Showing posts with label Chuyện quê người. Show all posts
Showing posts with label Chuyện quê người. Show all posts

Saturday, September 11, 2021

Phiếm: Con đường tơ lụa và chiếc chiếu rách của Ngài Huyền Trang !

 


Xưa nay nếu có ai hỏi mình nhân vật nào vĩ đại nhất của TQ, thì mình sẽ không chút đắn đo nói ngay rằng đó là Ngài Huyền Trang (Xuanzang). Quả nhiên đối với mình nhân vật lịch sử đáng kính nhất của TQ chẳng phải là Lưu Bang, Lý Thế Dân, Chu nguyên Chương, Hạng Võ, Tần Thuỷ Hoàng .....càng không phải là Mao Trạch đông, Đặng tiểu bình, mà là nhà sư Tam Tạng. Nhân hôm nay nhắc đến chuyện "con đường tơ lụa" của TQ, lại nghĩ đến Ngài. 

Trước hết phải nhắc sơ qua về con đường tơ lụa (Silk Road) để nhiều người tiện theo dõi. "Con đường tơ lụa" (Silk Road) của TQ đuợc cho rằng đã có từ thời nhà Hán, người TQ tạo ra như những con đường mòn để đem tơ lụa và các hàng hoá khác qua bán cho các nước, chủ yếu là Trung Đông và Châu Âu. Những con đường mòn này ngày càng được mở rộng và dài hơn. Từ sau thế kỷ 12,13 trở đi các nhà thám hiểu châu Âu cũng đã sử dụng Silk Road để trao đổi hàng hoá ngược lại với TQ. Rồi đến thời kỳ cận đại, khi các phương tiện giao thông phát triển mạnh mẽ thì vai trò của những con đường đó không còn quan trọng nữa. Thế nhưng trong những năm gần đây, thì nhà cầm quyền TQ lại rầm rộ đưa ra những chiến thuật và kế hoạch đầy tham vọng "một vành đai một con đường", với dụng ý thiết lập hệ thống thuỷ bộ bao trùm cả thế giới, dựa theo lý thuyết của con đường tơ lụa ngày xưa. Nhiều kế hoạch đã được triển khai như xây dựng tuyến xe lửa tốc hành kết nối đa quốc gia, ngang ngược cưỡng chiếm vùng biển của các nước nhỏ, thiết lập bẫy nợ ở các nước nghèo, vay mướn đặc khu kinh tế trên các trục lộ trọng điểm .... v.v.. Bởi vậy gần đây có nhiều thuyết âm mưu cho rằng TQ đã gây ra dịch bệnh covid tạo ra suy thoái kinh tế thế giới, rồi dùng "ngoại giao thuốc ngừa", "cây gậy và si-rô", hoặc "âm mưu ràng buộc" để khống chế các nước khác, thực hiện mưu đồ bá chủ. Tuy nhiên thuyết âm mưu thì vẫn chỉ là "thuyết" thôi, không nên tin hết cho đến khi có bằng chứng hẳn hoi. Và tất nhiên là để tìm được bằng chứng ở TQ thì cũng không đơn giản chút nào. Ví dụ như đợt dịch vừa qua, gần cả năm sau, đợi dọn dẹp xong hết, mới cho phái đoàn thế giới vô Vũ Hán, thì cho dù có mời mấy nhà ngoại cảm VN qua cũng phải đành chịu thua. Ráng đợi thôi :-) !

Trở lại câu chuyện của Ngài Huyền Trang. Thực ra, do ông Ngô Thừa Ân viết truyện Tây Du Ký quá hay, nên đã xây dựng nên một hình ảnh của nhà sư Tam Tạng hoàn toàn khác với thực tế. Viết truyện hay đến nỗi mà nhiều người cứ tin rằng Tây Du Ký là có thực. Nhớ mấy năm trước có ông quan chức gì ở Quảng Nam Đà Nẵng còn tưởng rằng núi Non Nước Ngũ Hành Sơn là chỗ Phật tổ nhốt Tề thiên năm xưa, nên kêu gọi đầu tư xây dựng du lịch về "vùng đất vàng" đó. Tất nhiên thực tế thì không phải vậy, cũng chẳng có vua Đường nào mà kêu ngự đệ đi thỉnh kinh rồi cho cái bát vàng và tấm y quý giá đem theo làm của. Cũng chẳng có ma nữ nào mà thèm thịt của nhà tu hành Tam tạng, và cũng chẳng có Tề thiên, Trư bát giới nào đi theo. Lại càng không có vụ Đường Tăng phải hối lộ cái bình bát bằng vàng nơi đất Phật để đổi lấy kinh Phật. Nhưng ngẫm lại thì đôi khi những sự hiểu lầm cũng có cái hay riêng của nó :-) .

Trên thực tế thì Ngài Huyền Trang cũng chỉ là con nhà lương dân bình thường ở TQ vào thời Tuỳ/Đường. Trước Ngài Huyền Trang cũng có nhiều bậc tu hành khác từng đi qua Ấn độ để học Phật, như nhà sư Pháp Hiển (Faxian) rất nổi tiếng. Nhưng khi Ngài Huyền Trang tu học, thì thấy trong kinh sách thời đó có nhiều mâu thuẩn nghịch lý, nên Ngài quyết chí ra đi học hỏi cứu nước cứu dân. (Cứu nước ở đây không phải là để đánh nhau, mà để đem kinh sách về dạy dỗ cho người dân hiểu đúng, tu đúng, chung sống hiền hoà hạnh phúc, tạo phúc cho đất nước dân tộc). Thời đó Đường thái Tông mới giành được nước từ nhà Tuỳ nên còn nhiều luật lệ cấm đoán, ngăn sông cấm chợ. Ngài Huyền Trang phải trốn đi vượt biên theo con đường tơ lụa để sang Ấn độ học Phật. Thời gian đi và về tốn hết 7,8 năm trên đường bộ giữa Ấn-Trung. Còn lại 10 năm ở trên đất Ấn, Ngài vừa học ngôn ngữ, vừa học đạo pháp, và sau đó đi dạy ở đại học PG Nalanda. Tính ra, ngài Huyền Trang chỉ cần 10 năm có thể học và hiểu thấu những ngôn ngữ tiếng Phạn (Pali, Sanskrit..) và những đạo lý kinh điển PG sâu sắc đến mức như vậy. Ngài có thể sáng lập ra Pháp Tướng tông, và sau đó khi trở về nước, dịch ra rất nhiều tạng kinh điển giá trị của PG Bắc tông, từ Đại Niết bàn cho tới Bát Nhã Ba La Mật, từ Duy Thức tông cho đến Tịnh độ đông ..v.v..Ngài thông hiểu cả 3 phần quan trọng nhất của kinh sách PG (Kinh tạng, Luật tạng, Luận Tạng), nên thiên hạ gọi ngài là Tam Tạng chứ không phải là do ăn được thịt Ngài thì trường sanh bất tử :-). Nhờ vậy mà còn có nhiều tạng kinh điển giá trị được lưu truyền cho nhân loại đến ngày hôm nay, trong đó có PG VN. Tất nhiên là để dịch giải được bao nhiêu kinh sách đó trong một thời gian hữu hạn thì cũng không thể tránh được những khó khăn và hạn chế nhất định.

Mà nói tới đây mình cũng cảm thấy hổ thẹn. Ngài chỉ có 10 năm mà làm ra bao nhiêu thành tựu vĩ đại cho thiên hạ. Còn kẻ phàm phu như mình ra nước ngoài đã mấy chục năm nay, tiếng Anh tiếng U còn chưa rành, chỉ quanh quẩn mấy chuyện cơm áo gạo tiền, mà cũng chưa xong. Hơn thua nhau cái đài cái xe, cái phone, chai rượu, món này món kia, ăn nhà hàng này ghé quán ăn nọ, so đo chuyện làm mướn làm thuê cho hãng này hãng khác, hết đời mình đến đời con ....lẩn quẩn. Ngồi nhậu chút, khoe tới khoe lui, uống nhiều uống ít, hơn thua chuyện tào lao, rồi cãi nhau chí choé. Chính trị, chính em thì cứ như những người mù sờ voi, sờ đưọc khúc đầu chê người khúc đuôi, cả ngày chính sự ra rả, mà không thay đổi được điều gì. Thậm chí có nhiều ông mình quen đã mấy chục năm nay mà sự nghiệp chửi vẫn còn chưa xong. Làm hết chức chủ tịch, qua đến chức hội trưởng, xuống chức hội phó, lớn tuổi trở lại chức hội viên, rồi ra đi trong nuối tiếc. Ước mơ "to tát" vẫn còn nguyên một gói chưa kịp mở ra. Đó là chuyện ngoài nước, còn trong nước thì cũng nhiều thứ lòng vòng hơn. Như hiện nay chuyện dịch bệnh thì đã mấy tháng nghĩ bàn đủ chiêu đủ kế, chống dịch như chống giặc, mà giặc thì còn chưa biết mặt mũi ra sao, người thân quen thì cứ chết rụng rơi mỗi ngày. Bằng này cấp nọ, chữ nghĩa một bụng, cũng chỉ để chê nhau, hơn thua là chính. Nói ra thì lắm người buồn. Bỗng nhớ đến mấy câu thơ của Lý Bạch ngày xưa mà nhà thơ Tản Đà đã dịch lại:

....
Do lai chinh chiến địa,
Bất kiến hữu nhân hoàn.
Thú khách vọng biên sắc,
Tư quy đa khổ nhan,
Cao lâu đương thử dạ,
Thán tức vị ưng nhàn.

Phỏng dịch:
...
Từ xưa bao kẻ chinh phu,
Đã ra đất chiến, về ru mấy người?
Buồn trông cảnh sắc bên trời,
Giục lòng khách thú nhớ nơi quê nhà,
Lầu cao, đêm vắng, ai mà,
Đến nay than thở ắt là chưa nguôi !

Mà ngẫm nghĩ lại thì quả nhiên lịch sử cũng có nhiều chuyện thú vị. Lâu nay người TQ rất tự hào về vua Đường Thái Tông, khen nhà Đường thịnh, biết trọng nhân tài, thông hiểu đạo pháp. Nhưng mình nhớ là khi Ngài Tam tạng về lại TQ, ông vua Đường hỏi Ngài có muốn làm quan không, đem chức quan ra mà ban thưởng. Mình thì không nghĩ Đường Thái Tông thông hiểu đạo pháp khi xách chức quan ra chiêu mộ Ngài Huyền Trang. May là hồi đó chưa có quốc hội, chứ có dám cho Ngài Huyền Trang làm đại biểu quốc hội luôn rồi :-).

Trong truyện của Ngô Thừa Ân, thấy ông không chú trọng đến đường về của Ngài Huyền Trang. Đó cũng là thắc mắc của mình. Có lẽ NTA cho rằng khi Đường Tăng thỉnh được kinh sách là viên mãn rồi, mission accomplished. Hoặc là đoạn đường về không còn bị kiếp nạn nữa chăng ? 

Mình thì có suy nghĩ khác, cho rằng đoạn đường về mới là quan trọng. Nếu không thì cũng tương tự như ráng cho dữ vào, cực khổ để kiếm được cái bằng, rồi chỉ để được lên chức, để in cạc visit, để đi ăn giỗ hoặc họp lớp, giới thiệu chút rồi xong, thì quả nhiên uổng phí. Cũng như làm quan, chiêu này chiêu kia leo lên được chức này chức nọ rồi chỉ để ký giấy và đi họp thì cũng uổng. Bởi ăn thua là có làm gì được cho dân cho nước, mới là quan trọng. Tất nhiên là Ngài Huyền Trang đã không chọn con đường về dễ dàng như vậy. Ngài đã từ chối những ân huệ và sủng ái đoàn tuỳ tùng tiền hô hậu ủng của vua Harsha ban cho, mà chọn đi về bằng một "con đường tơ lụa" khác, để có cơ hội giảng giải những điều đã học được cho nhiều người khác biết, cũng như giúp khám phá ra những lối đi mới. Thời đó trên những con đường tơ lụa này, biết bao nhiêu thương nhân đã bỏ mạng, ra đi không có ngày về. Nên kinh nghiệm và kiến thức càng là những điều cần thiết. Và chắc chắn sự chọn lựa này của Ngài không thể sánh bàn với những chuyện phàm phu như áo gấm về làng, tiền bạc, chức sắc bổng lộc, danh xưng vô nghĩa, hoặc vài ngôi chùa to chùa lớn. Tuy nhiên, mình vẫn có chút thắc mắc là thời đó Ngài có nghĩ ra được những kẻ hậu bối có thể lạm dụng con đường đó để làm ra những chuyện xấu xa trong tương lai chăng ? Nói vậy thôi, chứ đương nhiên là sự vật vô tội, con đường vô tội, biển đảo vô tội, chỉ là do bị con người lợi dụng thôi !

Nói đến chuyện những ngày cuối đời của Ngài, Ngài Huyền Trang căn dặn người thân chung quanh gói ông trong chiếc chiếu nhỏ, rồi đem chôn chỗ nào xa xa, vắng vẻ, đừng để thiên hạ bị ô uế mùi hôi. Nhưng tất nhiên là mấy ông vua quan, và hàng ngàn Phật tử đạo hữu, đâu dễ gì để Ngài yên ổn và toại nguyện như vậy. Chắc hẳn cũng là cờ xí rình rang cho xứng tầm. Nhưng thực ra với những bậc trí huệ như Ngài Huyền Trang thì có lẽ chiếc chiếu rách hoặc nghi lễ quốc tang cũng giống nhau, bởi đó chỉ là công cụ chôn cất. Cái còn lại của Ngài chính là những kiến thức và phẩm hạnh cho nhân loại hôm nay và mai sau, còn nghi lễ quốc táng hay cư tang rình rang, thì thiên hạ này cũng đã quên đi từ lâu lắm rồi. Ngày nay bên Nalanda Ấn độ vẫn còn khu tưởng niệm của Ngài (Xuanzang Memorial Hall), nhưng không biết TQ có ngày nào để tưởng niệm Ngài không ? Một kẻ độc tài tham vọng như Mao Trạch Đông, từng đưa ra quốc sách giết chết 45 triệu người TQ trong thời kỳ Great Leap Forward (Đại nhảy vọt/Bước quá độ); buộc 2 triệu người tự sát và bị giết, 20 triệu người bị cuỡng bức bắt bớ, và hàng trăm triệu người đói khát trong cuộc Cách mạng Văn hoá (Cultural Revolution); lại có ngày tưởng niệm to lớn. Trong khi đó một người truyền bá tư tưởng hoà bình, dịch giải đạo pháp đem lại sự giải thoát, sự an lạc và hạnh phúc cho nhân loại như Ngài Huyền Trang, mà lại không có ngày để người dân TQ ghi nhớ, thì quả là nghịch lý !

PN





Sunday, July 18, 2021

Vài ý nghĩ vụn … về dịch cúm Vũ hán

 (Chú Đại Bi, do Ani Choying Drolma trình bày)


Năm ngoái nước Mỹ dịch bệnh nặng về, anh em bạn bè bên VN quan tâm thăm hỏi, mình cảm ơn rất nhiều. Nay nghe tin VN, nhất là SG ngã bệnh, không biết làm gì hơn, mạn phép tóm tắt vài điều đã biết, hy vọng là hữu ích (mặc dù rất nhiều người đã biết rồi).

1. Covid có đáng ngại không ?

Có !
Tuy nhiên không phải tới mức ghê gớm như người ta đồn đoán. Thực tế, rất nhiều quốc gia khốn đốn là vì quá tải các cơ sở phương tiện tiếp nhận bệnh nhân như bệnh viện, khu cách ly, cấp cứu (ICU) …và thiếu thốn các công cụ y tế như máy trợ thở, giường bệnh, dịch truyền, oxy ..v.v.. Bên cạnh đó là sự bối rối, vụng về, thiếu kinh nghiệm trong các phương thức dự phòng, cung ứng, và cách ứng xử đối phó với dịch bệnh cỡ lớn như đại dịch lần này. Kể cả những quốc gia lớn như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Ấn ..... đều bị vướng mắc những sai lầm như thế trong giai đoạn đầu, dẫn đến khủng hoảng nghiêm trọng. Ví dụ như dịch bệnh kéo dài gần 2 năm, mà số lượng máy thở dự phòng cho cả nước với dân số gần trăm triệu dân chỉ dừng lại ở mức dưới 5 ngàn cái, thì quá nguy hiểm !

