Thursday, June 17, 2021

Tản mạn về "Từ thiện" ...

 


Gần đây trên mạng xã hội VN rầm rộ những câu chuyện đấu tố "từ thiện". Xấu có tốt có, đúng sai chưa biết, nhưng cứ đem ra khai tội lẫn nhau dưới nhiều hình thức, trần trụi và a dua. Và đây cũng không phải là chuyện mới mẻ gì đối với mạng xã hội. Tất nhiên đại đa số những chuyện đấu đá thị phi, hơn thua trên mạng lâu nay cũng chỉ là nghe đi nói lại, phán xét dựa theo cảm tính hoặc đám đông, chứ chẳng phải là quan toà có đầy đủ chứng cớ, nên không ai bảo đảm được điều gì. Nếu là nạn nhân thì cũng chẳng được quyền bào chữa công bằng, mà cho dù có cơ hội thanh minh thanh nga thì lý lẽ cũng chưa chắc có được giá trị gì trước đám đông hùng hậu và a dua của mạng xã hội. Cho nên mỗi khi nghe thấy những chuyện như thế này, mình thường liên tưởng đến câu chuyện người đàn bà bị ném đá trong kinh Thánh :-)

Thực tế thì kết quả cuối cùng của “đấu tố”, “sao kê”, lai chim lai chuột, ăn chặn ăn bớt, vụ oan giá họa, đúng sai ra sao còn chưa biết, nhưng chắc chắn sẽ làm cho nhiều người ngán ngẩm, và có thể gây ra nhiều ảnh hưởng cho các hoạt động "từ thiện" về sau, đặc biệt là trong giới văn nghệ sĩ. Mình thì nghĩ rằng những người có quan niệm đúng đắn về việc “hành thiện bố thí”, sẽ không dễ bị lôi cuốn vào những thị phi như vậy !

Nhân đây mình cũng có vài ý nghĩ tản mạn về chuyện "làm thiện". Tất nhiên cũng chỉ là những suy nghĩ cá nhân, đúng sai tuỳ người cảm nhận. Đọc cho vui thôi :-)

Xưa nay có nhiều người cho rằng động cơ của hoạt động từ thiện có liên quan đến tôn giáo, đức tin về nhân quả báo ứng hoặc phước báu công đức .v.v.. Điều này thì mình không rõ lắm, và cũng không hoàn toàn đồng ý. Tuy nhiên, có một điểm chung là tôn giáo nào cũng dạy tín đồ của họ sống tử tế, làm thiện làm lành. Nhưng làm thiện làm lành thì không nhất thiết là có liên quan đến tôn giáo. Còn quy luật nhân quả là của vũ trụ, không do ai tạo ra, cũng không thuộc quyền sở hữu của bất kỳ một tôn giáo nào. Và cũng chính vì quy luật nhân quả, nên những người sống tử tế, hành thiện làm lành chắc chắn sẽ gặp được những điều thiện lành, tốt đẹp đến với họ trong cuộc sống.

Tuy nhiên, trong cuộc sống không phải ai cũng tin vào đạo lý nhân quả hoặc có cùng quan niệm nhân sinh. Thiên hạ vốn có tư duy và trình độ hiểu biết khác nhau, nhiều nguồn đa dạng, nên tồn tại những dị biệt và mâu thuẫn, cũng là chuyện thường tình. Nhìn chung thì đại đa số cá nhân và tổ chức từ thiện ở VN đều hoạt động rất tốt, ngày càng phát triển và có nhiều ảnh hưởng tich cực đối với cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên bên cạnh đó thì cũng có những mặt trái tiêu cực, liên quan đến mê tín dị đoan, cúng bái nghi lễ, lạm dụng quyền hạn, vụ lợi cá nhân, ganh ghét đố kỵ …. Tuy không nhiều nhưng cũng tạo ra một số ảnh hưởng nhất định đến các hoạt động từ thiện chung của xã hội.

Ngoài ra cũng không hiếm những trường hợp quan niệm lệch lạc về ý nghĩa và mục đích của việc bố thí, từ thiện. Ví dụ như có một số ít người coi chuyện làm từ thiện như một sự ban phát, khai ân, nên mong đợi những sự hồi báo, như quyền lực, đặc ân hoặc sự tôn vinh từ kẻ khác, kể cả sự xưng tụng từ những người nghèo khó hoặc cộng đồng xã hội. Khi không được như ý, lại sinh ra bức xúc, bất mãn, thậm chí còn cắt đứt dây chuông, hoặc chửi bới doạ nạt đòi lại… Một số người khác có quan niệm giá trị của việc “từ thiện” quy ra "thóc", nên tính toán hơn thua, so đo giá trị đóng góp, chê bai cúng nhiều cúng ít, phúc nhiều phúc ít … vô tình làm tổn thương nhiều người khác. Thậm chí có nhiều người còn chờ đợi Phật, Chúa, Trời, Diêm vương, thần linh … sẽ ghi nhận công đức “lớn lao” của họ, mà đáp ứng những lời khấn nguyện hoặc ban bố ân điển cho họ. Đến khi không được “lại quả” như ý, thì lại kể lể, sân si, sinh ra lắm phiền toái cho bản thân và nhiều người liên quan. 

Trong cuộc sống đời thường, có nhiều người nhận thấy các việc làm sai trái, nhưng không phải ai cũng đủ can đảm và khả năng để nói lên sự thật, hoặc ngại đụng chạm, ngại phê bình thẳng thắn, ngại góp ý chân thành về các ứng xử lệch lạc của người thân quen, nên những ngộ nhận ngày càng nhiều. Xã hội ngày càng nhiều những hiện tượng tung hô quá đáng, đầy rẫy những ứng xử kệch cỡm, lạm dụng danh nghĩa trá hình như tôn giáo, cộng đồng, văn hoá dân tộc, yêu nước thương dân..v.v… Làm cho nhiều người có cái nhìn phiếm diện về công việc từ thiện, nghi ngờ lòng tốt của người khác, dẫn đến những phán xét không công bằng, vơ đũa cả nắm, hoặc đổ thừa đổ lỗi cho nhau. Và cứ thế, lần hồi những công việc từ thiện cao cả đáng quý lại trở nên phức tạp, đầy những nghi ngờ và đố kỵ, làm cho một số cá nhân và tổ chức tham gia gặp nhiều khó khăn hơn. Nhiều người có thiện tâm trong sáng muốn làm từ thiện cũng dè dặt hơn. Cho nên những suy nghĩ chín chắn về các hệ lụy gây ra do các tranh chấp hơn thua hoặc nhu cầu câu view trên mạng xã hội bao giờ cũng rất cần thiết.

Một yếu tố quan trọng nữa trong việc làm từ thiện bố thí, đó là bản sắc văn hoá đặc thù của từng địa phương. Có nhiều quốc gia và một số vùng miền trên thế giới, chuyện làm từ thiện hoặc đóng góp cho cộng đồng xã hội được coi như là những nhu cầu cần thiết và trở thành các sinh hoạt bình thường tự nhiên trong đời  sống. Cho nên không phải chỗ nào cũng có những cách làm từ thiện và ứng xử ồn ào như nhau.

Nhắc đến việc làm thiện làm lành, trong PG có một khái niệm rất quan trọng, đặc biệt là đối với những người nghiên cứu đi sâu vào con đường thực hành đạo pháp. Đó là hạnh bố thí trong sáu pháp tu học ba-la-mật. Tiếng Anh gọi đó là "Six Paramitas", hoặc "Transcendent perfections", tiếng Việt dịch ra là Lục Ba la mật (có một số sách dịch là Lục độ Ba la mật). Chữ mật ở đây không liên quan gì đến bí mật hoặc phù phép pháp thuật nào cả. Có thể chỉ là cách phiên âm từ tiếng Phạn ra TQ, rồi TQ sang VN từ thời xa xưa. Dĩ nhiên ở các nước Á đông, vốn có truyền thống PG lâu đời, nên được thuyết giảng về nhiều phương tiện tu tập khác nhau. Ngôn từ cũng đa dạng phong phú, và khó hiểu hơn, vì được diễn giải theo nhiều cách riêng khác nhau. Còn bên Tây phương, thì kinh sách viết theo tiếng Anh (English) nên chữ nghĩa trực tiếp hơn, đơn giản hơn, phù hợp với những người có ít vốn liếng kiến thức PG như mình. Tóm lại, Lục Ba la Mật (Six paramitas) là 6 tiêu chí tu tập cần thiết nhất cho một người muốn tìm đến sự giác ngộ của bản thân. Nhiều người cũng cho rằng đó là tu theo hạnh bồ tát. Thực ra chỉ là cách nói, dùng từ ngữ thế nào cho người khác hiểu đúng là tốt rồi. Bên PG Nam truyền (Theravada) quan niệm là có 10 paramitas, thay vì là 6. Suy cho cùng thì cũng chỉ là những phương pháp thực hành có cách gọi khác nhau, nhiều con đường cùng dẫn đến một mục đích. Tuy nhiên đây là một trong những lý thuyết căn bản nhất của PG, mặc dù đơn giản nhưng là mấu chốt trọng tâm nhất của việc tu tập. Bạn nào muốn đọc thêm, thì có rất nhiều tài liệu trên mạng. Các trường đại học lớn trên thế giới đều có nhiều tài liệu về lý thuyết PG này. Ví dụ như đại học lâu đời nhất của Anh, Oxford, trong thư khố Oxford Bibliographies, luôn có những tài liệu hoặc bài viết về "Six Paramitas". 

Trong phạm vi bài viết này, mình chỉ muốn nói đến cái ba-la-mật đầu tiên (1st paramita), đó là nói về Bố thí ba-la-mật-đa (tiếng Sankrit là danaparamita; tiếng Anh tạm dịch là perfection of giving, hoặc là generosity). 

Nôm na thì bố thí được định nghĩa là khả năng mở lòng để cho đi hoặc thiện chí để dâng hiến, mà không chờ đợi sự hồi báo. (Chứ nếu bố thí mà chờ đợi sự “lại quả”, kể cả lại quả công đức phúc báu, thì khác gì vừa bỏ ra một cục lại rinh về một cục khác nặng hơn:-). Bố thí được chia ra thành 3 loại:

1. Tài thí: là cho đi bằng tiền của, hiện vật, công sức... (như đại đa số các vị làm từ thiện ngày nay)

2. Pháp thí: là đem sở học sở đắc của mình mà hướng dẩn, giáo dục, thuyết pháp, truyền giáo, giảng giải đạo pháp, đạo làm người…cho kẻ khác.

3. Vô uý thí: là che chở hoặc bảo vệ trực tiếp hoặc gián tiếp các sinh linh yếu đuối, khờ khạo, ngây ngô, bất lực ... trước những bạo lực, cường quyền, sự sợ hãi và những chết chóc tai ương. Hy sinh và sẵn sàng cam chịu thiệt thòi bản thân để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ chính nghĩa, giúp sinh linh thoát cảnh sợ hải, lo âu ...

Một số kinh sách cho rằng đó là 3 loại bố thí có cấp bậc từ thấp đến cao. Mình thì không nghĩ vậy. Có lẽ không có sự đo lường nào về công đức, nhưng có sự khác biệt khó dễ trong việc thực hành hạnh bố thí. Xưa nay mình thường nghe nhiều vị giảng giải về thực hành Bố thí Ba-la-mật-đa là vừa làm lợi ích cho người, vừa làm lợi ích cho mình. Theo thiển ý của mình thì chuyện làm lợi cho người, cho xã hội, cho nhân loại, thì ai cũng dễ dàng nhìn ra được. Nhưng nói chuyện làm thiện sẽ đem lại lợi ích cho chính bản thân thì khó nhận ra hơn, mặc dù đây mới là điều quan trọng mà những người tu học chân chính muốn hướng tới. Bởi vì chính sự bố thí đúng nghĩa mới là liều thuốc hoá giải mọi sự chiếm hữu và tham lam, bủn xỉn và bần tiện, kiêu ngạo và ích kỷ ...Đưa họ từng bước tiến đến gần hơn với sự giác ngộ và tỉnh thức !

Tất nhiên là trong mọi vấn đề, mọi lý thuyết đều có tính hai mặt của nó. Tỉnh hay mê, thiện hay ác, nặng hay nhẹ, có khi cũng chỉ là những đường ranh rất mỏng. Vượt quá giới hạn đó lại trở thành một ý nghĩa khác. Mình không phải là những nhà tu hành, càng không phải là các nhà nghiên cứu đạo pháp, hoặc các bậc cao nhân tri thức ... nên một lần nữa, đây chỉ là những hiểu biết trong giới hạn hiểu biết nhỏ bé của mình.

Giờ xin nói chi tiết chút. Thứ nhất nói về "Tài thí", quả nhiên là đơn giản nhất. Có công, có của, có lòng ... cho đi. Làm từ thiện, đi cứu trợ, quỹ tình thương, quỹ hổ trợ, quỹ học bổng, làm nhà tình thương, làm cầu, làm trường, bữa cơm có thịt, cái mền, cái áo, xây chùa, xây miểu ...v.v.. Tuy nhiên, đối với hạnh bố thí, thì sự "cho đi” không phải chỉ dựa trên sự dư đủ của vật chất tiền bạc, mà còn dựa trên khía cạnh tinh thần, sự thiện chí, sự buông bỏ, hy sinh, đức tính khiêm cung, và quan trọng nhất là lòng yêu thương. Vì thế, mỗi người chúng ta đều có những thứ để cho, để hiến dâng cho kẻ khác. Bố thí Ba-la-mật không tùy thuộc vào giá trị vật chất quy ra "thóc”, mà chính là khả năng mở lòng cho đi, sự thấu hiểu và đồng cảm, lòng thương yêu chia xẻ với những kẻ khốn cùng hoặc nỗi đau lâm nạn. Cho người nhưng thực sự là giúp chính bản thân mình. Bởi vậy vài chục tỉ của một đại gia (làm giàu chính đáng hoặc không chính đáng) so với vài ổ bánh mì của người nghèo hoặc bữa ăn cuối cùng của người ăn xin, đâu thể đem ra so sánh giá trị được. Người có nhiều cho đi nhiều, có ít cho đi ít, cần được ghi nhận và tôn trọng như nhau. Mà có lẽ cũng chẳng có ông Phật ông Chúa nào lại đi đo lường giá trị tài vật như thế, nếu có thì chỉ có thể là lòng thành hoặc năng lượng tích cực của việc bố thí tạo ra, và cũng chính bản thân của người đã “cho đi” mới biết. Thời nay rất nhiều sách báo, tài liệu nghiên cứu khoa học cũng đồng ý rằng chính sự thấu hiểu bản thân, tìm được sự an lạc từ bên trong mới chính là hạnh phúc đích thực. Đó là giá trị lớn nhất và cũng là những hạt giống karma seeds quý báu mà họ vừa gieo trồng trong mảnh vườn A-lại-da-thức của họ. Còn dẫu có lên đài, lên TV, lên youtube khoe khoang, thì chắc cũng không đem lại cho họ lợi ích gì, ngoài những phiền toái thị phi, hoặc những xưng tụng có tính chất tạm thời, phe phái. Có những người rất nghèo khó, buôn gánh bán bưng, chạy xe ôm, khuân vác hàng ngày, không có vốn liếng, không học thức, nhưng họ có thể bật khóc thông cảm trước cảnh khổ đau và cơ hàn của kẻ khác. Ngoài tình thương ra, họ chỉ có gói mì, ly nước, hoặc thậm chí không có tài vật gì để hiến dâng, nhưng chính lòng yêu thương đó cũng là sự bố thí đáng kính vậy.

Tuy nhiên, thực tế cuộc sống thì bố thí không phải chỉ đơn giản cho đi là xong việc. Nhiều người phát tâm " tài thí" đôi khi còn phải chịu đựng những thị phi, đố kị, ganh ghét, của thiên hạ chung quanh. Cũng là lẽ thường, thậm chí có lúc còn phải bị mang họa vào thân, hoặc nhận lãnh cả sự thù hận, mới hoàn thành được ý nguyện thiện lành của họ. Chưa hết, nhiều người làm từ thiện mà phải dấu diếm vì sợ người đời đánh đồng cá mè một lứa, nghi kị hiểu lầm động cơ từ thiện của họ. Bởi vậy cũng không hiếm những trường hợp có người chịu đựng không nổi những áp lực nghịch lý, hoặc không vượt qua được ải "thị phi" của thiên hạ chung quanh, đành ngậm ngùi gác kiếm không làm từ thiện nữa. Tức là chính họ đã thua cuộc trước cái mục đích hạnh trì cao cả của họ. Rớt từ vòng gởi xe :-). Bên cạnh đó, cũng có một số người động cơ chính của việc làm từ thiện là mong được hồi báo phúc đức, cho con cho cháu, kiếp này hoặc kiếp sau. Vô tình họ lại làm mất đi cái ý nghĩa cốt lõi của việc bố thí, vừa được nhẹ đi lại mưu cầu thêm những gắn bó mới (attachments). Nói tới đây mới nhớ tới thời mình về VN đi làm, gặp những ông anh cùng quê, rất nặng lòng với quê hương. Bao nhiêu năm qua, không hề mệt mỏi, bền bĩ, thầm lặng giúp đỡ quê nhà, chẳng mong gì sự hồi báo. Cho gạo, cho tiền, lập quỹ hổ trợ, xây trạm xá, xây trường học, giúp đỡ đồng bào, ngư dân. Chắc hẳn cũng có những lúc họ phải trãi qua nhiều thị phi, khó nhọc, nhưng chưa hề dừng bước. Rất khâm phục tấm lòng của các anh ấy.

Ở một số quốc gia đang phát triển, có nhiều nhà tỉ phú nổi lên nhanh chóng do các khe hở của luật pháp và chính sách. Bên cạnh sự giàu có của họ, đôi khi phải trả giá bằng những thiệt hại và khổ đau của nhiều người dân lương thiện khác. Một số người khôn khéo trích khoản phần nhỏ ra để làm “từ thiện”, để xoa dịu lương tâm bản thân, để bù đắp hoặc trấn an bàn dân thiên hạ, hoặc để đánh bóng tên tuổi. Đó không phải là ý nghĩa của bố thí trong paramitas. 

Ngoài ra cũng có nhiều sự bố thí khác cao cả hơn, như hiến dâng một phần thân thể, hoặc hy sinh cả mạng sống của họ vì sự an vui và tồn vong của kẻ khác gọi là Đại Bố thí. Trong lịch sử nhân loại, không hiếm những cá nhân, các chư vị tăng ni tu sĩ PG, hoặc các vị thánh tử đạo của Thiên chúa giáo ... đã từng hy sinh bản thân để giúp đời, truyền bá đạo pháp, thử thuốc cứu người, tự thiêu để đánh thức lương tâm của kẻ khác trước những ý đồ vô minh đen tối…v.v. Nhưng bên cạnh đó, thì cũng có nhiều trường hợp tuy hành động giống nhau nhưng mục đích lại hoàn toàn khác nhau. Nhiều người do xuất phát từ lòng hận thù, cuồng tín, vô minh, hoặc vì những mục đích chính trị khác nhau, cũng tự hy sinh hoặc xúi giục người khác hy sinh, gây ra bao thiệt hại, giết chết bao sinh mạng vô tội khác, làm rối loạn xã hội để phục vụ cho lợi ích cá nhân hoặc tổ chức đảng phái, ví dụ như các tổ chức khủng bố. Đó không phải là hạnh bố thí. Cho nên có nhiều hành vi hoặc hành động hoàn toàn giống nhau nhưng xuất phát từ những động lực khác nhau, thì lại mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. 

Thứ hai, nói về Pháp thí. Nghĩa là nói đến sự cống hiến, tri thức cho đi của các bậc truyền giáo, thuyết pháp, giáo dục, khai ngộ cho kẻ khác. Đây là một việc làm khó khăn, đa dạng và phức tạp hơn nhiều. Đồng nghĩa với khái niệm nước có thể nâng thuyền thì cũng có thể đắm thuyền. Truyền bá đạo pháp không đúng có thể huỷ diệt đạo pháp, đưa xã hội vào thời kỳ mạt pháp. Cho nên nói về Pháp thí là nói về những mục đích và phương tiện khác nhau. Thuyết giảng và truyền bá đạo pháp hoàn toàn lệ thuộc vào trí tuệ, khả năng, và duyên nghiệp của người giảng và người nghe. Chữ "duyên nghiệp" ở đây nói cho đơn giản một chút là sự kết hợp của những điều kiện "cần và đủ" như trong toán học, bao gồm cả cái Ngã, cái vô minh của đôi bên. Mình không dám nói nhiều về phạm vi này, vì đây là một vấn đề tế nhị, khó diễn đạt. Nếu nói không đủ ý, nhất là trong phạm vi của một vài phiếm luận ngắn, dễ gây ra sự hiểu lầm và trịch thượng. Và đó cũng chính là một thứ duyên nghiệp của mình vậy :-) . 

Đại khái, nhiều người khi đến với tôn giáo thì đặt hết niềm tin vào đó. Nhưng đôi khi có sự nhầm lẫn giữa phương tiện và mục đích, nên bị cuốn hút vào những giá trị ảo thuộc về hình thức nghi lễ bên ngoài, mà không có cơ hội tìm hiểu sâu sắc về bản chất thực sự của tôn giáo nên dẫn đến nhiều ngộ nhận đáng tiếc. Bên cạnh đó cũng không hiếm các trường hợp hiểu lầm về đạo pháp do sự giảng giải và hướng dẫn lệch lạc của một số chư vị tu tập dưới màu áo tu sĩ nhưng lại không hiểu biết thấu đáo giáo lý hoặc có những mục đích riêng tư khác. Nhiều vị có thể là do khả năng hoặc kiến thức, hoặc do ngã chấp nặng nề, hoặc do bị chỉ phối bởi các yếu tố đời thường, mà vô tình hay cố ý dẫn dắt đức tin của thiên hạ đi vào chỗ mê tín dị đoan, bùa phép ma thuật, hối lộ thần thánh, hủ tục vô lý…v.v. Và cũng chính vì ngộ nhận chánh pháp nên mưu cầu và hứa hẹn những điều không có thực. Thậm chí còn bị lôi cuốn và quay cuồng trong những chuyện hơn thua tên tuổi danh vị, vọng tưởng công đức, so đo công trạng .v.v..Vô tình ngày càng đưa mình đưa người vào những ngõ rẽ vọng tưởng, càng xa rời chánh pháp và sự giác ngộ. Tất nhiên trong cuộc sống này thì vẫn luôn có nhiều chư vị tăng ni, nhiều bậc tri thức, cư sĩ, thiện nam tín nữ đầy đủ phẩm chất, trí huệ sáng suốt, đạo đức khiêm cung, kiến thức rộng lớn, sẵn sàng dạy dỗ và hướng dẫn kẻ khác đi theo con đường phù hợp với khả năng và hoàn cảnh của họ. Tuy nhiên, ở đâu cũng vậy, con người thường sẽ không biết cái mà mình không biết. Ai cũng có những bộ lọc riêng, nên thường có xu hướng tìm nghe những gì họ thích nghe, tìm thấy những gì họ thích thấy. Không ai ngoại lệ cả, trừ khi sự hiểu biết và tu tập của họ đã được thực chứng trải nghiệm và vượt qua những nấc thang trở ngại đời thường này rồi. Nhưng đó cũng là những câu chuyện dài trong cuộc sống!

Thứ ba, nói về "Vô úy thí" (abhayadana). Nghĩa là nói đến sự che chở và bảo vệ trực tiếp hoặc gián tiếp những sinh linh (người & vật) yếu đuối, khờ khạo, ngây ngô, không phương tiện tự vệ trước những bạo lực, lo âu, sợ hãi và chết chóc. Nhiều người dùng trí tuệ, tài lực, và ngôn ngữ của họ khuyên bảo an ủi động viên kẻ khác vượt qua những thời khắc khổ đau nhất hoặc khó khăn nhất. Đại khái là như thế, nhưng theo thiển ý của mình, đây là cấp bậc bố thí cao hơn và là sự kết hợp của hai dạng bố thí trước. Nhiều chùa chiền Bắc truyền ở VN đều thờ cúng Bồ Tát Quan Âm "cứu khổ cứu nạn". Có lẽ là biểu tượng của hình thức bố thí "vô úy thí" này. Để che chở hoặc bảo vệ cho sinh linh thoát khỏi cảnh khổ đau và sợ hãi cùng cực, có lẽ không còn ranh giới giữa "tài thí" hoặc "pháp thí" nữa, mà cần có một hành vi hoặc trạng thái tự nhiên hơn. Có thể phải đòi hỏi một khả năng kết hợp nhiều yếu tố khác nhau để thực hiện công việc hiệu quả. Mặt khác cho dù nhiều người rất có thiện tâm, nhưng “vô úy thí” đôi khi không phải là những việc làm dễ dàng như cho đi một món đồ. Thậm chí có thể phải hy sinh cả cuộc đời hoặc bị ảnh hưởng lâu dài đến nhiều thế hệ. Như trong đời sống hàng ngày, có lúc chúng ta nhìn thấy những nghịch lý gây ra biết bao nhiêu hệ lụy khổ đau phiền muộn cho người khác, nhưng không phải ai cũng có đủ dũng khí, bản lĩnh, để lên tiếng bảo vệ lẽ phải và bênh vực cho kẻ yếu. Ngoài ra, bên cạnh tình thương, lòng kiên nhẫn và sự hy sinh, nhiều lúc còn đòi hỏi phải có trí tuệ và bản lĩnh mới thay đổi được những nghịch lý trong cuộc sống để bảo vệ kẻ yếu. Cho nên có lẽ vậy mà nhiều người đành lực bất tòng tâm. Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp biết sai nhưng chỉ vì một ít quyền lợi riêng tư, hoặc vì sự yên ổn của bản thân và gia đình, mà nhiều người đành phải chọn lựa giải pháp quay lưng với sai phạm, mà đúng ra họ phải đấu tranh để bảo vệ người dân thấp cổ bé họng. Đó là một vài ví dụ thường gặp trong cuộc sống đời thường. Bản thân chữ Abhayadana có nhiều ý nghĩa sâu sắc trong các ngôn ngữ cổ xưa như Jainism, Prakrit, Hinduism, Sanskrit, Marathi. Bạn nào muốn tìm hiểu nên đọc thêm nghen. Thực ra, ngày càng già đi, mình mới hiểu ra rằng có nhiều thứ càng nói càng thiếu (hoặc càng sai). Chỉ có sự im lặng, suy gẫm, và tự nhiên cái hiểu sẽ đến !

Cũng không biết có phải vì sự hạn chế của ngôn ngữ mà nhiều vị thiền sư ngày xưa không chọn con đường thuyết giảng để truyền thừa đạo pháp cho các thế hệ sau ? Nhiều vị còn chọn phương cách “vô ngôn”. Nhìn lại lịch sử PG VN hôm nay, rất nhiều tổ đình lớn như Từ Hiếu, Từ Đàm, Thiên Ấn ..cũng như các vị cao tăng tên tuổi như Ngài Tịnh Khiết, Huyền Quang, Nhất Hạnh ... đều xuất phát từ tông Lâm Tế. Mà ngài tổ sư của tông Lâm Tế là Lâm tế Nghĩa Huyền có một câu nói rất nổi tiếng..."Đừng có bị lôi cuốn vì những cái áo. Có cái áo thanh tịnh, có cái áo vô sanh, áo bồ đề, áo niết bàn, áo Tổ, áo Phật. Các ông có biết cái người mặc áo không? ”. Tất nhiên ai cũng hiểu điều mà Ngài muốn nói đến là - Chúng ta thường chỉ nhìn thấy cái áo bên ngoài mà không biết “người” mặc áo. Thấy được chân tướng vấn đề mới là điều mà Ngài muốn chúng ta hướng đến. Thế nhưng thời nay biết bao nhiêu người làm được chuyện đó. Và làm "từ thiện" cũng là một chiếc áo đẹp !

Dông dài thêm một chút, VN mình lâu nay luôn cảm thấy may mắn và tự hào về tông thiền Trúc Lâm Yên Tử. Thiền Trúc Lâm Yên tử đã trở thành một biểu tượng tôn giáo và văn hoá hàng đầu của PG VN. Còn Tết nhất lễ hội, cúng mâm cúng quả, cầu phúc cầu tài thì khỏi nói rồi. Cả nước hiện nay có biết bao nhiêu chùa chiền thuộc nhánh Trúc Lâm, và có rất nhiều chư vị tăng ni, thiền sư khả kính, trí tuệ uyên bác. Và khi nói đến dòng thiền Trúc Lâm, ai ai cũng nói đến công lao của vị vua khả kính Trần Nhân Tông sáng lập ra. Tuy nhiên ít người nhắc đến Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ, anh cả của Đức Thánh Trần Trần Hưng Đạo, và là người đã dẫn dắt, dạy dỗ vua Trần Nhân tông vào con đường tu học đạo pháp. Ông có viết quyển "Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục", do chính vua Trần Nhân Tông đích thân ghi lại. Rất hay, nhưng sau này cũng ít khi nghe người ta nhắc đến !

Ngài Tuệ Trung Thượng sĩ là học trò của nhà sư Tiêu Dao. Trong cuốn "Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục", ông có kể lại rằng khi ngài Tiêu Dao (thầy của ông) đến nước ta để truyền giảng đạo pháp, Ngài ở trần không mặc áo, tay cầm cần câu không lưỡi, ngang nhiên đi vào kinh thành nhà vua. Hồi trước đọc tới đó, mình nghĩ cũng may mắn cho VN ta là Ngài Tiêu Dao sinh vào thời đó. Chứ nếu Ngài xuất hiện ở thời này mà không mặc áo, đi chân đất, lại không có chức danh, không trụ trì chùa nào, làm sao có cửa vào phủ chủ tịch ?

Biết ơn duyên lành !

PN

1 comment:

  1. Một đề tài hay và đang rất "hot"! Cảm ơn Phước.

    ReplyDelete

Comments: