Nhắc đến câu nói này thì hồi còn ở VN nghe hoài, nhất là những buổi tiễn đưa. Bến xe bến đò, sân ga đưa tiễn, những đứa con lên đường nhập ngũ, lên rừng xuống biển, nghĩa vụ lao động, thanh niên xung phong, Tây Nam Tây Bắc, xuống thuyền ra đi, vô SG lập nghiệp, ra Hà nội làm quan ....v.v... Những bậc cha mẹ nước mắt rưng rưng, dúi tay con chùm bánh ú, gói mứt gừng, bịch cá khô, nhắn nhủ với theo "ai sao mình vậy" nghen con. Thực ra cũng không biết quan niệm này xuất xứ từ đâu, có từ bao giờ, có liên quan gì đến sự hiền hoà của nền văn hoá lúa nước, hoặc đạo lý dĩ hoà vi quý lâu đời của dân tộc hay chăng ? Chịu ! Nhưng theo thiển ý của mình thì quan niệm này có những mặt tiêu cực và tích cực của nó. Tuỳ theo cách nghĩ của mỗi người mà có thể dẫn đến những hệ lụy rất khó khăn trong việc phát triển xã hội và cải thiện an sinh đời sống con người.
Bên phương Tây phần lớn con cái được cha mẹ khuyến khích là hãy thể hiện chính mình (Be yourself !) . Ở truờng học, thầy cô cũng dạy dỗ học sinh hãy mạnh mẽ, độc lập, thể hiện chính kiến, sống thực với nguyện vọng của bản thân, không nên dựa dẫm hoặc sợ hãi một thế lực nào khác. Những lời khuyên bảo thường được nhắc nhở như - “It’s better to walk alone than with a crowd going in the wrong direction. - Diane Grant)” (Tạm dịch: Đi một mình tốt hơn là hùa theo một đám đông đi ngược đường). Albert Einstein thì nói -"The one who follows the crowd will usually get no further than the crowd. The one who walks alone, is likely to find himself in places no one has ever been.” (Tạm dịch là: Lẽo đẽo theo đám đông thì không thể đi xa hơn họ được. Những ai đi một mình thì có thể đi đến những nơi mà chưa ai từng biết đến). Tất nhiên là ông Einstein muốn nói đến nghĩa bóng của nó, và mục đích hướng đến của ông là những phát hiện, những khám phá, những tư duy hoặc tư tưởng có thể đem lại lợi ích cho nhân loại. Còn ở thời này, có nhiều điểm đến là cõi riêng, là hang động bí ẩn của các quan chức hoặc trọc phú đại gia. Họ vốn không cần phải "đi một mình" mới tìm ra những chỗ đấy. Mà đó là những nơi chốn thuộc về cõi trên, những người dân đen không thể tìm đến được :-).
Nói đúng ra thì trong cuộc sống này, không phải ai cũng có đủ khả năng để nhận ra sự sai trái của đám đông, hoặc có đủ dũng khí, bản lĩnh để chọn một lối đi riêng cho chính bản thân mình. Ông Gandhi có nói - “It's easy to stand in the crowd but it takes courage to stand alone !”. (Tạm dịch: Rất dễ dàng để hùa theo đám đông, nhưng phải có dũng khí mới đứng riêng một mình đươc). Quả nhiên là vậy, đặc biệt ở một số quốc gia, không phải muốn đứng riêng là được, ngay cả muốn thể hiện chính kiến cũng không phải là chuyện dễ dàng. Nên nhiều lúc con người chỉ vì mưu cầu sự yên ổn cho bản thân và gia đình, mà phải cam chịu lối sống "ai sao mình vậy". Lần hồi, trở thành một thuộc tính hoặc phản xạ có điều kiện, cứ nghe đến chuyện gì có tính "đột phá" là sợ, là né, mặc dù có những sự việc đúng sai rõ ràng trước mắt cũng không dám làm khác đi. Thậm chí, nhiều người trong giới khoa học kỹ thuật R&D (nghiên cứu và phát triển), giáo dục đào tạo, nhiệm vụ canh tân đất nước, mà cũng lặng lẽ "ai sao mình vậy". Mắt nhắm mắt mở, nghe theo nói theo, thì làm sao có được những đột phá ?
Thực ra những ứng xử "ai sao mình vậy" trong đời sống hàng ngày của dân ta, thì cũng là những chuyện quen thuộc. Từ chuyện đi họp đi hành, đọc báo nghe đài, nghe diễn văn tin tức trên TV .... đôi khi quay chụp lẫn nhau giống từng câu chào lời nói. Có nhiều khi diễn giả chưa nói hết, người ngồi dưới đã đóan ra được câu kế kiếp là câu gì. Từ ngữ, câu cú, hình thức mở đầu kết thúc như nhau, rập khuôn. Đi tiệc tùng cưới gả ở quê nhà cũng vậy, nhiều lúc cứ tưởng mấy ông MC học chung một thầy, coi chung một sách. Ra đến nước ngoài cũng vẫn giữ gìn bản sắc truyền thống, giống nhau trong mỗi sinh hoạt. Xe cộ, ăn mặc cũng có gu giống nhau, hết 4Runner thì qua Lexus, hết Hummer thì qua Tesla, hết áo thần tài thì qua quần ông địa :-). Chuyện tổ chức đám cưới đám tang, lễ hội đình đám, uống bia uống rượu, cái gu ăn nhậu cũng thế, ai sao mình vậy. Hết cognac XO chuyển qua whisky, single malt, hết bia vàng bia đen chuyển qua vang trắng vang đỏ, hết sushi chuyển qua crawfish, hết tôm hùm chuyển qua ốc vòi voi, hết gà đồi chuyển qua heo tộc, hết chồn hương chuyển qua tê tê, hết anh vũ cá hô chuyển qua sturgeons, hết trứng cá hồi Alaska chuyển qua caviar Beluga, Almas ..v.v...Cứ ai sao mình vậy, nên đến chỗ đông người, sân ga phi trường, cũng dễ nhận ra đồng hương của mình. Ngay đến chuyện học hành cũng vậy, đa số chọn nghề nghiệp giống nhau, hết phần cứng tới phần mềm, hết nha đến dược, hết bác sĩ đến kỹ sư, hết đời trước đến đời sau. Có lẽ cũng có những lý do chủ quan và khách quan nhất định nào đó, nên đi dự hội đồng hương cộng đồng thường nghe được những câu chuyện na ná như nhau. Về quê ở tận miền xa xôi hẻo lánh cũng nghe những câu chuyện giống nhau. Nhiều người có bà con, bạn bè ở Mỹ, ở Tây, ai cũng làm to làm lớn, bằng này bằng nọ, nhà lầu biệt phủ, hết Harvard tới NASA, hết phát minh này đến bằng sáng chế nọ. Nhiều người VK còn mang cả “hàm” thứ trưởng, bộ trưởng ở nước ngoài về cho quê nhà. Hôm rồi coi tin tức, có người gốc Việt bên Mỹ đổi họ của gia đình anh ta thành Trump, biết đâu mai mốt trăm họ của người Việt Nam lại được cộng thêm một họ mới, đã từng làm tổng thống Mỹ ... Kể ra thì nhiều chuyện vô vàn, cứ ai sao mình vậy mà mần. Tất nhiên không hề có chuyện đúng sai ở đây, mà chỉ là nhu cầu và sở thích. Ai cũng có nhu cầu mơ ước, và có quyền tự do chọn lựa sở thích phù hợp cho riêng mình. Có khi những điều đó đã làm cho cuộc sống của họ trở nên thiết tha hơn, hưng phấn hơn. Cho nên quan niệm "ai sao mình vậy" cũng có những mặt tích cực của nó.
Mình cũng không hề có ý kỳ thị vùng miền ở đây, mà chỉ dựa vào những điều mắt thấy tai nghe, hạn hẹp trong sự hiểu biết của mình. Càng đi ra miền ngoài, thì nhu cầu "liền chị liền em", càng nặng nề ghê gớm hơn. Từ nhà cửa dinh thự, cơ ngơi thú lạ gỗ quý, cho đến mồ mả khuôn viên chôn cất, hơn thua nhau, to lớn đến nỗi không quốc gia nào trên thế giới có thể sánh kịp. Nhìn những món nội thất quý hiếm chạm trổ như vua chúa, cho đến những gian thờ sừng ngà điêu khắc vô giá, mới hiểu được cái mãnh lực của nhu cầu "ai sao mình vậy” to lớn đến dường nào. Suy cho cùng thì đó cũng là những nhu cầu bình thường trong đời sống, ai cần gì thì tìm nấy. Nhưng có tìm được hay không lại là một vấn đề khác !
Và đó cũng là hiện tượng nổi bật ở quê nhà trong vài thập niên gần đây. Ngày xưa dường như những hiện tượng này hiếm hoi hơn. Có lẽ nhu cầu "ai sao mình vậy" của ngày trước không nặng về tiền tài vật chất như hôm nay, mà chú trọng hơn ở những giá trị khác trong đời sống như tiếng tăm, địa vị, kiến thức, đạo đức, tư duy .v.v.. hoặc dựa trên những thành tựu cống hiến cho xã hội, cho đất nước, cho con người.
Thiết nghĩ mọi nhu cầu "ai sao mình vậy", "liền chị liền em", chạy đua “vũ trang” hình thức ...v.v. cuối cùng cũng chỉ là những ứng xử bên ngoài, nhu cầu tâm lý, mang nặng tính thời cuộc, rồi sẽ thay đổi dần theo năm tháng. Nửa thế kỷ trước không có, giờ lại có, thì biết đâu nửa thế kỷ sau lại biến mất. Vô thường là một quy luật của vũ trụ. Trên thế giới có nhiều quốc gia giàu có, phát triển hơn VN rất nhiều lần, nhưng cuộc sống họ không đặt nặng lắm về hình thức, mà chú trọng về nội dung nhiều hơn. Suy cho cùng những cuộc chạy đua so đo hình thức cũng chỉ là nhu cầu cá nhân bình thường, tuỳ theo sở thích của mỗi người. Điểm chính mà mình quan tâm là có nhiều trường hợp quan niệm "ai sao mình vậy" một cách máy móc mà không suy xét kỹ lưỡng vấn đề đúng sai, hoặc chỉ hùa theo đám đông, sẽ dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng cho người, cho mình. Dĩ nhiên bất kỳ một quan niệm sống nào cũng có ảnh hưởng nhất định lên những khía cạnh khác nhau trong cuộc sống. Ở đây mình chỉ mạn phép trao đổi vài ba lãnh vực nổi trội thôi.
Thứ nhất, tin đồn. Đồn đãi tin tức, chuyện trên trời dưới đất, ông này bà kia, không ai kiểm chứng. Ai cũng biết, xã hội ngày càng nhiều tin đồn thất thiệt. Ông bà ngày xưa thường nói "Lời đồn sợ người có trí khôn". Nhưng thời nay thì dường như tin đồn không còn sợ "người có trí khôn" nữa :-). Nhiều người thông thái, bằng kia cấp nọ, ở nước ngoài nước trong, nhưng không những chỉ nghe theo tin đồn thất thiệt, mà còn góp phần phát tán mạnh mẽ. Có trường hợp không chịu phân tích kiểm chứng tin tức, cứ "ai sao mình vậy", dẫn đến những ngộ nhận, gây nên hậu quả nghiêm trọng cho bản thân, gia đình, và cho xã hội. Nhiều người còn phải vướng vào vòng lao lý, tù tội, vì hùa theo đám đông mà chẳng biết đúng sai. Ví dụ như vụ bạo loạn ngày 6 tháng Giêng ở quốc hội Mỹ vừa qua. Cho nên nhiều người nói rằng thời nay giết người không cần đến gươm dao, mà chỉ cần tin đồn !
Thứ hai, thần tượng. Xưa nay, đất nước nào càng tôn thờ thần tượng một cách mù quáng, thì càng bị lôi cuốn vào những vấn đề huyễn hoặc, vô lý. Đa số các quốc gia phương Tây thường quan niệm con người thì ai cũng có những lỗi lầm, chuyện rất ư bình thường, nên ít khi thần thánh hoá nhân vật. Bất kỳ ông to ông lớn nào cũng có những ưu khuyết điểm nhất định của họ. Dẫu là những chính khách như Washington, Napoleon, Lincohn, FDR, Churchill, hoặc nhà khoa học như Edison, Tesla, Marie Curie, Einstein, Pasteur ... thì ai cũng có lúc đúng, lúc sai. Ai tò mò muốn biết các ưu khuyết điểm của họ, thì thông tin tin tức cũng nhiều, đầy đủ và minh bạch, cứ hỏi bác "gục gờ chấm cơm". Nhưng ngược lại, ở một số địa phương khác, khi đã là "thần tượng" thì không ai được đụng đến điểm xấu hoặc khuyết điểm của họ, bất khả xâm phạm, bơm tới mây xanh luôn :-). "Thần tượng" nói gì cũng đúng, làm gì cũng đúng, và cứ thế khăng khăng nhất mực nghe theo làm theo. Có lần nhìn thấy đám đông thanh niên VN chen lấn gào thét khóc lóc như điên dại chào đón một ngôi sao Hàn Quốc ngoài sân bay, mà mình thấy sợ. Hiện tượng cuồng tín đó không phải chỉ xảy ra trong đời sống thực, mà gần đây trên không gian ảo mạng XH còn đáng sợ hơn nhiều. Mới hôm rồi đọc tin tức ở VN, có ai đó còm đụng chạm đến một nhân vật "thần tượng" lai chim, giang hồ mạng kéo đến tận nhà hành hung. Một người livestream nói nhăng nói cuội trên mạng XH, mà có thể kích động cả một rừng người đu theo bất kể đúng sai. Xu thế hùa theo đám đông là một vấn nạn nguy hiểm của xã hội hiện nay, khắp nơi khắp chốn tuỳ theo dân trí và văn hóa của mỗi vùng miền, chứ không phân biệt một quốc gia nào. Nguy hiểm hơn là có nhiều tổ chức hoặc cá nhân hiểu rõ điều đó, lợi dụng đám đông thích "ai sao mình vậy" để dẫn dắt vấn đề lệch lạc, hòng phục vụ cho mục đích riêng tư của họ. Với bản tính cả nể của người Á đông, những câu chuyện đồn đãi vô căn cứ lại càng được dễ dàng chấp nhận hơn. Hiện nay chính phủ ở các nước phát triển và các nhà khoa học, nghiên cứu công nghệ, rất quan tâm đến lãnh vực này.
Một khía cạnh khác, càng thần tượng hoá, càng duy ý chí, thì càng có những tác hại đối với khả năng hoặc phương thức suy luận logic, tư duy phản biện của bản thân. Nhớ có lần mình ghé thăm một gia đình người quen, nghe ca tụng rất nhiều về một người "nữ tu" gốc Việt, mà bao nhiêu người VK đang rầm rộ tôn vinh. Nhưng khi thắc mắc hỏi thăm là cô ta hay chỗ nào, thì người bạn trả lời - "Không biết, chỉ thấy có rất nhiều tín đồ đi theo". Mình nghĩ chắc cũng một dạng của đức tin "ai sao mình vậy" nên cũng không hỏi thêm. Lâu nay không còn nghe tin tức về cô ấy nữa. Thời kỳ mới về VN đi làm cũng vậy, ban đầu nghe nhiều bạn bè và người thân của mình tôn vinh nói về một "cao tăng" thuyết giảng rất nổi tiếng. Mình lặn lội tìm cho được mớ băng đĩa về coi, rồi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ngạc nhiên về người giảng, và ngạc nhiên cả về người nghe. Là một tín đồ PG, mình luôn kính trọng chư vị tăng ni, hiểu rõ được giá trị và công đức của việc truyền thừa đạo pháp của chư vị tăng đoàn. Tuy nhiên, nếu một bài giảng có những sai phạm cơ bản, quá nhiều lầm lẫn, mang màu sắc chính trị tuyên truyền, thế mà một số người vẫn cứ theo quan niệm "ai sao mình vậy", mặc nhiên chấp nhận và nghe theo làm theo, thì đó không phải là sự tôn trọng, mà là phỉ báng đạo pháp !
Thời buổi này cũng không hiếm những người lạm dụng việc khoác áo tu hành, lạm dụng đức tin tôn giáo của người khác, để phục vụ cho những mục đích riêng tư, kể cả mục đích chính trị. Và điều đó làm cho nhiều người thất vọng, cho rằng đây là thời kỳ mạt pháp, nên bỏ đạo, bỏ chùa, bỏ nhà thờ, không thèm tu tập nữa. Nhưng nếu ứng xử như vậy thì cũng quá cực đoan, mình nghĩ vậy. Mình quan niệm rằng để hiểu rõ vấn đề, càng phải đến gần tôn giáo hơn, càng cố gắng để học hỏi hiểu biết giáo lý một cách rõ ràng hơn, thì mới phân biệt được cái nào đúng cái nào sai, mới hiểu được ai tu thiệt tu giả. Tin mà không hiểu thì chỉ là mê tín. Còn nếu cứ hùa theo số đông, ai sao mình vậy, lễ bái cung phụng mà không hiểu rõ thực chất vấn đề, thì có khi từ một tôn giáo rất khoa học, rất trí tuệ, lại có thể bị dẫn dắt đi vào con đường mê tín dị đoan, dựa dẫm vào những "thần tượng" mơ hồ. Tin vào những khái niệm lệch lạc hoang đường, hoặc tôn vinh những hình thức nghi lễ rườm rà vô lý !
Chuyện mê tín trong tôn giáo đã vậy, chuyện cuồng tín thần tượng trong chính trị chính em lại càng phức tạp hơn. Sử liệu biên soạn bao giờ cũng có những góc khuất tuỳ theo đứng ở góc cạnh nào. Xưa nay trong sách sử của một số quốc gia kém minh bạch, chuyện hư cấu thần tượng, triều đại sau bêu xấu triều đại trước, phe này dựng chuyện kết án bên kia, cũng là thường tình. Tìm hiểu sơ sài, chạy theo đám đông, không phân tích cẩn trọng, có khi lại vô tình bóp méo sự thật, biến không thành có, biến có thành không, làm ảnh hưởng đến nhiều thế hệ con cháu. Lịch sử thế giới vẫn có những tai họa này.
Thứ ba, "quy trình" và "ai sao mình vậy". Đúng vậy, ở quê nhà, quy trình là một từ ngữ thông dụng nhất, đơn giản nhất, mà cũng phức tạp nhất. Từ kinh doanh thương mại, hành chánh luật lệ, quan trường thi cử, toà án tối cao cho đến trung ương quốc hội, đâu đâu cũng có những quy trình “khó hiểu”, mà không nhất thiết phải là trắng đen rạch ròi. Có nhiều trường hợp, chữ quy trình được dùng như một chiếc đũa thần để trả lời mọi khúc mắc nghịch lý. Ở những nước tiên tiến thì họ có những phương cách minh bạch tiếp nhận ý kiến người khác, cải tiến quy trình để canh tân thay đổi chứ không mặc nhiên chấp nhận "ai sao mình vậy". Đại đa số các công ty, trường học, bệnh viện, cơ quan, nhà xưởng ... luôn có những quy trình cải tiến CIP (continuous improvement process) trong từng mỗi bộ phận ban ngành, để cải tiến công việc ngày càng hiệu quả hơn. Nói chi xa, đi xin visa hoặc đi phỏng vấn với phái đoàn Mỹ, năm ngoái năm nay cũng đã khác rồi. Riêng ở quê nhà, thì ai cũng ít nhiều có những trãi nghiệm với các "quy trình", nên không cần thiết nói thêm nữa ở đây. Nhiều nơi đến nay vẫn còn giữ những quy trình lạc hậu bao nhiêu năm không thay đổi, có người còn cho đó là sự chung thuỷ "trước sau như một", rất đáng giữ gìn :-). Thực ra trong những năm gần đây, cũng có nhiều quy trình được thay đổi, và luật lệ được cải tiến, nhất là ở những lãnh vực dịch vụ công cọng. Nhưng có thứ thay đổi để gọn gẽ hơn, thì cũng có thứ thay đổi để phức tạp hơn. Và giải pháp hiệu quả nhất của đám đông vẫn là an ủi nhau - "Thôi, ai sao mình vậy", rồi lại tiếp tục đợi chờ một quy trình mới. Như trong mùa dịch bệnh vừa qua, mình thường email gọi điện hỏi thăm bạn bè, người thân. Câu nói được nghe nhiều nhất vẫn là "Ai sao mình vậy !".
Tóm lại những câu chuyện này nói sao cho hết ý trong phạm vi vài dòng tản mạn cuối tuần. Những kinh nghiệm thừa hưởng từ bao thế hệ đi trước, những năm dài tháng rộng với nhiều vốn sống để tự hào, thì đâu dễ dàng gì thay đổi một sớm một chiều được. Có người cho rằng quan niệm "ai sao mình vậy" là một sự khôn ngoan, thức thời. Cũng có người cho đó là một nguyên tắc sống hoà đồng, dĩ hoà vi quý. Có người lại cho đó là một sự cam chịu bất hạnh. Rồi cũng có người cho đó là sự bàng quang, vô trách nhiệm ..v.v...Và chắc chắn cũng có nhiều người không đồng ý với những quan niệm đó. Không đồng ý với quan điểm "ai sao mình vậy" không có nghĩa là tham vọng, ham muốn, tranh giành thêm cái biệt phủ này, miếng đất nọ. Mà nó mang ý nghĩa tích cực hơn về sự tự chủ của bản thân, tự nhận thức để thay đổi cho phù hợp, không bị lôi cuốn vào những điều nghịch lý, và không bị đồng loã với những sai phạm chung quanh. Cũng câu nói đó nhưng chắc chắn là ông nông dân nghĩ khác, ông lái buôn nghĩ khác, ông quan nghĩ khác, và ông lãnh đạo lại càng nghĩ khác hơn. Ai cũng có những lý do riêng của họ. Riêng mình, với khả năng hạn hẹp, luôn tin vào quy luật thay đổi của vũ trụ. Và con người cũng như xã hội cần phải thay đổi để phù hợp với quy luật đó. Tất nhiên là đất nước nào cũng thế, luôn hy vọng vào những đổi mới tiến bộ hơn, luôn tin tưởng vào thế hệ sau. Đó sẽ là thế hệ tiến bộ hơn, mạnh mẽ hơn, giỏi dang hơn, và thực tế hơn. Một đất nước không thể đi xa hơn nếu phải cứ gồng gánh những định chế cũ kỹ, lạc hậu, cam chịu chấp nhận, hoặc thoả mãn hài lòng với những mặc định "ai sao mình vậy". Chợt nhớ đến Elon Musk, một người thuộc thế hệ trẻ, được cho là người giàu nhất thế giới hiện nay, có một câu phát biểu rất hay - "Some people don’t like change, but you need to embrace change if the alternative is disaster". Mình tạm dịch là - "Nhiều người không thích sự thay đổi, nhưng chúng ta cần phải hoan nghênh và chấp nhận sự thay đổi nếu như hướng đi kia đang là thảm hoạ" :-) .
Cũng nhân nói đến đề tài "thay đổi", làm nhớ đến một bài hát mà ngày xưa mình rất mê, cho tới bây giờ cũng còn thích. Đó là bài "Wind of Change" nổi tiếng của băng nhạc Đức Scorpions. Bài hát này xuất hiện như một hiện tượng vào những năm cuối cùng của cuộc "Chiến tranh lạnh", khi bức tường Berlin sụp đổ. Sau đó bài hát đã được trình diễn tại một đại nhạc hội ở Liên bang Xô Viết, gây nên rất nhiều cảm xúc đối với khán giả cũng như giới trẻ Liên Xô thời bấy giờ. Tay guitar lừng danh của Scorpions là Rudolf Schenker đã từng xúc động kể lại rằng "We wanted to show the people in Russia that here is a new generation of Germans growing up, and they're not coming with tanks and guns and making war, they're coming with guitars and rock 'n' roll and bringing love !". (Tạm dịch là: Chúng tôi mong muốn nói với người Nga rằng, đây là thế hệ trẻ của Đức lớn lên. Họ đến đây không phải mang theo xe tăng và súng đạn để gây chiến tranh, mà mang theo những cây đàn guitar, nhạc rock, và tình thương yêu !). Quả nhiên là một thông điệp rất đáng trân trọng.
Mình để đường dẫn bài hát phía dưới đây. Nếu ai nghe được thì nghe, không nghe được thì vô Youtube tìm bài "Wind of Change" nghen. Chúc mọi người cuối tuần vui vẻ.
PN