2. Phòng bị như thế nào ?

- Cho tới nay cách phòng bị hữu hiệu nhất vẫn là dựa vào từng cá nhân, và ý thức tự giác giữ gìn chung cho cộng đồng như giãn cách xã hội, cách ly, tuân thủ các quy cách phòng bị cá nhân, khẩu trang, bao tay .v.v. Thường xuyên tẩy rửa, rửa tay rửa mặt, tránh va chạm, tập thể dục thể thao, ăn uống điều độ, tránh hao tâm tổn lực, giữ gìn vệ sinh chung. Đừng ứng xử kiểu "điếc không sợ súng, hoặc anh hùng rơm" rồi đi lung tung, gây nhiễm cho người khác. Đặc biệt là giới trẻ, những người trẻ tuổi, sức khoẻ tốt, hệ miễn dịch tốt, bị nhiễm bệnh nhưng không biết, hoặc có thể lướt qua, hoặc không có triệu chứng, gọi là (asymptomatic). Tuy nhiên những người bị nhiễm bịnh không có dấu hiệu (asymptomatic) vẫn có thể lây lan cho người khác. Nên nếu chủ quan hoặc không hiểu biết để cẩn thận, thì thành phần này có thể trở thành lực lượng phát tán dịch mạnh nhất !

3. Bị nhiễm rồi thì sao ?

Bình tĩnh đối phó thôi. Không phải ai bị nhiễm bịnh covid thì cũng trở bịnh nặng, hoặc chết đi. Tỉ lệ tử vong rất thấp, dĩ nhiên là tuỳ thuộc vào các yếu tố khác của xã hội, trong đó có yếu tố phòng bị và chiến lược đối phó, ứng xử của chính quyền và sự hợp tác của người dân cũng rất là quan trọng. Ở nhiều nơi trên thế giới trong thời gian qua, có rất nhiều trường hợp tử vong không phải trực tiếp bởi covid-19 mà là những người có bệnh nền nặng hoặc các bệnh khác, nhưng đã không được chữa trị đúng mức, kịp thời, vì bị quá tải nguồn lực và nhân lực do dịch bệnh, cộng với tiêu chí ưu tiên dành cho các bịnh nhân covid, nên dẫn đến các biến chứng phức tạp.

- Thực tế thì có rất nhiều người bị nhiễm bịnh vẫn chữa trị tại nhà, ăn uống, nghĩ dưỡng, xài thuốc cảm cúm hạ sốt như tylenol, motrin, patadol, paracetamol.... rồi vài tuần sau đó bình phục hoàn toàn. Chỉ có những trường hợp bị trở bịnh nặng mới được chuyển vào bệnh viện để trợ giúp bằng các biện pháp hổ trợ nặng đô hơn như máy trợ thở, truyền dịch, kháng sinh, huyết tương ...v.v. Số lượng người tự chữa trị tại nhà và khỏi bịnh sau một thời gian ngắn là rất cao so với số lượng người trở bịnh nặng phải nhập viện. Tuy nhiên báo đài thì ít nói đến số liệu này, làm bà con không nắm bắt được thực trạng càng hoang mang, lo lắng.

- Các chuyên gia khuyên rằng nên cố gắng bình tĩnh, và ráng giữ tinh thần mạnh mẽ, đừng lo lắng thái quá trong trường hợp nhiễm bệnh. Ăn uống bình thường, uống nhiều nước, nghỉ ngơi nhiều, xử dụng các loại thuốc hạ sốt, hổ trợ cảm cúm sẵn có. Nếu có điều kiện, nên uống thêm nguồn vitamin trợ giúp. Hỏi thăm bác sĩ tư vấn những loại vitamin nào phù hợp với bản thân và cách ứng phó tại nhà. Đừng nghe theo lời mấy ông lang băm, thầy cúng, thầy đề, mê tín, cúng tế oan gia trái chủ, uống bùa chú bậy bạ .... mà bị mạng mất tật mang ! 

4. Thuốc men như thế nào ?

- Cho đến thời điểm hiện nay, thì thế giới vẫn chưa có thuốc nào trị bịnh cúm hiệu quả hoàn toàn. Đó là mới nói về những bệnh cảm cúm thông thường chứ chưa nói đến covid-19. Nhiều người lâu nay vẫn hiểu lầm nhừng thuốc như tylenol, motrin, aspirin, patadol ..... là "thuốc cảm cúm". Không phải vậy, đó chỉ là thuốc làm giảm nhẹ các triệu chứng của cảm cúm như nóng, sốt, ho hen, nhức mỏi thôi. Đây là một hiểu lầm rất thường gặp, nên nhiều người cứ nghĩ là thuốc "cảm cúm" có thể “giết” được con vi rút cúm. Ở Mỹ và nhiều nước khác, hàng năm thiên hạ vẫn phải đi chích ngừa cúm mùa, vì chưa có thuốc nào "giết" được nó cả. Có một số loại thuốc chuyên trị các bịnh do virus gây ra, gọi là "antiviral" như Tamiflu (oseltamivir phosphate), Relenza (zanamivir), Rapivab (peramivir), Xofluza (baloxavir marboxil) v.v... Các loại thuốc này bên Mỹ muốn mua phải có toa bác sĩ, thế nhưng đối với covid-19 thì những em này không xi nhê lắm. Từ lúc dịch cúm Vũ Hán (covid-19), có một số thuốc “antiviral” nổi bật lên như Remdesivir được dùng để trị bịnh theo cách truyền dịch. Bên cạnh đó cơ quan FDA cũng cho phép xử dụng một số thuốc antiviral khác trong những trường hợp khẩn cấp như loại Sotrovimab (monoclonal antibodies). Dưới đây là tên một số loại thuốc “antiviral” khác đang được các cơ quan chức năng như NIH, CDC, FDA theo dõi và thẩm định để điều trị cho những người bị nhiễm covid nặng. Ví dụ như Ivermectin, Nitazoxanide, Lopinavir, Hydroxychloroquine, Chloroquine, Azithromycin…v.v. Mình sẽ đính kèm đường link phía dưới cho bạn nào rành tiếng Anh theo dõi nhé. Vì các loại thông tin này thường xuyên được cập nhật trên các trang mạng của chính phủ như FDA hoặc NIH.

Bấm vào đây coi hướng dẫn điều trị COVID-19 của cơ quan y tế NIH Hoa Kỳ

(Cho đến nay thì những loại thuốc trên vẫn nằm trong danh sách để xử dụng khẩn cấp điều trị cho các bệnh nhân covid nhập viện. Tất nhiên về khoảng này các bạn trong ngành y dược chắc chắn sẽ biết nhiều hơn. Ở đây mình chỉ tóm tắt cho các bạn tham khảo thôi. Ai muốn biết sâu hơn, tốt nhất nên hỏi thăm bác sĩ của các bạn, thông tin sẽ được cập nhật hơn)

Hiện nay, có nhiều hãng thuốc tại Mỹ được sự ủng hộ của chính phủ, chạy đua nghiên cứu dạng thuốc viên uống, dành cho những ngừời mới bị covid-19, hoặc mức độ bịnh nhẹ đến bịnh vừa. Có vài loại dự kiến sẽ được ra đời vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Ứng cử viên nặng ký nhất hiện nay là thuốc Molnupiravir của hãng Merck và Ridgeback Biotherapeutics. Hiện đang ở giai đoạn thử cuối cùng. Nếu thành công thì đó sẽ là loại thuốc uống “antiviral” đầu tiên trị được bịnh cúm Vũ Hán. Và chắc chắn là sau đó sẽ còn nhiều loại thuốc uống trị covid khác ra đời.

Xin lưu ý là thuốc antiviral khác với thuốc antibiotics (trụ sinh) nghen. Thuốc trụ sinh thì không trị được các bịnh gây ra bởi "viral infection" như cúm, ban trái, rubella, measles, rhinovirus, coronavirus (tổ tiên của covid-19), adenovirus ..v.v.  Mặc dù ra tiệm thuốc tây ở VN thì các vị cứ phán, cứ trụ sinh mà chơi tới bến. Kệ, trật gà thì cũng trúng chim. Xin lỗi mấy cô bạn dược sĩ nghen. Chỉ nói đến một số ít "cược sĩ" bán thuốc liều thôi :-) . 

- Còn nói đến thuốc ngừa (vaccin) cho dịch cúm Vũ Hán thì hiện nay trên thế giới cũng có nhiều loại. Công nghệ khác nhau, hiệu quả khác nhau, ảnh hưởng phụ cũng khác nhau. Cho nên cũng cần tìm hiểu trước khi chích, để không bị hoang mang vì các tin đồn thất thiệt. Đương nhiên là lâu nay ai cũng biết chích ngừa vaccin là phương pháp hiệu quả nhất dành cho tất cả các căn bịnh gây ra do "virus". Tuy nhiên tính hiệu quả của mỗi loại thuốc tiêm chủng và các ảnh hưởng phụ do nó gây ra, là những điều cần thiết phải biết vì không phải loại thuốc nào cũng giống nhau. Một số loại thuốc ngừa có hiệu quả rất thấp hoặc có những ảnh hưởng phụ phức tạp, nhưng do nhu cầu cấp thiết, nên vẫn được đem ra xử dụng. Trong khi đó có một số người đã được chích ngừa, chủ quan không bị mắc bệnh hoặc ỷ y tiếp xúc với nhiều người khác, nên có thể vô tình trở thành nguồn dịch lây lan.

Thứ tự hiệu quả của các loại thuốc ngừa hiện nay trên thế giới là Pfizer, Moderna, J&J, AstraZeneca, Sputnik, Sinovac ...v.v.. Tuy nhiên đây chỉ là đánh giá dựa trên số liệu thu thập được của một số cơ quan chuyên môn. Số liệu có tính tương đối của nó. Còn đối với thuốc ngừa của Nga (Sputnik) và Trung quốc (Sinovac) thì cũng như những vấn đề thường lệ khác của họ lâu nay, có thể sẽ không bao giờ có một số liệu minh bạch và chính xác được. Cho nên tuỳ vào cảm tính và vận may của đất nước vậy !

==> Có hai loại thuốc vaccin nữa sắp ra mắt, cần lưu ý:

* Novavax của Mỹ (mã số cổ phiếu là NVAX), rất tiềm năng, đang ở những bước cuối cùng để xuất xưởng trong quý tới.

* Thuốc thứ hai đặc biệt có tên gần giống Novavax của Mỹ, đó là Nano Covax của Vietnam. Hôm trước có đăng báo là sắp ra đời, tính hiệu quả trên 99%, và chi phí chỉ tốn $120,000 đồng VN cho một liều, tương đương với usd $5.2. Nghĩa là khi ra mắt sẽ trở thành loại thuốc chống covid hiệu quả nhất thế giới và rẻ nhất ! (Xin lỗi, thông tin này là mình đọc trên báo Vietnam News chính thống nghen. Hy vọng không phải nói cho vui kiểu kéo đám mây điện tử về VN)

- Cũng xin nhắc lại, chích ngừa xong không có nghĩa là sẽ không bị dịch và không lây lan cho người khác. Cho nên những người đã được chích ngừa vẫn cần phải giữ gìn, quan tâm dùm cho người chưa được chích ngừa. Nhiều người chích ngừa xong, vẫn có khả năng bị nhiễm bịnh, nhưng có thể không có triệu chứng rõ rệt, nên thường chủ quan, vô tình lây lan cho người khác. Nên biết thêm là những người đã chích ngừa thì vẫn có khả năng mắc bệnh nhưng thấp hơn, và nếu có mắc bịnh thì khả năng bịnh nặng, hoặc nguy hiểm đến tính mạng cũng thấp hơn. Còn các bác theo thuyết âm mưu hoặc theo quan điểm không chích ngừa covid, thì mình cũng rất tôn trọng, và không dám nói đến ở đây.

Tuy nhiên để đạt đến mức độ "miễn dịch cộng đồng" (Herd immunity) thì cần phải đạt đến một số lượng tiêm chủng nhất định. Nhiều người cho rằng cần khoảng 70% tổng dân số cộng đồng có tiêm chủng mới tạo ra được tình trạng miễn dịch công đồng. Nhưng đó cũng chỉ là lý thuyết thôi, không phải là tuyệt đối, đặc biệt trong các biến chủng sinh học phức tạp. Bên cạnh đó, ý thức con người, trình độ dân trí, cũng như điều kiện kinh tế xã hội của từng quốc gia, cũng là những biến số rất quan trọng trong việc dập tắt dịch bệnh. Cho nên không ai bảo đảm được điều gì. Hy vọng các loại thuốc ngừa kết hợp cùng với các loại thuốc uống đang nghiên cứu hiện nay, sẽ dẫn đến những kết quả khả quan hơn. Và cũng hy vọng qua kinh nghiệm lần đại dịch này, giúp cho giới khoa học đi gần hơn với những phương cách đối phó dịch bệnh phù hợp và hữu hiệu hơn trong tương lai. 

5. Truyền thông mùa dịch ?

- Đây là một vấn đề rất quan trọng trong mùa dịch bệnh, vì ai cũng hoang mang, lo lắng vì bối cảnh mới mẻ và tin tức loạn xạ. Đám tin vịt thừa cơ thả vịt câu view, rồi nhiều người đọc tin không kiểm chứng, không phân tích, cứ thế gởi ra, truyền tải, càng làm rối loạn xã hội, gây hoang mang cho bà con anh em bạn bè. Dạo trước bên Trung đông có kẻ còn sợ quá, uống cả thuốc rầy vào để diệt covid. Phải cảnh giác chứ nghe tin vịt, rồi uống cả lá ngón, thuốc sâu, ngọc linh, ngầu pín… trị bệnh thì không tốt chút nào !

- Thông thường ở các nước phát triển đều lập ra một ban chỉ đạo toàn quốc (tập trung và duy nhất, cập nhật tin tức hàng ngày). Mọi thông tin chính thống đều do ban này thông báo. Ban bệ đó sẽ bao gồm các vị lãnh đạo đứng đầu quốc gia và những vị đại diện các ngành chính liên quan mật thiết đến tình hình đất nước như là tài chánh, y tế, an ninh, lương thực, phòng bị, cứu hộ ...v.v... Bên Mỹ bên Châu Âu, thời kỳ cao điểm, tổng thống thủ tướng ngày nào cũng lên TV họp báo cùng với ban chỉ đạo chống dịch, cập nhật tin tức trong ngày và trực tiếp thông báo các kế hoạch cụ thể, để cho người dân không bị bối rối hoặc hiểu lầm.

Còn nếu không tuân theo nguyên tắc tập trung và duy nhất, mạnh ai nấy phán, hoặc chuyện gì cũng đợi ý kiến từ một vài người không chuyên môn, e rằng trống đánh xuôi kèn thổi ngược, khó đồng nhất, tạo điều kiện cho bọn xấu tung tin giả. Cũng dễ bị đám gian thương, tham quan lợi dụng cơ hội để trục lợi, hoặc làm phiền phức rối loạn lòng dân, thực giả khó phân. Ở đất nước nào thì vấn nạn này cũng có thể xảy ra !

- Nên lưu ý chính những người thừa hành chống dịch kém hiểu biết, hoặc các kế hoạch phân bổ và cách triển khai thực hiện không đồng bộ là những nguyên nhân góp phần làm nhiễu loạn trật tự xã hội. Cho nên có một phương án truyền thông hợp lý và đồng nhất trong thời kỳ đại dịch là tối quan trọng. 

6. Ăn uống gì, làm sao sống, tiền đâu ?

- Phần này thì hoàn toàn dựa vào chính phủ nước sở tại, mình không biết và cũng không dám ý kiến. Chỉ là rất quan tâm vì hoàn cảnh kinh tế đất nước VN khác với nhiều nước khác. Số lượng lao động hè phố, buôn gánh bán bưng, công nhân, nông dân nghèo ... lượng người dân kiếm sống từng bữa ở VN rất nhiều. Không biết nhà nước VN có phương cách nào giúp đỡ cho họ vượt qua kiếp nạn này không ?

(Mở ngoặc chút, trong đợt dịch bệnh vừa qua, chính phủ Mỹ sẵn sàng hổ trợ cho người dân của họ bằng mọi cách, không phải chỉ vì họ giàu có, mà là họ quan niệm rằng đó là những  kiếp nạn "không phải do người dân gây ra". Người dân đen là nạn nhân đáng thương của cơn dịch bệnh quái ác, mà nguyên nhân còn chưa biết là do con người cố ý hay do tự nhiên gây ra.)

Tóm lại, xin có vài ý kiến vụn dựa vào cái hiểu biết hạn hẹp của mình. Các bạn nào muốn có thông tin cập nhật hơn nên tham khảo với các bác sĩ dược sĩ chuyên môn nhé. Phần còn lại, chính yếu vẫn là do các bạn, tự tìm hiểm & ứng biến dựa vào hoàn cảnh của từng người. Mỗi người mỗi cảnh. Xin cầu chúc tất cả các bạn cùng gia đình nhiều may mắn, thân tâm an lạc. Mong kiếp nạn sớm qua đi và cuộc sống bình an sớm trở lại !

PN

Thursday, May 27, 2021

Tâm và công đức ?


Lâu nay mình vẫn nghĩ có lẽ cái khó nhất trong cuộc sống này là làm sao để có được một cái bánh mà cắt ra ai ăn cũng thấy ngon giống nhau. Nhưng nói đùa vậy thôi, chứ chắc chắn là không ai có thể làm được điều đó. Mỗi người mỗi ý, ngộ tánh khác nhau. Chúa Phật cũng phải chào thua, bởi kinh điển hoặc bất kỳ một lý thuyết tôn giáo nào cũng không thể giúp cho thiên hạ có cùng một sự lãnh hội và hiểu biết giống nhau được.

Mấy hôm nay là mùa lễ Phật đản (đản sanh). Nhiều xứ, nhiều nơi tổ chức cúng lễ rầm rộ. Nhiều chùa tổ chức rất quy mô để cầu cho quốc thái dân an, đẩy lùi dịch bệnh. Dĩ nhiên là không phải đất nước PG nào cũng có ngày Phật đản giống nhau, mặc dù đa số đều tổ chức vào tháng 4 Âm lịch. Mình thì thường nói vui với bạn bè là.... "Chọn lựa ngày nào chắc cũng được, vì Phật không sinh ra vào tháng nào cả, mà đó chỉ là ông thái tử Tất đạt Đa ra đời thôi !"  :-) . 

Rằm tháng 4 năm nay, hôm qua, cũng là một ngày rất đặc biệt. Giới khoa học gọi là ngày nguyệt thực "trăng máu" (blood moon). Trái đất nằm ngay chính giữa mặt trời và mặt trăng. Khoa học thì giải thích đơn giản vậy, còn các ngài phi khoa học thì giải thích ác liệt hơn nhiều, điềm báo lung tung .... 

Nhân mùa Đản sanh, xin mạn phép gởi đến quý anh chị và bạn hữu một bài dịch của cố GS Phạm Công Thiện, dịch từ bản gốc tiếng Pháp của Léon Wieger. Léon Wieger là một nhà truyền giáo Thiên chúa giáo người Pháp, một bác sĩ y khoa nổi tiếng vào đầu thế kỷ 20, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về Đông phương, Đạo giáo, Phật giáo ..v.v.. Đây là bài ông viết về buổi thuyết giảng đầu tiên của ngài Bồ Đề Đạt Ma tại TQ, giảng cho vua Lương Võ Đế và triều đình TQ thời bấy giờ. Rất hay, nên đọc !

Cũng xin nhắc lại một điển tích PG rất hay ngày xưa. Vua Lương Vũ Đế là một vị vua khai quốc của triều nhà Lương. Ông là người rất sùng đạo, chuyên xây chùa, luôn làm phước, làm thiện ... và là một trong những vị vua cai trị đất nước TQ thịnh vượng và hùng mạnh nhất. Khi gặp được ngài Đạt Ma, ông hỏi "Ta chuyên làm chuyện tốt nhiều như vậy, có công đức không ?". Ngài Đạt Ma trả lời : Không, không có công đức gì !

Còn thời nay ai mà dám nói "không" nhể ?  Hihihi...:-)

PN

-----------




(BÀI THUYẾT PHÁP CỦA TỔ BỒ ĐỀ ĐẠT MA CHO VUA LƯƠNG VÕ ĐẾ)

(Bản dịch sang tiếng Việt của gs Phạm công Thiện)

Sau đây là bản dịch Bài Thuyết Pháp của Bồ Đề Đạt Ma trong Histoire des Croyances Religieuses et des Opinions Philosophiques en Chine (Depuis l’origine jusquà nos jusquà nos jours) của Léon Wieger (1922).

Đây là bài thuyết pháp đầu tiên của Bồ Đề Đạt Ma tại Trung Hoa. Ngài thuyết giảng ngay tại triều đình của Lương Võ Đế có sự hiện diện của nhà vua và toàn thể văn võ bá quan là những thành phần trí thức ưu tú trong nước. Lương Võ Đế tuy là một ông vua sùng đạo và các quan văn trong triều tuy là những bậc trí thức trong nước, những cũng không lãnh hội và chấp nhận nổi những ý chính trong bài thuyết pháp, một phần vì nhà vua và các quan còn chấp thủ, một phần vì lời thuyết pháp quá ư mạnh bạo, gần như sổ sàng tuy lý luận rất đanh thép, ngôn từ rỏ ràng và cô đọng. Bài thuyết pháp tuy rất ngắn gọn nhưng thật là đầy đủ ý nghĩa, bao gồm được tất cả tinh hoa của giáo pháp Phật và cốt lõi của thiền. Có thể nói cuốn Đạt Ma Huyết Mạch Luận chỉ triển khai những tư tưởng trong bài thuyết pháp nàỵ. Thất bại trong lần thuyết pháp đầu tiên ở Trung Hoa, Bồ Đề Đạt Ma bỏ ra đi. Ngài không thuyết pháp nữa mà ngồi thiền trước một bức tường (bích quán) trong suốt chín năm trời.

Phần thứ nhất: Bản Chất Của Tâm

Cả thế giới được nghĩ trong tâm. Tất cả chư Phật - quá khứ và vị lai - đã và sẽ được tạo thành trong tâm. Sự hiểu biết được truyền từ tâm sang tâm qua ngôn từ nên tất cả những kinh sách chẳng có ích lợi gì. Tâm của mỗi người đồng điệu và tương ứng với thực tại muôn đời, với thực tại muôn nơi. Tâm là Phật không có Phật ngoài tâm. Coi giác ngộ và niết bàn là những sự vật ở ngoài tâm là một điều sai lầm. Không có giác ngộ ở ngoài tâm linh động. Không có chỗ nào gọi là nơi chốn của những người đến niết bàn. Ngoài thực tại của tâm, tất cả đều là huyễn tượng. Chẳng có nhân, chẳng có duyên. Chẳng có lý do, chẳng có kết quả. Chỉ có một thực tại duy nhất. Đó là: Tư tưởng của tâm và sự an nghỉ của tâm chính là niết bàn. Đi tìm một sự vật ngoài tâm là đi tìm bắt hư không. Tâm là Phật và Phật chính là tâm. Tưởng tượng Phật ở ngoài tâm hay hình dung Phật ở ngoài tâm là mê sảng.

Phần Thứ Hai: Phương thức

Vậy phải nhìn vào trong chứ không nhìn ra ngoài. Phải tự lắng vào chính mình để thấy Phật tánh trong chính mình. Tất cả chúng sanh đều là Phật như mình nên mình chẳng cứu ai cả. Không có vị Phật nào hơn mình nên không phải van xin, cầu nguyện ai cả. Không có Phật nào hiểu mình hơn chính mình nên không phải học hỏi trong những kinh sách của các vị ấy. Không có luật pháp nào kiềm hãm được Phật. Một vị Phật không thể sa ngã nên ta không sợ phạm tội. Không có thiện, không có ác. Chỉ có những động tác của tâm. Mà tâm là Phật nên tự tánh không thể lầm lỗi được. Cúng kiến, hoằng pháp, nhiệt thành giữ giới, bố thí cầu kinh và tất cả những thứ khác đều không có ích lợi gì cả. Chỉ cần một điều duy nhất là nhìn thấy Phật nơi mình. Sự nhìn thấy Phật ở nơi mình đưa đến giải thoát, đến niết bàn.

Phần Thứ Ba: Phật Tánh

Không có bất cứ một cuốn kinh nào, không có bất cứ sự tu khổ hạnh nào có thể đưa ta ra khỏi luân hồi. Học kinh và tu khổ hạnh hoàn toàn vô ích, phù phiếm. Không có quyển sách nào đáng cho ta mở ra đọc. Trong sự an tĩnh, vô vi hoàn toàn hãy kiến tánh ở nơi mình, nơi chính tâm mình. Đó mới đúng là Phật. Chỉ học nhìn thấy Phật tánh thôi vì đó là điều duy nhất đáng học. Tất cả những hình tượng khác đều là sương mù, ảo ảnh. Hãy nhìn Phật nơi mình. Đó mới là cái nhìn trung thực duy nhất. Phật tánh ở trong mỗi người và trong tất cả mọi người, Phật tánh đều giống nhau. Khi quên tất cả mọi sự và chỉ giữ lại thực tại duy nhất đó là thoát khỏi vòng luân hồi và tới niết bàn. Tất cả những kẻ thuyết lý đều là trợ thủ của Mara và đưa con người đến chỗ huyễn tưởng. Mọi hệ thống triết học đều hoàn toàn sai lầm và có tính cách lường gạt. Nói đến sự tẩy uế, thiện nghiệp, chuyên tâm và tiến bộ là phỉnh lừa thiên hạ. Mỗi người là Vị Phật của chính mình và của tất cả. Điều ta phải làm cho tới cùng là nhận thức rằng thực tại và chân lý duy nhất ấy tiềm tàng trong mỗi người chúng ta. Không có tội hay đúng hơn chỉ có một tội duy nhất: Đó là tội vô minh, tội không nhận được ra Phật tánh ở chính nơi mình. Tội này rất nặng vì nó giam ta trong cõi vô thường. Thân xác là phù du. Cuộc đời trôi nhanh như một giấc mộng. Trong thời gian ngắn ngủi của cuộc đời ta phải tự giải thoát bằng cách tự khám phá chính hình bóng của mình. Trong giấc mộng đời, ta có thể thấy được thực chất của mình. Trong giấc mộng đời, chính Pháp thân tự hé mở trong bản thể. Đó là thực thể.

Phần Thứ Tư: Pháp Thân

Pháp thân này vĩnh cửu. Trải qua vòng luân hồi, thăng trầm qua vô lượng kiếp, pháp thân vẫn không sinh, không diệt, không thêm, không bớt, không nhơ nhớp, không bị tẩy sạch, không yêu, không ghét, không đến, không đi, không đàn ông, không đàn bà, không già, không trẻ, không tu, không tục, không có, không không. Pháp thân không một mà cũng không nhiều, không thánh mà cũng không phàm. Pháp thân đi vào tất cả không bị trở ngại và không gì ngăn cản được. Pháp thân ung dung trong những kiếp liên tiếp, trong vòng sinh tử.

Chúng sanh và vận mạng của chúng sanh đều qui về pháp thân. Ta thấy pháp thân này ngay trong ta. Ta phải di động và hành động trong ánh sáng của tâm. Pháp thân bao trùm tất cả chúng sanh như sông Hằng giữ nước của nó hằng hà sa số những phân tử phù sa. Ta không thể diễn tả pháp thân được, mà cũng không thể giải thích pháp thân bằng ngôn từ. Mỗi người hãy tự chiêm ngưỡng, lãnh hội pháp thân cho chính mình. Lãnh hội được pháp thân là giải thoát, là giác ngộ. Lãnh hội được pháp thân là ra khỏi sự giao động của thế lực mà đức Thích Ca Mâu Ni gọi là cuồng loạn vĩ đại. Giác ngộ đưa ta vào trong tỉnh lặng hoàn toàn. Người ta phải khám phá chính bản thân mình, khám phá Phật tánh ở mức độ ngoài khả năng diễn đạt của ngôn từ và tư tưởng. Pháp thân vô hình, bất biến và không thể bị hủy diệt. Chẳng có Phật nào khác ngoài pháp thân vì pháp thân ở trong chư Phật. Pháp thân cũng ở trong tất cả mọi người.

Phần Thứ Năm: Tĩnh Tâm

Xin nhắc lại rằng vì tánh chất của pháp thân, ta chẳng cần kinh kệ, chẳng cần cúng tế, thờ phụng mà cũng chẳng tìm cái gì ở ngoài bởi lẽ trong mình ta có tất cả. Tất cả những sự vật bên ngoài đều là hư ảo giả tạm. Chẳng có gì thật ngoài pháp thân. Nguyện cầu những gì sùng bái chính là mình, sùng bái những gì chính là mình là một việc phi lý và vô ích. Điều cốt yếu là làm sao có yên lặng và tĩnh tâm; vì yên lặng, tĩnh tâm giúp ta thấy pháp thân chính nơi ta tức là thấy Phật. Tất cả những biểu tượng giả tưởng, tất cả những biểu tượng vật chất đều sai lầm. Chính sự sai lầm ấy giữ ta lại hoặc đưa ta vào trong vòng luân hồi tái sinh. Không nên sùng bái những hình tượng thoát thai từ nơi mình bởi vì những hình tượng ấy không thuộc pháp thân. Chỉ nên sùng bái những ý tưởng phát ra từ Phật tánh. Phải bỏ tất cả những giả tưởng về thần thánh linh thiêng vì đó chính là những ảo tưởng phù phiếm. Không nên thờ kính những vật giả tưởng đó mà cũng chẳng phải sợ hãi những thứ đó. Cũng nên quẳng bỏ tất cả những ảo ảnh về chư Phật. Ảo ảnh chỉ là những ảo tưởng phù phiếm.

Phần Thứ Sáu: Thiền Luận

Không có gì quí hơn những ý tưởng vô hình của tâm phát ra từ Phật tánh. Chỉ có một điều ta thấy thật sự là: Pháp thân ở nơi Ta. Phật là một tiếng Ấn Độ, không phải tên người và có nghĩa là giác ngộ, linh giác mà mọi người có thể đạt tới được. Sự giác ngộ này chính là thiền. Những kẻ đối nghịch với chúng ta không thể hiểu được giá trị mà chúng ta đem vào danh từ thiền. Thiền không có nghĩa là tham thiền, suy tưởng. Ta chỉ đạt đến thiền khi ta thấy được Phật tánh ở chính mình. Một người đọc vô số kinh luận mà không kiến tánh thì chỉ là kẻ phàm tục tầm thường. Đạo lý ta khó hiểu đối với mọi người vì ngôn từ không đủ khả năng diễn tả được đạo. Chỉ có kẻ nào đạt được mới hiểu. Ta có thể nói với những môn đồ ta như vầy: Các ngươi phải đạt đến Phật tánh nơi các ngươi tức là pháp thân nơi các ngươi. Làm thế nào diễn tả được... và bởi vì không thể nói ra được nên tất cả những kinh luận đều vô ích. Kinh luận chỉ là những câu chuyện phù phiếm, đi quanh vấn đề. Kiến tánh là một hành động giản dị. Kiến tánh không thể chia ra thành từng phần nên ta không thể tri và hành từng phần một. Kiến tánh cũng giống như nuốt một thứ đồ ăn, cũng giản dị và lập tức như thế. Người ta không bao giờ thuyết lý viễn vông chung quanh sự nuốt đồ ăn. Ta biết nuốt hay không biết nuốt. Chỉ có thế thôi! Kẻ nào tưởng tượng một thực tại ngoài Phật tánh bên trong và tìm cách xác định thực tại ấy, kẻ ấy rơi vào sai lầm nghiêm trọng. Tất cả những ý tưởng ngoài ý tưởng về Phật tánh nội tại chỉ là những bóng ma phù phiếm. Chính những ý tưởng đó sinh ra bóng ma, những sai lầm và giữ con người triền miên trong vòng luân hồi. Con người sẽ được giải thoát khi đã phủ nhận tất cả những bóng ma và những sai lầm ấy, đồng thời gắn liền với Phật tánh ở trong nội tại. Giây phút giác ngộ này, giây phút giải thoát này, mỗi người hãy tự mình đi đến. Giáo lý chỉ có thể giúp người ta chuẩn bị. Giáo lý không thể tạo ra giác ngộ. Mộng không thể học được. Chết không thể học được. Lãnh hội Phật tánh nơi chính mình cũng không thể học được. Pháp thân rất giản dị. Ta không thể tạo ra được mà chỉ lãnh hội được. Kẻ nào đã lãnh hội được pháp thân thì không cần thiên đàng, không còn địa ngục, không còn mình, không còn kẻ khác, không còn gì bên ngoài. Vậy việc lãnh hội pháp thân là việc của đức tin tuyệt đối, không mảy may pha lẫn bóng tối ngờ vực. Khi người ta mộng, người ta không bao giờ nghi ngờ bởi vì người ta thấy thực tánh của mình. Trong khi thức, ta cũng phải tin tưởng vững chắc như vậy dù có bị những ảo tưởng của giác quan và những sai lầm của trí tưởng tượng ràng buộc.

Phần thứ bảy: Vô Minh

Đối với những người đã khám phá được bóng hình của mình và không còn bị bất cứ một hệ lụy nào ràng buộc, thì bất cứ một hành động nào của thể xác vật chất cũng không có thể ảnh hưởng đến pháp thân. Một kẻ phàm tục làm nghề đồ tể cũng có thể là một vị Phật. Kẻ nào đã lãnh hội được Phật tánh thì không tạo nghiệp nữa dù làm bất cứ một hành động nào bởi vì kẻ ấy đã giác ngộ. Nghiệp chỉ đeo đuổi những người chưa giác ngộ vì những người đó còn trong vòng u tối vô minh. Chính sự ngu muội này đã tạo ra vòng đầu thai, luân hồi ở địa ngục, làm thú và làm người. Tất cả nợ tinh thần chấm dứt ngay khi giác ngộ phá hủy vô minh. Bậc giác ngộ không làm nên tội lỗi và cũng không phạm tội nữa.

Phần thứ tám: Giác Ngộ

Ta phải giảm dần những ấn tượng, bớt dần tham vọng, (bớt dần) tập trung và an trí. Đó là chuẩn bị. Kinh kệ, tu khổ hạnh, công trình nghiên cứu học hành đều chẳng có lợi ích gì cả. Kiến tánh không thể học được. Tại sao có những người đã chuẩn bị cẩn thận và có thành tâm đứng đắn mà vẫn không kiến được tánh? Bởi vì nghiệp của họ chống đối lại. Sự hôn mê mù quáng của họ, sự sai lầm chai cứng của họ, sự bất lực của họ là những hình phạt về những tội lỗi của họ trong quá khứ. Họ chưa trả hết nợ. Họ chưa đủ trong sạch để đạt được giác ngộ. Đây là nợ tinh thần và nỗ lực cá nhân chứ không phải do địa vị xã hội.

Phần thứ chín: Phật là gì?

Ta đến Trung Hoa để truyền bá tâm ấn, đạo lý mới lạ ở đây chưa ai biết. Phật ở trong tâm mỗi người. Giữ giới luật, tu khổ hạnh, cầu kinh, nghiên cứu nghĩa lý, tất cả những thứ này chẳng dùng được việc gì cả. Mục đích duy nhất mà mọi người phải đạt được là giác ngộ. Khi nào đạt được giác ngộ là thành Phật, một vị Phật như tất cả chư Phật dù cho kẻ ấy không đọc được một chữ nào cả. Thành Phật nghĩa là thấy Phật tánh nơi mình, nơi tâm mình, nơi tâm của tâm mình. Phật tánh vô hình, không thể rờ mó được, bản thể của nó mong manh như hư không. Tâm ấy mọi người đều mang trong mình.

Tâm hỡi, tâm ơi!

Mi lớn đến nỗi bao trùm cả vũ trụ.

Mi nhỏ đến nỗi mũi kim không thể xuyên qua được.

Hỡi tâm của ta! Mi là Phật.

Chính vì mi mà ta phải qua Trung Hoa để giảng truyền đạo lý.

(Phạm Công Thiện dịch)

Sunday, May 23, 2021

Dân dã quê nhà ....

 


Năm nay dịch bệnh, ở nhà làm vườn trồng rau. Rau sạch hái vô chỉ cần luộc chấm mắm, đơn giản vậy mà ngon tuyệt. Ngồi ăn mà nhớ đến những món đặc sản ở quê nhà năm xưa, viết kể lại vài món cho đỡ ghiền !

Đã nói đến món ăn đặc sản, thì địa phương nào cũng có, ai mà kể hết được ? Thời buổi bây giờ đi đâu cũng thấy quảng bá rầm rộ, báo chí địa phương, mạng du lịch, zu túp zu tiết cũng đăng đầy. Mà khi nói đến ăn uống là nói đến khẩu vị, cho nên ngon với người này chưa chắc đã ngon với người khác, nên khen chê cũng là chuyện bình thường. Còn cách nấu nướng thì cũng vậy, mỗi nơi mỗi vùng có những món ăn khác nhau. Mà dẫu có món giống nhau thì cách nấu và nêm nếm cũng khác nhau. “Mỗi người mỗi kiểu mười phân vẹn mười” :-). Thế nhưng đôi khi cũng không tránh khỏi chuyện ông bún bò Huế ở Cali chê ông Texas, ông Texas chê bà D.C, bà D.C chê quán ở SG, quán SG chê quán HN ....Vả lại, chuyện ăn uống ngoài việc hợp khẩu vị, còn là hợp thời gian, hợp môi trường, hợp người hợp cảnh, ăn với ai, ăn lúc nào ..v.v... Cho nên nhiều lúc đi tới đâu nghe giới thiệu những món đặc sản, mình rất thích thử cho biết, nhưng cũng không chờ đợi gì lắm. Thực ra, trong lòng của mỗi người đều có những món đặc sản của riêng họ, cho dù là dân dã hay cầu kỳ, thì những hương vị đó vẫn là bất tử. Nhớ ngày xưa mỗi lần đọc Nguyễn Tuân, Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc ... nghe tả các món ăn là đã thấy đói bụng rồi. Nhưng khi đi đến tận nơi, nhìn thấy tận mắt, thì cũng hên xui, tuỳ cô chủ quán hoặc người đầu bếp thôi :-). 

Nếu như nhiều người lâu nay cho rằng đẹp xấu là tuỳ người đối diện, thì ngon dở cũng là tuỳ người ăn. Mà quan niệm này thì luôn luôn đúng, tây ta gì cũng thế. Ngon với người này chưa hẳn ngon với người khác. Như có lần đi lễ hội Mardi Gras ở New Orleans (bang Louisiana - Mỹ), mấy người bạn chuẩn bị chu đáo, dẫn mình đến một nơi rất nổi tiếng về Crawfish, "chính gốc không đại lý", rồi hỏi ngon không. Mà thực ra là mình chưa bao giờ thấy crawfish ngon mặc dù đã cố thử vài lần, nên đành cáo lỗi, làm mấy người bạn cũng hơi thất vọng. Mùa Oktocberfest bên Đức cũng vậy, thức ăn rất ngon, tửu đồ cả thế giới chạy về đó để thưởng thức bia và những món đặc sản, đặc biệt là xúc xích và đùi heo. Nhưng mình lại không thích những món đó, mà chỉ ghiền Steckerlfisch (cá nướng xiên que). Có lẽ xuất thân là dân nhà quê, gốc rạ, nên chỉ quen thuộc với những món gần gũi như cá lóc nướng trui, cá tràu đắp bùn, cá chạch đốt rơm... :-). Một ví dụ nữa như ngoài QN có món Don "thần thành", nhiều ông có vợ phương xa, dẫn về khoe mẽ đặc sản quê nhà. Dọn lên, bà vợ ngồi đợi hoài, không biết ăn sao, hỏi - "Uả món gì mà chỉ có nước với bánh tráng thôi sao ?". Không sao, bây giờ vẽ ra có thêm cái trứng vịt lộn nữa cho phong phú :-) .

Thực ra thì ở đâu quen đó, ngủ hoài quen hơi, ăn hoài quen miệng thôi. Nên đứa con nào cũng nghĩ rằng mẹ mình, bà mình, nấu ăn là ngon nhất, bởi đơn giản là cách nấu nướng và mùi vị nêm nếm quen thuộc từ nhỏ. Như mình hồi nhỏ ở với bà Ngoại, lớn dọn lên tỉnh bà cũng đi theo. Dù chỉ ở quê nhà chỉ một thời gian rất ngắn ngủi, nhưng những hương vị món ăn ngày xưa của bà nấu vẫn đi theo mình cả đời. Mấy năm sau này lần nào về quê cũng cố tìm lại những món ấy, nhưng chắc chắn là không bao giờ gặp được cái hương vị ngày xưa !

Mà nói đến đặc sản VN trước tiên là phải nói đến mắm. Ngay cả các tiệm thực phẩm châu Á ở nước ngoài bây giờ cũng bày bán đủ các loại mắm, khác với thời mấy chục năm về trước. Mắm cái, mắm nêm, mắm tôm, mắm cá lóc, mắm sặc, mắm chua, mắm thính, mắm dì Cẩn, mắm bà giáo Thảo, bà giáo Khoẻ ..... gì cũng có. Mấy đứa con mình không biết ăn mấy món này, nên lâu lâu có bạn bè bên nhà qua chơi, tặng mấy hủ mắm đặc sản, ăn hoài mấy năm chưa hết. Mới lúc trước dịch đây, có ông anh quen cho mình hủ mắm, đặc sản chính gốc Cửa Lò, Cửa Hội. Mỗi lần mở hủ mắm ra là con mình lẻn đi lên lầu hết. Không biết làm bằng con cá gì, nhưng chấm với ba rọi hoặc rau muống, đọt lang, bông bí là tuyệt cú mèo. Còn ở quê Ngoại mình thì ôi thôi đủ loại mắm, vì gần sông gần biển. Có nhiều loại mắm cũng tương tự và đại trà như các vùng duyên hải khác như mắm cá cơm, cá thu, cá nục. Ở đây mình chỉ nhắc đến vài loại bình dân nhưng rất ngon.

- Mắm Dãnh: làm bằng con cá Dãnh, có màu đùng đục như bạc xỉu. Thường dưới quê mấy người chỉ làm quà biếu nhau vì nguồn cá Dãnh không nhiều lắm. Món này mà ăn với thịt ba rọi, bún tươi, thậm chí chỉ với ớt tỏi, cơm nóng thôi....cũng thuộc loại thần sầu :-).

- Mắm Mày mạy: Món này rất hiếm, mấy chục năm sau này ít khi nghe nhắc đến, nên mình cũng quên mất. Hôm qua viết bài này xong, có ông anh cùng làng nhắc đến món mắm mày mạy, mới nhớ. Mày mạy có hình thù giống như con tôm tít còn bé. Ông anh mình nói loại này chỉ có ở vùng Cổ lũy hạ lưu sông Trà. Muốn bắt chúng phải đặt bẹ chuối trên cát, chúng bò vào rồi không thể bò ra được. Xúc về làm mắm, ngon tuyệt vời. Món này mà ăn với bún tươi thì mắm Dãnh cũng đành phải xếp thứ nhì thôi :-). Mở ngoặc chút, ngoài quê mình có loại ớt sim “chim ỉa”, tức là ớt rừng do chim ăn rồi ị  hột trên núi, mọc hoang. Ớt này được thiên hạ hái về ăn Don hay ăn với mắm cùng với tỏi Lý Sơn. Tuyệt ! Không cần món gì cầu kỳ, chỉ cần một chén mắm ớt tỏi đó ăn với bánh đúc lá vông, bánh tráng ướt, bánh tráng nướng nhúng nước, hoặc tô bún tươi, là đã “độc cô cầu bại” rồi :-).

- Mắm Ngừ, mắm Mực .... làm bằng ruột cá ngừ, mực cơm, thuộc hàng dân dã nhưng rất đậm nét quê hương. Bà Ngoại mình nhiều khi bỏ cả đu đủ xanh, hoặc dưa tây, dưa gang vào, dòn ngon và rất thông dụng vào những ngày mưa lụt.

Ngoài quê sau này còn làm cả mắm Nhum (sea urchin), ngày xưa chỉ có vùng biển Sa Huỳnh mới có món này. Thông thường thì người dân quê chỉ xử dụng những loại cá rẻ tiền, nhiều xương, hoặc ăn không ngon, để làm mắm, làm chả. Ví dụ như chả cá rựa, cá thát lát, cả đỏ... Miền Trung vì ở gần biển nên các loại cá làm mắm thường là cá nước mặn. Còn miền Nam, gần sông nước nên đa dạng hơn các giống cá nước ngọt như cá lóc, cá linh, cá sặc, cá tra, cá chốt, cá suối, cá vụn...v.v. Mỗi vùng miền có cách làm đặc thù và mùi vị khác nhau. Và cũng không phải là ai cũng biết thưởng thức mắm. Mình có ông anh quen là công tử của một vựa mắm lớn ở quê mình nhưng lại không hề biết ăn mắm:-).

Kế đến, là nhắc đến các món đặc sản liên quan đến cá. Ngoài lề chút, phải nói là dân VN thuộc hàng ăn cá nhất nhì thế giới. Đi tới đâu, nhà hàng nào, quán ăn nào cũng thấy cá tôm, đặc sản tươi sống. Tuy nhiên, với sự tàn phá môi trường, tận diệt tôm cá như lâu nay, nếu chính quyền không có một kế hoạch cụ thể và cứng rắn, thì vấn nạn nguồn tôm cá cạn kiệt sớm muộn gì cũng không tránh khỏi. Ở những nước văn minh hơn, người ta kiểm soát rất gắt gao về kích cỡ chủng loại hải sản, thời vụ đánh bắt, và phương tiện đánh bắt. Nhiều nơi nghiên cứu cách nuôi trồng lai tạo để trả lại môi trường tự nhiên các chủng loại tôm cá, thủy hải sản, có khả năng sinh sản cao. Còn phe ta thì ăn từng bầy cá con, cá bé, cá lòng tong, ròng ròng ... Lưới bén, lưới chài, lưới bủa, lưới kéo, cỡ lớn cỡ nhỏ, một phân một ly gì cũng xài tuốt. Ngoài khơi thì qua hết thời đánh thuốc nổ, lại đến thời đánh đèn cao áp, lưới cào lưới giả .... Cá chưa kịp lớn, chưa kịp sinh sản, thì đã vào quá nhậu đặc sản quê hương. Còn tăng gia sản xuất, nuôi bè, nuôi ao, ngày càng nhiều, nhưng việc tuân thủ luật lệ môi trường thì người có người không. Lâu lâu còn bị mấy anh doanh nghiệp tiết kiệm xử lý nước thải, xả hàng, bơm hoá chất ra sông ra biển. Bên cạnh đó, cũng không hiếm nạn khách du lịch hoặc các khu dân cư ven biển, thiếu ý thức bảo vệ môi trường, đùn đẩy nylon, ống hút, đồ nhựa, rác thải công nghiệp ra biển. Con người còn chịu không nỗi huống hồ chi tôm cá. Nhưng mấy hãng to hãng lớn, miệng có gan có thép, dù có làm cho nước ô nhiễm cả vùng, dân bó gối cả năm, thì cũng có ông quan này xuống bơi, ông quan kia xuống ăn cá, quay phim lên báo lên đài, coi cũng vui. Còn dưới sông dưới biển thì cá tôm vẫn phải chịu đòn, mà trên bờ thì ngư dân ngư phủ cũng phải gánh gồng cam chịu, đắng cay âm thầm.

Trở lại mấy món đặc sản cá của quê mình ngày xưa. Các món cá thì nhiều lắm, mình chỉ muốn nhắc đến vài món mà mình còn nhớ:

- Cá kè nướng trui: Cá Kè thuộc loại xấu xí, da gai góc, dày cộm (có lẽ cùng họ với các loại bò hòm, bò gai). Loại này ngày xưa rẻ lắm, mấy người dưới quê đi biển vô bán từng bao cát, nhưng sau này lại trở thành đặc sản quý hiếm. Cá này chẳng làm món gì được, ngoài nướng trui cho cháy da, rồi lột ra chấm muối tiêu ớt. Thịt trắng, ngon vô cùng. Những ai sành ăn hơn, thì ăn kiểu "trảm mã xà", nghĩa là vào mùa ruốc, cá kè ăn ruốc đầy bao tử. Nướng cá Kè xong, lấy ruốc từ bao tử ra, nhậu với tỏi một Lý sơn và rượu đế. Tuyệt !

- Cá dìa nướng than: Ngày xưa con sông dưới quê mình, cá dìa, cá đối, cá cồi nhiều lắm. Sông nước lợ, chảy ra cửa Đại, xuoi về biển, cá tôm đủ loại, giờ thì trở thành hiếm hoi đặc sản. Mấy món này ngày xưa thuộc hàng dân dã, nên thương lái ít khi chở lên tỉnh bán, chỉ bán vòng vòng ở địa phương. Ngoại mình thường mua về kẹp lá chuối nướng than ăn với mắm gừng. Lâu lâu muốn thơm hơn, nhét vài lá bòng, lá bưởi, lá sả, vô ruột trước khi nướng. Chín, mở ra thơm lừng !

- Cá chuồn kho nít non: Món này bình dân, thông dụng nhưng đi xa lại nhớ. Tới mùa cá chuồn thì chuồn cồ, chuồn xanh, chuồn bông, chuồn lộng, chuồn gành, chuồn khơi, chuồn mít ...... đủ loại, rẻ ối . Nên nhiều người phải phơi khô để dành cho ngày mưa gió. Còn nấu thì đủ kiểu, nào là kho, ướp nghệ nướng, nấu canh với cà chua xanh, thơm khóm....v.v... Mình thì khoái nhất là món kho với mít non, nhưng chỉ ăn mít thôi, không ăn cá :-).

- Cháo cá hà nàm: Cá hà nàm là cá nhám còn trong bụng. Nghe thì có vẻ ác độc nhưng thường là người ngư dân đánh lưới, vô tình bắt được cá nhám (thuộc họ cá mập), mổ ra mới biết. Dân biển ít ăn cá mập, chỉ ăn cá nhám. Còn ai muốn học cách phân biệt thì phải biết coi cái mang cá, hoặc du lịch về xứ đó học nghề :-). Món này nấu cháo, nghệ, nén, tỏi, hành ...gia vị, thì thôi rồi, khỏi bàn nữa, đại bổ dưỡng !

- Bún biển: thuộc loại tảo rong, sinh vật biển (nước mặn hoặc nước lợ), có hình thù như cọng bún mì, cước câu loại lớn. Tới mùa, dân ở quê vớt về biếu tặng thôi, ít khi bán buôn vì rất rẻ. Nấu nước lèo trụng ăn như bún nước lèo Nam bộ, hoặc có người làm khô như mì Quảng, bún xào, hoặc làm gỏi với tôm thịt rau thơm. Ngoại mình thường làm bún nước cho dễ ăn. Bà nói món này thuộc loại âm hàn (ăn mát) như hột vịt lộn, nên ngày xưa thường không dám cho con nít ăn nhiều, sợ bị ách bụng. (Hồi đó chưa biết uống rượu, chứ bây giờ làm vài ly bourbon là hết hàn ngay :-) .

- Cá bống/cá thài bai: Mấy món này thì nhiều người ngoài quê biết rồi. Nhưng thực ra thì cách kho không phải ai cũng giống nhau. Dưới quê mình, bà con kho cá bống trong trách đất. Tiêu và nước mắm cũng phải thuộc loại đặc biệt. Kho bếp củi, rồi dụi than cho nước mắm sánh lại dần, khô con cá. Mùi vị không lẫn vào đâu được. Bởi vậy sau này về lại quê cũ, thấy có bày bán nhiều, nhưng cách kho khác quá, nên cũng không còn ghiền ăn nữa. Có năm nào coi cái video quảng bá về du lịch quê nhà, thấy ai chỉ cách kho cá bống, dầu mỡ lai láng. Coi xong hết thèm ăn đặc sản luôn. Còn cá thài bai thì thời nay cũng cạn dần, hiếm hoi. Cá thài bai thì phải bắt đúng lứa mới ngon. Già thì lại cứng, non thì lại bở. Mấy năm gần đây thỉnh thoảng về quê vào dịp gần tết, cũng được bạn bè đãi tặng. Vẫn ngon, nhưng thực sự thì khác xa cái hương vị ngày xưa của mình. Nhiều người cho rằng vì ngày xưa thiếu thốn nên ăn cái gì cũng ngon, giờ đầy đủ quả nên không cảm được. Mình thì không nghĩ vậy, vì thực ra trước năm 1975, người dân quê mình cũng không phải thiếu thốn lắm. (Nhận định một cách công bằng, ở Phú Thọ, Cổ Luỹ, Phổ An, ngày xưa sầm uất hơn, mặc dù đó là thời chiến tranh và dân số ít hơn bây giờ. Mỗi lúc ghe cá vô bờ, các "bạn rỗi” mủng thúng xôn xao, cái cặp nách, cái đội đầu, rôm rả tất bật chạy như bay lên chợ. Xe máy 2 càng, hai giỏ hai bên, lạng lách tranh nhau đua cho kịp những phiên chợ tỉnh, chợ huyện. Ghe bầu, ghe buôn, sắp hàng dài trước bến, ra vô tấp nập. Còn bây giờ thì đi lới đi lui lèo tèo vài quán lấn sông. Ngay cả con cá thòi lòi, "dấu đầu lòi đuôi", ngày xưa chẳng ai thèm ăn, giờ cũng thành đặc sản !)

- Bún cá ngừ: Món này thì bây giờ SG cũng bán khá nhiều, cũng như món cá nục hấp cuốn bánh tráng. Nhưng đúng là mỗi người có cách nấu khác nhau. Bây giờ thì mấy quán miền Trung bên Tây bên Mỹ cũng có bán mấy món này, chỉ là hương vị có phần khác nhau. Nhớ ngày đầu tiên về lại VN đi làm, một ông anh rủ mình vô quán 3 miền của cố nhạc sĩ TCS dưới gần cầu Trương Minh Giảng đãi món này với món gỏi sứa dấm nuốc. Mấy chục năm trở lại, đúng là ăn cả một trời thương nhớ. Nói đến món dấm nuốc, nhớ đến nhà thơ Mường Mán. Không biết quán anh ở SG giờ còn bán món này chăng ?

- Canh chua khế: Món này cũng thuộc loại đặc sản của quê mình. Cá chim, cá liệt, cá ngân ....cá nào nấu cũng ngon. Cực kỳ đơn giản mà kỳ lạ là đi xa bao nhiêu năm vẫn còn nhớ hoài.

- Cá khoai nấu mứt (rong biển): Sau này ở SG cứ chiều chiều ngồi nhậu khô cá khoai, cá đuối, là nhớ đến món này ở quê nhà. Ngày xưa bến sông quê mình có nhiều ghe từ Lý Sơn hoặc từ xứ khác, ra vô buôn bán tấp nập. Ghe nào cũng đẩy ắp hành tỏi, rau câu, chưng vịt (một loại rong biển để nấu chè), mứt (rong biển), ruốc khô. Cá khoai nấu rong biển, mềm mại, chưa kịp nhai đã vô bụng rồi :-). Đơn giản mà ngọt ngào !

Thứ ba, là nói về các món dân dã khác mà người dân quê mình thường nấu:

- Canh khoai với tấm nếp: Món này cũng là một trong những món tuyệt chiêu nhớ đời của mình. Sau này về quê hỏi hoài mà chẳng thấy nhà hàng nào bán. Nhiều anh bạn mình ở thành phố nghi ngờ hỏi lại mình "Mày có nhớ lộn không, làm gì có món này ?". Mình còn nhớ rõ mồn một là Ngoại nấu món này như thế nào. Vào mùa mưa lụt ra vườn nhổ từng bụi khoai (giống như bạc hà nhưng nhỏ hơn). Loại khoai này cũng có thể cắt nhỏ làm dưa, mùa mưa lụt kho cá kho thịt để ăn dài ngày .

- Ruột heo xào nghệ: Món này ở quê mình thường ăn mỗi lúc cảm ho. Xào với bún gạo. Ăn riết hoá ghiền !

- Đọt lang, bông bí: Mỗi lần ăn mấy thứ rau này, là nhớ lại cả một thời thơ ấu. Bông bí ở dưới quê khi muốn ăn là hái nhiều bông, ít đọt. Có cả nhừng bông cái (có trái bí con), vì phải hái bớt cho thưa, để những trái bí khác được lớn hơn. Đọt lang, bông bí là phải có chén mắm cá cơm, mắm cá cơm chua thì còn tuyệt vời hơn nữa ! Ớt, tỏi, chanh, gừng.... toàn cây nhà lá vườn. Làm sao tìm lại được ?

- Bắp chuối hà nàm: là bắp chuối chưa ra nải chuối nào. Bóp gỏi hoặc nấu chay, nấu canh chua ... thì thâu rầu lượm ơi !

- Mít non: Quê ngoại mình, nhà nào cũng trồng mít. Nhỏ thì huê mít chấm mắm ruốc. Lớn hơn chút thì gỏi mít non xúc báng tráng, kho cá, luộc, nấu chay .... nón nào cũng tuyệt cú mèo.

- Gỏi ruốc thanh trà: Món này thì phải có trái thanh trà (cùng họ với bưởi). Nhà Ngoại có cây thanh trà và cây khế trên đầu hè, tuổi thơ của mình gắn liền với nó. Ngoài Huế cũng có cây Thanh Trà, nhưng cách làm gỏi Thanh trà, cũng như gỏi Vả hoặc gỏi mít non thì khác với ở quê mình. 

Mà nói đến trái cây dưới quê thì lại một cuốn phim khác nữa. Hôm nào rãnh rang sẽ ngồi nhớ lại. Từ trái ô ma, mầng quân, vú sữa, xoài, xá lị, dừa, ổi rừng, trái trâm, trái sim, trái ư, chùm chày mủ dẻ ...cho đến bồ lời, long não ... ống thụt. Tuổi thơ của ngày ấy không có iphone, ipad, phim ảnh, game giếc ... gì cả. Nhờ vậy mà giờ lâu lâu còn chuyện để nhớ để nhắc :-)

Chúc mọi người cuối tuần vui vẻ !

PN

Tuesday, April 20, 2021

Tản mạn - Đỗ Quyên & tháng tư


Tháng Tư, hoa Đỗ quyên nở rộ. Rực rỡ, duyên dáng, rụt rè, phô trương, đài các, dân dã ..... hàng trăm loại khác nhau tưng bừng khoe sắc vào mùa này. Tiểu bang NC và SC, đặc biệt ở các vùng miền núi, rất nổi tiếng về những chủng loại hoa đỗ quyên. Nhiều địa phương cứ đến tháng này là tổ chức hội hè đình đám, lễ hội hoa đăng, ca hát nhảy múa, nấu ăn ngoài trời... Tiện thể, mừng luôn mùa xuân nắng ấm, tươi đẹp, sau một mùa đông lạnh giá ngủ vùi :-).

Bên VN những tỉnh miền núi cũng có hoa đỗ quyên, nhưng thường chỉ hạn chế một vài loại nhất định. Bên này thì đỗ quyên (azaleas) có rất nhiều chủng loại, không sao nhớ xuể. Có loại chính gốc tại địa phương, có loại du nhập từ những nơi khác hoặc châu lục khác, rồi đồng hoá. Cũng có nhiều loại được con người lai tạo, nhân giống mà thành. Tên tiếng Anh thường gọi của hoa đỗ quyên là Azaleas. Nhiều người rành rẽ hơn thì phân biệt từng chi tiết chủng loại Azaleas hoặc Rhododendron. Có giống lá lớn, giống lá nhỏ, giống rụng lá mùa đông, giống cây xanh bốn mùa, giống bông lớn bông nhỏ, giống nhuỵ dài nhuỵ ngắn, giống trổ hoa mỗi năm một lần, giống trổ hoa nhiều lần trong năm (encore) ..v.v. Nói tóm lại nạn “phân biệt chủng tộc” vốn dĩ do con người tạo ra chứ đỗ quyên nào thì cũng chỉ có chung một nguồn gốc là họ Ericaceae :-). Còn cái tên “Đỗ Quyên” trong tiếng Việt có lẽ xuất phát từ gốc chữ Hán Nôm. Bởi vậy nói đến hoa Đỗ quyên thì ở TQ có những câu chuyện dài thú vị. Từ những giai thoại nổi tiếng của Thi Tiên Lý Bạch, Thi Thánh Đỗ Phủ thời nhà Đường, cho đến những câu chuyện cận đại của nữ sĩ Quỳnh Dao (Đài Loan), nghe hoài không hết chuyện.

Và tháng tư, cũng là mùa của những câu chuyện dài về đất nước con người VN. Trong nước, ngoài nước gì cũng vậy. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng mỗi lúc tháng tư về, vẫn là những điệp khúc quen thuộc. Thắng thua, thương ghét, rình rập, chụp mũ, hận thù, cay đắng, mâu thuẩn, ngộ nhận, hiểu lầm, hiểu sai, khoác lác, kiêu binh, ngạo nghễ...v.v. cứ thế mà tuôn ra. Niềm vui nỗi buồn của một dân tộc cứ dấm dúi quyện lẫn vào nhau, đến hẹn lại lên, mà không cần ngoái đầu nhìn lại để phân tích đúng sai. Một cuộc chiến tranh không cần thiết, tưởng chừng như có thể tránh được, nhưng lại xảy ra và kéo dài qua bao thập kỷ làm cho đất nước tang thương đổ nát. Bi kịch chiến tranh phủ xuống từng mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi giòng họ, mỗi làng quê ... Ly biệt, đau thương, không sao kể hết. Máu và nước mắt của con dân nước Việt rải khắp trên mọi nẻo đường đất nước quê hương, từ Nam ra Bắc, chỉ để hy sinh cho một cuộc chiến tranh "ý thức hệ", gây ra bởi tham vọng của một số ít người, và nỗi sợ hãi của một vài nước lớn cùng đồng minh. Thậm chí, ngay cả những quyết định thắng thua, chấm dứt chiến tranh, cũng được định đoạt và ngã giá trên bàn cờ lợi ích của họ. Lý tưởng quốc gia hào hùng của bao thế hệ thanh niên VN yêu nước đã ngã xuống cho một cuộc chiến không đem lại lợi ích dân tộc. Xưa nay ai cũng biết ở bất kỳ quốc gia nào, một khi chiến tranh xảy ra thì người dân đen bao giờ cũng là những kẻ thất bại và chịu nhiều thiệt thòi mất mát nhất. Thế nhưng nhiều người vẫn ca tụng và chà đạp nhau là “bên thắng, bên thua”, mặc dù chưa chắc hiểu rõ nguyên nhân và giá trị (nếu có) của cuộc chiến tranh đó. Và hàng năm, vũ điệu "nghê thường" thắng thua ấy lại cứ trỗi lên như một quán tính vô thức. Tất nhiên điệp khúc đó không phải là tờ bảo chứng cho một xã hội văn minh hơn hoặc trí tuệ hơn, càng không thể làm cho một đất nước phồn thịnh hơn hạnh phúc hơn. Mà đôi khi đó chỉ là những câu chuyện biết rồi, nói mãi, nói cho có nói !

Và thời gian trôi qua, những ranh giới địa lý có thể không còn nữa, nhưng ranh giới trong lòng người thì vẫn chưa bao giờ (hoặc không bao giờ) lành lặn hẳn. Kẻ "thắng" người "thua" đều có những nỗi niềm riêng của họ. Đặc biệt là hàng năm, cứ được nhắc nhở như tới phiên đi khám định kỳ. Hiểu lầm càng hiểu lầm, mâu thuẩn càng mâu thuẩn, hận thù kéo dài cho đến chết. Điều đó có đem lại một viễn cảnh khả quan cho đất nước hay chăng ? Điều đó có làm cho một dân tộc đồng lòng chung sức, đoàn kết gắn bó, hoặc có tiếng nói chung hay chăng ? Chắc chắn ai cũng dễ dàng tự nghiệm ra câu trả lời cho chính bản thân mình !

50 năm trôi qua, gần cả một đời người, nhưng nhiều người vẫn quyết chí hơn thua, vẫn chì chiết tranh cãi nhau từng câu từng chữ, ví dụ như từ "giải phóng" chẳng hạn. Và năm nào cũng vậy, cứ đến ngày đến tháng lại lôi ra, mặc dù trong lòng ai cũng hiểu rõ nhau mồn một. Thậm chí có vài tờ báo lớn chính thống ở VN cứ đợi đến tháng tư là hớn hở đăng bài "Ông nào vô dinh Độc lập trước?". Hài hước và chật hẹp ! Hay là phải đợi nghe lại một Dương Thu Hương ngồi bệt xuống giữa lòng đường Saigon mà khóc, hoặc một Nguyễn quang Lập viết về "Saigon đã giải phóng tôi", hoặc Bảo Ninh kể lể “Nỗi buồn chiến tranh", hoặc Đỗ Trung Quân xin "Tạ lỗi Trường Sơn".... thì mới hiểu thêm ra ý nghĩa của vài ngôn từ đã khuất ? 

Trên thế giới cũng có một vài quốc gia có hoàn cảnh tương tự như VN, nhưng không thấy ai kéo dài mâu thuẩn dân tộc, quyết hơn thua đủ bằng những chữ nghĩa buồn cười như thế. Còn ở nước ngoài, đối với người VN tị nạn tha hương, tháng tư hàng năm vẫn là những khúc nhạc buồn "u uẩn chiều lưu lạc". Thế hệ lưu vong thứ nhất sắp qua đi với nhiều ký ức sâu đậm, nỗi buồn đắng cay, và những uớc mơ dang dở. Rồi thế hệ thứ hai, thứ ba .... sẽ còn lại gì trong những gói ghém, mong đợi kế thừa đó ? Bốn mươi mấy năm đã trôi qua, đất nước con người VN rồi sẽ đi về đâu ?

Tháng Tư năm nay không còn u ám ảm đạm như năm ngoái (ít ra là ở nước Mỹ). Cả nửa nước Mỹ đã chích ngừa, dịch bệnh không còn là nỗi lo lắng ám ảnh như năm trước. Hoa lá cây cỏ cũng xinh tươi hơn. Chim chóc thỏ nai dường như cũng sinh sôi nhiều hơn (dạo này làm vườn thường gặp thỏ con, chim con...). Hàng năm, vào mùa này mình thường chở con lên Biltmore House, lên Ashville, lên rặng Blue Ridge để ngắm hoa lá vào xuân nở rộ. Nhưng năm nay dịch bệnh chưa dứt, vẫn còn chưa đi được. Vườn nhà mình cũng có khoảng mười mấy loại đỗ quyên khác nhau, đành ra sau làm ly rượu ngắm cây nhà lá vườn cho đỡ ghiền vậy :-) . 

Nói đến hoa đỗ quyên, thì xưa nay người ta thường nhắc đến Thánh thi Đỗ Phủ. Ông có nhiều bài thơ nổi tiếng, trong đó có bài dịch ra tiếng Anh tựa là “Sea of Blood Red Azaleas". Riêng mình, cứ đến tháng Tư nhìn hoa đỗ quyên nở rộ, lại nghĩ đến một bài thơ của Lý Bạch - "Tuyên Thành kiến đỗ quyên hoa":

Tuyên Thành kiến đỗ quyên hoa

Thục quốc tằng văn tử quy điểu
Tuyên Thành hoàn kiến đỗ quyên hoa
Nhất khiếu nhất hồi trường nhất đoạn
Tam xuân tam nguyệt ức Tam Ba.

Tạm dịch nghĩa là:

Đã từng nghe tiếng chim quyên trên đất Thục
Nay đến Tuyên Thành lại nhìn thấy hoa đỗ quyên
Mỗi một tiếng kêu vọng về như đứt ruột,
Cứ tháng ba mùa xuân lại nhớ đất Tam Ba !

Bài thơ này đã có nhiều "nhà thơ" VN dịch ra tiếng Việt. Tuy nhiên vì nhiều bản dịch quá, không biết phải nghe theo ông nào, nên mình chỉ mạn phép dịch nghĩa thôi. Mình thì chưa từng ở đất Thục, cũng chưa từng đến Tuyên Thành, nhưng từng lớn lên ở đất Việt và từng sống ở đất Tây. Mỗi độ tháng tư về thích ngắm nhìn đỗ quyên nở rộ, và cũng đã bao lần đau đáu nghĩ đến quê nhà .....!

PN (2021)




Sunday, March 14, 2021

Tản mạn : Quyền "không sợ hãi"


Dẫu đã từng nghe, từng đọc nhiều lần về vụ thảm sát Gạc Ma, nhưng lần đầu tiên đến đài tưởng niệm Gạc Ma ở Cam Ranh, mình đã đứng lặng người. Một cảm xúc khó tả. Một nỗi buồn sâu sắc về thân phận con người và dân tộc. Những người lính chiến ngã xuống khi còn rất trẻ, những cái chết không được quyền bắn trả để tự bảo vệ mình. Thậm chí có người còn chưa bao giờ có dịp được chụp một tấm hình trong đời, nên lúc làm bia tưởng niệm chỉ để một ngôi sao tượng trưng. Mình cũng rất tôn trọng và biết ơn những người đã đủ tâm huyết và dũng khí để xây dựng nên khu di tích này cho đời sau tưởng niệm. 

Đất nước VN đã trãi qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Có biết bao nhiêu thế hệ anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ quê hương xứ sở và lý tưởng dân tộc. Ở từng thời kỳ lịch sử, thể chế chính trị có thể khác nhau, lý tưởng sống của mỗi cá nhân có thể có sự khác biệt, nhưng lý tưởng dân tộc bao giờ cũng là một mẫu số chung. Xưa nay triều đại nào đi ngược lại với quyền lợi của đất nước và lý tưởng của dân tộc đều không thể trường tồn, thay thế chỉ là chuyện sớm muộn. Còn đối ngoại, tất nhiên ở cạnh một người láng giềng to lớn, tham lam, và xấu tính như TQ, dân tộc VN không những phải kiên cường bất khuất, mà càng phải khó khăn hơn để học biết cách tự bảo vệ lấy mình. Và mấy ngàn năm trôi qua, bao nhiêu xương máu của con dân nước Việt đã đổ xuống trên mảnh đất này, nhưng đó chưa bao giờ là một nỗi sợ hãi !

Nhìn lại các thời kỳ Hồng Bàng, Bắc thuộc, Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, rồi mãi cho đến ngày nay, TQ bao giờ cũng bắt nạt và lăm le xua quân đánh chiếm nước ta. Trên thế giới quả nhiên là chưa có một đất nước nào lại tham lam & ngang ngược dai dẳng đến thế. Tuy nhiên dân tộc Việt Nam chưa bao giờ khuất phục và sợ hãi trước những thế lực ngoại xâm. Bản hùng ca dân tộc VN vẫn ngàn đời lưu danh những liệt sĩ vô danh, những anh hùng dân tộc, những tiền nhân như Triệu quang Phục, Mai Hắc Đế, Dương đình Nghệ, Bà Trưng Bà Triệu, Lý thường Kiệt, Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung ...v.v... Rồi cho đến những năm tháng gần đây, những tử sĩ Hoàng Sa 1974, Tây Bắc 1979, Gạc Ma 1988....đã anh dũng chiến đấu và hy sinh góp phần gìn giữ đất nước. Những đứa con ngư dân bình thường của VN cũng phải ngày đêm đánh đổi máu, nước mắt, và thậm chí cả những đòn thù dã man để bám biển giữ làng, để mưu cầu từng chén cơm manh áo lương thiện ngay chính trên quê hương lãnh hải nước nhà.

Vậy ai đã cho họ cái quyền "không sợ hãi" ? Không ai cho họ cả, đó là quyền tự nhiên của con người, quyền được sống hiên ngang, quyền biết lẽ phải, quyền được yêu thương đất nước và dân tộc của họ, mà không một thế lực nào có thể cưỡng chế được. Một dân tộc sống trong nỗi sợ hãi sẽ không có những Trần Quốc Toản, Yết Kiêu, Dã Tượng, Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Nguyễn Trung Trực, Hoàng Hoa Thám, Đinh Công Tráng, Phạm Hồng Thái, Cô Giang, Cô Bắc ....Một dân tộc khiếp nhược đã không thoát khỏi sự xâm lược và đồng hoá của những nước lớn để tồn tại cho đến ngày hôm nay.

Lâu nay nhiều người thường quan tâm và nói nhiều đến “dân sinh, dân trí, dân khí" của đất nước. Đó là những trăn trở rất đáng trân quý trong bất kỳ thời đại nào, vì đó là tiền đồ của một dân tộc. Tuy nhiên sẽ không cần thiết nói về những điều đó, nếu như con người không có được những quyền hạn căn bản nhất, trong đó có quyền "không sợ hãi". Xưa nay trên thế giới, các thế hệ thanh niên sinh viên luôn là biểu tượng của sự mạnh mẽ, dấn thân, tiến bộ, hy sinh vì lẽ phải. Từ các nước Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Nga, Nam Phi, Hongkong ..v.v.. cho đến đất nước VN, đều như thế cả. Từ các phong trào phản chiến, chống kỳ thị, đòi bình đẳng, chống độc tài ... trên thế giới, cho đến các cuộc biểu tình đấu tranh đòi hỏi công bằng, lẽ phải trong các ngành nghề hoả xa, đồn điền, bến tàu, bến cảng vào thời Pháp thuộc, chiến tranh VN...v.v...đều bắt đầu từ sự "không sợ hãi" mà có. Suy cho cùng, sự can đảm dấn thân, hy sinh để cải cách chính là những động lực cần thiết cho sự tiến hoá của xã hội con người, ngày mỗi tốt đẹp hơn. (Ở đây mình không muốn nói đến các mặt trái tiêu cực, bị lợi dụng, lạm dụng, để tuyên truyền kích động cho những mục đích khác).

Thế nhưng trong những thập niên gần đây, sự sợ hãi ngày càng lan rộng một cách rất lạ lùng và đáng sợ. Mọi giới mọi tuổi mọi nơi, dường như đã cam chịu và quen thuộc với một nỗi sợ hãi vô hình. Có thể là sợ phiền phức, sợ liên lụy, sợ ảnh hưởng đến chén cơm manh áo. Thậm chí nhiều người đã sợ nhắc đến những "anh hùng ca" của dân tộc, sợ nói về những sự kiện lịch sử bị TQ xâm lược, và sợ nói đến những bài học đau thương của chính đất nước mình. Khó hiểu đến mức vô lý. Rất nhiều người không dám nhắc đến cuộc hải chiến Hoàng Sa, chiến tranh biên giới Tây Bắc, hoặc vụ thảm sát Gạc Ma. Phải đến bao nhiêu năm sau khi cuộc chiến tranh xâm lược 1979 kết thúc, mới thấy một số cơ quan truyền thông và báo giới dám nhắc đến ngày tưởng niệm một cách dè dặt. Vụ thảm sát Gạc Ma cũng vậy. Ngay cả cái tên đích danh cũng được thay thế bằng chữ "lạ". Và rất ngạc nhiên là ít ai thắc mắc tại sao điều đó đã xảy ra ?!
Trong khi đó, những bài viết nhảm nhí về một vài cô người mẫu ăn mặc thiếu vải, hoặc ông đại gia bà trọc phú nào đó lên mạng đôi chối nói xàm, hoặc ngài quan chức nào đó tham nhũng xộ khám... thì lại sôi nổi và lôi cuốn được đông đảo lượng người tham gia. Chuyện “thần y”, “thánh chửi”, “thầy cúng”... tào lao được quan tâm nhiều hơn một bài viết về sự tồn vong chủ quyền của đất nước. Một phong trào thơ ca "sông núi trên vai" rầm rộ, lại ít dám nhắc đến những người con đã nằm xuống ở Gạc Ma, Tây bắc để bảo vệ núi sông. Những biến cố đau thương mất mát của dân tộc như Hoàng Sa, Trường Sa, chiến tranh Tây Bắc, biển đảo biên giới bị lấn chiếm...lại ít ngưòi biết đến hơn là chuyện của vài gã giang hồ vặt chuyên ăn hiếp dân lành, hoặc tình yêu sân sau của vài tay tham quan vơ vét. Người ta không khóc khi nghe tin người dân của họ bị TQ bắn giết đánh đập trên biển, nhưng lại khóc vật vã khi không được chen chân chào đón một ngôi sao Hàn quốc hạng ruồi. Người ta không thấy tủi nhục khi CS TQ lên mặt đàn anh "dạy dỗ" giết chết mấy chục ngàn con dân VN vô tội, nhưng lại tự hào về cây bánh tét dài nhất. Trong lúc nhà cầm quyền CS TQ đang ngang ngược trên lãnh hải quê nhà ngoài biển Đông, thì giới trẻ thanh niên VN nhập viện cả gần chục ngàn người vì nhìn đểu, hát hò hơn thua, đánh nhau dịp Tết. Nhiều người thắc mắc về chức năng của các bộ giáo dục, văn hoá, truyền thông, các ban ngành hữu trách, và đổ lỗi cho nhau. Nhưng thực ra ai cũng gặm nhấm được nỗi đau đang âm ỉ trong lòng !

Trong lịch sử của Hoa Kỳ vào thời đệ nhị thế chiến, có bài diễn văn rất nổi tiếng của tổng thống Franklin D. Roosevelt. Đó là tuyên ngôn về "Four Freedoms" (4 quyền tự do). Ông nói đến 4 quyền căn bản và cần thiết nhất của con người, đó là quyền tự do ngôn luận (Freedom of speech and expression), tự do tín ngưỡng (Freedom of worship), tự do thoát khỏi sự thèm khát (Freedom from want), tự do thoát khỏi sự sợ hãi (Freedom from fear). Nền tảng pháp lý này đã góp phần giúp người Mỹ mạnh mẽ vươn lên, vượt qua thế chiến thứ 2, và trở thành một quốc gia lớn mạnh nhất thế giới. Cho đến nay, hàng năm giải thưởng "Four Freedoms Award" vẫn được trao tặng cho những nhân vật trên thế giới đã sống và bảo vệ những tôn chỉ đó. Đức Dalai Lama, bà thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Nelson Mandela ... là những người đã từng đoạt huy hiệu cao quý này.

Nhưng đó là chuyện ở xứ người. Còn chuyện xứ ta, đôi lúc sự "khôn khéo", "dĩ hoà vi quý", được cho là những kinh ngiệm "quý báu" để mưu cầu cuộc sống yên ổn, nệm ấm chăn êm, nhưng đó cũng chính là những chất liệu nuôi dưỡng môi trường sợ hãi. Nhiều người thấy sai cũng không dám nói. Đọc mạng xã hội, có khi thấy thích cũng chẳng dám “like”. Tâm lý sợ phiền phức, sợ bị liên lụy, sợ bị chụp mũ... là những sát thủ vô hình của lòng dũng cảm. Ngay cả như việc bầu cử ở xứ tự do mà nhiều người vẫn sợ, không dám nói thẳng vì chẳng dám đi ngược lại ý kiến của bạn bè hoặc người thân chung quanh !

Mình thì vẫn luôn quan niệm rằng không ai có quyền bắt người khác phải sống trong sự sợ hãi. Tuổi thơ lớn lên của mình đã từng chứng kiến bao nhiêu cảnh tượng sợ hãi và nỗi ám ảnh xảy ra chung quanh mỗi ngày. Một đứa bé con cũng phải sợ hãi "ông kẹ, ông ba bị" mà thực tế chưa bao giờ nhìn thấy. Thời đại ngày nay thông tin phát triển rộng rãi. Mọi người đều có thể kiểm chứng lịch sử thế giới, để thấy rằng không một quốc gia nào sống trong nỗi sợ hãi lại có thể phát triển vững mạnh được. Cũng không có một đất nước nào hy sinh tranh đấu để thay thế nỗi sợ hãi này bằng một nỗi sợ hãi khác. Dân sinh, dân trí, dân khí, là những điều mong muốn của mọi đất nước. Nhưng điều đó sẽ không có được, nếu như con người phải cam chịu sống với những ám ảnh mơ hồ và nỗi sợ hãi của bản thân hoặc của gia đình họ.

PN (viết ngày 14/3 - tưởng niệm Gạc Ma)



Sunday, February 14, 2021

Tản mạn về Xuân Di Lặc



Mấy hôm nay, thời tiết miền Đông Hoa kỳ mưa lạnh, kéo dài nhiều ngày, lan qua nhiều tiểu bang. Sáng mùng một tết, dẫn con đi lễ chùa, rất lạnh, nhưng vẫn thấy nhiều người ở xa đi đến rất sớm. Chùa vẫn đầy hoa quả, hương đèn rực rỡ, vẫn băng rôn Mừng Xuân Di Lặc. Về nhà tự nhiên muốn viết một chút gì về ông Phật Di Lặc.

Chắc hẳn nhiều người xưa nay cũng biết ngày mùng một Tết là ngày vía đức Phật Di Lặc. Nhưng nếu hỏi tiếp đến ngày vía là ngày gì, đức Phật Di lặc là ai, tại sao Ngài lại có cái hình dáng vui vẻ từ bi hoan hỉ như thế, thì có khi là mỗi người hiểu biết mỗi cách khác nhau. Có thể mỗi nơi, mỗi chùa, mỗi thầy, mỗi sư, giảng giải mỗi kiểu. Mình thì vốn không quan tâm lắm đến những diễn giải chúc tụng khác nhau, trái lại rất thích ngắm nhìn hình ảnh vui vẻ của Ngài Di Lặc mỗi lúc đi chùa. Dẫu biết rằng đó chỉ là biểu tượng hoá thân do người đời nghĩ ra, tạo tác, nhưng đầu năm nhìn thấy cái thân tượng cười hề hà hiền lành của Ngài là đã cảm thấy nhẹ nhàng và thanh thản. Mà cũng không cần phải đợi đến tết nhứt, cứ mỗi lúc ưu tư, suy nghĩ gì nhiều, nhìn ông Phật Di Lặc là thấy vui vẻ rồi :-) .

Còn bên Tây thì cứ "Happy Buddha" mà gọi ông, nhiều người còn nhầm lẫn giữa "ông Địa" và ông Di Lặc. Lâu nay có nhiều người cho rằng Phật Di Lặc sẽ là vị Phật tái sanh vào lần tới, gọi là hội "Long Hoa", để cứu giúp con người trên cõi thế gian. Mình thì không hiểu biết lắm về những câu chuyện như thế này nên không dám bàn đến. Tuy nhiên, mình vẫn quan niệm rằng thế gian luôn có nhiều vị "bồ tát" hiện thân cứu giúp thiên hạ, chứ không phải chỉ có "Phật" ra đời mới làm được chuyện đó. Cũng không phải chỉ có theo đạo Phật thì mới thành "Phật" được. Những bậc độc giác Phật ngày xưa chưa từng nghe qua kinh pháp của Phật Thích Ca, mà họ cũng trở thành những đấng giác ngộ. Mẹ Teresa, các vị thánh tử đạo, hoặc nhiều vị giáo sĩ Thiên chúa giáo đã hy sinh thân xác cả cuộc đời, đi khắp nơi để giáo hoá và cứu giúp nhân loại, đó cũng là những vị "bồ tát" đáng kính. Bao nhiêu nhà khoa học, bác sĩ, y tá đã hy sinh cái riêng, ngày đêm đối đầu với cái chết để cứu giúp bịnh nhân dịch bệnh không ngừng nghỉ. Chung quanh ta hàng ngày, có biết bao nhiêu vị cống hiến hết tài sản, công sức của họ để cứu giúp người khác và xã hội bằng nhiều hình thức khác nhau. Biết bao nhiêu chư tăng ni, sư sãi, cha đạo, mục sư, sơ dì ...đã ngày đêm xả thân vì người khác. Thậm chí có nhiều vị chỉ là dân đen bình thường, nghèo khổ buôn gánh bánh bưng, chạy xe xích lô, xe ôm, xe thồ, phu vác... mỗi ngày, vẫn không ngần ngại hy sinh cả miếng ăn cuối cùng của họ, để thầm lặng giúp đỡ kẻ khó, làm cho cuộc sống xã hội ngày càng ý nghĩa hơn, tử tế hơn. Đó cũng là những vị bồ tát trong đời thường vậy !

Riêng nói về Phật Di Lặc, xưa nay mình rất thích đọc và tìm hiểu những kinh sách nói về Ngài. Theo lịch sử PG, ngài là một vị Bồ tát, có tên là Maitreya (tiếng Sanskrit), hoặc Metteyya (tiếng Pali). (Xin mở ngoặc nói về khái niệm "bồ tát". PG Bắc truyền Mahayana cho rằng đó là những đấng giác ngộ, nhưng họ phát nguyện không về cõi Phật, mà chọn con đường cứu giúp và giải thoát chúng sanh bằng những hình thức khác nhau như tái sanh, giáo huấn, phù trợ, cứu giúp, dạy dỗ ... cho đến khi viên mãn. Ví dụ như ngài Địa Tạng, ngài Quan Âm, ngài Di Lặc ..v.v. Khái niệm “bồ tát” chủ yếu được giới thiệu ở PG Đại thừa (Bắc truyền), nên có nhiều người đi chùa PG Nam truyền (Theravada) thường không nghe nói đến những khái niệm này).

Nói rõ thêm, nguyên thuỷ trước sau PG cũng chỉ có một "Phật Thừa" thôi. Tuy nhiên trãi qua nhiều giai đoạn phát triển, PG đã hình thành nên một số tông phái có những quan điểm và cách tu tập chuyên biệt do ảnh hưởng nhiều yếu tố khác nhau. Có thể là liên quan đến tuệ căn của các bậc truyền thừa, trình độ nhận thức, nghiệp lực của họ, hoặc các yếu tố lịch sử văn hoá dân tộc, bất đồng quan điểm, chiến tranh phân chia, chính sách bạo quyền ... của từng mỗi quốc gia, hoặc từng giai đoạn lịch sử, mà phân chia thành nhiều nhánh rẽ khác nhau để phù hợp với tư duy và bối cảnh tu tập của họ. Nhưng đó cũng chỉ là những phương tiện khác nhau cùng dẫn đến một mục đích chung, là sự giác ngộ. Thực ra, thay đổi là quy luật tất yếu của vũ trụ, bao gồm thế giới con người. Và thay đổi để phù hợp hơn là một chuyện tốt. 

Còn nếu nói về tính phân hoá, thì gần như là thuộc tính của con người, xưa nay vẫn thế, không ít thì nhiều. Và tôn giáo nào thì cũng vậy, Ấn giáo, Hồi giáo, Thiên chúa giáo, Tin lành .... đều cũng trãi qua những vấn đề tương tự. Một ông cha làm ruộng cả đời, chết để gia tài lại cho mấy đứa con. Đứa bán mua nhà mua xe, đứa bán đánh bạc, đứa đào ao nuôi tôm, đứa bị giải toả đền bù. Dăm ba ông tị nạn ra đi cùng một lý do, áo chưa ráo nước biển, đã chia năm xẻ bảy cãi nhau miệt mài. Một hội đồng hương bé tí, ăn cơm nhà vác ngà voi, không lương không lậu, cùng quê cùng xóm, mà vài ba hôm đã không hợp ý nhau, đâm thọc nói xấu nhau, ra toà, tan bầy xẻ nghé. Huống hồ chi là những dị biệt sản sinh trong mấy ngàn năm truyền bá cho hàng triệu, hàng tỉ con người có đầu óc tư duy, và trình độ khác nhau. Nói chi cho xa, mới đây thôi, nội cái vụ bầu cử Mỹ 2020 mà biết bao nhiêu người VN mất cả bạn bè người thân. Gia đình anh em mâu thuẫn, chia bè chia phái, trở bạn thành thù. Thậm chí cho tới hôm nay vẫn còn tiếp diễn thời hậu lê .... lết, tin vịt tin gà cứ gởi, cứ “lai chim”, cứ bên này đá móc bên kia :-). Nhưng đó cũng là những chuyện không lạ lẫm gì. Xưa nay ai cũng biết thay đổi, hợp tan là những chuyện tất nhiên của quy luật vô thường. Nhưng tất nhiên là có cái thay đổi làm cho tốt hơn, thì cũng có những thay đổi làm cho xấu đi !

Trở lại nói về Ngài Di Lặc. Theo lịch sử PG, ngài Asanga (Vô Trước) sinh ra vào khoảng thế kỷ thứ 3 A.D, là học trò của Ngài Maitreya (Di Lặc), đã sáng lập ra tông phái Duy Thức (Yogacara hoặc là Consciousness-Only). Đây là một ngành học về tư tưởng và ý thức của con người, là đỉnh cao của triết lý PG Đại thừa. Môn học này từng được dạy dỗ rộng rãi nhiều nơi, kể cả trường đại học Nalanda ở Ấn độ thời bấy giờ. Sau này đến thế kỷ thứ 7 đời nhà Đường, ngài Huyền Trang (là Đường Tăng được Ngô thừa Ân hư cấu trong trong truyện Tề thiên) đã mang về TQ và phát triển rộng rãi cho đến ngày hôm nay. Hiện nay các trường đại học lớn tại Mỹ trong ngành Phật Học (Buddhist studies) đều có dạy môn này. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều các nhà nghiên cứu, giáo sư tiến sĩ phương Tây, đi sâu vào các công trình học thuật có liên quan đến tư tưởng của Duy Thức học, và sự ảnh hưởng của nó đến các lãnh vực khác như tâm lý, khoa học, giáo dục, y khoa .... Bạn nào muốn nghiên cứu sâu xa hơn thì nên nhờ bác "gục gờ chấm cơm", gõ vào từ khoá "Yogachara" hoặc “Yogacara” nhé. Ngài Di Lặc được xem như là vị sáng tổ của ngành học này !

Còn tại sao vị sáng tổ một ngành học có triết lý sâu sắc nhất, đỉnh cao của PG Bắc truyền, lại có hình tượng "hề hà" bình dân, phơi bụng cười đùa với mấy đứa trẻ con như thế ? Theo mình, câu chuyện đó lại càng thú vị hơn. Lâu nay nhiều sách báo viết rằng hình tượng của ngài Di Lặc ngày nay là do người TQ tạo tác ra từ hình ảnh của vị Bố Đại Hoà thượng (TQ) xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 10. Cũng khả dĩ thôi, bởi đó cũng chỉ là những biểu tượng thờ cúng của tôn giáo. Ai cũng hiểu những hình tượng hôm nay của ngài Thích Ca, ngài A di đà, chúa Jesus, Mẹ Maria...cũng là do đời sau tạo tác mà có. Cách làm có lẽ cũng tương tự như thế thôi, dựa vào những điển tích hoặc sự diễn giải nào đó. Nhưng thực ra hình tượng không phải là cái mục đích chính mà thiên hạ hướng đến. Những bậc chân tu và người hiểu biết tôn giáo đúng nghĩa luôn quan tâm và tôn kính giá trị thực sự đằng sau của những biểu tượng "hoá thân" đó. Ngày xưa có nhiều vị đi tu không có điều kiện, đâu cần chùa to chùa lớn, đâu cần tượng thờ gì to nhất thế giới, đẹp nhất VN. Mỗi ngày ra lạy cục đá mà tâm hướng về Phật cũng đã là Phật rồi. Thời nay đôi lúc có sự ngộ nhận giữa mục đích và phương tiện, nên nhiều người quá chú trọng vào hình thức, vào chiếc “áo cà sa”, vào cái “chùa to chùa lớn”, mà quên mất đi cái ý nghĩa thực sự của đức tin và triết lý căn bản của tôn giáo đằng sau. Nhiều người coi trọng những chức vị danh xưng ảo hoặc hình ảnh đền chùa hoành tráng hơn cả những giá trị cần thiết của trí huệ và phẩm hạnh thực sự ở người tu sĩ. Nên vô tình tạo điều kiện cho một số người có cơ hội mạo danh tu hành, khoác áo lộng hành, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín tôn giáo và đức tin của người khác. Cứ lâu lâu lại nghe tin vài ông lên báo lên đài, khoe pháp thuật, trừ tà bắt vong, khoe xe, khoe chức, khoe phone, khoe tiền tỉ..v.v.:-). 

Một điểm thú vị nữa ở hình tượng Ngài Di Lặc là có mấy em bé đu phá, chọc khuấy. Đứa thọt vô mũi, đứa thọt vô miệng, đứa vò đầu, bức tai .... Ngài cũng không xi nhê gì, cười hề hề hoan hỉ. Một số giả thuyết cho rằng, hình ảnh các em nhỏ đó là đại diện cho các thứ quyết định cuộc sống của con người chúng ta trong thế giới này. Đó là những căn, thức (tiếng Anh là consciousness), (nhãn - mắt, nhĩ - tai, tỷ - mũi, thiệt - lưỡi, thân - thân thể, ý - tư tưởng, ý thức). Trong Duy thức học PG cho rằng cuộc sống của nhân loại, giàu nghèo, vui buồn sướng khổ, ngon lành sang chảnh, tham ái, oán thù, ganh ghét gì ... cũng do bấy nhiêu thứ đó gây ra. Mọi thứ cảm nhận đều do sự tương tác của các thức với môi trường chung quanh mà hình thành. Do vậy, thiết nghĩ ai mà "miễn nhiễm" được với mấy em nhỏ "lục căn" chọc khuấy đó, thì coi như là ngon lành. Suốt ngày sẽ vui vẻ, tự tại, từ bi hỉ xả như Ngài Di Lặc thôi :-).

Quả nhiên là vậy, nhưng mấy ai làm được. Nhiều bậc cao tăng dành cả đời (hoặc nhiều đời) tu tập, tự thanh lọc thuần khiết (purify) bản thân để thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn của những ham muốn và gắn bó (attachments) tạo ra bởi các thức. Còn kẻ phàm phu như mình, thì tai nghe ai nói “bậy” chút là đã thấy bất mãn rồi, mũi ngửi món gì “ngon” là đã thấy đói bụng rồi, mắt nhìn thấy cái gì “đẹp” là đã ham muốn rồi ... Thậm chí, nhiều người chẳng cần trực tiếp thấy, trực tiếp nghe, trực tiếp ngửi, trực tiếp nếm, trực tiếp sờ... mà chỉ cần nghe bạn bè nói đi nói lại, nghe youtube nói, nghe TV nói, thấy email của đứa đồng hương gởi, hoặc thấy mấy tờ báo lá cải viết xàm .... là đã tin theo, ghét theo, phán xét, hoặc tìm cách nói xấu rồi. Tổng thống cũng chết chớ huống hồ chi người thường. Nhờ vậy mà mấy anh "fake news" sống hoài. Càng loạn càng lắm người nghe !

Xưa nay ở những nước văn minh người ta thường đánh giá con người dựa trên năng lực và thành tích bản thân cũng như các nguyên tắc ứng xử và tư duy của chính người đó. Đặc biệt trong các lãnh vực quản lý hoặc điều hành, ngoài khả năng chuyên môn người ta rất chú trọng đến những tiêu chí như suy nghĩ logic, khả năng phân tích vấn đề, tính khách quan (unbiased), trung thực, công bằng (fairness) .v.v.. Nôm na là họ quan trọng giá trị thực của chính mỗi cá nhân, người thật việc thật. Tuy nhiên ở những nước chậm phát triển hoặc một số vùng miền địa phương, thì vẫn còn những quan niệm khác biệt. Có lẽ do bị ảnh hưởng văn hoá tập tục, tư tưởng địa phương, nếp nghĩ lối mòn, sĩ diện làng xã, chủ nghĩa thần tượng  .v.v.. nên nhiều người vẫn còn gởi gắm niềm tin và đánh giá người khác dựa trên những hình thức danh xưng bên ngoài như bằng cấp, chức vụ, tiền bạc, thân thế, đảng phái, hoặc địa vị xã hội ..v.v.. Cho nên cứ nghe ông tiến sĩ này bà giáo sư nọ nói là tin, hoặc cứ ông quan chức này bà đại gia nọ nói thì đúng, mà không cần kiểm chứng. Thậm chí trong làm ăn, giao tế, tuyển chọn nhân sự, nhiều người còn đem cả giòng họ, nhân thân (đã mất), quan hệ bạn bè quen biết vào cuộc để tăng phần khả tín. Có thể hiểu được phần nào, nhưng phàm đã là hình thức danh xưng, thì bao giờ cũng có thật có giả. Ngay cả những ông quan chức lãnh đạo cao cấp thì cũng có trường hợp lựa chọn nhầm lẫn hoặc mua quan bán chức. Vả lại bằng cấp chuyên môn hoặc lý lịch nhân thân, đảng phái, càng không phải là những chiếc chìa khoá vạn năng hoặc giấy bảo chứng trí tuệ của họ. Tóm lại là Tây ta gì cũng thế thôi, càng chú trọng vào hình thức bên ngoài, thì càng dễ bị giả mạo. Ngay cả trong đức tin tôn giáo cũng vậy chứ không phải chỉ có ở lãnh vực chính trị, văn hoá, học thuật, hoặc quản lý điều hành.... Bởi thế cho nên có nhiều trường hợp lạm dụng, giả mạo, hoang tưởng cố chấp, gây ra bao nhiêu ngộ nhận bi hài, hệ lụy phiền phức cho người khác và cho xã hội. Nhưng âu đó cũng là những đạo lý riêng của thiên hạ. Ai dám nói đúng nói sai ? Hên xui :-) 

Tất nhiên đó không phải là những nguyên tắc hiểu biết, học hỏi và thực hành trong Duy thức học của PG. Sự cảm thụ và ý thức của con người luôn có những giới hạn nhất định của nó, ngay chính cả những điều tai nghe mắt thấy. Nên những người tu tập chân chính thường thực hành bằng nhiều phương pháp khác nhau, để tránh không bị tác động bởi những “ảo giác” tạo ra do các yếu tố bên ngoài. Đức Phật ngày xưa cũng khuyên chúng sinh đừng cuồng tín (blind faith) tin vào lời giảng dạy của Ngài, mà hãy tự thực chứng những điều ấy rồi hãy tin. Còn tại sao như thế, thì mình nghĩ rằng mỗi người sẽ tự tìm hiểu và có những cách giải thích riêng cho bản thân họ. Có một điều chắc chắn là tất cả mỗi chúng ta đều cảm nhận cuộc sống và hiểu biết về thế giới chung quanh thông qua 6 cửa ngõ "căn, thức" của chính mình. Mỗi người mỗi khác, đâu ai giống ai. Đâu ai đúng hết, mà cũng đâu ai sai cả bao giờ. Chỉ là ly nước càng đầy thì càng khó rót thêm. Đầy rồi thì rót vào cũng tràn ra thôi :-).

Nói tới đây mới nhớ đến điển tích của Tô Đông Pha và nhà sư Phật Ấn ngày xưa, với câu thơ nổi tiếng "Bát phong truy bất xuất. Nhất thí mã quá giang". Thời nay thì quá nhiều câu chuyện tương tự như thế. Nên mỗi năm đầu xuân đi lễ chùa, cứ thấy "Mừng Xuân Di Lặc", là mình lại thấy lòng bình an thanh thản, và nghĩ đến câu chuyện mấy đứa trẻ chọc ngoáy của Ngài. Mình thuộc loại phàm phu tục tử, nên dẫu có đọc qua kinh sách và từng nghe giảng giải nhiều lần, nhưng cứ nghe ai nói nghịch lỗ tai chút là đã thấy khó chịu rồi. Tự nhắc nhở hoài mà vẫn chưa thay đổi được. Có ông anh đi chùa phóng sinh hoài, nhưng thử ai dám tới lấy tay thọt ngoáy lỗ tai lỗ mũi ảnh coi :-). Cũng có nhiều người đi làm từ thiện quanh năm, nhưng lỡ nghe ai chê trách hoặc phê bình chút, thì lại khác ngay. Có nhiều ông tuyên bố cả đời hy sinh vì dân vì nước, nhưng đâu đứa nào dám tới xin cái sổ gạo của ông. Cho nên thấy vậy mà không phải vậy, từ bi hỉ xả và buông bỏ, không phải là những chuyện nói suông dễ làm.

Cũng nhân dịp Xuân về, mình cầu chúc bạn bè thân hữu an vui, thân tâm an lạc. Mỗi năm học được một chiêu "miễn nhiễm" của Ngài Di Lặc là ngon lành rồi. Mà biết đâu đó mới là Xuân đích thực, chứ không phải Xuân đến Xuân đi như trong bài thơ "Cáo Tật thị chúng" của thiền sư Mãn Giác :-)

Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa nở .
Việc trước mắt qua mãi
Trên đầu già đến rồi.
Đừng bảo Xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai.
(Mãn Giác Thiền Sư )

PN (đầu năm Tân Sửu)

Tuesday, February 09, 2021

Nhớ về một mùa Xuân !




Bài nhạc xuân buồn hằng năm vẫn nghe
Mẹ ơi con vẫn không về ...

Một bài hát mà bao năm rồi mình vẫn cứ thích nghe mỗi dịp xuân về, lời buồn man mác. Nhìn lại, quãng đời lưu lạc ở nước ngoài đã gần gấp đôi thời gian sinh ra và lớn lên trong nước. Bao nhiêu mùa Xuân đến rồi đi, bao nhiêu cái Tết xa quê hương, bao nhiêu lần lặng thầm nhớ đến quê nhà giữa mùa đông tuyết giá quê người. Không buồn cũng không vui, nhưng đó là những trang sách cứ lật qua trong suốt cả hành trình. Để rồi có lúc ngồi nhớ lại như ngày hôm nay ...

Hôm qua, một ông anh bên Đức gọi hỏi thăm chuyện tết nhứt, tự nhiên bao ký ức thời ở Munich tràn về. Thời đó, Đức chưa có nhiều người Việt như bây giờ, chủ yếu là người tị nạn, hoặc một số người Việt từ Đông Đức tràn qua sau khi bức tường Bá Linh bị dỡ bỏ. Nhưng so với các thành phố lớn ở Đức, thì dường như Munich có luợng người VN sinh sống ít nhất. Có lẽ vì đắt đỏ hoặc không có nhiều công việc phù hợp, mặc dù Munich là thủ phủ của Bavaria, có nhiều công ty nổi tiếng và có lịch sử phát triển lâu đời nhất của Đức xưa nay. 

Thực ra mình cũng thường đi đây đó, và từng sinh sống nhiều nơi ít đồng bào VN, cho nên cũng không có gì trở ngại. Trái lại mình rất thích đời sống ở Munchen. Cảnh đẹp, bia ngon, nhiều hội hè, đi lại tiện lợi, nhiều lịch sử để tìm hiểu, nhiều nơi chốn để khám phá ...v.v. Chỉ có đến Tết VN là buồn da diết :-). Nói tới cảnh đẹp thì Munich khỏi nói rồi, xuân hạ thu đông, mùa nào cũng đẹp, trừ ...tuyết lạnh. Có nhiều công viên đẹp, có giòng sông Isar lững lờ, còn lâu đài thì tuyệt đẹp. Nhiều lâu đài lân cận vùng Munchen rất nổi tiếng như Nymphenburg, Hohenschwangau, Neuschwanstein, Linderhof ....Hàng năm bao nhiêu người đổ về, đặc biệt mùa thu thì khỏi nói. Mình nghĩ ai có điều kiện nên đi, nhất là mùa "Oktoberfest" (lễ hội bia mùa thu). Ở Munich có nhiều "beer garden" (vườn bia) rất nổi tiếng như Biergarten Hirschgarten, Augustiner Keller Biergarten, Viktualienmarkt ....nhưng mình thích nhất là vườn bia "Chinesischer Turm" của English Garden, vì có chút sắc màu Á Đông. Thực tình mà nói, uống bia Oktoberfest xong, về lại Mỹ nhìn Budweiser với Miller chẳng biết nói gì :-).

Nhưng đó là những lúc vui, còn tới lúc cận Tết VN, thì đi đâu cũng thấy nhớ nhà. Ở Munich không có khu "Chinatown" như các thành phố lớn ở Mỹ. Một số nhà hàng tiệm quán Á đông thì tập trung ở Rosenheimer Platz, nhưng cũng không nhiều so với bên Tây, bên Mỹ. Nên thỉnh thoảng mình cũng ghé đó mua chút nước mắm nước tương ... và nghe nói chút tiếng Việt cho đỡ ghiền. Mà ngẫm lại, chắc là ngữ điệu VN ta có tần số cao hơn các thứ ngôn ngữ khác. Nên đi đâu, giữa đám đông xa lạ, cứ tiếng Việt cất lên là lọt lỗ tai liền. Mình thì lỗ tai không thính được như ông nhạc sĩ gì mà "giữa Mạc tư khoa nghe câu hò Nghệ tĩnh", nhưng cũng dễ dàng nhận ra tiếng nói đồng hương thánh thót giữa biển ngưòi xứ lạ :-) .

Nhà hàng VN thì càng hiếm hơn ở Munchen. Lâu lâu nhớ món quê hương ghé quán bà T.K.L ăn tô bò Huế, ăn cơm cá kho. Lúc đó mình không biết bà là GS-TS, mãi sau này về VN mới nghe nói đến. Thực ra lúc đầu đọc báo VN ca tụng tài năng của T/S T.K.L và mô tả về cái nhà hàng VN đầu tiên ở Munich, mình cũng hơi phân vân, không biết đó có phải là cái quán ăn nho nhỏ mà mình vẫn thường đến hay không. Sau này mới lần hồi nhận ra chính là quán đấy. Có lẽ ngày đó mình cũng ít quan tâm đến tin tức thời sự chính trị bên nhà. Nhớ là mỗi lúc ghé ăn, mình chỉ thường để ý đến tô bún bò Huế và tấm tranh "thư họa" trên tường. Bức tranh làm mình nhớ đến một người quen cũ, họa sĩ V.H. Lúc anh V.H mới được chính phủ Hoa kỳ bảo lãnh từ VN sang, mình và một anh bạn có đến nhà thăm anh ấy. Thực ra là hai thế hệ khác xa nhau, nhưng tiếng đồn về một hoạ sĩ VN tài ba từng đoạt giải Khôi Nguyên Hội họa Quốc tế (1963) tại Hoa Kỳ, và được mời vào toà Bạch ốc vẽ tranh cho tổng thống J.F. Kennedy, làm mình hơi tò mò. Lâu nay anh được thiên hạ cho rằng là nhà sáng lập ra trường phái Luận Vũ hoạ (Paintings In Motion). Nhưng ngày đó mình lại chỉ thích lắng nghe những câu chuyện "giang hồ" trôi nổi của anh. Một tài năng sinh ra trong thời loạn lạc. Một nhân tài bỏ nước ra đi !

Ngược lại với anh V.H, bà T.K.L là một nhân tài trở về thăm quê hương. Nhớ thời mình về VN làm việc, mấy năm đầu rất thường đi Huế. Đơn giản là Huế ít xe cộ, có nhiều chỗ dẫn con mình đi chơi. Ra đó, đọc "Tạp chí sông Hương" có rất nhiều bài ca tụng về bà, một nhân tài có "đôi mắt người sông Hương". Tiếc là ngày xưa lúc ở Munich, và ngay cả đến bây giờ thì mình vẫn chưa có duyên biết đến các tài năng khác của bà ấy ngoài tài nấu ăn món Huế. Thực ra thì lâu nay mình cũng rất ít khi quan tâm đến những danh xưng hoặc bằng cấp mà thiên hạ đồn thổi, đặc biệt là trong xã hội VN hôm nay, thiệt giả khó phân. Ngược lại mình rất quan tâm và thích học hỏi về những ứng xử và đóng góp của họ đối với xã hội và con người. Có tờ báo nói bà đã từng có một ước mơ “vĩ đại”, đó là ước mơ con sông Hương chảy qua thành phố Munich. Quả nhiên là không nên tiết kiệm ước mơ :-). Còn mình thời đó chỉ có những ước mơ cỏn con như cái lẩu mắm rau đắng nhúng bông điên điển, nồi cơm ghế củ cá bống kho tiêu, tô canh chua cá hú, trách canh khoai mùa lụt, trả cá Trạch kho dưa...v.v.. Có tâm hồn ăn uống :-).

Thực ra mỗi lúc tết đến, mọi đứa con xa nhà đều nghĩ về những điều tương tự, và năm nào cũng thế. Đó là cái hồn quê dai dẳng muôn đời. Còn nhắc tới Munich, nhớ nhất là những buổi chiều cuối năm ra Marienplatz ngồi nhìn Rathaus-Glockenspiel, nhìn đám bồ câu, nhìn dòng người qua lại. Rồi hẹn hò bạn bè đâu đó, uống cho qua đêm giao thừa, để nhớ về một mùa xuân hoặc nhiều mùa xuân đã đi qua và không bao giờ trở lại. Chỉ đơn giản vậy, thế mà cứ nhắc lại nhớ. Năm nay có lẽ Marienplatz, Rathaus-Glockenspiel ... Munchen và bao nhiêu thành phố khác trên thế giới như Berlin, Frankfurt, Saigon, Paris, London, Amsterdam, Brussels ... ... cũng lạnh tanh như nhiều nơi trên đất nước Hoa kỳ. Nhưng chuyện đến sẽ đến, chuyện đi sẽ đi. Xuân đến xuân qua, lâu nay quy luật vũ trụ vẫn thế, dù vui hay buồn. Bỗng nhớ đến mấy câu thơ của thiền sư Thiệu Long:

Thoát thân dĩ hiểu Nam Kha mộng
Thử giác nhân gian vạn sự không
Xuy khứ hoàn hương vô khổng địch
Tịch dương tà chiếu bích vân hồng

Đúng, mọi chuyện rồi sẽ qua đi. Nhìn lại như là một giấc mộng. Hơn thua, vui buồn, sướng khổ ... cũng không bao giờ trở lại. Quá khứ đã qua, tương lai chưa tới, hiện tại luôn là ân điển lớn nhất trong cuộc sống này. Xuân về xin mến chúc qúy bạn hữu và gia đình một năm mới an khang hạnh phúc !




PN (29 Tết)

Friday, January 29, 2021

Nói chuyện với người chết !




Hôm qua, hãng Microsoft đăng ký bản quyền "nói chuyện với người chết " (*) dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Một tiến bộ mới của kỹ thuật đã gây ra nhiều bàn tán trong giới công nghệ. Nhưng rất thú vị vì dưới mắt của những người am hiểu PG, đó lại là một bước tiến tiệm cận đến cái "vô ngã" của con người. 

Lâu nay, người hiểu về khái niệm vô ngã/vô thường của đạo Phật cho rằng cuộc sống con người chỉ là những dấu chân trên cát (footprints in the sand). Hiện hữu tạm thời rồi sẽ tan biến nhanh chóng theo gió cát hoặc thuỷ triều sóng vỗ. Một kiếp sống qua đi, làm được một ít việc gì đó, tốt có xấu có hoặc không tốt không xấu (wholesome/unwholesome/neutral). Đời sau hoặc những người thân quen còn nhớ đến trong một thời gian, rồi cũng phai nhạt dần. Từ một anh hùng như Napoleon, Thành Cát Tư Hãn, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi ...được người đời ca tụng, cho đến một Tần Cối, Cao Cầu, Tần thủy Hoàng, Mao Trạch Đông, Stalin, Hitler ....bị người đời nguyền rủa, rồi cũng dần dần qua đi. Ông cao, ông cố, bà nội, bà ngoại .v.v..cũng không ngoại lệ. Ban đầu con cháu còn nhắc nhở trong đám giỗ đám kỵ hay tết nhất gì đó .... rồi vài chục năm sau cũng rời vào quên lãng. Tất nhiên là phần physical (thân xác) còn tan rã nhanh chóng hơn nhiều. Cho nên những người hiểu biết đạo Phật một cách đúng nghĩa, thường không quá chú trọng đến cái "dấu chân trên cát" đó, vì họ biết sẽ còn nhiều dấu chân như thế trên những bờ cát khác, nơi chốn khác, mà họ sẽ đến và đi. Những vị chân tu thường quan tâm đến những thứ khác "to lớn" hơn, một cảnh giới giác ngộ, cái mà con người bình thường thường cho đó là không có thực hoặc xa vời quá. Một trong những thứ mà PG quan tâm đến đó là phần nghiệp lực, chủng tử (karmic seeds) lưu trữ ở A lại da thức. Nhưng trong cuộc sống này, vốn mấy ai tin rằng điều đó có thực ? Nếu tin, thế giới và xã hội con người đã khá hơn nhiều !

Microsoft hôm nay cho rằng, khi mỗi con người sinh ra, tồn tại trong cuộc sống một thời gian, rồi ra đi ....sẽ lưu lại những "dấu vết" của họ, những "dấu chân trên cát", những hơi hướm, những phần "hồn" của cuộc đời mà họ đã đã từng tương tác với thế giới chung quanh, trong đó có người thân yêu của họ. Công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) sẽ gom trữ được điều đó và "tái hiện" sau khi họ qua đời. Và người sống có thể nói chuyện cùng người đã chết. Đó là khái niệm mà họ đăng ký bản quyền hôm qua !

Cái khác biệt là, sự lưu trữ của Alaya Consciousness (A-lại-da thức) gồm những chủng tử và nghiệp lực, mỗi con người tự tạo ra nó, tự lưu trữ nó, và tiếp tục chu trình sanh diệt, không bỏ sót điều gì. Còn khái niệm AI của MS chỉ lưu trữ phần "ngã" của con người trong một kiếp sống. Mà cũng chưa chắc là lưu trữ đúng, vì biết đâu lỡ như Dominion tính lộn phiếu (hhihihi :-)), hoặc như Đức Giáo hoàng Francis hôm trước bấm "like" nhầm cô đào sexy của Brazil thì sao ? (**)

Thực ra thì nhà giàu lắm chiêu, chứ hồi ở nhà quê, nhiều người có chồng đi xa lấy cái áo chưa giặt để dưới gối mà ngủ. Nhiều anh VK về quê hương chơi, gặp mấy cô gái vườn quê, xin em cái ... nón làm quà, qua để trong sở, lâu lâu ngắm nhìn, thỉnh thoảng nói chuyện một mình cho vui. Vậy thôi cũng đủ lưu trữ rồi, cần gì AI cho phiền phức :-) .

PN