Mấy hôm nay, thời tiết miền Đông Hoa kỳ mưa lạnh, kéo dài nhiều ngày, lan qua nhiều tiểu bang. Sáng mùng một tết, dẫn con đi lễ chùa, rất lạnh, nhưng vẫn thấy nhiều người ở xa đi đến rất sớm. Chùa vẫn đầy hoa quả, hương đèn rực rỡ, vẫn băng rôn Mừng Xuân Di Lặc. Về nhà tự nhiên muốn viết một chút gì về ông Phật Di Lặc.
Chắc hẳn nhiều người xưa nay cũng biết ngày mùng một Tết là ngày vía đức Phật Di Lặc. Nhưng nếu hỏi tiếp đến ngày vía là ngày gì, đức Phật Di lặc là ai, tại sao Ngài lại có cái hình dáng vui vẻ từ bi hoan hỉ như thế, thì có khi là mỗi người hiểu biết mỗi cách khác nhau. Có thể mỗi nơi, mỗi chùa, mỗi thầy, mỗi sư, giảng giải mỗi kiểu. Mình thì vốn không quan tâm lắm đến những diễn giải chúc tụng khác nhau, trái lại rất thích ngắm nhìn hình ảnh vui vẻ của Ngài Di Lặc mỗi lúc đi chùa. Dẫu biết rằng đó chỉ là biểu tượng hoá thân do người đời nghĩ ra, tạo tác, nhưng đầu năm nhìn thấy cái thân tượng cười hề hà hiền lành của Ngài là đã cảm thấy nhẹ nhàng và thanh thản. Mà cũng không cần phải đợi đến tết nhứt, cứ mỗi lúc ưu tư, suy nghĩ gì nhiều, nhìn ông Phật Di Lặc là thấy vui vẻ rồi :-) .
Còn bên Tây thì cứ "Happy Buddha" mà gọi ông, nhiều người còn nhầm lẫn giữa "ông Địa" và ông Di Lặc. Lâu nay có nhiều người cho rằng Phật Di Lặc sẽ là vị Phật tái sanh vào lần tới, gọi là hội "Long Hoa", để cứu giúp con người trên cõi thế gian. Mình thì không hiểu biết lắm về những câu chuyện như thế này nên không dám bàn đến. Tuy nhiên, mình vẫn quan niệm rằng thế gian luôn có nhiều vị "bồ tát" hiện thân cứu giúp thiên hạ, chứ không phải chỉ có "Phật" ra đời mới làm được chuyện đó. Cũng không phải chỉ có theo đạo Phật thì mới thành "Phật" được. Những bậc độc giác Phật ngày xưa chưa từng nghe qua kinh pháp của Phật Thích Ca, mà họ cũng trở thành những đấng giác ngộ. Mẹ Teresa, các vị thánh tử đạo, hoặc nhiều vị giáo sĩ Thiên chúa giáo đã hy sinh thân xác cả cuộc đời, đi khắp nơi để giáo hoá và cứu giúp nhân loại, đó cũng là những vị "bồ tát" đáng kính. Bao nhiêu nhà khoa học, bác sĩ, y tá đã hy sinh cái riêng, ngày đêm đối đầu với cái chết để cứu giúp bịnh nhân dịch bệnh không ngừng nghỉ. Chung quanh ta hàng ngày, có biết bao nhiêu vị cống hiến hết tài sản, công sức của họ để cứu giúp người khác và xã hội bằng nhiều hình thức khác nhau. Biết bao nhiêu chư tăng ni, sư sãi, cha đạo, mục sư, sơ dì ...đã ngày đêm xả thân vì người khác. Thậm chí có nhiều vị chỉ là dân đen bình thường, nghèo khổ buôn gánh bánh bưng, chạy xe xích lô, xe ôm, xe thồ, phu vác... mỗi ngày, vẫn không ngần ngại hy sinh cả miếng ăn cuối cùng của họ, để thầm lặng giúp đỡ kẻ khó, làm cho cuộc sống xã hội ngày càng ý nghĩa hơn, tử tế hơn. Đó cũng là những vị bồ tát trong đời thường vậy !
Riêng nói về Phật Di Lặc, xưa nay mình rất thích đọc và tìm hiểu những kinh sách nói về Ngài. Theo lịch sử PG, ngài là một vị Bồ tát, có tên là Maitreya (tiếng Sanskrit), hoặc Metteyya (tiếng Pali). (Xin mở ngoặc nói về khái niệm "bồ tát". PG Bắc truyền Mahayana cho rằng đó là những đấng giác ngộ, nhưng họ phát nguyện không về cõi Phật, mà chọn con đường cứu giúp và giải thoát chúng sanh bằng những hình thức khác nhau như tái sanh, giáo huấn, phù trợ, cứu giúp, dạy dỗ ... cho đến khi viên mãn. Ví dụ như ngài Địa Tạng, ngài Quan Âm, ngài Di Lặc ..v.v. Khái niệm “bồ tát” chủ yếu được giới thiệu ở PG Đại thừa (Bắc truyền), nên có nhiều người đi chùa PG Nam truyền (Theravada) thường không nghe nói đến những khái niệm này).
Nói rõ thêm, nguyên thuỷ trước sau PG cũng chỉ có một "Phật Thừa" thôi. Tuy nhiên trãi qua nhiều giai đoạn phát triển, PG đã hình thành nên một số tông phái có những quan điểm và cách tu tập chuyên biệt do ảnh hưởng nhiều yếu tố khác nhau. Có thể là liên quan đến tuệ căn của các bậc truyền thừa, trình độ nhận thức, nghiệp lực của họ, hoặc các yếu tố lịch sử văn hoá dân tộc, bất đồng quan điểm, chiến tranh phân chia, chính sách bạo quyền ... của từng mỗi quốc gia, hoặc từng giai đoạn lịch sử, mà phân chia thành nhiều nhánh rẽ khác nhau để phù hợp với tư duy và bối cảnh tu tập của họ. Nhưng đó cũng chỉ là những phương tiện khác nhau cùng dẫn đến một mục đích chung, là sự giác ngộ. Thực ra, thay đổi là quy luật tất yếu của vũ trụ, bao gồm thế giới con người. Và thay đổi để phù hợp hơn là một chuyện tốt.
Còn nếu nói về tính phân hoá, thì gần như là thuộc tính của con người, xưa nay vẫn thế, không ít thì nhiều. Và tôn giáo nào thì cũng vậy, Ấn giáo, Hồi giáo, Thiên chúa giáo, Tin lành .... đều cũng trãi qua những vấn đề tương tự. Một ông cha làm ruộng cả đời, chết để gia tài lại cho mấy đứa con. Đứa bán mua nhà mua xe, đứa bán đánh bạc, đứa đào ao nuôi tôm, đứa bị giải toả đền bù. Dăm ba ông tị nạn ra đi cùng một lý do, áo chưa ráo nước biển, đã chia năm xẻ bảy cãi nhau miệt mài. Một hội đồng hương bé tí, ăn cơm nhà vác ngà voi, không lương không lậu, cùng quê cùng xóm, mà vài ba hôm đã không hợp ý nhau, đâm thọc nói xấu nhau, ra toà, tan bầy xẻ nghé. Huống hồ chi là những dị biệt sản sinh trong mấy ngàn năm truyền bá cho hàng triệu, hàng tỉ con người có đầu óc tư duy, và trình độ khác nhau. Nói chi cho xa, mới đây thôi, nội cái vụ bầu cử Mỹ 2020 mà biết bao nhiêu người VN mất cả bạn bè người thân. Gia đình anh em mâu thuẫn, chia bè chia phái, trở bạn thành thù. Thậm chí cho tới hôm nay vẫn còn tiếp diễn thời hậu lê .... lết, tin vịt tin gà cứ gởi, cứ “lai chim”, cứ bên này đá móc bên kia :-). Nhưng đó cũng là những chuyện không lạ lẫm gì. Xưa nay ai cũng biết thay đổi, hợp tan là những chuyện tất nhiên của quy luật vô thường. Nhưng tất nhiên là có cái thay đổi làm cho tốt hơn, thì cũng có những thay đổi làm cho xấu đi !
Trở lại nói về Ngài Di Lặc. Theo lịch sử PG, ngài Asanga (Vô Trước) sinh ra vào khoảng thế kỷ thứ 3 A.D, là học trò của Ngài Maitreya (Di Lặc), đã sáng lập ra tông phái Duy Thức (Yogacara hoặc là Consciousness-Only). Đây là một ngành học về tư tưởng và ý thức của con người, là đỉnh cao của triết lý PG Đại thừa. Môn học này từng được dạy dỗ rộng rãi nhiều nơi, kể cả trường đại học Nalanda ở Ấn độ thời bấy giờ. Sau này đến thế kỷ thứ 7 đời nhà Đường, ngài Huyền Trang (là Đường Tăng được Ngô thừa Ân hư cấu trong trong truyện Tề thiên) đã mang về TQ và phát triển rộng rãi cho đến ngày hôm nay. Hiện nay các trường đại học lớn tại Mỹ trong ngành Phật Học (Buddhist studies) đều có dạy môn này. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều các nhà nghiên cứu, giáo sư tiến sĩ phương Tây, đi sâu vào các công trình học thuật có liên quan đến tư tưởng của Duy Thức học, và sự ảnh hưởng của nó đến các lãnh vực khác như tâm lý, khoa học, giáo dục, y khoa .... Bạn nào muốn nghiên cứu sâu xa hơn thì nên nhờ bác "gục gờ chấm cơm", gõ vào từ khoá "Yogachara" hoặc “Yogacara” nhé. Ngài Di Lặc được xem như là vị sáng tổ của ngành học này !
Còn tại sao vị sáng tổ một ngành học có triết lý sâu sắc nhất, đỉnh cao của PG Bắc truyền, lại có hình tượng "hề hà" bình dân, phơi bụng cười đùa với mấy đứa trẻ con như thế ? Theo mình, câu chuyện đó lại càng thú vị hơn. Lâu nay nhiều sách báo viết rằng hình tượng của ngài Di Lặc ngày nay là do người TQ tạo tác ra từ hình ảnh của vị Bố Đại Hoà thượng (TQ) xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 10. Cũng khả dĩ thôi, bởi đó cũng chỉ là những biểu tượng thờ cúng của tôn giáo. Ai cũng hiểu những hình tượng hôm nay của ngài Thích Ca, ngài A di đà, chúa Jesus, Mẹ Maria...cũng là do đời sau tạo tác mà có. Cách làm có lẽ cũng tương tự như thế thôi, dựa vào những điển tích hoặc sự diễn giải nào đó. Nhưng thực ra hình tượng không phải là cái mục đích chính mà thiên hạ hướng đến. Những bậc chân tu và người hiểu biết tôn giáo đúng nghĩa luôn quan tâm và tôn kính giá trị thực sự đằng sau của những biểu tượng "hoá thân" đó. Ngày xưa có nhiều vị đi tu không có điều kiện, đâu cần chùa to chùa lớn, đâu cần tượng thờ gì to nhất thế giới, đẹp nhất VN. Mỗi ngày ra lạy cục đá mà tâm hướng về Phật cũng đã là Phật rồi. Thời nay đôi lúc có sự ngộ nhận giữa mục đích và phương tiện, nên nhiều người quá chú trọng vào hình thức, vào chiếc “áo cà sa”, vào cái “chùa to chùa lớn”, mà quên mất đi cái ý nghĩa thực sự của đức tin và triết lý căn bản của tôn giáo đằng sau. Nhiều người coi trọng những chức vị danh xưng ảo hoặc hình ảnh đền chùa hoành tráng hơn cả những giá trị cần thiết của trí huệ và phẩm hạnh thực sự ở người tu sĩ. Nên vô tình tạo điều kiện cho một số người có cơ hội mạo danh tu hành, khoác áo lộng hành, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín tôn giáo và đức tin của người khác. Cứ lâu lâu lại nghe tin vài ông lên báo lên đài, khoe pháp thuật, trừ tà bắt vong, khoe xe, khoe chức, khoe phone, khoe tiền tỉ..v.v.:-).
Một điểm thú vị nữa ở hình tượng Ngài Di Lặc là có mấy em bé đu phá, chọc khuấy. Đứa thọt vô mũi, đứa thọt vô miệng, đứa vò đầu, bức tai .... Ngài cũng không xi nhê gì, cười hề hề hoan hỉ. Một số giả thuyết cho rằng, hình ảnh các em nhỏ đó là đại diện cho các thứ quyết định cuộc sống của con người chúng ta trong thế giới này. Đó là những căn, thức (tiếng Anh là consciousness), (nhãn - mắt, nhĩ - tai, tỷ - mũi, thiệt - lưỡi, thân - thân thể, ý - tư tưởng, ý thức). Trong Duy thức học PG cho rằng cuộc sống của nhân loại, giàu nghèo, vui buồn sướng khổ, ngon lành sang chảnh, tham ái, oán thù, ganh ghét gì ... cũng do bấy nhiêu thứ đó gây ra. Mọi thứ cảm nhận đều do sự tương tác của các thức với môi trường chung quanh mà hình thành. Do vậy, thiết nghĩ ai mà "miễn nhiễm" được với mấy em nhỏ "lục căn" chọc khuấy đó, thì coi như là ngon lành. Suốt ngày sẽ vui vẻ, tự tại, từ bi hỉ xả như Ngài Di Lặc thôi :-).
Quả nhiên là vậy, nhưng mấy ai làm được. Nhiều bậc cao tăng dành cả đời (hoặc nhiều đời) tu tập, tự thanh lọc thuần khiết (purify) bản thân để thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn của những ham muốn và gắn bó (attachments) tạo ra bởi các thức. Còn kẻ phàm phu như mình, thì tai nghe ai nói “bậy” chút là đã thấy bất mãn rồi, mũi ngửi món gì “ngon” là đã thấy đói bụng rồi, mắt nhìn thấy cái gì “đẹp” là đã ham muốn rồi ... Thậm chí, nhiều người chẳng cần trực tiếp thấy, trực tiếp nghe, trực tiếp ngửi, trực tiếp nếm, trực tiếp sờ... mà chỉ cần nghe bạn bè nói đi nói lại, nghe youtube nói, nghe TV nói, thấy email của đứa đồng hương gởi, hoặc thấy mấy tờ báo lá cải viết xàm .... là đã tin theo, ghét theo, phán xét, hoặc tìm cách nói xấu rồi. Tổng thống cũng chết chớ huống hồ chi người thường. Nhờ vậy mà mấy anh "fake news" sống hoài. Càng loạn càng lắm người nghe !
Xưa nay ở những nước văn minh người ta thường đánh giá con người dựa trên năng lực và thành tích bản thân cũng như các nguyên tắc ứng xử và tư duy của chính người đó. Đặc biệt trong các lãnh vực quản lý hoặc điều hành, ngoài khả năng chuyên môn người ta rất chú trọng đến những tiêu chí như suy nghĩ logic, khả năng phân tích vấn đề, tính khách quan (unbiased), trung thực, công bằng (fairness) .v.v.. Nôm na là họ quan trọng giá trị thực của chính mỗi cá nhân, người thật việc thật. Tuy nhiên ở những nước chậm phát triển hoặc một số vùng miền địa phương, thì vẫn còn những quan niệm khác biệt. Có lẽ do bị ảnh hưởng văn hoá tập tục, tư tưởng địa phương, nếp nghĩ lối mòn, sĩ diện làng xã, chủ nghĩa thần tượng .v.v.. nên nhiều người vẫn còn gởi gắm niềm tin và đánh giá người khác dựa trên những hình thức danh xưng bên ngoài như bằng cấp, chức vụ, tiền bạc, thân thế, đảng phái, hoặc địa vị xã hội ..v.v.. Cho nên cứ nghe ông tiến sĩ này bà giáo sư nọ nói là tin, hoặc cứ ông quan chức này bà đại gia nọ nói thì đúng, mà không cần kiểm chứng. Thậm chí trong làm ăn, giao tế, tuyển chọn nhân sự, nhiều người còn đem cả giòng họ, nhân thân (đã mất), quan hệ bạn bè quen biết vào cuộc để tăng phần khả tín. Có thể hiểu được phần nào, nhưng phàm đã là hình thức danh xưng, thì bao giờ cũng có thật có giả. Ngay cả những ông quan chức lãnh đạo cao cấp thì cũng có trường hợp lựa chọn nhầm lẫn hoặc mua quan bán chức. Vả lại bằng cấp chuyên môn hoặc lý lịch nhân thân, đảng phái, càng không phải là những chiếc chìa khoá vạn năng hoặc giấy bảo chứng trí tuệ của họ. Tóm lại là Tây ta gì cũng thế thôi, càng chú trọng vào hình thức bên ngoài, thì càng dễ bị giả mạo. Ngay cả trong đức tin tôn giáo cũng vậy chứ không phải chỉ có ở lãnh vực chính trị, văn hoá, học thuật, hoặc quản lý điều hành.... Bởi thế cho nên có nhiều trường hợp lạm dụng, giả mạo, hoang tưởng cố chấp, gây ra bao nhiêu ngộ nhận bi hài, hệ lụy phiền phức cho người khác và cho xã hội. Nhưng âu đó cũng là những đạo lý riêng của thiên hạ. Ai dám nói đúng nói sai ? Hên xui :-)
Tất nhiên đó không phải là những nguyên tắc hiểu biết, học hỏi và thực hành trong Duy thức học của PG. Sự cảm thụ và ý thức của con người luôn có những giới hạn nhất định của nó, ngay chính cả những điều tai nghe mắt thấy. Nên những người tu tập chân chính thường thực hành bằng nhiều phương pháp khác nhau, để tránh không bị tác động bởi những “ảo giác” tạo ra do các yếu tố bên ngoài. Đức Phật ngày xưa cũng khuyên chúng sinh đừng cuồng tín (blind faith) tin vào lời giảng dạy của Ngài, mà hãy tự thực chứng những điều ấy rồi hãy tin. Còn tại sao như thế, thì mình nghĩ rằng mỗi người sẽ tự tìm hiểu và có những cách giải thích riêng cho bản thân họ. Có một điều chắc chắn là tất cả mỗi chúng ta đều cảm nhận cuộc sống và hiểu biết về thế giới chung quanh thông qua 6 cửa ngõ "căn, thức" của chính mình. Mỗi người mỗi khác, đâu ai giống ai. Đâu ai đúng hết, mà cũng đâu ai sai cả bao giờ. Chỉ là ly nước càng đầy thì càng khó rót thêm. Đầy rồi thì rót vào cũng tràn ra thôi :-).
Nói tới đây mới nhớ đến điển tích của Tô Đông Pha và nhà sư Phật Ấn ngày xưa, với câu thơ nổi tiếng "Bát phong truy bất xuất. Nhất thí mã quá giang". Thời nay thì quá nhiều câu chuyện tương tự như thế. Nên mỗi năm đầu xuân đi lễ chùa, cứ thấy "Mừng Xuân Di Lặc", là mình lại thấy lòng bình an thanh thản, và nghĩ đến câu chuyện mấy đứa trẻ chọc ngoáy của Ngài. Mình thuộc loại phàm phu tục tử, nên dẫu có đọc qua kinh sách và từng nghe giảng giải nhiều lần, nhưng cứ nghe ai nói nghịch lỗ tai chút là đã thấy khó chịu rồi. Tự nhắc nhở hoài mà vẫn chưa thay đổi được. Có ông anh đi chùa phóng sinh hoài, nhưng thử ai dám tới lấy tay thọt ngoáy lỗ tai lỗ mũi ảnh coi :-). Cũng có nhiều người đi làm từ thiện quanh năm, nhưng lỡ nghe ai chê trách hoặc phê bình chút, thì lại khác ngay. Có nhiều ông tuyên bố cả đời hy sinh vì dân vì nước, nhưng đâu đứa nào dám tới xin cái sổ gạo của ông. Cho nên thấy vậy mà không phải vậy, từ bi hỉ xả và buông bỏ, không phải là những chuyện nói suông dễ làm.
Cũng nhân dịp Xuân về, mình cầu chúc bạn bè thân hữu an vui, thân tâm an lạc. Mỗi năm học được một chiêu "miễn nhiễm" của Ngài Di Lặc là ngon lành rồi. Mà biết đâu đó mới là Xuân đích thực, chứ không phải Xuân đến Xuân đi như trong bài thơ "Cáo Tật thị chúng" của thiền sư Mãn Giác :-)
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa nở .
Việc trước mắt qua mãi
Trên đầu già đến rồi.
Đừng bảo Xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai.
(Mãn Giác Thiền Sư )
PN (đầu năm Tân Sửu)