứng bản thân, tìm đến sự giác ngộ. Ai muốn thực hành cũng được, không phân biệt phải là tín đồ PG. Còn nếu không thực hành, thì mọi lý thuyết lớn nhỏ, chùa to thầy giỏi, đều trở thành vô nghĩa).

Trong tiếng Anh, chữ "vô uý thí" được diễn nghĩa đơn giản là "giving protection from fear" hoặc là “the gift of fearlessness”. Nghĩa là sự bảo vệ hoặc giúp đỡ kẻ khác vượt qua nỗi sợ hãi. Đây là một trong những việc làm khó nhất của hạnh bố thí, hay nói cách khác là sự cho đi" (generosity). Mở ngoặc chút để nhắc lại PG quan niệm có 3 loại bố thí, đó là tài thí, pháp thí, và vô uý thí. Tài thí thông thường là đơn giản nhất, cho đi tài vật, cúng dường, ủy lạo ..v.v. Còn pháp thí và vô úy thí là những thực hành tương đối khó khăn hơn. Tất nhiên là để giúp đỡ được kẻ khác, trước tiên họ phải vượt qua được nỗi sợ hãi của chính bản thân và có những hành động thiết thực hoặc sự khuyên bảo, hướng dẫn kẻ khác hợp lý hợp tình. Chứ chỉ nói cho có lệ, mà bản thân cũng sợ hãi, lẫn trốn, thì càng làm tăng phần sợ hãi cho người cho mình. Ở đây mình chỉ muốn nói đến một phạm vi nhỏ của "vô úy thí" trong mùa dịch bệnh covid-19 tại quê nhà. 

Rõ ràng đây là lần đầu tiên VN và nhiều quốc gia khác trãi qua kiếp nạn dịch covid này. Đại đa số người dân ở khắp nơi, ai cũng bị rơi vào trạng thái hoang mang, lo âu, sợ hãi. Không biết chuyện gì sẽ xảy ra, tương lai của họ cùng gia đình sẽ ra sao trong những ngày sắp tới ? Người chết ngày càng nhiều, ngay cả tang lễ, thể xác của thân nhân cũng không biết đi về đâu. Nên chắc chắc là họ sợ !
Vậy ai sẽ là người trấn an được họ ? Và ai sẽ là người giúp đỡ người dân vượt qua những nỗi sợ hãi này ? 

Lâu nay bất kỳ xã hội nào, quốc gia nào, cũng đều nói là vì dân vì nước. Thực ra nói suông thì bao giờ cũng dễ, đặc biệt là lúc bình yên, trà dư tửu hậu. Duy chỉ có những lúc lâm nạn hiểm nguy như thế này thì con người mới hiểu nhau được nhiều hơn, họ mới nhận ra được thế nào là một chính phủ “do dân” và “vì dân”. Ngày xưa trong các cuộc chiến tranh trên thế giới cũng thế, người dân cũng chỉ hiểu được chính quyền sau khi cuộc chiến kết thúc. Vì đó là thời điểm thể hiện và chứng minh những lời hứa hẹn ! 

Sợ hãi thì có nhiều nguyên nhân, trước hết nói về chuyện tin tức. Có loại tin tức làm người ta an tâm, nhưng cũng có loại tin tức làm người ta sợ hãi. Năm ngoái ở Mỹ, thời gian cao điểm của dịch bệnh, ông Trump ngày nào cũng lên TV cùng với ban bệ chống dịch để cập nhật tin tức, và trấn an đồng bào. Trực tiếp thông báo những bước đi cũng như sự chuẩn bị kế tiếp. Lãnh đạo các quốc gia Canada, Anh, Pháp, Ấn ..... đều làm tương tự như vậy. Riêng ở Mỹ, thời gian đó cũng là thời gian cao điểm của cuộc tranh cử, nhưng ông Trump hầu như không bỏ sót một ngày nào. Tất nhiên không phải chỉ là ông Trump, mà bất kỳ một tổng thống tại vị nào khác, cũng đều sẽ làm như vậy. Vì chỉ có chính họ nhìn thẳng vào mắt người dân của họ, tuyên bố những điều có thực như trợ cấp đói nghèo, trợ cấp thất nghiệp, kế hoạch ngăn chận, phương án thuốc ngừa, bịnh bao nhiêu, chết bao nhiêu ..v.v... thì mới làm cho người dân yên tâm, bớt lo lắng sợ hãi. Mặc khác người dân cảm nhận được những người chủ quản quốc gia đang đồng hành và chia sẻ với họ, cho dù biết đó chỉ là những công thức chính trị. Người ta thường nói tin đồn gây ra hoang mang. Quả nhiên là đúng. Trong thời buổi cách ly chống dịch, ai cũng dựa vào cái phone, cái đài, cái TV, cái máy tính để biết tin tức phía ngoài. Nếu tin tức loạn xạ, nay nói này mai nói khác, không ai chịu trách nhiệm về những việc xảy ra, thì sự sợ hãi trong dân sẽ càng tăng thêm gấp bội !

Còn nói đến sự sợ hãi thì có nhiều thứ sợ. Sợ chết, sợ đói, sợ mất của, sợ bị lây, sợ lây cho người khác, sợ bị phạt, sợ bị giam, sợ bị chụp mũ, sợ nói thật, sợ liên lụy, sợ thuốc giả, sợ tin giả, sợ bị lừa ...v.v.. Có những thứ sợ mới nảy sinh trong mùa dịch bệnh, nhưng cũng có những thứ sợ đã ngấm sâu trong máu bao lâu nay. Có người thì biết mình đang sợ, biết mình đang ngậm miệng ăn tiền, nín thở qua sông. Nhưng cũng có người sợ mà không biết mình đang sợ vì đã quá quen thuôc, trở thành thuộc tính. Nên hôm trước có ông bạn kia nói chuyện với mình, nói về những điều anh sẽ làm cho người thân của anh ít lo sợ dịch bệnh hơn. Mình không dám có ý kiến, vì mỗi người có một góc nhìn khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, nỗi sợ hãi cũng khác nhau. 

Tuy nhiên theo thiển ý của mình thì phần đông con người chúng ta, niềm vui hay nỗi buồn, cũng như sự hạnh phúc hay sợ hãi, đều có nguyên nhân hoặc xuất phát từ những hoàn cảnh hay tình huống bên ngoài. Còn đối với các bậc thiện tri thức, cao tăng trí huệ, hoặc những người thông hiểu đạo pháp, thì ngược lại, mọi thứ đến từ bên trong, nên sự nhiễu loạn bên ngoài chắc sẽ không làm ảnh hưởng đến sự an nhiên tự tại của họ.

Bởi vậy nói đến sự sợ hãi của đa số người dân trong thời kỳ dịch bệnh hiện nay chỉ có chính phủ mới giúp họ xoa dịu được. Một khi người dân cảm thấy hoàn toàn bất lực, không biết ngày mai ra sao, không biết kế hoạch tương lai như thế nào, thì chẳng có nỗi lo lắng nào lớn hơn. Không tự chủ được tình huống và không lo lắng được cho sự an nguy của người thân và gia đình. Cái ăn cái ở cũng vượt ra ngoài tầm kiểm soát của họ, thì cho dù có tiền đống vàng bao cũng sợ, huống hồ chi là những người dân nghèo khổ, bữa đói bữa no, không nhà không cửa, tiến thoái lưỡng nan. Nói đến thì vừa thương vừa phục sự nhẫn nhịn, chịu đựng, của người dân SG nói riêng, dân VN nói chung.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong thời kỳ dịch bệnh, chính quyền bằng mọi cách nổ lực xoa dịu tình huống căng thẳng và nỗi sợ hãi lo lắng cho người dân. Họ thẳng thắn công bố số liệu dịch bệnh hàng ngày, công bố phương án kế hoạch và những thay đổi lên xuống rất là cụ thể để người dân đối diện với sự thật, không đóan già đóan non. Họ chi tiền, trích ngân sách khẩn cấp, để trợ giúp người nghèo, người thất nghiệp, gia đình hoặc doanh nghiệp khó khăn. Họ ký luật bảo vệ những người dân không đủ điều kiện trả tiền nhà, tiền mướn, tiền điện, tiền nước, để khỏi bị đuổi ra đường. Họ xây dựng những chương trình phúc lợi địa phương để giúp đỡ những hoàn cảnh ngặt nghèo, trường hợp khẩn cấp. Họ thành thật với người dân trong các kế hoạch tiêm chủng và mức độ hiệu quả của thuốc men (Tất nhiên sẽ không bao giờ có một số liệu chính xác, nhưng ít nhất là số liệu tối ưu đủ để tạo được niềm tin với người dân). Họ đưa ra lộ trình với những kế hoạch cụ thể, tránh tình trạng mục tiêu khống, gây thêm hoang mang. Họ luôn đưa giới chuyên môn, khoa học để phân tích hiện trạng dịch bệnh và dự đoán số liệu, chứ không đưa quan chức chính trị hoặc giới chức tuyên truyền phát ngôn, gây hiểu lầm nguy hiểm...v.v... Bên cạnh đó là các tổ chức dân sự vận động quyên góp giúp đỡ, hổ trợ tinh thần lẫn nhau. Đó là những cách thức ứng xử thường thấy ở một số nước trong thời gian dịch bệnh vừa qua, rất đáng học hỏi. (Tất nhiên ở đâu cũng không tránh khỏi những mặt trái tiêu cực, thành phần bất lương lợi dụng phá rối, nhưng đó chỉ là số ít). Mình nghĩ mỗi đất nước có hoàn cảnh khác nhau, nhưng chắc chắn là chính phủ nào rồi cũng sẽ quan tâm và lo lắng cho người dân của họ như vậy thôi. VN vốn có ưu thế rất lớn vì gần năm rưỡi qua không có dịch bệnh nặng, nên có nhiều thời gian để chuẩn bị cơ sở y tế và thuốc men dự phòng. Nhưng không rõ các vị lãnh đạo VN đã xử dụng ưu thế đó như thế nào mà mấy chục ngàn người dân ở SG đã chết vội vã như vậy ?

Thời gian qua, bản thân mình cũng như bao người khác, lúc nào cũng tôn quý các lực lượng y tá, bác sĩ, y tế, nhân viên ngày đêm ở tuyến đầu chống dịch. Cũng rất quý trọng những nhà hảo tâm, từ thiện, các anh chị em giao hàng, nhân viên siêu thị bán hàng, cung ứng, vệ sinh ... đã không ngại nguy hiểm khó khăn, xông pha giúp người. Tuy nhiên bên cạnh đó, trong cơn nguy biến hiểm nghèo, nhiều người cũng không khỏi thất vọng vì sự vắng mặt của một số trí thức, quan chức, đại biểu, biểu tượng tinh hoa, đã từng thường xuyên đóng góp ý kiến xây dựng xã hội đất nước. Có nhiều vị từng tuyên bố ầm ỉ “ta không sợ dịch”, nhưng khi dịch đến thật thì lại bối rối vô cùng. Đó cũng là điều bất hạnh cho nước nhà, nhất là trong giai đoạn nguy biến như thế này. Cũng có thể họ còn phải bận rộn với những nhiệm vụ cấp bách hơn mà tổ quốc giao phó chăng ? Tất nhiên là nước nhà còn lắm việc quan trọng hơn chuyện đi khám điền thổ giữa mùa dịch bệnh :-)

Thực tế trong một cuộc chiến có tầm cỡ ảnh hưởng đến hàng ngàn sinh mạng vô tội, tai ương đổ xuống hàng vạn gia đình, liên quan đến sự tồn vong sống còn của nền kinh tế quốc dân, thì vai trò quyết định đúng đắn của nhà nước và chính quyền là vô cùng thiết yếu. Hơn bao giờ hết, nỗi sợ hãi lo lắng của người dân đang cần một sự trấn an, bảo vệ. Và đương nhiên là sự an ủi quan tâm khác với sự đe dọa gây khó. Đó cũng chính là hành động "vô úy thí" tối thiểu mà một chính phủ có thể làm được cho người dân của họ !

Bên cạnh đó, trong hoàn cảnh khốn đốn vượt ngoài tầm tay trong giai đoạn này, không hiếm những người mất phương hướng, tìm đến tôn giáo hoặc các chùa chiền, nhà thờ, nhà nguyện, để cầu an cầu phúc và thỏa nguyện nhu cầu tâm linh của họ. Xưa nay đức tin vẫn thường giúp đỡ con người vượt qua những thời khắc khó khăn nhất. Đức tin càng mạnh mẽ, khả năng chịu đựng càng cao, sự sợ hãi càng thu nhỏ lại. Tất nhiên có những đức tin chỉ mang tính giai đoạn, có những đức tin tồn tại lâu dài, và cũng có những đức tin phản bội lại sự thật. Cũng không hiếm những nơi lợi dụng đức tin sai lệch để dẫn dắt con người vào chỗ mê tín, ru ngủ sự tỉnh thức và khả năng phân tích vấn đề của họ. Đó cũng là chuyện thường thấy trong xã hội. Mình không muốn bàn sâu vào lãnh vực này !

Tuy nhiên, theo thiển ý của mình thì một người sợ hãi sẽ khó giúp được người khác không sợ hãi. Một người ham muốn nhiều quá thì khó có thể truyền đạt được ý nghĩa buông bỏ cho người khác. Một người bảo thủ, định kiến cố chấp thì khó có thể thực chứng được đạo lý “vô thường”. Một người đề cao "cái tôi, cái tớ" nhiều quá, thì cũng khó giảng giải được cái "vô ngã" cho kẻ khác. Một người sở hữu quá nhiều sổ đỏ, chức tước, chùa to, xe đẹp thì cũng khó thuyết giảng được cái "không" cái “có” trong kinh điển nhà Phật. Đơn giản là vậy. Nhưng chuyện đời cái gì cũng có thể thay đổi. Đâu có gì là bất biến !

Bỗng nhớ đến một câu chuyện nổi tiếng của thiền sư người Nhật, Suzuki Roshi, một trong những người đặt nền tảng Thiền học ở Mỹ vào những thập niên trước. Ông có người học trò theo học đạo khá lâu, một hôm chịu đựng hết nỗi, giữa thiền đường đông đúc, đứng lên hỏi : "Suzuki Roshi, I've been listening to your lectures for years, but I just don't understand. Could you just please put it in a nutshell? Can you reduce Buddhism to one phrase?" (Tạm dịch: Ngài Suzuki Roshi, tôi theo học đạo của Ngài nhiều năm rồi, nhưng tôi vẫn không hiểu. Ngài có thể nói thẳng vào trọng tâm vấn đề không ? Có thể tóm gọn đạo Phật trong một câu được không ? 

Ai nghe câu hỏi cũng cười. Ngài Roshi cũng cười và trả lời:

"Everything changes" (Tạm dịch: Mọi thứ đều thay đổi)

Quả nhiên là vậy. Mọi thứ đều thay đổi, và không ai có thể ngoại lệ. Dịch bệnh, tuổi tác, tài sản, gia đình, con cái, chức tước ....đều sẽ phải thay đổi, không thể cưỡng cầu. Mỗi con người cho dù tài giỏi hoặc vùng vẫy tới đâu, thì cũng chỉ có thể làm tốt nhất trong khả năng hiểu biết của họ, và cũng chỉ có thể tồn tại trong một giai đoạn nào đó. Mọi chuyện có thể không xấu như mình đang nghĩ, và luôn luôn thay đổi. Chính sự cưỡng cầu làm cho mọi chuyện rối ren hơn. Hiểu thấu được quy luật này, cuộc sống cũng sẽ nhẹ nhàng hơn, hy vọng mỗi ngày bớt sợ hãi hơn .... 

PN



2 comments:

  1. Hay lắm!
    Mỗi người nên tự chế ngự nỗi sợ hãi bằng tư duy vô thường đi.
    Dĩ nhiên CP phải làm nhiệm vụ mà họ đã hứa với nhân dân. Nhưng cũng không nên ngồi chờ CP. CP làm sao hồi đáp được hoàn cảnh của mọi người!

    ReplyDelete

Comments: