Tuesday, April 17, 2018

Phiếm - Nghề thơ cũng lắm công phu !



Nói chứ phải công nhận là một trong những cái nghề dễ nhất mà cũng khó nhất ở quê ta là nghề làm thơ. Có người làm thơ bỏ túi, tặng chiến hữu bạn bè đọc cho vui. Có người in thành sách nhờ anh em, bà con đọc dùm, bán dùm, không ai mua thì tặng. Có người nghiêm túc hơn, bỏ tiền ra in vài tập thơ, làm đúng quy trình, hợp thức hoá chức danh thi sĩ, nhà thơ, vào hội vào đoàn, để thi thố với thiên hạ. Tuy có chữ là có thơ, nhưng cũng phải tốn công tốn sức lắm mới làm ra một bài thơ vừa ý. Thiên hạ bình riết, rồi như con trùn mà vẽ lắm chân vào, chẳng biết thành ra con gì. Có bài chữ hay ý dở, có bài bàn loạn riết mà lại thành hay. Nhiều người làm thơ, mà độc giả lại khen bài vè hay. Nhiều người đọc vè, thính giả lại bảo thơ hay :-)..... Đúng là nghề thơ cũng lắm công phu !

Bạn bè mình cũng có dăm đứa làm thơ, dở hay gì đối với thiên hạ thì không biết. Nhưng đứa nào cũng thấy thơ mình hay. Mà thi sĩ nào lại chả thế. Có ông thơ hay thực sự, nổi tiếng như cồn. Nhưng cũng có ông thơ hay mà cồn chưa nổi. Có ông làm cả năm bảy trăm bài nhưng chưa gặp thời, nên tên tuổi chưa lên. Cũng có ông năm bảy bài được khen hay, bên cạnh cả trăm bài không ai đếm xỉa, cũng đủ khệnh khạng một đời thi tửu. Có ông dăm ba bài được giải địa phương, còn lại cả bao không được, gác trên dàn bếp, cũng đủ hiên ngang một cõi ta bà. Nhưng quả nhiên đúng vậy, ít có thi sĩ nào tự cho thơ mình là dở. Con cá sẩy là con cá to, nhưng bài thơ dở lại là bài thơ của đứa khác. Cũng có nhà thơ suốt đời chả thèm đọc thơ thiên hạ, chỉ đọc thơ họ, và của "bạn" họ thôi, nên độc tôn. Thiên hạ này có bao nhiều bồ chữ, họ nắm hết. Cao ngạo cỡ Cao Bá Quát là cái đinh gì !
Mà nghề làm thơ dẫu cực nhọc, cũng có cái sướng của nó. Lâu lâu ngâm nga, đọc cho ta, đọc cho người. Có đọc có nghe, là thấy sướng rồi. Được khen lại càng sướng hơn. Bàn rượu nào mà có thơ để bình, cũng vui, cũng uống được nhiều bia rượu hơn là ngồi cãi lộn. Mình cũng có mấy người bạn chuyên bình thơ thiên hạ. Đứa làm giám đốc xây dựng nên ảnh hưởng nghề nghiệp, chỉ nghiệm thu phần cuối rồi hoàn công. Ai ngâm bài thơ nào ngắn dài cũng ráng nhớ được chữ cuối, rồi ngồi "hoàn công" cả buổi miệt mài. Đứa làm bác sĩ, bài thơ có câu chữ nào lạ lẫm "nổi" lên, thì cứ coi như là khối u, đè ra mà mổ mà xẻ đến cùng. Đứa làm lãnh đạo, thì cứ nói chung chung, nôm na là "chữ nghĩa hay, có tiềm năng, ráng phát huy". Đứa làm bác sĩ phụ khoa, thì .... thôi, khỏi nói. Và cứ thế mà bàn loạn, đứa ngược đứa xuôi, tiệc nào cũng râm rang, sôi nổi. Uống xong về ngủ, mai lại quên mất !

Hồi đó quán 81 Trần Quốc Thảo, tài năng dập dìu, thiên tài lỡ vận, thơ văn lai láng (không biết giờ còn không ?). Vài tuần trận đánh lớn, dăm ngày trận đánh nhỏ. Có người hâm mộ mà đến nhậu, có người hiếu kỳ mà đến coi, cũng có người thích coi đấu khẩu lý sự mà đến ủng hộ. Có người phải mua bia mời kẻ khác đến nghe thơ mình, miễn phí mà còn bị trách móc phí phạm thời gian. Thường thì thiên hạ đều vui vẻ thái bình. Nhưng cũng đôi khi đang bàn thơ sôi nổi, bỗng chửi thề um tỏi, bia bay vèo vèo. Thơ văn sợ quá, bên lề nằm im, thin thít. Nhiều độc giả hãi quá, thần tượng sụp đổ, trốn tiệt. Không biết ngày xưa các cụ nhà ta như Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Đồ Chiểu, Tú Xương, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương ...có bị kiếp nạn này hay không. Còn bên Tàu thì các Thánh Thi, Tiên Thi, Phật Thi, Qủy Thi .... Lý Bạch, Đổ Phủ, Vương Duy, Lý Hạ, Bạch Cư Dị, Vương Bột ... có lên bờ xuống ruộng như thế không nhỉ ?

Đúng ra là từ ngày có internet, email, facebook, mạng xã hội ... nhiều thiên tài ngủ quên đã trở mình thức giấc. Nhiều tài năng tiềm ẩn đã lâu, có cơ hội trỗi dậy mạnh mẽ. Nhân tài như lá rụng mùa thu, từ thơ văn, ca nhạc, triết gia, chính trị gia, đủ cả. Mà rộ lên càng nhiều thì đương nhiên là càng phức tạp. Lời khen tiếng chê, phun châu nhả ngọc, thượng vàng hạ cám tràn lan, bất phân thắng bại. Trong đó, thi sĩ nhà thơ là một trong những ngành nghề khó kiểm tra chất lượng nhất. Không có chuẩn ISO, không quy trình, không chứng chỉ, không bằng cấp, không kiểm định .... Càng không phải cứ làm thơ thâm niên thì được lên chức, làm thơ hay thì bán được tiền, làm thơ nhiều thì được lãnh lương cao ... Dĩ nhiên là có những nhà thơ tài năng vẫn sống khiêm cung ẩn dật. Có những nhà thơ tên tuổi, thì vẫn được săn đón, nhuận bút cao, được nhiều người mê thơ đón nhận. Có người còn lấn sân đi làm MC, đóng phim, thậm chí đi làm lãnh đạo. Cũng có nhiều "nhà thơ" tự nhờ người phổ nhạc thơ mình, cây nhà lá vườn. Lâu lâu nhà chùa nhà thờ, họp trường họp lớp, đem ra hát hò, âu cũng là một cách quảng bá tài năng...

Nhà thơ ở cạnh nhà thờ
Nhà thơ tắt thở nhà thờ rung chuông !

Còn nói về chuyện thưởng thức thơ thì đâu phải ai cũng giống ai. Cũng như mục tìm bạn bốn phương, đẹp xấu tuỳ người đối diện. Có người đọc bài thơ hay của thiên hạ, lại thấy dở với mình. Có bài thiên hạ chê bai lãng xẹt, lại hợp tâm trạng mình, thành ra thấm ý mà hay. Có bài trong sách giáo khoa, nên đành phải thuộc. Có bài vì lãnh đạo khen hay, nên mình phải nhớ. Cũng có bài của người thân bạn bè sáng tác, bỗng hoá hay ngang ..vv.. Nhưng đó là những chuyện bình thường, thơ phú lâu nay vẫn vậy, từ hàn lâm cho đến hàng dân giả !

Mấy hôm nay trên mạng VN ném đá, phun nước miếng, chửi ầm một ông nhà thơ kiêm quan chức hội đoàn thơ văn nào đó, bởi dám chê bai thơ thiên hạ trên Facebook. Mình chưa bao giờ biết, chưa bao giờ nghe, cũng chưa bao giờ đọc thơ ông này. Tuy nhiên, nghe ông phán một câu “Thơ dở trên fây búc là thơ rác rưởi gây ngộ độc hơn cả ngộ độc thực phẩm", thì kể như ông đã cởi truồng mà ngồi xổm trên ổ kiến lửa rồi, có mặc quần vô cũng không còn kịp nữa :-).

Truyền thông trên mạng, hay báo chí VN bây giờ, thường có hai trạng thái phản ứng. Một là thần tượng, ca tụng thái quá. Hai là chống đối, bài xích thái quá. Nhiều người có khi cũng chả cần phải đọc cho rõ, thấy người ca tụng thì mình cũng ca tụng theo, thấy người ta chửi thì mình cũng chửi theo. Từ một vụ án tham nhũng cho đến một bài thơ hay áng văn, từ một nghi án chưa xử của người đương thời, cho đến một người hùng vừa ngã ngựa đêm qua. (Thường thường thôi nhe, không có ý vơ đũa cả nắm). Riêng đụng tới cái vụ thơ văn, thì còn đáng chết nữa. Ông này làm quan chức hội nhà văn mà dường như chưa hiểu hết sức mạnh của những người yêu thương & hâm mộ cái hội của ông ta.
Một đất nước đầy rẫy anh hùng và nhà thơ, cho nên chỉ cần một xúc phạm danh dự nhỏ, một vụ đạo thơ, cắp ý, phán bậy, nịnh đầm ... thì lưng nào chịu nỗi đá. Bây giờ có internet rồi, khác với mấy chục năm trước, chỉ một chút là cả làng đều biết. Mà lâu nay FB lại có câu thơ bất hủ "Ném đá thì phải ném liền tay. Chớ để lâu ngày nó trốn mất vui". Cỡ như "Đương đại quốc sư" Vũ Khiêu còn khiếp, huống hồ là hàng tôm tép chà bông :-) .

Nhưng dẫu bị ném đá ồ ạt như thế, thì ông thi sĩ Phan Hoàng này cũng được cái khác ngon lành hơn. Ít ra là nhờ vậy mà nhiều người biết đến tên ông, tò mò đọc thử thơ ông coi tài ba thế nào, trong đó có mình. Thú thiệt là mới đọc được 2 bài, từ hai tập thơ nổi tiếng nhất của ông ấy, rồi ngưng. Mình vốn dốt thơ mê nhạc. Đọc cho có đọc, chứ hiểu thì điếc đặc rồi, nên định bụng hôm nào về quê, sẽ mua bia đãi mấy đứa bạn già, nhờ nó bình dùm. Đúng ra, cũng không công bằng khi chỉ đọc 2 bài nổi tiếng nhất của ông mà dám bàn đến tài năng thơ phú của một nhân tài, nhưng quả là không có thời gian và không đủ kiên nhẫn. Thoáng qua, thì phải công nhận ông thi sĩ này dùng từ tượng hình dễ cảm ghê, "ngọt từ da thịt ngọt ra ", nghe thấy "mát mẻ" liền. Còn bài nữa thì nghe có "tiếng thì thầm", hoan lạc và thụ tinh, chuyển dạ và sinh nở ... đọc nghe "ham". Thơ cỡ đó hèn chi được làm quan chức. Mà chỉ bấy nhiêu ngôn từ sống động thế, gặp mấy nhà phê bình thơ ở quê mình, thì bao nhiêu bia mới đủ :-) .

Nghĩ lại, mình sống ở nước ngoài nhiều hơn trong nước, may mắn được đi cũng nhiều, nhưng chưa thấy nước nào có nhiều Hội nhà văn, nhà thơ, lại có nhiều người thi sĩ văn sĩ được ăn lương của chính phủ & nhà nước nhiều đến thế. (Có thể là Trung quốc hoặc Triều tiên cũng có, nhưng mình chưa được biết). Cũng chưa thấy nơi nào mà trong giới nhà thơ nhà văn, một trong những giới được cho là có một số kiến thức nhất định, lại có nhiều vụ scandal phê phán, bài xích, tâng bốc, bóc mẽ, quan tâm tới nhau nhiều đến thế. Cho nên nhiều người thường nói VN là đất nước trọng nhân tài, trọng thơ ca, trọng truyền thống văn hoá, có khi chẳng phải là ngoa chút nào !


No comments:

Post a Comment

Comments: