Tuesday, January 08, 2019

Tản mạn - Thân phận & tự hào dân tộc !





Hắn lớn lên giữa thời đất nước chiến tranh ly loạn. Một cuộc nội chiến đầy rẫy bi kịch và mâu thuẩn trong từng mỗi gia đình. Những ngộ nhận về ý thức hệ, và kết quả của sự lệ thuộc dẫn dắt bởi chính trường thế giới, đã gây ra bao nhiêu hệ lụy đau thương tàn khốc. Làm cho cả thế giới, qua nhiều thế hệ, không ít người phải trăn trở, ngậm ngùi về cái giá quá đắt cho thân phận của một dân tộc.

Tuy nhiên, tuổi thơ của hắn vẫn hồn nhiên và luôn ngập tràn những câu chuyện, ca dao, bài hát về tình yêu thương đất nước và dân tộc. Những bài học ở trường, gia đình, sách báo, phim ảnh, hình ảnh, xã hội, luôn giáo dục đề cao ý thức tổ quốc học đường, học để phụng sự đất nước và xã hội. Sống với lý tưởng, ước mơ, và niềm tự hào về quê hương của mình.

Từ cái huy hiệu học đường trên vai, từ bài học thuộc lòng trong sách giáo khoa, từ bài hành khúc của trường lớp, cho đến những điển tích lịch sử hào hùng, những câu chuyện công dân đức dục được nghe hàng ngày. Đâu đâu cũng thấp thoáng cái hào khí dân tộc, cái lý tưởng chính nghĩa, và niềm tự hào về đất nước & con người VN.

Trong tâm trí hắn, cho đến nay vẫn còn như in những câu chuyện trong thằng Bờm của Nguyễn Vỹ ... Triệu Quang Bình, Trần Quốc Toản, Phù Đổng Thiên Vương, Đinh Bộ Lĩnh, Yết Kiêu Dã Tượng ... Rồi những trang lịch sử kiêu hùng về Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Quang Trung, Bà Trưng Bà Triệu, Lý Bôn Lý Bí ... cho đến những câu truyện tuổi thơ đầy mộng ước của Duyên Anh, những mẫu chuyện "Tâm hồn cao thượng" của Edmond De Amicis (Hà Mai Anh dịch) ... v.v.. cứ như kim chỉ nam đi theo suốt cuộc hành trình.

Tuổi thơ và hắn lớn lên như thế. Cho dù quê hương chiến tranh tàn phá nặng nề, cho dù hoả châu đạn pháo mỗi ngày, cho dù bữa đói bữa no, cho dù xác chết ngổn ngang, nhưng những đứa trẻ vẫn lớn lên mạnh mẽ với đầy ắp niềm tự hào dân tộc của quê hương mình !

Rồi hắn cũng đã trưởng thành như bao đứa trẻ khác. Hắn cũng tận mắt được nhìn thấy đất nước thôi chinh chiến. Được nhìn thấy thế hệ cha anh ở hai miền đất nước trở về từ chiến tranh. Đựơc nhìn thấy những thay đổi của đất nước, như lời ông Võ Văn Kiệt nói “có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Nhưng bên cạnh những hân hoan, mừng vui đất nước thống nhất, cũng là những thù hận ly tán, lý lịch giai cấp, những chia rẽ thời hậu chiến, cải tạo, kinh tế mới, những tha phương cầu thực để mưu cầu chén cơm manh áo ...v.v. Có người đã cố gắng ở lại bám trụ ruộng vườn, có người đành phải bỏ xứ ra đi. Những gánh hàng rong, những chiếc xe đạp cọc cạch, những bọc đậu phụng luộc, những cái bánh tráng nướng, những tô hủ tíu gõ.... ngày đêm đã đè nặng lên thân phận con người. Và những thứ như lý tưởng quốc gia, tự hào dân tộc, dường như đã dần trở thành xa lạ. Có khi những câu chuyện cao cả, sâu sắc lại trở thành món hàng xa xí phẩm giữa một xã hội hơn thua nhau từng chiếc xe đạp, từng cái đài, cái tủ lạnh, con búp bê, từng đôi dép sa-pô, chiếc áo xẹc lào, điếu thuốc đầu lọc ... và nhiều thứ tầm thường khác, hoặc những thứ hư danh không thuộc về mình.

Hụt hẫng. Hắn hụt hẫng, và bao nhiêu người cũng đã hụt hẫng. Những cố gắng của "Em ra nông trường, em ra biên giới", "Cuộc đời vẫn đẹp sao", "Người đi xây hồ kẻ gỗ", "Đi qua vùng cỏ non" ... đã giúp quên đi những cơn đói cấu cào của một thời lý tưởng, nhưng không đủ để nuôi dưỡng những nghiệt ngã thực tế của cuộc sống mỗi ngày, những đói nghèo của Mẹ già, em thơ ở quê nhà ... Nên bạn bè hắn lại ra đi, đi tìm cho mình một lẽ sống. Phải đi, dẫu tận cùng không ai muốn rời xa nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Đứa đi nghĩa vụ, đứa đi thanh niên xung phong, đứa bỏ xứ tha phương lập nghiệp, đứa đi xuất khẩu lao động, đứa trốn đi lao công phục dịch tận chân trời góc biển nào đó, đứa đi vượt biên tìm tự do, để rồi vĩnh viễn nằm lại giữa đại ngàn rừng xanh hay đại dương sâu thẳm ....

Rồi bao nhiêu năm tháng trôi qua, thế giới đổi thay nhiều. Quê hắn không còn đói nữa, ai cũng có đôi dép, cái quần cái áo lành lặn. Vui ! Hắn rất vui, rất mừng cho quê hương mình. Mỗi lần về quê, hắn đi thật chậm trên từng nẻo đường quê hương, la cà từng góc phố quán đêm ở quê nhà, để cảm nhận từng nỗi vui của bạn bè, của anh em, đã không còn đói bụng hằng đêm, nợ nần, quần rách áo vá. Nhưng rồi hắn cũng đã sớm nhận ra những sự khác biệt rất lớn của hôm nay và ngày xưa về lý tưởng sống, về khái niệm hơn thua giàu nghèo, về giá trị con người & đạo đức, đặc biệt là niềm tự hào dân tộc.

Dân tộc hắn ngày nay có mặt gần như khắp nơi trên thế giới. Tiếng thơm cũng không hiếm, mà tiếng xấu cũng không thừa. Thành công hiển hách cũng có, mà trộm cắp, đĩ điếm, buôn lậu, bắn giết, bắt cóc... cũng có. Tha phương cầu thực, đồng hương đùm bọc nhau giúp đỡ nhau để sống cũng có, mà rình rập, chụp mũ, bôi xấu, kiếm chác nhau.. cũng có. Đủ thứ. Từ người lao động, vượt biên, di trú chính thức cho đến không chính thức, làm chui ở lậu. Từ quan chức ngoại giao cho đến dân thường, du học sinh... Từ châu Phi, châu Á, Châu Mỹ, Châu Âu, châu Úc, Trung Đông, Bắc Á cho đến những nước láng giềng Lào, Thái, Sing, Mã, Hàn, Đài, Tàu ... Đi đâu cũng nghe những câu chuyện ấn tượng về đồng bào của hắn. Thậm chí, ở một số nước họ phải khuyến cáo, canh chừng tội phạm đến từ VN. Thân phận của một dân tộc lưu lạc trôi nổi, thân phận của một tờ passport từ đất nước "anh hùng thắng 2 đế quốc" & có dân số đứng hàng thứ 15 trên thế giới.

Trong khi đó, ngay chính trên quê hương của hắn, hàng ngày vẫn không hiếm những câu ca bài hát, bản tin, hình ảnh mang đậm tính "tự hào dân tộc". Một trận bóng đá khu vực chiến thắng, một cây bánh tét lớn nhất, một cái tượng đài to nhất, một sợi cáp treo dài nhất, một toà tháp cao nhất, một đất nước đáng sống, uống bia nhiều nhất, lạc quan nhất nhì ...v.v. Và sau lưng niềm tự hào đó vẫn là những đống rác đồ sộ mỗi dịp lễ hội, những con số tử vong sững sờ sau bữa ăn mừng hoặc tết nhất, những tội phạm trộm cắp chết người, những hơn thua giết người chỉ vì cái nhìn đểu hay tiếng nẹt pô, những em bé du dây đến trường, những giọt nước mắt của người dân oan, những vụ án tham nhũng lạm quyền... Bên cạnh đó vẫn còn những chui nhủi trốn chạy giữa xứ Đài, xứ Thái, trời Âu, xứ Mỹ. Những thân phận nổi trôi của hàng trăm ngàn cô gái Việt trên xứ người, những con số ung thư kỷ lục, những câm nín của người ngư dân khốn khổ với bọn tàu lạ, những chịu đựng với thách thức xâm lấn công khai biên giới lãnh hải của TQ..v.v... Cao hơn nữa là tự hào về những chiếc xe cao cấp, những chai rượu đắt tiền, những biệt phủ khổng lồ, những tiệc tùng xa hoa của giới thượng lưu, sự giàu có cách biệt của những gia tộc quyền lực với gia tài đồ sộ mà cả đời đã cực khổ hy sinh "vì nước vì dân". Xã hội dường như vô cảm hơn, và con người cũng bận rộn rượt đuổi theo những hơn thua vật chất, tham vọng cá nhân. Những đứa trẻ được nhắc nhở dạy dỗ chuyện dĩ vãng nhiều hơn là tương lai, chuyện mưu cầu danh vọng bản thân nhiều hơn là danh dự tổ quốc, quan tâm chuyện sĩ diện cá nhân nhiều hơn là sĩ diện dân tộc. Trong những buổi họp mặt hội hè đình đám, thưa dần những câu chuyện trăn trở về văn hoá suy đồi, hoặc chuyện được mất của quê hương đất nước. Thay vào đó là những câu chuyện phô trương mặt mũi, so đo về quyền lực và vật chất. Thậm chí đơn giản hơn chỉ là những tự hào hơn thua nhau về vật chất nhu cầu tối thiểu hàng ngày.

Hôm rồi, ngồi nhìn thật lâu vào chiếc giường ngủ ở Đài Loan mà người xứ hắn dùng để trốn chui trốn nhủi, hắn bỗng thấy thương cho thân phận của người dân quê hắn. Tại sao dân tộc hắn lại phải chui nhủi, tranh nhau đi làm mướn làm thuê khắp mọi nơi trên thế giới, mà ngay cả những nước nghèo đói hơn vẫn không cần phải làm như thế. Tại sao dân tộc hắn ra đến nước ngoài, cũng phải gây nên tội phạm, trộm cắp khắp nơi, mà các nước khác không làm chuyện đó ?

Tại sao chiếc giường phải có 2 ngăn, một ngăn để trốn và một ngăn để khoe? Tại sao quê hương hắn không đơn giản là một chiếc giường êm ấm, để ai cũng có những giấc ngủ thanh bình ngay trên mảnh đất mà họ sinh ra ? Để mọi người có thể có điều kiện sinh sống, làm việc, và đóng góp cho chính quê hương của họ. Để tất cả cùng nhau có chung một niềm tự hào dân tộc. Tự hào cầm chiếc passport của tổ quốc mình đi khắp nơi, ngẩng cao đầu, mà không hề canh cánh lo âu, không hề sợ thiên hạ dè bỉu dòm chừng !




No comments:

Post a Comment

Comments: