Monday, March 06, 2017

Thèm nghe thèm thấy !

Nhớ có năm nào đấy, bên nhà hạn hán nặng. Về quê, nghe bà con than vãn mùa màng thất bát, thấy buồn. Nhiều người khá giả chút, rằm, mùng một, về chùa thắp nhang cúng bái, cầu nguyện mưa thuận gió hoà. Mình hỏi ông sư ở chùa:
 - Nếu cả hai người làm ruộng và làm muối cùng cầu nguyện, thì ông Trời nên mưa hay nên nắng Thầy nhỉ ?
- Chú này hỏi cắc cớ quá. Ông sư nói.
Mình xin lỗi, nói không có ý hỏi cắc cớ, chỉ là tự nhiên nghĩ đến cái mong muốn và chờ đợi trong mỗi con người của chúng ta.

Bên tây bên ta gì cũng thế, thông thường cái gì thiếu, thì người ta thấy thèm. Đủ thứ thèm, thèm tiền, thèm tiếng, thèm khen, thèm chê ... nhưng lâu nay thèm thấy, thèm nghe, cũng là những nhu cầu thường gặp trong xã hội đời sống hàng ngày. Có lẽ ban đầu chỉ đơn giản là những chờ đợi mong mỏi bình thường. Nhưng rồi đợi lâu quá, đợi nữa, đợi mãi, đợi riết, cuối cùng trở nên thèm thuồng. Và thèm cho tới một mức độ nào đó, thì cứ như "trời hạn trông mưa", chỉ cần một giọt nước nhỏ nhoi cũng đủ làm nên "ngẫu hứng". Nhiều người đã hân hoan phấn khởi, đặt hy vọng vào những "ngẫu hứng" như thế. "Có còn hơn không, có còn hơn không ....!"
Có lẽ thế, nên cứ dăm ba tuần, báo đài lại có dịp đăng tải vài "ngẫu hứng qua cầu". Có lúc là một tuyên bố hùng hồn, một trảm tấu lâm sàng, một thưởng phạt phân mình, một ứng xử khiêm cung, một thanh liêm đến lạ thường, một thật thà đến kinh ngạc ..vv. Tuy là chưa giải quyết được vấn đề gì lâu dài, nhưng dẫu sao nghe thấy sướng và nhìn thấy đã. Còn vấn đề những "ngẫu hứng" đó có làm thay đổi được một cái gì cụ thể chăng, thì có khi lại là một điều quá mệt mỏi để phải nghĩ đến. Thôi thì mặc kệ, cứ nghe cho sướng tai trước đã !

Nhìn lại, từ một kết quả bất ngờ của cuộc bầu cử nước ngoài, cho đến những tung hô cải cách trong nước, có khi cũng chỉ bắt nguồn từ vài lời tuyên bố vu vơ, vài hứa hẹn ngọt ngào, hoặc vài câu chuyện của thì tương lai xa vời... Dẫu biết rằng có những hứa hẹn sẽ trở thành sự thật, nhưng cũng có những hứa hẹn mãi mãi chỉ là câu nói suông. Thế nhưng một khi mòn mỏi đợi chờ quá lâu, thì dường như lại dễ hài lòng, dễ sướng, bởi những câu chuyện rất ư tầm thường, đôi khi vô lý. Âu cũng là lẽ thường nhỉ ?

Nhớ có dạo TQ xâm lấn lãnh hải, ngang ngược đem giàn khoan cắm trong biển nhà, coi thường sự phản đối của VN. Người thấp cổ bé miệng la hét thật to, người cao cổ to miệng thì lại thầm thì thật nhỏ. Đợi chờ, và đợi chờ mệt mỏi, cũng không thấy ai kiện cáo gì. Một giọt mưa thu "không đánh đổi lãnh thổ" làm tê sướng lòng người hạn hán. Bỗng chốc, rồi trở lại lặng im như cũ !
Còn báo chí quê nhà nhai nhải mỗi ngày tham nhũng, cửa quyền, tham ô.... Đợi chờ, và đợi chờ một điều mới lạ. Bỗng một "cơn mưa phùn bay qua thành phố nhỏ" "hốt, hốt ngay, hốt hết ", thấy sướng. Tỉnh rụi, hạnh phúc, hy vọng, rồi vài hôm lại đi vào quên lãng !
......
Và cứ thế, những giọt mưa thu, những cơn mưa phùn, cứ thỉnh thoảng rơi rớt đâu đó như xoa dịu những nỗi hạn hán đợi chờ. Cũng là những ngẫu hứng nhất thời nào đó, nhưng "may mà có em đời còn dễ thương !"(VHĐ/PD). Cứ nhìn những xôn xao của một đất nước qua những câu chuyện vụn vặt của báo chí, mới thấy đáng thương cho người dân đen. Họ thèm nghe, thèm thấy, thèm sự thay đổi, thèm cái tốt, thèm cái thiện, cho dù chỉ là một hy vọng mong manh, le lói. Từ một tuyên bố ông quan đi xe buýt vài ngày, cấm đánh gôn, cấm nhậu trong giờ làm việc, đuổi cổ vài ông quan lười biếng (đúng ra phải đuổi từ đầu), hay chuyện xăn tay áo hò hét dẹp lề đường, bất chấp những quy tắc ứng xử đồng bộ xã hội. Cho đến những câu chuyện bi hài như xe được tặng đã lâu bây giờ trả lại, quán nhậu mở đã lâu giờ mới biết có người chống lưng, kiểm điểm tước chức ông tham quan đã về hưu, khai trừ bà hiệu trưởng gian trá ..vv.., cũng đủ làm cho báo chí & người dân sung sướng, bàn tán xôn xao cả tháng, quên cả chuyện cá mắm ngoài khơi. Nhưng có lẽ rồi cũng như mọi lần, những câu chuyện sẽ chìm vào quên lãng, đợi chờ những giọt mưa sau !

Vốn dĩ lâu nay bịnh nặng thì vái tứ phương tám hướng, nên chuyện thèm thấy thèm nghe cũng đâu phải chỉ dừng ở đấy.  Còn ngoài kia thì cứ tin thật, tin giả, hoang tưởng, tâm thần, cơ hội, a dua ... đầy rẫy, len lỏi mỗi ngày, dày đặc như sương mù. Ai nói được thì nói, chửi được thì chửi, nghe được thì nghe, tin được thì tin. Đã hạn hán thì đâu phải chỉ chờ đợi mưa thu, mưa phùn, mà mưa rào, mưa dông ... thậm chí bão bùng gì cũng hóng tuốt. Nơi nào có thóc thì có chim, nước trong nước ngoài gì cũng thế, nên dĩ nhiên cũng không thiếu những thầy bùa, thầy pháp, múa may, hứa hẹn hão huyền. Chỉ một Bá Kiến mà lắm Chí Phèo. Chí Phèo của làng Vũ Đại ngày xưa, chỉ lo yêu Thị Nở và chửi đời. Chí Phèo thời nay còn phải cực nhọc đối phó với nhiều Chí Phèo khác nữa, nhiều khi quên mất Bá Kiến, nên cũng khó khăn lận đận lắm :-). Lâu nay nghe thiên hạ thường nói nhiệt tình cọng với kém hiểu biết là phá hoại. Nhưng để nhận ra và chấp nhận sự "kém hiểu biết" của mình đã khó, đặc biệt trong lúc "nhiệt tình" lại càng khó nhận ra hơn. Ai tự nhận mình phá hoại bao giờ ?

Mới tuần rồi, một bà chị gởi mình hình con chim bồ câu chụp ở SG (đến màu sắc cũng giả), một ông anh gởi hình người phụ nữ mưu sống trên sông trước trước khu biệt thự sang trọng. Mình đã lặng im nghĩ về những giọt mưa khiêm tốn rơi trên cánh đồng hạn hán của quê mình. Giọt mưa nào đã nhỏ xuống cho quê hương ?

Nhớ đến Erich M. Remarque trong "Chiến Hữu" có nói câu “It's only terrible to have nothing to wait for.” (Tạm dịch: Thật là khủng khiếp nếu không có gì để đợi chờ). Mình thì nghĩ sẽ khủng khiếp hơn nếu những gì đợi chờ chỉ là những điều không có thực !





No comments:

Post a Comment

Comments: