Saturday, September 11, 2021

Phiếm: Con đường tơ lụa và chiếc chiếu rách của Ngài Huyền Trang !

 


Xưa nay nếu có ai hỏi mình nhân vật nào vĩ đại nhất của TQ, thì mình sẽ không chút đắn đo nói ngay rằng đó là Ngài Huyền Trang (Xuanzang). Quả nhiên đối với mình nhân vật lịch sử đáng kính nhất của TQ chẳng phải là Lưu Bang, Lý Thế Dân, Chu nguyên Chương, Hạng Võ, Tần Thuỷ Hoàng .....càng không phải là Mao Trạch đông, Đặng tiểu bình, mà là nhà sư Tam Tạng. Nhân hôm nay nhắc đến chuyện "con đường tơ lụa" của TQ, lại nghĩ đến Ngài. 

Trước hết phải nhắc sơ qua về con đường tơ lụa (Silk Road) để nhiều người tiện theo dõi. "Con đường tơ lụa" (Silk Road) của TQ đuợc cho rằng đã có từ thời nhà Hán, người TQ tạo ra như những con đường mòn để đem tơ lụa và các hàng hoá khác qua bán cho các nước, chủ yếu là Trung Đông và Châu Âu. Những con đường mòn này ngày càng được mở rộng và dài hơn. Từ sau thế kỷ 12,13 trở đi các nhà thám hiểu châu Âu cũng đã sử dụng Silk Road để trao đổi hàng hoá ngược lại với TQ. Rồi đến thời kỳ cận đại, khi các phương tiện giao thông phát triển mạnh mẽ thì vai trò của những con đường đó không còn quan trọng nữa. Thế nhưng trong những năm gần đây, thì nhà cầm quyền TQ lại rầm rộ đưa ra những chiến thuật và kế hoạch đầy tham vọng "một vành đai một con đường", với dụng ý thiết lập hệ thống thuỷ bộ bao trùm cả thế giới, dựa theo lý thuyết của con đường tơ lụa ngày xưa. Nhiều kế hoạch đã được triển khai như xây dựng tuyến xe lửa tốc hành kết nối đa quốc gia, ngang ngược cưỡng chiếm vùng biển của các nước nhỏ, thiết lập bẫy nợ ở các nước nghèo, vay mướn đặc khu kinh tế trên các trục lộ trọng điểm .... v.v.. Bởi vậy gần đây có nhiều thuyết âm mưu cho rằng TQ đã gây ra dịch bệnh covid tạo ra suy thoái kinh tế thế giới, rồi dùng "ngoại giao thuốc ngừa", "cây gậy và si-rô", hoặc "âm mưu ràng buộc" để khống chế các nước khác, thực hiện mưu đồ bá chủ. Tuy nhiên thuyết âm mưu thì vẫn chỉ là "thuyết" thôi, không nên tin hết cho đến khi có bằng chứng hẳn hoi. Và tất nhiên là để tìm được bằng chứng ở TQ thì cũng không đơn giản chút nào. Ví dụ như đợt dịch vừa qua, gần cả năm sau, đợi dọn dẹp xong hết, mới cho phái đoàn thế giới vô Vũ Hán, thì cho dù có mời mấy nhà ngoại cảm VN qua cũng phải đành chịu thua. Ráng đợi thôi :-) !

Trở lại câu chuyện của Ngài Huyền Trang. Thực ra, do ông Ngô Thừa Ân viết truyện Tây Du Ký quá hay, nên đã xây dựng nên một hình ảnh của nhà sư Tam Tạng hoàn toàn khác với thực tế. Viết truyện hay đến nỗi mà nhiều người cứ tin rằng Tây Du Ký là có thực. Nhớ mấy năm trước có ông quan chức gì ở Quảng Nam Đà Nẵng còn tưởng rằng núi Non Nước Ngũ Hành Sơn là chỗ Phật tổ nhốt Tề thiên năm xưa, nên kêu gọi đầu tư xây dựng du lịch về "vùng đất vàng" đó. Tất nhiên thực tế thì không phải vậy, cũng chẳng có vua Đường nào mà kêu ngự đệ đi thỉnh kinh rồi cho cái bát vàng và tấm y quý giá đem theo làm của. Cũng chẳng có ma nữ nào mà thèm thịt của nhà tu hành Tam tạng, và cũng chẳng có Tề thiên, Trư bát giới nào đi theo. Lại càng không có vụ Đường Tăng phải hối lộ cái bình bát bằng vàng nơi đất Phật để đổi lấy kinh Phật. Nhưng ngẫm lại thì đôi khi những sự hiểu lầm cũng có cái hay riêng của nó :-) .

Trên thực tế thì Ngài Huyền Trang cũng chỉ là con nhà lương dân bình thường ở TQ vào thời Tuỳ/Đường. Trước Ngài Huyền Trang cũng có nhiều bậc tu hành khác từng đi qua Ấn độ để học Phật, như nhà sư Pháp Hiển (Faxian) rất nổi tiếng. Nhưng khi Ngài Huyền Trang tu học, thì thấy trong kinh sách thời đó có nhiều mâu thuẩn nghịch lý, nên Ngài quyết chí ra đi học hỏi cứu nước cứu dân. (Cứu nước ở đây không phải là để đánh nhau, mà để đem kinh sách về dạy dỗ cho người dân hiểu đúng, tu đúng, chung sống hiền hoà hạnh phúc, tạo phúc cho đất nước dân tộc). Thời đó Đường thái Tông mới giành được nước từ nhà Tuỳ nên còn nhiều luật lệ cấm đoán, ngăn sông cấm chợ. Ngài Huyền Trang phải trốn đi vượt biên theo con đường tơ lụa để sang Ấn độ học Phật. Thời gian đi và về tốn hết 7,8 năm trên đường bộ giữa Ấn-Trung. Còn lại 10 năm ở trên đất Ấn, Ngài vừa học ngôn ngữ, vừa học đạo pháp, và sau đó đi dạy ở đại học PG Nalanda. Tính ra, ngài Huyền Trang chỉ cần 10 năm có thể học và hiểu thấu những ngôn ngữ tiếng Phạn (Pali, Sanskrit..) và những đạo lý kinh điển PG sâu sắc đến mức như vậy. Ngài có thể sáng lập ra Pháp Tướng tông, và sau đó khi trở về nước, dịch ra rất nhiều tạng kinh điển giá trị của PG Bắc tông, từ Đại Niết bàn cho tới Bát Nhã Ba La Mật, từ Duy Thức tông cho đến Tịnh độ đông ..v.v..Ngài thông hiểu cả 3 phần quan trọng nhất của kinh sách PG (Kinh tạng, Luật tạng, Luận Tạng), nên thiên hạ gọi ngài là Tam Tạng chứ không phải là do ăn được thịt Ngài thì trường sanh bất tử :-). Nhờ vậy mà còn có nhiều tạng kinh điển giá trị được lưu truyền cho nhân loại đến ngày hôm nay, trong đó có PG VN. Tất nhiên là để dịch giải được bao nhiêu kinh sách đó trong một thời gian hữu hạn thì cũng không thể tránh được những khó khăn và hạn chế nhất định.

Mà nói tới đây mình cũng cảm thấy hổ thẹn. Ngài chỉ có 10 năm mà làm ra bao nhiêu thành tựu vĩ đại cho thiên hạ. Còn kẻ phàm phu như mình ra nước ngoài đã mấy chục năm nay, tiếng Anh tiếng U còn chưa rành, chỉ quanh quẩn mấy chuyện cơm áo gạo tiền, mà cũng chưa xong. Hơn thua nhau cái đài cái xe, cái phone, chai rượu, món này món kia, ăn nhà hàng này ghé quán ăn nọ, so đo chuyện làm mướn làm thuê cho hãng này hãng khác, hết đời mình đến đời con ....lẩn quẩn. Ngồi nhậu chút, khoe tới khoe lui, uống nhiều uống ít, hơn thua chuyện tào lao, rồi cãi nhau chí choé. Chính trị, chính em thì cứ như những người mù sờ voi, sờ đưọc khúc đầu chê người khúc đuôi, cả ngày chính sự ra rả, mà không thay đổi được điều gì. Thậm chí có nhiều ông mình quen đã mấy chục năm nay mà sự nghiệp chửi vẫn còn chưa xong. Làm hết chức chủ tịch, qua đến chức hội trưởng, xuống chức hội phó, lớn tuổi trở lại chức hội viên, rồi ra đi trong nuối tiếc. Ước mơ "to tát" vẫn còn nguyên một gói chưa kịp mở ra. Đó là chuyện ngoài nước, còn trong nước thì cũng nhiều thứ lòng vòng hơn. Như hiện nay chuyện dịch bệnh thì đã mấy tháng nghĩ bàn đủ chiêu đủ kế, chống dịch như chống giặc, mà giặc thì còn chưa biết mặt mũi ra sao, người thân quen thì cứ chết rụng rơi mỗi ngày. Bằng này cấp nọ, chữ nghĩa một bụng, cũng chỉ để chê nhau, hơn thua là chính. Nói ra thì lắm người buồn. Bỗng nhớ đến mấy câu thơ của Lý Bạch ngày xưa mà nhà thơ Tản Đà đã dịch lại:

....
Do lai chinh chiến địa,
Bất kiến hữu nhân hoàn.
Thú khách vọng biên sắc,
Tư quy đa khổ nhan,
Cao lâu đương thử dạ,
Thán tức vị ưng nhàn.

Phỏng dịch:
...
Từ xưa bao kẻ chinh phu,
Đã ra đất chiến, về ru mấy người?
Buồn trông cảnh sắc bên trời,
Giục lòng khách thú nhớ nơi quê nhà,
Lầu cao, đêm vắng, ai mà,
Đến nay than thở ắt là chưa nguôi !

Mà ngẫm nghĩ lại thì quả nhiên lịch sử cũng có nhiều chuyện thú vị. Lâu nay người TQ rất tự hào về vua Đường Thái Tông, khen nhà Đường thịnh, biết trọng nhân tài, thông hiểu đạo pháp. Nhưng mình nhớ là khi Ngài Tam tạng về lại TQ, ông vua Đường hỏi Ngài có muốn làm quan không, đem chức quan ra mà ban thưởng. Mình thì không nghĩ Đường Thái Tông thông hiểu đạo pháp khi xách chức quan ra chiêu mộ Ngài Huyền Trang. May là hồi đó chưa có quốc hội, chứ có dám cho Ngài Huyền Trang làm đại biểu quốc hội luôn rồi :-).

Trong truyện của Ngô Thừa Ân, thấy ông không chú trọng đến đường về của Ngài Huyền Trang. Đó cũng là thắc mắc của mình. Có lẽ NTA cho rằng khi Đường Tăng thỉnh được kinh sách là viên mãn rồi, mission accomplished. Hoặc là đoạn đường về không còn bị kiếp nạn nữa chăng ? 

Mình thì có suy nghĩ khác, cho rằng đoạn đường về mới là quan trọng. Nếu không thì cũng tương tự như ráng cho dữ vào, cực khổ để kiếm được cái bằng, rồi chỉ để được lên chức, để in cạc visit, để đi ăn giỗ hoặc họp lớp, giới thiệu chút rồi xong, thì quả nhiên uổng phí. Cũng như làm quan, chiêu này chiêu kia leo lên được chức này chức nọ rồi chỉ để ký giấy và đi họp thì cũng uổng. Bởi ăn thua là có làm gì được cho dân cho nước, mới là quan trọng. Tất nhiên là Ngài Huyền Trang đã không chọn con đường về dễ dàng như vậy. Ngài đã từ chối những ân huệ và sủng ái đoàn tuỳ tùng tiền hô hậu ủng của vua Harsha ban cho, mà chọn đi về bằng một "con đường tơ lụa" khác, để có cơ hội giảng giải những điều đã học được cho nhiều người khác biết, cũng như giúp khám phá ra những lối đi mới. Thời đó trên những con đường tơ lụa này, biết bao nhiêu thương nhân đã bỏ mạng, ra đi không có ngày về. Nên kinh nghiệm và kiến thức càng là những điều cần thiết. Và chắc chắn sự chọn lựa này của Ngài không thể sánh bàn với những chuyện phàm phu như áo gấm về làng, tiền bạc, chức sắc bổng lộc, danh xưng vô nghĩa, hoặc vài ngôi chùa to chùa lớn. Tuy nhiên, mình vẫn có chút thắc mắc là thời đó Ngài có nghĩ ra được những kẻ hậu bối có thể lạm dụng con đường đó để làm ra những chuyện xấu xa trong tương lai chăng ? Nói vậy thôi, chứ đương nhiên là sự vật vô tội, con đường vô tội, biển đảo vô tội, chỉ là do bị con người lợi dụng thôi !

Nói đến chuyện những ngày cuối đời của Ngài, Ngài Huyền Trang căn dặn người thân chung quanh gói ông trong chiếc chiếu nhỏ, rồi đem chôn chỗ nào xa xa, vắng vẻ, đừng để thiên hạ bị ô uế mùi hôi. Nhưng tất nhiên là mấy ông vua quan, và hàng ngàn Phật tử đạo hữu, đâu dễ gì để Ngài yên ổn và toại nguyện như vậy. Chắc hẳn cũng là cờ xí rình rang cho xứng tầm. Nhưng thực ra với những bậc trí huệ như Ngài Huyền Trang thì có lẽ chiếc chiếu rách hoặc nghi lễ quốc tang cũng giống nhau, bởi đó chỉ là công cụ chôn cất. Cái còn lại của Ngài chính là những kiến thức và phẩm hạnh cho nhân loại hôm nay và mai sau, còn nghi lễ quốc táng hay cư tang rình rang, thì thiên hạ này cũng đã quên đi từ lâu lắm rồi. Ngày nay bên Nalanda Ấn độ vẫn còn khu tưởng niệm của Ngài (Xuanzang Memorial Hall), nhưng không biết TQ có ngày nào để tưởng niệm Ngài không ? Một kẻ độc tài tham vọng như Mao Trạch Đông, từng đưa ra quốc sách giết chết 45 triệu người TQ trong thời kỳ Great Leap Forward (Đại nhảy vọt/Bước quá độ); buộc 2 triệu người tự sát và bị giết, 20 triệu người bị cuỡng bức bắt bớ, và hàng trăm triệu người đói khát trong cuộc Cách mạng Văn hoá (Cultural Revolution); lại có ngày tưởng niệm to lớn. Trong khi đó một người truyền bá tư tưởng hoà bình, dịch giải đạo pháp đem lại sự giải thoát, sự an lạc và hạnh phúc cho nhân loại như Ngài Huyền Trang, mà lại không có ngày để người dân TQ ghi nhớ, thì quả là nghịch lý !

PN





4 comments:

  1. Một bài viết về Ngài Huyền Trang thật hay, hợp lý và rất hợp tình!

    ReplyDelete
  2. Cam ơn bạn - bài viết cuối tuần thật hay !

    ReplyDelete
  3. Cảm ơn bạn nghen. Đọc cho vui thôi .

    ReplyDelete

Comments: