Trong sách nhà Phật, có câu chuyện "2 mũi tên" kể về thời Đức Phật còn tại thế. Một ngày kia, có người đến xin Ngài dạy dỗ cách nào để vượt qua nỗi đau khổ tuyệt vọng của anh ta, rồi kể lể ra nhiều tình tiết dông dài. Cuối cùng đức Phật giải thích cho anh ta rằng, sự đau khổ của con người giống như bị 2 mũi tên bắn vào cùng một chỗ. Mũi thứ nhất bắn vào tất nhiên là bị đau (pain), nhưng mũi thứ 2 càng làm cho đau đớn hơn, đó là khổ (suffering). Trong cuộc sống hàng ngày, thông thường chúng ta khó có thể tránh được mũi tên thứ nhất, vì nó tạo ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể liên quan đến nghiệp lực mà chúng ta đã tạo ra trong quá khứ. Ví dụ như bị mất đi người thân yêu, bị thất bại, mắc bịnh nan y, tuổi già, bị tai nạn, bị vu oan giá họa, bị covid ...v.v.. và chúng ta phải chịu đựng những nỗi đau đó. Còn mũi tên thứ 2, chính là những phản ứng (reaction) và thái độ của chúng ta đối với mũi tên thứ nhất, ví dụ như than thân trách phận, so sánh, tiếc nuối, phán xét, đổ thừa đổ lỗi, giận dữ, căm ghét, hận thù, hổ thẹn...v.v...Chính những điều này mới làm cho con người phiền não khổ lụy hơn. Mũi tên thứ nhất, thường là không tránh được vì chúng ta không hề làm chủ được nó, nhưng mũi tên thứ hai thì con người hoàn toàn có khả năng tránh được !
Câu chuyện này rất nổi tiếng và được nhắc đến rộng rãi lâu nay, đặc biệt là ở các nước Tây phương trong các lãnh vực trị liệu tâm lý (y khoa), therapy, hoặc giáo dục, văn hoá, nguyên tắc ứng xử, tư duy logic ..v.v...
Tất nhiên khi nghe đến câu chuyện này thì ai cũng hiểu là đức Phật muốn nói đến cái "thọ", cái "tưởng", cái “hành”, cái "thức"…sự cảm nhận và trạng thái ứng xử xuất phát từ bên trong của mỗi con người trước những biến cố thay đổi chung quanh. Tuy nhiên, riêng đối với mình thì nhận thấy câu chuyện này cũng có thể được hiểu theo nghĩa đen đơn giản của nó, và là bài học đáng quý cho những vấn đề đất nước xã hội.
Như xưa nay nhìn lại bản thân, gia đình, và đất nước thì có biết bao nhiêu câu chuyện để nói, dài như những thước phim nhiều tập của quê nhà. Thực ra thì trong cuộc sống ai cũng có những kinh nghiệm bản thân, hạnh phúc hoặc khổ đau, dù ít hay nhiều, mắt thấy tai nghe những biến cố đã từng xảy ra chung quanh. Nên ai cũng có thể tự suy gẫm, "ôn cố tri tân", và tự rút ra kết luận cho riêng mình. Từ chuyện chiến tranh cho đến hậu chiến tranh. Từ chuyện "dùng người" cho đến "không dùng người". Từ chuyện thời bao cấp cho đến thời đổi mới. Từ chuyện nói và làm, từ chuyện hứa hẹn và thực hiện, từ chuyện lý thuyết đến thực hành, từ chuyện đày tớ đến ông chủ, từ chuyện "hồng" đến "chuyên" ..v.v.. Và mới đây nhất là chuyện chống dịch covid 19. Thực ra nói bao nhiêu cho hết, mà nói cũng bằng thừa, vì thời gian và thực tế đã quá dư đủ cho bất cứ ai để hiểu nhau và tin nhau (nếu có). Mình thì vốn không hề có ý đổ thừa đổ lỗi cho ai, vì đổ thừa đổ lỗi cũng là mũi tên thứ 2 :-). Tuy nhiên trong cuộc sống này, thiết nghĩ cho dù ở bất kỳ quốc gia nào, nếu như chúng ta không nhận ra được nguyên nhân của những sai phạm đã từng xảy ra trong quá khứ và hiện tại, thì nói gì cho đến tương lai? Đặc biệt là những sai phạm đó đều có cùng những tính chất giống nhau, nghịch lý giống nhau, và lập đi lập lại dai dẳng giống nhau. Cứ rút kinh nghiệm, cứ cảnh cáo, cứ kiểm điểm, cứ xin lỗi, cứ doạ nạt, cứ hình thức, rồi lại cứ tiếp diễn những quy trình sai phạm như cũ, thì khác nào bắn hàng trăm hàng ngàn mũi tên vào cũng một chỗ, chứ sá gì chỉ có 2 mũi tên !
Xin nói chút về chuyện chống dịch ở quê nhà. VN ta từ lúc tự hào chống dịch giỏi nhất thế giới đến lúc bị đánh giá xuống hàng thấp nhất, là cả một quá trình dài đầy nổ lực và kịch tính, làm sao kể hết. Ở đó, có biết bao nhiêu sự hy sinh cao quý của những nhân viên y tế, bác sĩ y tá, cán bộ công nhân viên tuyến đầu, đồng bào đồng hương trong và ngoài nước, đã tương trợ giúp đỡ nhau, ngày đêm cùng nhau đối đầu dịch bệnh. Nhiều người đã ngã xuống, đã hy sinh cả tính mạng, gia đình, tài sản, ước mơ, để góp sức cứu nguy giúp đỡ đồng bào đồng loại trong cơn khốn khó. Quả nhiên không thể nào tỏ bày đầy đủ hết được lòng biết ơn đối với sự hy sinh của họ. Xưa nay mỗi lúc trãi qua những biến cố to lớn như vậy, quốc gia nào cũng đều bộc lộ rõ nét điểm mạnh và yếu của đất nước họ, VN cũng không ngoại lệ. Điểm mạnh lớn nhất của đất nước VN là tình người, sự chia xẻ và đồng cảm của người dân với nhau, đặc biệt là những người đã từng có cùng hoàn cảnh khó khăn, nghèo đói. Rất cảm động và trân quý !
Bên cạnh đó thì cũng phải hoan hô sự nhiệt tình đóng góp sức lực và tư duy “chống giặc” của chính quyền trong sự nghiệp chống dịch lần này. Nhiều vị chỉ trong một thời gian ngắn mà tiều tụy hẳn ra, không còn được dáng vẻ đầy đặn như xưa. Hôm trước có người bạn quen nói với mình là "chính quyền đã cố gắng hết mức". Mình cũng đồng ý như vậy, và rất trân trọng những sự cố gắng đó. Tuy nhiên trên thực tế thì nhiều khi dẫu "cố gắng hết mức" cũng chưa chắc đạt được kết quả mong muốn và hiệu quả cao nhất. Bởi lẽ cái "mức" của mỗi người khác nhau, vả lại còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan khách quan khác nhau nữa. Người Tây phương cũng quan niệm "work hard" khác với "work smart". Cho nên sự duy ý chí trong nhiều trường hợp rất cần thiết phải được thay đổi, cần mở lòng và khiêm tốn học hỏi kinh nghiệm của những quốc gia đi trước, đặc biệt là những nước có kinh nghiệm khống chế dịch bệnh thành công. Đó cũng là một trong những cách làm hiệu quả. Nhớ trong Tạp chí Tuyên giáo VN từng trích câu nói của Lê Nin "Lòng nhiệt tình cộng với sự ngu dốt bằng sự phá hoại”. Tất nhiên thời nay không còn ai "ngu dốt" như thời ông ấy nữa rồi, nhưng có lẽ câu nói này cũng còn có một giá trị nhất định nào đó nên vẫn được nhắc lại chăng ?
Theo thiển ý của mình thì mỗi quốc gia đều có những phương cách ứng xử với dịch bệnh khác nhau tuỳ vào điều kiện của đất nước họ. Mỗi giai đoạn mỗi tình huống, đều có những thay đổi khác nhau để cho phù hợp. Tất nhiên có cách làm đúng thì cũng có cách làm sai, và kết quả cuối cùng bao giờ cũng là thước đo trung thực nhất cho những cách làm đó. Nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, cũng từng có những sai phạm nghiêm trọng buổi ban đầu, nhưng họ nhanh chóng học hỏi kinh nghiệm và thay đổi để tốt hơn. Đâu ai tuyệt đối bao giờ, đặc biệt là trong lúc phải đối đầu với cơn đại dịch thế kỷ như lần này. Cho nên chưa hề thấy quốc gia nào lại duy ý chí, khư khư giữ lấy những cách làm đầy nghịch lý và sai trái trong thời gian dài mà không thay đổi, bởi hậu quả khó lường !
Nhiều người mỗi khi thấy những ứng xử lạ thường hoặc việc làm trái cách ở một số quốc gia, thường thắc mắc về năng lực nhân sự của nước này nước kia. Mình thì quan niệm rằng ở đâu cũng có những người tài giỏi đức độ. Suy cho cùng cho dù sinh ra và lớn lên ở bất kỳ quốc gia nào, thì những giá trị chuẩn mực của xã hội như đạo đức, tư duy, kiến thức, và kinh nghiệm, đều luôn được tôn trọng. Tuy nhiên nếu như nguyên tắc tuyển chọn nhân sự ở quốc gia đó không tôn trọng những chuẩn mực chung, cũng không dựa vào bầu cử công khai của dân, mà chỉ bố trí sắp đặt dựa vào một vài tiêu chí “đặc biệt”, thì giá trị của tư duy, của khoa học, của kinh nghiệm, của chuyên môn, của sự cầu thị, của sự khiêm tốn....đều trở thành vô nghĩa. Tất nhiên mỗi người đều có một khả năng nhất định nào đó, nhưng trong công việc thì chắc chắn có người này phù hợp hơn người kia. Nhìn lại lịch sử dân tộc VN, thì xưa nay chưa bao giờ thiếu người tài giỏi và hiền đức, chỉ là cần phải có cách chọn lựa và bầu bán như thế nào cho công bằng hợp lý thôi !
Nhân nói đến chuyện người "người tài giỏi", mới tối qua đọc mấy bài báo nói về kế hoạch sắp tới của SG, sống chung với dịch và khôi phục kinh tế như thế nào. Mình thấy tên các vị chuyên gia quen quen, lục lại báo cũ ra coi, thì ra cũng là mấy vị cách đây mấy tháng đã phân tích và dự đóan "dịch ở SG sẽ nhẹ thôi, mấy con covid sẽ sớm khăn gói ra đi trong tháng 8". Thoáng nghĩ qua không biết thân nhân của hơn chục ngàn người chết và bạn bè anh em của họ, cũng như bao nhiêu người công nhân, nông dân, dân nghèo, lao động đường phố đang vất vưởng mong cầu sự sống mỗi ngày, có cảm nhận được dịch bệnh lần này là "nhẹ" không ? Mình thì nghĩ rằng đại dịch cúm Vũ Hán chính là “mũi tên thứ nhất” đã bắn vào đất nước VN, không thể tránh né được. Phần quan trọng còn lại là mũi tên thứ 2, đang nằm trong tay của con người VN, đặc biệt là giới lãnh đạo điều hành đất nước hôm nay. Cho nên hơn bao giờ hết, người dân cả nước ai ai cũng mong muốn được thấy “đúng người đúng việc” phen này !
Chợt nhớ đến câu chuyện tiếu lâm đã được nghe lâu rồi. Có anh VK áo vest về làng, phải đi qua một con sông. Ngồi trên ghe rãnh rỗi, đang thưởng thức trời mây non nước, bỗng hỏi anh chèo đò :
- Anh có biết gì về khoa học không ?
- Dạ thưa không. Người chèo đò ngạc nhiên trả lời.
- Vậy anh đã mất đi 30% cuộc đời. Thế anh có biết gì về âm nhạc nghệ thuật không ?
- Dạ cũng không !
- Vậy là anh lại đánh mất thêm 30% phần trăm nữa của cuộc đời. Chắc là anh biết qua chính trị thời sự chứ ?
- Dạ cũng không. Em chỉ biết chèo đò mỗi ngày.
- Vậy thì phí phạm quá. Coi như anh mất cả 90% cuộc đời rồi.
Lúc đó trời đang có cơn giông, sóng gió hơi lớn. Anh lái đò thật thà hỏi anh "trí thức" VK:
- Dạ thưa anh biết bơi không ?
- Không
- Thế thì anh sắp mất hết cả cuộc đời rồi !
Đó là chuyện tiếu lâm, nhưng trong cuộc sống hàng ngày thì cũng không hiếm những câu chuyện khôi hài như thế. Dĩ nhiên kiến thức phải được xử dụng đúng lúc đúng nơi mới phát huy hết vai trò của nó. Nhưng ngay cả bên Tây bên Mỹ cũng không hiếm cảnh lấy râu ông kia cắm cằm bà nọ. Ví dụ như mấy đài tin tức cây nhà lá vườn, hết người, nhờ mấy ông ts gs chuyên môn kỹ thuật mà đi phân tích chuyện chính trị chính em, cũng là chuyện thường. Bên VN thì càng không hiếm trường hợp mời các ông nghè ngành nghề không liên quan ra làm cố vấn chuyên môn, cứ có danh xưng là được. Ví dụ như hành chánh, kinh tế, giáo dục, ra làm tư vấn chống dịch, rượt đuổi F0, F1. Mà cũng thật là bất công, khi đoán đúng thì hoan hô, đóan sai lại phê phán người ta "ếch nằm đáy giếng". Chắc gì là lỗi của họ, biết đâu chính sự tung hô quá trớn của đám đông đã làm cho nhiều người bị ảo giác đa năng ? Nhớ hồi còn nhỏ ở dưới quê, bạn bè tụi mình đi thả trâu, chăn vịt. Đứa nào cũng biết là cách rượt bắt vài con vịt lẻ bầy chạy lạc khác xa với chuyện rượt đuổi vài trăm con sổng chuồng chạy rông. Mà đó chỉ là chuyện nhỏ nhặt vịt gà, huống hồ chuyện đại sự dịch bệnh mạng người, đâu phải chuyện đùa !
Cũng là chuyện mới hôm qua, ngồi coi những tấm hình và clip ngắn mùa dịch SG mà ai đó đã đăng trên mạng. Nào là, cả xóm đem thau ra để trước nhà, nào là những bà mẹ bò lết chui qua những hàng rào tấm chắn với túi đồ ăn rách nát, nào là người mẹ ngồi canh con ngủ trong ống cống, nào là những người y tá bác sĩ lả người nằm bệt xuống sàn, nào là những đứa bé mồ côi ngơ ngác sụt sùi, nào là những đứa con quỳ lạy trên vỉa hè đưa tiễn người thân.... Thế rồi lại vô tình nhìn thấy cái cơ ngơi chôn cất của một vị cựu quan chức vừa mới qua đời ở VN. Thực ra, mình cũng thuộc loại may mắn đi qua nhiều nơi, nhiều nước trên thế giới, nhưng chưa từng được thấy ở đất nước nào lại có những miếng đất chôn cất, hoặc lăng tẩm mồ mả của quan chức to lớn đến như thế. Bỗng nghĩ đến bao nhiêu người ngoài kia còn đang chờ đợi từng đồng trợ cấp, thuốc men, miếng sống mỗi ngày. Nghĩ đến nhiều vị quan chức dãi dầu đường xa vạn dặm "ngoại giao" từng mũi thuốc ngừa. Nghĩ đến còn bao nhiêu người dân vô tội sắp sửa ra đi ? … Chạnh lòng !
Rồi ngồi đó thẩn thờ cả lúc, mà cũng không biết mũi tên nào đã bắn trúng tim mình ? Thôi, chúc mọi người luôn may mắn và một cuối tuần bình an. Cầu mong dịch bệnh chóng qua, nước nhà sớm an lành.
PN