Wednesday, February 15, 2017

Tản mạn chiều xuân

“Patriotism is supporting your country all the time and your government when it deserves it.” - Mark Twain. (Tạm dịch : Yêu nước là luôn luôn phụng sự tổ quốc mình, và chỉ phụng sự chế độ khi họ xứng đáng).

Câu nói trên của Mark Twain luôn được nhắc đến mỗi lúc tranh cử bầu bán, hoặc thay đổi thể chế điều hành, chính phủ ở Mỹ. Và dĩ nhiên ngày nay trên thế giới, ai ai cũng phân biệt được sự khác biệt giữa đất nước và chế độ hiện hành. Đất nước thì trường tồn, còn chế độ thì thay đổi. Những người yêu nước thực thụ thì luôn sống và phụng sự cho tổ quốc đất nước của họ .

Trong những tháng ngày gần đây ở Mỹ, những sự phản đối không đồng thuận với chính phủ mới càng nhiều. Người dân Mỹ phân biệt rõ ràng giữa đất nước và chế độ. Họ yêu nước, thực thi quyền lợi dân chủ và chứng tỏ sự hiểu biết về tầm ảnh hưởng quan trọng giữa xã hội và chính phủ điều hành. Công bằng mà nói, Mỹ là đất nước dẫn đầu thế giới về dân chủ và tự do, nên cuộc sống người dân thụ hưởng nhiều quyền lợi và hạnh phúc so với những quốc gia khác. Trong khi đó ở nhiều nơi trên thế giới, cái giá để đòi hỏi một giá trị cuộc sống đúng nghĩa, có thể phải trả bằng mạng sống, tù đày, và nước mắt !

Còn chuyện hy sinh vì dân tộc tổ quốc, thì quốc gia nào cũng có, vô vàn, không sao kể xiết. Mình xưa nay vẫn luôn tôn kính sự hy sinh chính đáng của những anh hùng thực sự vì dân vì nước. Họ ngã xuống để đất nước họ được đứng lên !
Lịch sử thế giới lâu nay vẫn không hiếm lắm những câu chuyện bán nước hại dân, những con người cơ hội chủ nghĩa, lừa gió bẻ măng, đổi chác lợi danh cá nhân với quyền lợi tổ quốc đất nước. Nhưng lịch sử lại càng không hiếm những anh hùng hy sinh vì nước quên mình, hào khí rạng ngời. Cho dù sự cống hiến của họ cho tổ quốc nhỏ hay lớn, trên rừng hay dưới biển, ngoài chiến trường hay thầm lặng vô danh, thì họ mãi mãi là những anh hùng đáng được đời sau vinh danh và tri ân. Mình vẫn quan niệm rằng nếu một con người không đủ can đảm và công bằng để ghi nhận sự hy sinh chính đáng của kẻ khác, cho dù có sự khác biệt, thì liệu họ có đủ khả năng và tư duy để tạo dựng được một giá trị nào chân chính hay chăng? Hôm nay ta không tôn trọng người, thì ngày mai người lại không tôn trọng ta. Đạo lý muôn đời nay vẫn thế. Những đất nước hùng mạnh luôn đề cao giá trị cống hiến và sự hy sinh cho quốc gia, cho dù ở những giai đoạn lịch sử và thể chế khác nhau, do vậy họ tận dụng được sức mạnh toàn cuộc của người dân.

Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là không phải đất nước nào cũng có cái tầm nhìn sâu sắc và cao thượng như thế. Ở một số quốc gia, nhiều khi chế độ này thù hận chế độ kia, chính thể này trả thù chính thể nọ, quyền lợi tạm thời của một chế độ vượt qua giá trị trường tồn của một đất nước. Và dĩ nhiên sự hy sinh chân chính của những vị anh hùng nhiều khi bị bỏ rơi, thậm chí có lúc còn bị chà đạp !

Ngày xa xưa, cái biết của con người hạn hẹp, chủ yếu qua lời kể hoặc ghi chép phiếm diện một chiều. Đời sau không hiểu đời trước, đàng trong không biết đàng ngoài, bên này bôi xấu bên kia, chính thể này lệch lạc chính thể nọ, âu cũng là những chuyện thường tình. Như nhớ hồi nhỏ ở quê, mình từng ngồi say sưa nghe chuyện Phạm đình Trọng đi bắt Nguyễn hữu Cầu, Nguyễn Ánh đào mồ Nguyễn Huệ, Trịnh Nguyễn phân tranh, Hoàng Lê Nhất thống chí .v.v.. Ngày nay cái biết rộng rãi hơn, thông tin đại chúng hơn, nhiều sử kiện sử liệu hơn. Dĩ nhiên phần phán xét đúng sai, khách quan hay hạn hẹp, vẫn là do bản thân con người.

Mới hôm đầu năm rồi, mình ghé Điện Bàn, thắp hương mộ chí sĩ Hoàng Diệu, nằm giữa cánh đồng mênh mông, vắng lặng. Giữa buổi chiều xuân, miên man nghĩ về những hy sinh cao cả của bao liệt vị anh hùng. Từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Chích, Lê Khôi, Trần Lựu, Lê Sát, Nguyễn Xí .... thời Lê, cho đến Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Phan thanh Giản, Đinh Công Tráng...thời Nguyễn. Rồi mới đây hơn, những chiến sĩ đã ngã xuống ở Hoàng Sa, Trường Sa, Gạc Ma, Tây Bắc... để bảo vệ lãnh thổ quê hương trước quân xâm lược TQ. Có nhiều người trong số họ đã không được hậu thế thờ cúng và tri ân đúng mức. Ngậm ngùi. Bỗng nhớ lại năm nào đi thăm mộ ông Tạ Thu Thâu, mình cũng đã từng có những cảm nhận như thế !




No comments:

Post a Comment

Comments: