Showing posts with label Chuyện tào lao. Show all posts
Showing posts with label Chuyện tào lao. Show all posts

Tuesday, June 26, 2018

Phiếm: Khoảng cách thế hệ ....



Mấy hôm nay làm tài xế chở con đi chơi, đi hội hè, đi hội thảo về phim ảnh online, đi thăm chỗ này chỗ nọ ... Mỏi giò mỏi cẳng, mới nhận ra mình đã "già" rồi.
Quả nhiên là đi với tuổi trẻ, mới thấy mình già nua. "Già" vì tuổi tác là chuyện thường tình, "già" về tinh thần mới là điều đáng lo ngại :-). Đúng ra thì khoảng cách thế hệ thời nào cũng có. Nhưng trong cái thời đại internet & truyền thông hiện nay, khoảng cách thế hệ (generation gap) lại càng quá lớn. Mình làm trong lãnh vực truyền thông, công nghệ thông tin, đã mấy chục năm, mà hội nhập vào thế giới công nghệ của thế hệ trẻ, của con cái, còn thấy ngơ ngác. Huống hồ là người chưa hề biết gục gờ chấm cơm, phê tê bốc, e meo, tờ nét ....là gì. Đó là chỉ mới nói đến công nghệ kỹ thuật thôi, còn về các lãnh vực khác như âm nhạc, phim ảnh, tư tưởng, trào lưu, nghệ thuật, thời trang .....thì lại càng cách biệt nữa.

Mà có đi đến những cuộc hội thảo, những conference, những convention này, mới hiểu hết được tại sao hầu hết sự sáng tạo phong phú của thế giới đều bắt đầu ở một số quốc gia, mà không thể là ở Triều Tiên, Cu ba, Trung quốc. Cứ nhìn lại lịch sử, từ mainframe computer cho đến PC, từ Windows cho đến Apple, từ Google cho đến Facebook, từ Tom & Jerry trắng đen cho đến HD Blue-Ray, từ máy giặt máy sấy cho đến tàu ngầm, phi thuyền lên chị Hằng sao Hoả .... tất cả đều bắt đầu ở sự tự do. Tự do trong tư tưởng, tự do biểu đạt, tự do sáng tác, tự do phản biện, và tự do ... chế tạo !

Tốn bao nhiêu tiền bạc, bao nhiêu sức lực, bao nhiêu nổ lực hy sinh, bao nhiêu cải cách, những nước văn minh mới tạo dựng được một môi trường tự do dân chủ đầy ngẫu hứng cho mọi thế hệ phát triển, đa dạng & phong phú. Mọi người đều có quyền suy luận, phát biểu, chia xẻ, sáng tác, và thể hiện cái riêng của họ. Một cậu bé dị tật bẩm sinh, tự nhiên biểu diễn khả năng nhảy múa của mình trước đám đông xa lạ. Một cô gái có kích thước quá cỡ, tự tin thuyết giảng về công việc của mình, không chút ngượng ngùng. Một thần tượng giới YouTube bình dân trong quần rách áo thun, kể về lỗi lầm và sự ngu dốt của mình khi mới bắt đầu vào nghề làm video. Một cô bé rất nổi tiếng trong giới Animal Jam chia xẻ "mình rất bình thường trong học lực và gia đình cũng nghèo, nên những gì mình đã làm được, chắc các bạn sẽ làm tốt hơn" ...v.v. Những đứa trẻ mới lớn, những nhà sáng tác kinh nghiệm, những đạo diễn, những game thủ, những "con nghiện" online, những nhà kinh doanh thành đạt, những trai gái tập tễnh vào đời ... kẻ nói người nghe. Mọi thứ đều rất bình thường, đơn giản, thực tế, và gần gũi.

Không hề có những mẫu chuyện hư cấu, đề cao thần tượng, cũng chẳng có tấm gương đạo đức, và càng không hề thấy bóng dáng đảng phái, thế lực thù địch, âm mưu chính trị nào cả .... Mà chỉ là những tiếng cười, ôm nhau, la hét, tự do, hoà bình, thân thiện, tự tin, phản biện, tranh luận, đầy ngẫu hứng ... để sáng tác, để đóng góp (contribute) cho đời sống tự nhiên mỗi ngày.

Không tuyên truyền, không khẩu hiệu, không băng rôn, không cờ quạt, nhưng những thông điệp cuộc sống tự nó đã được truyền đi mạnh mẽ. Và hình như tất cả mọi người đều cảm nhận được những lời nhắn nhủ động viên gần gủi đó... Đó là "Những gì tôi làm được, các bạn chắc chắn cũng sẽ làm được". Đó là "Đừng điên cuồng bắt chước theo một thần tượng hay tấm gương nào, bởi mỗi người có một hoàn cảnh riêng. Nên có lối đi riêng, và hãy tin vào lối đi của bạn". Đó là "Niềm tin sẽ giúp bạn thành công, tự do sẽ giúp bạn thoát khỏi hạn chế của bản thân và nghịch cảnh". Đó là "Hãy làm cho cuộc sống chung quanh ngày mỗi tốt hơn". Đó là "Hãy ôm nhau thay vì xô đẩy nhau". Đó là "Hãy mơ ước và nhìn về phía trước". Đó là "Đừng sợ hãi, đừng đầu hàng, mà hãy đứng lên sau mỗi lần thất bại". Đó là "Chỉ có tình yêu mới đem lại hoà bình, bạo lực chỉ đem lại chiến tranh"  ..v.v...

Đây không phải lần đầu mình tham dự loại conference này, cũng không phải lần đầu nghe về những thông điệp tích cực trong cuộc sống. Nhưng mình muốn cảm ơn những may mắn, cảm ơn xã hội này đã cho những đứa trẻ quyền tự do căn bản để suy nghĩ và biểu đạt, tự do phát biểu và tranh luận, tự do nói về sự thật, tự do nói về đúng sai, tự do nói về tự do.

Rồi bỗng ngậm ngùi nghĩ về những khác biệt ở thế hệ mình. Có lẽ sự khác biệt lớn nhất đã bắt đầu từ hệ quả của những điều ngược lại !









Tuesday, June 12, 2018

Animal Farm (Trại súc vật)

"Who controls the past controls the future. Who controls the present controls the past." (George Orwell)




Animal Farm (Trại súc vật), là một tiểu thuyết nổi tiếng thế giới của nhà văn người Anh, George Orwell, xuất bản lần đầu vào năm 1945. Mãi cho đến ngày hôm nay, nó vẫn là một đề tài để thiên hạ chế diễu và châm biếm khi nói về sự kiểm soát vô lý, cũng như tính khôi hài của lý thuyết "All animals are equal but some animals are more equal than others" trong những xã hội kém dân chủ. Hầu hết ở bậc học phổ thông của các nước phát triển đều có dạy về cuốn tiểu thuyết này ở môn văn học, nước Mỹ cũng thế !

Thực ra ở những nước phát triển, bên cạnh những bài học ở trường, thì trong sinh hoạt hàng ngày, gia đình và xã hội cũng dạy dỗ con cái hiểu biết và thực hành quyền tự do như một xu hướng chung của thế giới văn minh. Bởi vậy đối với nhiều quốc gia, đó không phải chỉ là một sự chọn lựa, mà là một nhu cầu thiết yếu của đời sống !

Cho nên những gì đi ngược lại điều đó, không khéo có khi tưởng lợi mà thành hại lớn. Đặc biệt là khi mở cửa giao thương, kết nối, kêu gọi cùng nhau phát triển với cộng đồng thế giới bên ngoài !

Friday, June 08, 2018

Tản mạn: Ngắn dài ....




Ngày vui ngắn chẳng đầy gang,
Trông ra ác đã ngậm gương non đoài ....(Nguyễn Du)

Cách đây không lâu, Lý quang Diệu đã từng mơ ước được như Hòn Ngọc Viễn Đông. Nhưng với một đất nước nhỏ bé, không nhiều tài nguyên, nhân lực .... Ông ta đã chọn cho đất nước mình một lối rẽ khác. Nhận ra vị thế thiết yếu tàu bè qua lại giữa 2 vùng biển lớn Ấn độ dương và Thái bình Dương, Singapore đã đầu tư trang bị để trở thành một cảng biển thuận lợi nhất thế giới. Rồi đất nước họ trỗi dậy mạnh mẽ nhờ vào một vùng biển khiêm tốn và nhỏ bé đó. Đến nay Singapore đã là điểm kết nối hơn 600 cảng biển khác nhau của hơn 123 quốc gia trên thế giới (đây là số liệu mấy năm trước, nay có thể đã nhiều hơn). Nguồn lợi của bao nhiêu dịch vụ kéo theo, trạm trung chuyển, bến bãi, giao dịch tài chánh, ngân hàng, du lịch .... của một đất nước có diện tích chỉ bằng một hòn đảo của đất nước VN, đã làm thế giới ngưỡng mộ. GDP của họ đứng hàng thứ 7 trên thế giới. Công dân của họ cầm tờ passport trên tay đi khắp thế giới đầy hãnh diện, mà chả ai lo sợ "nó" sẽ ở lại làm chui hay trốn nhủi .....

Trong khi đó, đất nước VN, một đất nước đầy vị thế chiến lược, một đất nước đã từng sở hữu một Hòn Ngọc Viễn Đông năm nào. Một đất nước mà hàng trăm năm trước, từ thời Lê văn Duyệt còn làm tổng trấn Gia Định, đã là điểm cập bến với bao giao thương phồn thịnh của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp... Một đất nước đã từng tự hào với sự sầm uất của Phố Hội, Phố Hiến năm nào xa lắc....

Chiến tranh vô nghĩa, rồi kết thúc. Một đường bờ biển hàng ngàn cây số vẫn sơ khai. Đã gần nửa thế kỷ trôi qua.....những resorts, nhà nghỉ, khách sạn, công ty xả thải, làm thép, nhiệt điện được mọc lên. Vẫn thiếu hẳn bóng dáng của một nền kinh tế biển với những chính sách lâu dài. Những người ngư dân vẫn vật vã vừa kiếm sống từng ngày vừa phải đối chọi với những bắt nạt lộ liễu ngay chính trên lãnh hải của quê hương mình. Xé lẻ phân lô ....và vẫn còn đó những mơ mộng "rừng vàng biển bạc" ngày mỗi lụi tàn !

Vào năm 2005, khi cảng Thượng Hải lượng giao dịch bắt đầu cao hơn Singapore, những người trong giới thương mại quốc tế bắt đầu nghĩ đến một vành đai mới. Người ta bắt đầu nghĩ đến những vùng đất như Vân Phong, Phú Quốc ... và vai trò thay thế cho những cảng trung chuyển, dịch vụ logistic, ngày càng đắt đỏ. Và VN được từng được nhắm đến như một điểm sáng mới. Cơ hội đã đến, nhưng không phải ai cũng có tầm nhìn và tâm huyết để nắm bắt những cơ hội đó. Không cần phải một Lý Quang Diệu của một thời đã cũ. Không cần một cổ tích rừng vàng biển bạc như hằng mơ mộng. Không cần nhắc đi  nhắc lại một điệp khúc "dĩ vãng oai hùng", mà cần một tương lai thiết thực. Cần một kế hoạch thực tế hơn, tầm nhìn & chính sách thông thoáng hơn. Cần những kiến thức có thực và tư duy độc lập. Cần những cái tâm nghĩ về đất nước & con người với GDP nghèo nàn, vất vả. Nhưng ......

Rồi những năm gần đây, khi TQ nhận ra sự vô cùng cần thiết cho một cán cân thương mại mới, một con đường tơ lụa mới, một vành đai mới .... Thì một lần nữa VN lai trở thành một điểm ngắm quan trọng. TQ đã âm thầm từng bước, thể hiện một tầm nhìn xa lâu dài, tạo dựng vị thế độc bá của mình. Nếu ai bỏ ít thời gian nối kết những việc làm lâu nay của TQ thì có thể hiểu được phần nào. Từ lấn chiếm biển Đông, lập đảo nhân tạo, khẳng định lằn ranh, hiếp đáp các nước nhỏ. Mặt khác, cho mượn tiền, vừa đánh vừa xoa, đối thoại từng nước, dỗ dành ... Mặt chìm, mặt nổi, đầu tư kinh doanh, thu mua, mướn đất, hổ trợ tài chánh cho doanh nghiệp TQ đầu tư vùng biển, cho các "đại gia" ở các nước sở tại mượn tiền, tạo thế ràng buôc...v.v. Không dám chê bai, nhưng cái ngắn không hiểu được ý dài, một ông "đại gia" du lịch & bất động sản mới "lớn", tuổi nào hiểu được cái thâm thuý của một "con đường tơ lụa" mơ ước ngàn năm. Đó là chưa nói đến những chuyện tiền tài danh vọng và lòng yêu nước, cái riêng và cái chung, đôi khi không cùng chung mẫu số !
Thử nghĩ sơ qua nếu con kênh đào Kra được hình thành, thì vùng biển nào quan trọng nhất ? Cảng biển nước nào có nhiều ưu thế nhất ? Vai trò của Phú Quốc, Vân Phong, Vân Đồn sẽ ra sao ? Nhưng không, vẫn là những lối mòn suy nghĩ. Vẫn là những du lịch biển, cấp đất, cấp bờ, resorts .... hết "group" này đến "group" khác. Nhiều câu hỏi được đặt ra ... Liệu nhà nước thực sự thu được bao nhiêu lợi nhuận với số đất bờ biển và những quyền lợi ưu đãi như thế ? Ý là chưa phân tích đến các yếu tố quan trọng hơn về khía cạnh chuyển nhượng, an ninh quốc gia, tài nguyên dầu khí, ngư trường hải sản ngoài thềm lục địa, và những lệ thuộc lâu dài bởi các quyền lợi và ràng buộc khác.

Có nhiều con đường để dẫn đến một mục đích, nhưng cũng có những con đường chẳng bao giờ đến đích, mà chỉ là đi đến những bào chữa, hối tiếc. Người VN nào cũng mong mỏi cho đất nước quê hương mình được tốt đẹp hơn. Nhưng ngắn dài lâu nay vẫn là câu chuyện quan trọng nhất khi quyết định về hướng đi của một dân tộc.

Sáng nay ngồi uống cafe tự dưng ước gì mình trẻ lại thêm năm bảy chục năm, để nhìn thấy cảng biển quê mình phát triển ra sao. Đúng là mơ ước viễn vông !


Wednesday, June 06, 2018

Phiếm: Niềm tin



Có một câu nói người Tây phương thưòng nhắc đến đó là "Respect/Trust is not given, it is earned !". (Tạm dịch là : Sự kính trọng/tin tưởng không phải là cho không, mà phải tự kiếm về". Điều đó hoàn toàn đúng. Thế nhưng trong đời sống hàng ngày, lại gặp rất nhiều những trường hợp ngộ nhận. Ví dụ như nhiều vị làm quan chức, có quyền hành, thì nghiễm nhiên nghĩ rằng người khác sẽ kính trọng hoặc tin tưởng mình. Điều đó không hoàn toàn đúng vậy. Cho nên có nhiều trường hợp bị kết án hoặc buộc tội "nói xấu cán bộ" vì những câu chuyện hiểu lầm như thế. Sự tôn trọng là ở chỗ giá trị cá nhân con người và những việc làm của họ, chứ không phải là do chức vụ, quyền hạn, đặc biệt là chức vụ đó không phải do người dân tín nhiệm và chính thức bầu bán lựa chọn. Thiết nghĩ chính quyền và xã hội nên cần thiết suy gẫm lại vấn đề này, để khỏi có những cái nhìn lệch lạc, e rằng không những không sửa chữa được sai phạm, mà còn gây ra sự bất công đối với người dân lành hoặc những thuộc cấp trung thực.

"Nói xấu" nghĩa là hành động dựng chuyện, hư cấu, thiêu dệt, bôi bác, có thành không, không thành có, để hạ thấp giá trị người khác. Còn nếu mình thực sự làm xấu, hoặc nói bậy nói sai, mà thuộc cấp hoặc người dân phản ánh đúng, nói lên sự thật, phản biện vấn đề đúng, thì đó không thể cho là nói xấu được. 

Sở dĩ mình muốn nhắc đến chuyện này, vì mấy hôm nay đọc báo thấy quá nhiều ý kiến phản biện việc quốc hội VN dự luật cho mướn đặc khu 99 năm. Nhưng cũng có người cho rằng nhiều người lợi dụng chuyện đó để "nói xấu" quan chức. Mình thì luôn nghĩ là những câu chuyện quốc gia quan trọng như thế này cần phải rất rạch ròi, minh bạch, không nên nhập nhằng. Nếu không, sẽ dễ dàng tạo ra sự hiểu lầm và làm lợi cho những kẻ cơ hội chủ nghĩa, tham lam tư lợi.

Thứ nhất, thực tế là lâu nay không hiếm những vị quan chức phát biểu vô tội vạ, kiến thức hạn chế, có những sai phạm cơ bản, hoặc mơ hồ, thiếu tính thuyết phục, nên làm cho người dân lo ngại. (Tất nhiên là cũng có nhiều người tài giỏi đúng đắn chứ không phải ý vơ đũa cả nắm). Ví dụ như nói chuyện đặc khu kinh tế, một ông ban kinh tế TW, phát biểu về việc bảo vệ dự luật đặc khu, nhưng lại không hiểu gì về ý nghĩa của "đặc khu", đem so sánh đặc khu kinh tế với những khu như Chinatown, Phước Lộc Thọ ... ở Mỹ. Điều đó làm người dân quá lo lắng về tư duy và kiến thức của người hữu trách. Cho nên nhiều người dân lo sợ quá, phản biện lại, chứ không phải là nói xấu. Hoặc là như một ông quan chức khác phát biểu rất "ngây thơ" là lâu nay không biết người TQ có mua nhà đất ở VN, trong khi ông là trưởng cơ quan hữu trách về vấn đề này, đúng ra phải là người nhận biết điều đó sớm nhất. Còn một số ông khác trong lúc họp QH bàn chuyện quốc gia đại sự, lại ngồi ngủ gục..v.v. Thử hỏi, với những câu chuyện chính mắt thấy tai nghe như thế, thì làm sao người dân không lo ngại? Họ quan tâm, và nói lên sự thực chứ không phải bịa chuyện nói xấu. Thực ra thì đất nước nào lại không có tình trạng này, chỉ là nhiều hay ít. Khác nhau là ở nhiều nơi trên thế giới, quốc hội và các chức vụ quan trọng trong chính quyền là do người dân trực tiếp chọn lựa bầu ra, còn ở một số ít quốc gia khác là do bố trí sắp đặt. Suy cho cùng thì chuyện "nói xấu" "nói tốt" chỉ là chuyện nhỏ, quan trọng hơn là làm sao để thay đổi được ấn tượng tốt xấu và tạo được niềm tin trong lòng người dân. Thiết nghĩ một chính phủ cũng không nên quá lo lắng về chuyện đồn đãi, vì những người có trí khôn chắc chắn sẽ hiểu được đâu là sự thật, đâu là tin đồn. Do vậy điều quan trọng muốn nói đến ở đây là nguyên nhân và sự thật về niềm tin của người dân đối với quan chức và chính quyền trong một đất nước.
Thử nghĩ dăm ba hôm lại đọc được một số phát biểu khôi hài, và những ứng xử trịch thượng của một vài vị quan chức trên báo trên đài, làm sao tránh khỏi chuyện hoài nghi. Ví dụ những câu chuyện như buôn chổi đót, nuôi heo, chạy xe ôm để làm giàu mà cũng nói được, như thế sẽ không bao giờ thuyết phục và tạo dựng được niềm tin của người dân. Mà một khi đã không tạo dựng được niềm tin, thì làm sao người ta lại có thể tin tưởng mà dựa dẫm vào những quyết định hoặc khả năng của họ ? Nếu có chăng, thì cũng chỉ là gật gù bên ngoài vì sợ phiền phức. (Again, trust is earned, not given !). Thời đại hôm nay, dân trí ngày càng cao, không thể cứ coi thường sự hiểu biết của người dân, càng không thể bắt buộc người ta phải nghe theo những điều vô lý được. Tôn trọng trí tuệ người khác cũng chính là tôn trọng chính mình vậy !

Thứ hai, cũng lại là câu chuyện niềm tin. Thử nghĩ tại sao khi nghe đến chuyện cho mướn "đặc khu", là người dân nghĩ ngay đến chuyện cho TQ mướn ? Và tại sao khi nghĩ đến TQ, thì người dân lại lo lắng sợ hãi đến thế ? Chuyện này thì chắc ai cũng hiểu câu trả lời, khỏi cần bàn thảo ở đây. Ông bà xưa thường nói "có lửa mới có khói". Ngay cả những chuyện rõ ràng như ngư dân bị tàu TQ đánh đập hoặc lãnh hải bị TQ vi phạm lấn chiếm, mà báo chí vẫn chỉ có thể dám nói là tàu “lạ” người “lạ”, thì làm sao người dân có thể vững lòng tin ? Mình vẫn luôn nghĩ rằng niềm tin không phải tự nhiên mà có được, và chuyện đánh mất niềm tin cũng không phải là chuyện chỉ xảy ra trong một buổi một ngày. Do vậy, để khôi phục lại niềm tin đối với người dân, thì sự kiện "đặc khu" này chính là một cơ hội tốt nhất để các ngài hữu trách thể hiện cái tư duy, cái tâm, cái tầm đối với đất nước và đồng bào của họ.

Suy cho cùng thì người dân của đất nước nào cũng vậy, họ luôn gởi gắm tâm tư nguyện vọng vào những cấp lãnh đạo và người đại diện cho họ. Có những nơi người dân được quyền bầu bán, có những nơi không được quyền bầu bán. Nhưng điểm chung vẫn là nỗi thiết tha mong mỏi ở các cấp lãnh đạo có những quyết định sáng suốt để dẫn dắt đem lại lợi ích cho bản thân, cho gia đình, và cho đất nước của họ. Tất nhiên càng mong đợi nhiều, càng tin tưởng lớn, thì lại càng dễ thất vọng và bức xúc khi sự mong mỏi đó không được đáp ứng. Khi niềm tin không còn, người dân thường có những nỗi lo sợ mơ hồ, nhạy cảm, và dễ vỡ oà.

Còn nói đến sự nguy hiểm tiềm ẩn và hậu quả của những chính sách đầu tư, xâm lược, tận thu, lợi dụng ý đồ, mưu toan chính trị ..v.v. của TQ đối với những quốc gia khác trên thế giới, đến nay không còn là điều mới lạ nữa. Chỉ cần mở mạng lên, từ những đặc khu Boten của Lào, những "Baoding villages" ở châu Phi,  SEZ ở Nam Á, Sri Lanka v.v.. mọi người đều có thể tự mình nhận định được giá trị hư thực về triết lý đầu tư của chính phủ TQ. Dĩ nhiên ở nước nào cũng có người tốt kẻ xấu, bên cạnh những nhà đầu tư tham lam lũng đoạn, cũng không hiếm những nhà đầu tư đàng hoàng nghiêm túc. Không khéo phân tích rõ ràng lại dễ dàng lôi cuốn vào những bài xích vô căn cứ. Cũng không nhất thiết cứ cho ngoại quốc mướn đất là phải sai bậy. Điều đó còn lệ thuộc vào các điều khoản hoạt động kinh doanh và mức độ kiểm soát chủ quyền đối với từng quốc gia hoặc địa phương. Và càng không phải là cứ mở đặc khu kinh tế thì thành công. Trên thế giới cũng có nhiều đặc khu "tiền mất tật mang", bởi lẽ điều kiện cần và đủ cho một đặc khu kinh tế thành công, còn nhiều yếu tố liên quan khác nữa. Cho nên cũng tuỳ vào cách làm như thế nào, sự lựa chọn triết lý kinh doanh của nhà đầu tư, quan niệm lợi ích chung & riêng của những người điều hành, cũng như các lợi ích ngắn hạn và dài hạn của cả đôi bên.

Lâu nay, quan điểm chung và nổi bật nhất của thế giới về các nhà đầu tư TQ (đa số), là triết lý kinh doanh tiếm đoạt, thiếu tính nhân văn, thiếu sự tôn trọng các quyền lợi dân sinh môi trường tại những nước sở tại. Bởi vậy nên các nhà đầu tư TQ, đặc biệt là những công ty có liên quan đến chính phủ nhà nước, thường có xu hướng đầu tư và "thành công" ở những nước chậm phát triển, thiếu vốn, không tôn trọng bản quyền, tham nhũng, thích hối lộ, chính sách đầu tư còn nhiều kẽ hở…v.v. Đây không phải là một sự kỳ thị hoặc chủ trương bài xích, mà là những hiện tượng thực tế, hoàn toàn có thể kiểm chứng được. Bởi vậy, TQ không hề có một "quyền lực mềm" trên thế giới, cho dù họ sở hữu một nền kinh tế mạnh mẽ như hôm nay. Từ bỏ sự nghèo đói lâu đời của nền kinh tế quốc dân XHCN, để đi lên bằng mọi giá, và trở thành thị trường lao động giá rẻ, phát triển công nghệ gia công cho các nước tư bản phương Tây, chính phủ TQ cũng phải trải qua những mất mát đánh đổi nhất định. Và dĩ nhiên họ cũng nhận ra điều đó, nên cố gắng để thay đổi và khắc phục hàng ngày, để tạo uy thế mới đối với thế giới. Tuy nhiên đây có lẽ là một thử thách khó khăn nhất của TQ bởi triết lý kinh doanh của họ đã lâu đời gắn liền với những nét đặc thù văn hoá nhân văn, và những hạn chế tất yếu bởi cơ chế chính trị ở đất nước họ.

Tất nhiên là thời đại nào cũng vậy, quốc gia nào cũng thế, những yếu tố quyết định dẫn đến hiểm hoạ cho quốc gia dân tộc chủ yếu vẫn là do những người trong cuộc, do những người trực tiếp điều hành đất nước gây ra. Trong đó có sự đánh đổi và lựa chọn giữa quyền lợi đất nước và quyền lợi cá nhân bao gồm lợi ích nhóm. Những lựa chọn đó hoàn toàn lệ thuộc vào tư duy ngắn dài của các thế hệ lãnh đạo. Một đất nước như VN đã từng trải qua bao cuộc chiến, từng bị lấn chiếm, bị đô hộ, bị thiệt thòi, bị lệ thuộc ngoại bang….Chắc hẳn hơn ai hết, người dân VN sẽ thấu hiểu những nỗi buồn thân phận, hiểu được những mất mát, tủi nhục, ám ảnh lâu dài. Và cũng chính dân tộc VN là một dân tộc có nhiều kinh nghiệm sâu sắc nhất trong việc nếm trải những hệ lụy xung đột, mâu thuẫn nội tại chồng chất kéo dài qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay, mà nguyên nhân sâu xa được gây ra bởi những đánh đổi vội vàng và tư duy ngắn hạn trong quá khứ.

Tóm lại, dân tộc nào cũng thế, sự lựa chọn sáng suốt ở hiện tại sẽ quyết định vận mệnh tương lai của đất nước trong tương lai. Đó là chuyện tất nhiên không gì phải bàn cãi. Mình cũng luôn hy vọng là niềm tin của người VN hôm nay và ngày mai sẽ tốt đẹp hơn “niềm tin" của ngày hôm qua. Rất mong vậy !



Wednesday, May 30, 2018

Fort Sumter - Nơi bắt đầu của cuộc nội chiến Civil War



Mãi cho đến ngày nay, những quan niệm "tốt", "xấu" về cuộc nội chiến Civil War (Nam, Bắc) của Mỹ vẫn còn là những đề tài bàn thảo sôi nổi mỗi lúc có dịp nhắc đến. Người Mỹ không tự hào về cuộc chiến này, nhưng họ có dạy về nó trong giáo trình phổ thông như một bài học kinh nghiệm của đất nước. Có nhiều người cho rằng đó là một cuộc chiến vô nghĩa, đáng xấu hổ. Ngược lại, một số người khác cho rằng đó là cuộc chiến cần thiết để tạo ra sự đoàn kết (united), và dẫn đến sự hùng mạnh của đất nước Mỹ ngày hôm nay. Tuy nhiên theo mình cái đáng học hỏi nhất là cách kết thúc chiến tranh và cách giải quyết các mâu thuẫn của đôi bên sau cuộc chiến.

Những đứa bé ở Mỹ luôn được dạy dỗ và ủng hộ thể hiện chính kiến của bản thân. Vì đó cũng là quyền tự do ngôn luận của mỗi con người. Cho nên những đứa trẻ ở xứ này rất mạnh dạn nói lên cảm nghĩ của mình về bất kỳ một cuộc chiến tranh nào. Hôm cuối tuần rồi, mình dẫn con đi thăm Fort Sumter, nơi nổ phát súng đầu tiên khởi đầu cuộc chiến Civil War vào năm 1861. (Fort Sumter là một hòn đảo nhỏ ngoài vịnh của thành phố Charleston SC, một thành phố được mệnh danh là TP đẹp nhất nước Mỹ). Ông nhân viên bảo tàng đang hùng hồn diễn thuyết về ý nghĩa của Civil War và Fort Sumter, thì mấy đứa nhỏ giơ tay xin phản biện, phát biểu quan điểm ngược lại, trong đó có thằng con mình. Tất nhiên là không đứa nào bị “buộc tội”. Nhiều người lớn thấy mắc cười, nhưng người nhân viên bảo tàng rất tôn trọng các ý kiến phản biện đó và trả lời một cách công bằng. Rất chuyên nghiệp !

Thực ra mình cũng đọc và học hỏi được rất nhiều từ cuộc chiến này. Ngoài những bài học về sự kỳ thị phân biệt, tư duy hạn hẹp, tự tôn cực đoan, luôn là yếu tố gây ra chiến tranh, thì có một câu nói mà mình luôn tin là đúng. Đó là "Đằng sau một cuộc chiến, có thể tốt đẹp hơn hoặc tồi tệ hơn, hoàn toàn lệ thuộc vào cách kết thúc vấn đề và ứng xử của bên thắng cuộc". Rõ ràng là sau cuộc nội chiến Civil War, đất nước Mỹ đã nhận ra được những sai phạm, họ thay đổi ứng xử để trở nên đoàn kết hơn và mạnh mẽ hơn.








Monday, May 21, 2018

Môn đăng hộ đối

Cuối tuần rồi, một đám cưới lịch sử đã diễn ra, cả truyền thông thế giới đưa tin. Đó là đám cưới của Prince Harry xứ sương mù và cô gái nguời Mỹ Meghan Markle. Sự rầm rộ lần này không đơn giản chỉ là một đám cưới hoàng gia như trước đây, mà bởi vì những bất quy tắc những ngoại lệ xưa nay chưa từng có của hoàng gia Anh quốc. Harry cũng không phải là đích tôn, Meghan cũng không phải là quý tộc, nhưng đám cưới họ được coi là rầm rộ nhất trong những thập niên gần đây. Dĩ nhiên là bên cạnh những chúc tụng, hâm mộ, hoan hô, đồng tình cho cặp đôi đặc biệt này, thì cũng có những chê bai dè bỉu, dị nghị về bối cảnh và thân phận của cô dâu Meghan Markle.

Nhiều nhà phân tích, kể cả Paul Burrell, cựu quản gia hoàng gia Anh, đã cảnh báo Meghan là tập trung những gì kiêng kị nhất của hoàng gia Anh quốc. Một hôn nhân hoàn toàn không hề theo nguyên tắc "môn đăng hộ đối" xưa nay. Mà đúng vậy, một cô gái lai da đen, người Mỹ, từng ly dị, lớn tuổi hơn chồng, theo nghiệp truyền thông, gia đình bối cảnh ly dị, phức tạp (đến nỗi cha ruột & chị của cô dâu cũng không tham gia đám cưới) ... tất cả đều là vùng cấm của hoàng gia Ăng lê.
Đến ngày cưới, ông cha chồng là thái tử Charles, phải thay thế cha ruột, dìu cô dâu Meghan vào sảnh lễ. Nữ hoàng Anh cho cô dâu mượn vương miện. Mục sư da đen người Mỹ lần đầu đăng đàn tại hôn lễ hoàng gia ..... toàn là chuyện lạ, nên bàn dân thiên hạ & báo đài tha hồ dài chuyện. Chắc vài hôm nữa thế nào Hollywood cũng làm phim về câu chuyện này :-) .

Lâu nay mình vẫn luôn tôn trọng những con người dám vượt qua nghi lễ và thông lệ đời thường, bất chấp thị phi tầm phào để đeo đuổi những mơ ước cao cả và hạnh phúc đích thực. Người ta thường nói những người cá tính mạnh mẽ mới dám đi ngược giòng, mới dám đeo đuổi những thứ không thuộc về cái "norm" (cái thường lệ) của thiên hạ. Nhiều cam go, nhiều thử thách hơn. Đó chính là cái nghiệp & cái giá của họ phải có trong cuộc sống. Nhưng đó cũng lại là những chất liệu cần thiết cho cuộc sống, đi tìm hạnh phúc và thành công từ chính bản thân.

Người VN mình cho đến ngày hôm nay cũng còn nhiều cuộc hôn nhân đi theo sự sắp đặt, mai mối không tình yêu, hoặc tìm kiếm "môn đăng hộ đối" để ở với nhau. Thế mà họ vẫn sống bên nhau cả kiếp, con cái đầy đàn. Cho nên chuyện tình cảm cũng khó nói được, chẳng có gì đúng sai, chẳng ai bảo đảm được điều gì. Cuối ngày, cái quan trọng nhất của hạnh phúc vẫn là do quan niệm cuộc sống và cảm nhận của từng người trong cuộc.

Riêng về quan niệm môn đăng hộ đối, thì có lẽ người VN ta là nặng nề nhất. Thực ra, chưa nói đến chuyện cưới hỏi, yêu đương, mà ngay cả đời sống hàng ngày, quan hệ bạn bè, nhiều người cũng quan niệm "môn đăng hộ đối" như thế. Có nhiều địa phương, gia đình, rất nặng nề. Gặp nhau là hỏi quan hệ xuất xứ, gốc gác ông bà. Lần đầu đến nhà ai, hay về nhà bạn trai bạn gái, đều phải thông qua những câu hỏi sát hạch giống nhau. Ngay cả đến thời này, một số người thuộc thế hệ trẻ gặp nhau, tiệc tùng đình đám, vẫn cứ tự xưng thiệu con cháu ông này bà nọ, giòng dõi tông tích ..v.v. Thậm chí đăng tải luôn lên trên mạng xã hội cho thiên hạ cùng biết. Đăng hết chuyện mình, đăng dùm luôn chuyện người khác :-).
Nhưng đó cũng là lẽ thường, thuộc về văn hoá vùng miền. Dĩ nhiên ai cũng hiểu rằng gốc gác, quan hệ ông này bà nọ, cô dì chú bác, cũng chả chứng minh được điều gì cho giá trị bản thân của họ. Bên cạnh đó thì cũng có những địa phương hoặc gia đình chỉ chú trọng đến giá trị con người, chả cần quan tâm giòng tộc gốc gác, chơi với ai thì biết người đó, thấy hợp nhau thì làm bạn bè, thì nhậu, thì gần nhau, thì yêu nhau, cưới nhau .... đơn giản thế thôi.

Mình thường nói đùa nếu quan niệm lý lịch, gốc gác kiểu VN, thì cỡ ông Jackson, Clinton, hay Obama còn lâu mới làm được tổng thống. Nhưng cũng lạ, có nhiều người ngày xưa đi làm cách mạnh để "xoá bỏ giai cấp", thì hôm nay cưới hỏi cho con lại đòi hỏi "môn đăng hộ đối". Ngay cả ở Sài Gòn hôm nay, nhiều gia đình quan chức được cho là gia đình quý tộc của TP, thì cũng mới hôm nào khai là "bần cố nông" trong tờ khai lý lịch. Có một số người thành đạt vốn là nhờ lý lịch gia đình và quan hệ xã hội nên càng không dám vượt qua cái ải "môn đăng hộ đối". Nghịch lý và buồn cười !
Xưa nay chuyện giàu nghèo sang hèn vốn dĩ chỉ mang tính giai đoạn. Người xưa thường nói "không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời". Đó là chưa bàn đến cái giàu sang có được là do đâu ?
Thiết nghĩ, thời thế luôn đổi thay, cái quan trọng nhất của con người vẫn là giá trị bản thân, đạo đức & trí tuệ của từng cá nhân. Đúng ra, gia đình gốc gác nghèo hèn mà giữ được tư cách đạo đức, tài năng và thành đạt, thì càng đáng được quý trọng & tôn kính. Vả lại tình yêu thực sự thì liên quan gì tới hoàn cảnh xuất xứ của họ. Vậy sao phải từ chối người khác vì không "môn đăng hộ đối". Vậy sao nỡ đem cái hạnh phúc của con cháu, hoặc của bản thân mình, để trao gởi và dựa dẫm vào những thứ không thuộc về mình. Liệu có công bằng hay chăng ?

Hoan hô Harry & Meghan. Chúc phúc và luôn tôn trọng những ai tự tạo hạnh phúc bằng chính tình yêu và khả năng của bản thân !



Friday, May 04, 2018

Một bài viết cũ ...



Mấy hôm nay truyền thông Đức và Slovakia sôi nổi đưa tin về phiên toà ở Đức liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Ầm ĩ tới mức trong phiên họp báo của thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini và bà thủ tướng Đức Markel, cũng nhiều câu hỏi về vụ này được nêu ra. Và ông T/T Slovakia phải đòi triệu lịnh đại sứ VN để điều trần chi tiết sự việc. Có thể có ảnh hưởng rất nhiều đến quan hệ ngoại giao sau này ! 

Nhớ tới một bài viết hồi năm ngoái ....

Phiếm: Đựợc & Mất



Tuesday, April 17, 2018

Phiếm - Nghề thơ cũng lắm công phu !



Nói chứ phải công nhận là một trong những cái nghề dễ nhất mà cũng khó nhất ở quê ta là nghề làm thơ. Có người làm thơ bỏ túi, tặng chiến hữu bạn bè đọc cho vui. Có người in thành sách nhờ anh em, bà con đọc dùm, bán dùm, không ai mua thì tặng. Có người nghiêm túc hơn, bỏ tiền ra in vài tập thơ, làm đúng quy trình, hợp thức hoá chức danh thi sĩ, nhà thơ, vào hội vào đoàn, để thi thố với thiên hạ. Tuy có chữ là có thơ, nhưng cũng phải tốn công tốn sức lắm mới làm ra một bài thơ vừa ý. Thiên hạ bình riết, rồi như con trùn mà vẽ lắm chân vào, chẳng biết thành ra con gì. Có bài chữ hay ý dở, có bài bàn loạn riết mà lại thành hay. Nhiều người làm thơ, mà độc giả lại khen bài vè hay. Nhiều người đọc vè, thính giả lại bảo thơ hay :-)..... Đúng là nghề thơ cũng lắm công phu !

Bạn bè mình cũng có dăm đứa làm thơ, dở hay gì đối với thiên hạ thì không biết. Nhưng đứa nào cũng thấy thơ mình hay. Mà thi sĩ nào lại chả thế. Có ông thơ hay thực sự, nổi tiếng như cồn. Nhưng cũng có ông thơ hay mà cồn chưa nổi. Có ông làm cả năm bảy trăm bài nhưng chưa gặp thời, nên tên tuổi chưa lên. Cũng có ông năm bảy bài được khen hay, bên cạnh cả trăm bài không ai đếm xỉa, cũng đủ khệnh khạng một đời thi tửu. Có ông dăm ba bài được giải địa phương, còn lại cả bao không được, gác trên dàn bếp, cũng đủ hiên ngang một cõi ta bà. Nhưng quả nhiên đúng vậy, ít có thi sĩ nào tự cho thơ mình là dở. Con cá sẩy là con cá to, nhưng bài thơ dở lại là bài thơ của đứa khác. Cũng có nhà thơ suốt đời chả thèm đọc thơ thiên hạ, chỉ đọc thơ họ, và của "bạn" họ thôi, nên độc tôn. Thiên hạ này có bao nhiều bồ chữ, họ nắm hết. Cao ngạo cỡ Cao Bá Quát là cái đinh gì !
Mà nghề làm thơ dẫu cực nhọc, cũng có cái sướng của nó. Lâu lâu ngâm nga, đọc cho ta, đọc cho người. Có đọc có nghe, là thấy sướng rồi. Được khen lại càng sướng hơn. Bàn rượu nào mà có thơ để bình, cũng vui, cũng uống được nhiều bia rượu hơn là ngồi cãi lộn. Mình cũng có mấy người bạn chuyên bình thơ thiên hạ. Đứa làm giám đốc xây dựng nên ảnh hưởng nghề nghiệp, chỉ nghiệm thu phần cuối rồi hoàn công. Ai ngâm bài thơ nào ngắn dài cũng ráng nhớ được chữ cuối, rồi ngồi "hoàn công" cả buổi miệt mài. Đứa làm bác sĩ, bài thơ có câu chữ nào lạ lẫm "nổi" lên, thì cứ coi như là khối u, đè ra mà mổ mà xẻ đến cùng. Đứa làm lãnh đạo, thì cứ nói chung chung, nôm na là "chữ nghĩa hay, có tiềm năng, ráng phát huy". Đứa làm bác sĩ phụ khoa, thì .... thôi, khỏi nói. Và cứ thế mà bàn loạn, đứa ngược đứa xuôi, tiệc nào cũng râm rang, sôi nổi. Uống xong về ngủ, mai lại quên mất !

Hồi đó quán 81 Trần Quốc Thảo, tài năng dập dìu, thiên tài lỡ vận, thơ văn lai láng (không biết giờ còn không ?). Vài tuần trận đánh lớn, dăm ngày trận đánh nhỏ. Có người hâm mộ mà đến nhậu, có người hiếu kỳ mà đến coi, cũng có người thích coi đấu khẩu lý sự mà đến ủng hộ. Có người phải mua bia mời kẻ khác đến nghe thơ mình, miễn phí mà còn bị trách móc phí phạm thời gian. Thường thì thiên hạ đều vui vẻ thái bình. Nhưng cũng đôi khi đang bàn thơ sôi nổi, bỗng chửi thề um tỏi, bia bay vèo vèo. Thơ văn sợ quá, bên lề nằm im, thin thít. Nhiều độc giả hãi quá, thần tượng sụp đổ, trốn tiệt. Không biết ngày xưa các cụ nhà ta như Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Đồ Chiểu, Tú Xương, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương ...có bị kiếp nạn này hay không. Còn bên Tàu thì các Thánh Thi, Tiên Thi, Phật Thi, Qủy Thi .... Lý Bạch, Đổ Phủ, Vương Duy, Lý Hạ, Bạch Cư Dị, Vương Bột ... có lên bờ xuống ruộng như thế không nhỉ ?

Đúng ra là từ ngày có internet, email, facebook, mạng xã hội ... nhiều thiên tài ngủ quên đã trở mình thức giấc. Nhiều tài năng tiềm ẩn đã lâu, có cơ hội trỗi dậy mạnh mẽ. Nhân tài như lá rụng mùa thu, từ thơ văn, ca nhạc, triết gia, chính trị gia, đủ cả. Mà rộ lên càng nhiều thì đương nhiên là càng phức tạp. Lời khen tiếng chê, phun châu nhả ngọc, thượng vàng hạ cám tràn lan, bất phân thắng bại. Trong đó, thi sĩ nhà thơ là một trong những ngành nghề khó kiểm tra chất lượng nhất. Không có chuẩn ISO, không quy trình, không chứng chỉ, không bằng cấp, không kiểm định .... Càng không phải cứ làm thơ thâm niên thì được lên chức, làm thơ hay thì bán được tiền, làm thơ nhiều thì được lãnh lương cao ... Dĩ nhiên là có những nhà thơ tài năng vẫn sống khiêm cung ẩn dật. Có những nhà thơ tên tuổi, thì vẫn được săn đón, nhuận bút cao, được nhiều người mê thơ đón nhận. Có người còn lấn sân đi làm MC, đóng phim, thậm chí đi làm lãnh đạo. Cũng có nhiều "nhà thơ" tự nhờ người phổ nhạc thơ mình, cây nhà lá vườn. Lâu lâu nhà chùa nhà thờ, họp trường họp lớp, đem ra hát hò, âu cũng là một cách quảng bá tài năng...

Nhà thơ ở cạnh nhà thờ
Nhà thơ tắt thở nhà thờ rung chuông !

Còn nói về chuyện thưởng thức thơ thì đâu phải ai cũng giống ai. Cũng như mục tìm bạn bốn phương, đẹp xấu tuỳ người đối diện. Có người đọc bài thơ hay của thiên hạ, lại thấy dở với mình. Có bài thiên hạ chê bai lãng xẹt, lại hợp tâm trạng mình, thành ra thấm ý mà hay. Có bài trong sách giáo khoa, nên đành phải thuộc. Có bài vì lãnh đạo khen hay, nên mình phải nhớ. Cũng có bài của người thân bạn bè sáng tác, bỗng hoá hay ngang ..vv.. Nhưng đó là những chuyện bình thường, thơ phú lâu nay vẫn vậy, từ hàn lâm cho đến hàng dân giả !

Mấy hôm nay trên mạng VN ném đá, phun nước miếng, chửi ầm một ông nhà thơ kiêm quan chức hội đoàn thơ văn nào đó, bởi dám chê bai thơ thiên hạ trên Facebook. Mình chưa bao giờ biết, chưa bao giờ nghe, cũng chưa bao giờ đọc thơ ông này. Tuy nhiên, nghe ông phán một câu “Thơ dở trên fây búc là thơ rác rưởi gây ngộ độc hơn cả ngộ độc thực phẩm", thì kể như ông đã cởi truồng mà ngồi xổm trên ổ kiến lửa rồi, có mặc quần vô cũng không còn kịp nữa :-).

Truyền thông trên mạng, hay báo chí VN bây giờ, thường có hai trạng thái phản ứng. Một là thần tượng, ca tụng thái quá. Hai là chống đối, bài xích thái quá. Nhiều người có khi cũng chả cần phải đọc cho rõ, thấy người ca tụng thì mình cũng ca tụng theo, thấy người ta chửi thì mình cũng chửi theo. Từ một vụ án tham nhũng cho đến một bài thơ hay áng văn, từ một nghi án chưa xử của người đương thời, cho đến một người hùng vừa ngã ngựa đêm qua. (Thường thường thôi nhe, không có ý vơ đũa cả nắm). Riêng đụng tới cái vụ thơ văn, thì còn đáng chết nữa. Ông này làm quan chức hội nhà văn mà dường như chưa hiểu hết sức mạnh của những người yêu thương & hâm mộ cái hội của ông ta.
Một đất nước đầy rẫy anh hùng và nhà thơ, cho nên chỉ cần một xúc phạm danh dự nhỏ, một vụ đạo thơ, cắp ý, phán bậy, nịnh đầm ... thì lưng nào chịu nỗi đá. Bây giờ có internet rồi, khác với mấy chục năm trước, chỉ một chút là cả làng đều biết. Mà lâu nay FB lại có câu thơ bất hủ "Ném đá thì phải ném liền tay. Chớ để lâu ngày nó trốn mất vui". Cỡ như "Đương đại quốc sư" Vũ Khiêu còn khiếp, huống hồ là hàng tôm tép chà bông :-) .

Nhưng dẫu bị ném đá ồ ạt như thế, thì ông thi sĩ Phan Hoàng này cũng được cái khác ngon lành hơn. Ít ra là nhờ vậy mà nhiều người biết đến tên ông, tò mò đọc thử thơ ông coi tài ba thế nào, trong đó có mình. Thú thiệt là mới đọc được 2 bài, từ hai tập thơ nổi tiếng nhất của ông ấy, rồi ngưng. Mình vốn dốt thơ mê nhạc. Đọc cho có đọc, chứ hiểu thì điếc đặc rồi, nên định bụng hôm nào về quê, sẽ mua bia đãi mấy đứa bạn già, nhờ nó bình dùm. Đúng ra, cũng không công bằng khi chỉ đọc 2 bài nổi tiếng nhất của ông mà dám bàn đến tài năng thơ phú của một nhân tài, nhưng quả là không có thời gian và không đủ kiên nhẫn. Thoáng qua, thì phải công nhận ông thi sĩ này dùng từ tượng hình dễ cảm ghê, "ngọt từ da thịt ngọt ra ", nghe thấy "mát mẻ" liền. Còn bài nữa thì nghe có "tiếng thì thầm", hoan lạc và thụ tinh, chuyển dạ và sinh nở ... đọc nghe "ham". Thơ cỡ đó hèn chi được làm quan chức. Mà chỉ bấy nhiêu ngôn từ sống động thế, gặp mấy nhà phê bình thơ ở quê mình, thì bao nhiêu bia mới đủ :-) .

Nghĩ lại, mình sống ở nước ngoài nhiều hơn trong nước, may mắn được đi cũng nhiều, nhưng chưa thấy nước nào có nhiều Hội nhà văn, nhà thơ, lại có nhiều người thi sĩ văn sĩ được ăn lương của chính phủ & nhà nước nhiều đến thế. (Có thể là Trung quốc hoặc Triều tiên cũng có, nhưng mình chưa được biết). Cũng chưa thấy nơi nào mà trong giới nhà thơ nhà văn, một trong những giới được cho là có một số kiến thức nhất định, lại có nhiều vụ scandal phê phán, bài xích, tâng bốc, bóc mẽ, quan tâm tới nhau nhiều đến thế. Cho nên nhiều người thường nói VN là đất nước trọng nhân tài, trọng thơ ca, trọng truyền thống văn hoá, có khi chẳng phải là ngoa chút nào !


Monday, April 16, 2018

Tin ai bây giờ ?



Đây là đoạn tin tức nói về người dân Syria khóc trong sung sướng, cảm ơn nước Mỹ đã nã pháo cảnh cáo và ngăn chận thảm hoạ xử dụng vũ khí hóa học đối với dân lành của chính phủ Assad.

Chiến tranh bao giờ cũng thế, đánh giặc mồm, hù doạ nhau, tháu cáy nhau, lên án nhau, rồi cổ động tuyên truyền ... Ai cũng giành phần thắng về mình, thiệt giả khó phân. Nhất là những người dân đen không có cơ hội tiếp cận với những nguồn tin khả tín, càng khó biết chân tướng vấn đề. Ở một số nước thông tin bưng bít như Triều Tiên thì càng tệ hại hơn. Cái gì cho nghe thì nghe, cái gì cho thấy thì mới được thấy.

Hồm tuần rồi, nước Mỹ khẳng định các tên lửa của Mỹ và đồng minh đã "hoàn thành sứ mệnh" cảnh cáo Assad đừng tàn bạo với người dân vô tội, và phá huỷ làm thiệt hại một số căn cứ liên quan đến sản xuất vũ khí hoá học của Syria. Nga thì nói đã ngăn chận được 2/3 tên lửa Tomahawk của Mỹ, còn báo chí Vietnam thì dịch rằng Syria vừa nghe nhạc vừa bắn đạn đạo phá được tên lửa Mỹ. Nghe cứ như những câu chuyện lãng mạn năm xưa, vừa làm thơ vừa đánh giặc, thả diều bắt máy bay đầm già :-).
Mình thì nghĩ thông tin ở quốc gia nào càng minh bạch, thì mức độ khả tín càng cao hơn. Thiết nghĩ Nga mà nói Pantsir S-1 không vô hiệu hoá được Tomahawk thì còn bán cho ai được nữa. Nhưng biết đâu qua vụ này, chú Ủn, Assad ... suy nghĩ lại, trở nên hiền lành hơn thì phước lành cho bá tánh rồi. Một điều rõ ràng là lãnh đạo nước nào mà đem lại đau khổ, tang thương, cho chính người dân của mình, đều không được thế giới đồng tình, và không tồn tại được lâu dài.

Cuối ngày thì ai bốc phét cũng tự biết mình bốc phét cả, nhưng nói vẫn cứ nói, gạt ai được thì gạt. Ai ghét bên kia thì tin bên này, ngược lại ai không thích bên này thì tin bên kia. Còn tin tức có kiểm chứng chưa ? Biết đâu mà kiểm chứng, nghe sao dịch lại vậy, chẳng biết đúng sai. Ai tin ráng chịu. Mà có khi kiểm chứng được cũng chưa chắc có can đảm nói !

Từ ngày có internet, và thuật ngữ "Fake News" của T/T Trump, thì mức độ khả tín của tin tức càng được quan tâm. Các ông lớn truyền thông Google, Facebook, cũng ráng tìm mọi cách để ngăn chận vấn nạn này, nhưng hành trình còn lắm gian nan. Kiểm tra được nguồn tin nhưng chưa chắc đã thẩm định được nội dung. Ngẫm lại thì ông bà ta đã có cái nhìn vượt thời gian khi bảo rằng " Lời đồn sợ người có trí khôn ".

Dù gì đi nữa, hoà bình vẫn là điều mong mỏi của thế giới. Mong được thế, bởi trong chiến tranh nào, thất bại cũng rơi về phía người dân !

Google bỏ ra 300 triệu cho vấn nạn tin giả (tiếng Anh) .


Tuesday, April 03, 2018

Tình già,



Một người bạn đồng nghiệp vừa mới kỷ niệm 50 năm cưới nhau. Đúng ra thì ông lớn hơn mình nhiều, đã qua tuổi về hưu, nhưng vẫn còn khoẻ mạnh, xin đi làm tiếp tục. Con cái lớn hết, ở riêng, chỉ còn 2 vợ chồng già thủ thỉ với nhau.
Mình rủ đi ăn trưa, chúc mừng. Rồi hỏi ông ta:
- 50 năm qua, cái kỷ niệm nào đáng nhớ nhất, lãng mạn nhất, còn lại bây giờ ? Ông trả lời :
- Không nhớ cái gì lãng mạn nhất, đáng nhớ nhất cả. Nhưng ngồi nghĩ lại thì cứ cái này nối cái kia. Coi như chuyện bình thường mỗi ngày !

Lớn lên ở quê, 20 tuổi có vợ. Hôn nhân vội vàng, gần như sắp đặt, cũng chẳng có thời gian yêu đương lãng mạn gì nhiều, cùng làng cùng quê, biết nhau rồi cưới. Rồi đi lính, bị đưa qua VN mấy năm, về đi học lại. Vợ ở nhà đi làm, đợi chồng về, sinh con, nuôi lớn ..... Không chết chàng trai khói lửa, cũng không chết người em gái hậu phương. Đại khái cũng như bao nhiêu câu chuyện của những người phụ nữ khác. Cũng có những năm tháng sóng gió, những gây gỗ giận hờn, hoặc thăng hoa hạnh phúc như bao cặp vợ chồng bình thường. Có thời gian bà vợ bị bịnh trầm cảm nặng, đuổi ông ra khỏi nhà, chửi bới, đánh đập ông ta. Ông vẫn lặng lẽ cam chịu chữa trị bịnh cho vợ. Hôm nào vợ lên cơn đánh chửi, thì ra khách sạn hay nhà bạn bè ngủ nhờ. Rồi cũng qua, và họ đã sống được với nhau 50 năm !

Nghĩ lại giông giống thế hệ cha mẹ mình bên VN. Có nhiều lý do để họ sống chung với nhau. Ở nhau vì thương nhau, vì nghĩa vợ chồng, vì trách nhiệm, vì con cái, vì dư luận, vì mặt mũi gia đình, vì giòng họ, vì thói quen, vì ngại sóng gió, vì tiện lợi ...v.v. Rất nhiều cặp là mai mối cưới nhau, cha mẹ sắp đặt gả nhau, môn đăng hộ đối. Có bao nhiêu người trong số họ thật sự có những tình yêu lãng mạn, hiểu nhau, đồng cảm nhau mà đến với nhau ? Dĩ nhiên là có, nhưng có lẽ cũng không nhiều lắm. Nhưng cuối ngày thì họ vẫn sống được với nhau, chịu đựng và hy sinh cho nhau cả đời như ông bạn già của mình, con cháu đầy đàn.
Tất nhiên là cũng có những trường hợp thực sự yêu thương nhau, sống với nhau vì tình yêu và luôn cần có nhau, nhưng đó không phải là đại đa số. Mình có ông cậu ở VN, ông bà nay đều trên 90 tuổi. Cưới nhau cả 70 năm, vẫn thương yêu quấn qúit bên nhau. Rất kính phục !
Bên cạnh đó cũng không hiếm những trường hợp đợi nhau mãi cho đến khi về già, mới tìm được tình yêu đích thực của mình, rồi cùng nhau chung sống cho đến cuối đời.

Còn đến thế hệ mình, đa số là yêu đương cuồng nhiệt, bất chấp tất cả. Đại đa số là không đồng ý mai mối, hôn nhân sắp đặt, mà tự mình đi tìm một nửa của mình. Có cưới nhau được không, lại là chuyện khác, cứ yêu, cứ có nhau, cứ lãng mạn, cứ "dìu nhau dưới bóng nợ nần" mà đi. Dĩ nhiên thì cũng có một số ít là không đi theo phong cách đó, vẫn còn đi theo mai mối, sắp đặt. (Đúng sai miễn bàn ở đây. Nhiều ông Việt kiều, ngoại quốc, Đài loan, Hàn quốc, Trung quốc ... về VN cưới vợ. Đâu có hẹn hò yêu đương, hiểu nhau chút nào đâu, thậm chí là ông nói gà bà nói vịt, mà vẫn ở với nhau, sinh con đẻ cái hà rầm).
Cái mình muốn nói đến là chuyện ly dị, ly hôn, chia tay .... ở thế hệ mình nhiều hơn thế hệ trước quá nhiều. Chuyện hôn nhân sắp đặt thì còn có thể hiểu được. Đằng này là tại sao có hẹn hò nhau, yêu thương nhau, có lựa chọn nhau, mà rồi vẫn chịu đựng nhau không nỗi ? Có lẽ tính kiên nhẫn ít hơn, nhiều chọn lựa hơn, dư luận dễ dãi hơn, xã hội dễ chấp nhận hơn, vai trò người phụ nữ khác hơn, tính bình đẳng cao hơn ...? Nguyên nhân chắc là nhiều, nhưng điểm chính là cấu trúc xã hội thay đổi, đa dạng hơn, cuộc sống phức tạp hơn, nhiều áp lực hơn, bình đẳng hơn, nên sự cam chịu, hy sinh để chấp nhận nhau cũng không còn được như thời trước. Dĩ nhiên trong bất kỳ cuộc chia tay nào cũng luôn có những lý lẽ riêng của họ, mà người ngoài không hiểu hết được, không nên phán xét và chen vào.

Cho dù thế nào, cũng xin trân trọng những sự hy sinh, gắn bó nghĩa tình của thế hệ đi trước. Riêng mình thì vẫn tin rằng tình yêu vợ chồng phải cần thiết sự lãng mạn, hiểu nhau, đồng cảm và tôn trọng nhau để tồn tại. Nói tới đây mới nhớ hôm trước có ai kể mình, có cặp vợ chồng VN mới qua Mỹ ở Cali. Ngày Valentine ông chồng học theo phong cách nước ngoài, mua bó hoa hồng và món quà về, chuẩn bị bữa ăn đặc biệt, có đèn cầy, sâm banh, đợi cô vợ về. Cô vợ về nhà, thấy vậy, phán ngay "Bày đẹt, tiền không lo để dành mua nhà, mua xe. Mà cứ lo loãng mạn hoa với hoè , tốn kém ". Ông chồng tiu nghiủ, rưng rưng :-) .

Lâu nay có nhiều người quan niệm rằng tình yêu không có nghĩa là "còn hay hết", mà là "có hay không". Mình thì không đủ khả năng để phân tích sâu sắc vậy, chỉ biết là trân quý những ai đã gìn giữ được hôn nhân, đó là cái hay của cả vợ lẫn chồng. Mình cũng tôn trọng những con người đã can đảm, dứt khoát từ giã những cam chịu của một hôn nhân thất bại, để đi tìm một cuộc sống mới an vui hơn và không hành hạ nhau.

Mà nghĩ lại, cưới nhau rồi thì thôi, cầu yên ổn chung lo gia đình. Chứ còn trai trẻ thì tình yêu phải có được có mất, có thăng có trầm, có vui có buồn, có thương có giận, có hẹn hò, có thất tình, có yêu thầm nhớ trộm .... mới làm cho cuộc sống thi vị, đậm đà chất sống. Nhớ ngày xưa mình cũng là tín đồ thường xuyên của mấy ông bà nhạc sĩ thi sĩ thất tình, trữ tình. Từ Thâm Tâm, TTKH, Nguyễn Bính, Hoàng Cầm, Vũ Hoàng Chương ... cho đến Nguyễn tất Nhiên, Đinh Hùng, Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng... Từ Trịnh Công Sơn, Vũ Thành Anh, Từ công Phụng, Lê Uyên Phương, Ngô Thụy Miên ... cho đến Lam Phương, Trần Thiện Thanh.... Mà hình như là phải thất tình, thì mấy ông làm thơ làm nhạc mới hay, mới chất, mới lâm ly được. Chớ mấy ông nghệ sĩ nhà giàu, chăn êm nệm ấm, quan chức, đại gia, làm thơ làm nhạc nghe chán ngắt. Nhiều ông không có tình yêu mà cố làm thơ tình, đọc cứ như bài vè, học thuộc lòng. Có ông lấy chữ ráng ghép lại ra vần thành thơ, từa tựa nhau, đọc thơ tình yêu mà nghe như báo cáo thành tích !

Nhớ đám bạn bè mình thời đó xa quê, lam lũ, cũng tập tành lãng mạn yêu đương. Cả ngày lãng đãng thơ với thẩn. Có đứa thuộc nằm lòng thơ Du Tử Lê, Nguyễn Tất Nhiên, Phạm Thiên Thư, Đinh Hùng ...nhưng chưa bao giờ có dịp đọc cho em nghe. Có đứa đi tìm hoài một nửa của mình, đến lúc ế độ mới giật mình cưới vợ. Có đứa yêu thầm hoài không dám nói, đợi khi em có chồng, bắt đầu làm thơ thất tình, nên trở thành thi sĩ. Có đứa ngỡ mình thi sĩ, tóc tai bù xù, quần áo lếch thếch, làm thơ tặng em giao hàng đến tận nhà. Bị ông bà già em chửi cho một trận đuổi về. Nhờ vậy, tỉnh giấc Nam Kha, đi làm cán bộ mà giờ ngon lành. Cũng có đứa tự cho mình chí lớn cao thượng, tập trung sự nghiệp, đợi lúc thành đạt mới nói yêu em. Ai dè tới khi thành đạt thì em đã là bà ngoại người ta. Nhưng mà vậy mới vui, nhờ vậy mới có chuyện để nói lúc về già. Hồi đó rời quê, mình cũng mê lắm hai câu thơ của Quang Dũng - "Bao giờ ta gặp em lần nữa. Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa". Rồi thoáng vèo một cái đã mấy chục năm trôi qua. Nếu lỡ gặp ai đâu đó, mắt mũi lem hem, chắc gì đã nhận ra nhau. Nên tính ra, phải kính nể cụ Phan Khôi ngày xưa, vẫn tỉnh táo ngon lành, con mắt còn có đuôi khi viết "Tình Già"...
  Đôi cái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung,
       đố có nhìn ra được?
Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi,
       con mắt còn có đuôi...

:-)

Saturday, March 31, 2018

Công bằng ?


Mới hôm rồi về nhà, chạy ngang Cầu Bông mua heo quay bánh hỏi, đi qua Lăng Ông. Vẫn còn tháng Giêng, ghé viếng thăm Lăng chút rồi đi. Dọc đường, cậu tài xế hỏi:
- Sao Lăng Ông thì vẫn còn, mà không thấy đặt tên đường nào cả anh hén ?
Ừ, lâu nay mình vẫn biết thế nhưng chẳng ai hỏi, ai nhắc, rồi cũng quên. Mình nghĩ nếu Sài Gòn mà không có tên đường Lê Văn Duyệt là quá thiếu sót, quá nhỏ nhen.

Một vị Tổng Trấn lâu đời nhất, đã có công kiến tạo Sài Gòn Gia Định phát triển rực rỡ thời ban đầu, khiến người ngoại quốc Anh, Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha ... phải thán phục và tôn kính. Dân chúng ai cũng kính cẩn gọi Ngài là Cụ Thượng. Chính sách an ninh nghiêm khắc, văn hoá an dân, xây dựng thương cảng, giao thương rộng mở, ưu đãi ngoại thương, bình đẳng tôn giáo, bang giao hữu hảo với láng giềng Chân Lạp Xiêm La, nghiêm trị bọn tham quan cửa quyền. Hỏi thử mấy thế kỷ sau, cho đến bây giờ, có bao ngài thị trưởng, đô trưởng, hoặc lãnh đạo của SG, đã có tư duy và tài năng làm được như thế ?

Nội điểm sơ qua cái trí tuệ của các cuộc dẹp loạn bình an dân từ Nam ra Bắc. Cái sáng suốt xây dựng kinh tế thương mại và phồn thịnh đất nước. Cái can đảm dám ngăn vua GL không truyền ngôi cho Minh Mạng. Cái dũng khí xử tử tham quan, kể cả phó tổng trấn Huỳnh Công Lý (cha vợ vua Minh Mạng). Cái sĩ & trung nghĩa của một vị quan vì dân vì nước, không nịnh nọt bợ đỡ bề trên, không sợ cường quyền, không tham nhũng hối lộ.... Bấy nhiêu đó cũng đáng cho người đời tôn kính và noi theo rồi. Thế thì tại sao tên Ông không được đặt cho con đường nào cả, đặc biệt ngay chính trên cái thành phố mà Ông đã có công kiến tạo nên ?

Mình không rõ lắm, nhưng nghĩ có thể là liên quan đến việc làm quan thời Gia Long, chứ không phải vì câu chuyện Lê Văn Khôi. (Mở ngoặc chút, nội cái chuyện Gia Long là công hay tội, mà không biết đã có bao nhiêu sử gia miệt mài năm tháng, rồi mỗi ông nói một nẻo. Người sợ, kẻ làm thinh, tới giờ vẫn chưa dám trả lại sự thật cho lịch sử   :-)). Xưa nay, tất nhiên là đại đa số người dân sống dưới chế độ nào thì phải làm việc cho chế độ đó, đặc biệt là dưới thời phong kiến, mang nặng ý thức hệ bề tôi, quần thần. Có người đi làm vì mưu sinh, vì trách nhiệm. Có người phụng sự vì lý tưởng. Nhưng bên cạnh đó cũng có kẻ chỉ vì cơ hội, hám danh hám lợi, cậy quyền cậy thế, xu nịnh hà hiếp người khác. Quan cũng thế mà vua cũng vậy. Còn triều đại đó có xứng đáng được vinh danh hay không, có đem lại sự thịnh vượng cho nước nhà hay không, lại là một góc cạnh khác. Lịch sử dân tộc nào cũng vậy, cũng sẽ ghi nhận và đánh giá điều đó rõ ràng, cho dù có những giai đoạn bị bóp méo xuyên tạc. Thời nay cũng thế thôi, "ăn cơm chúa phải múa tối ngày", còn chuyện ai tốt ai xấu thì khó lường cho đến khi bị lộ :-). Nhiều quan lại bây giờ có khi còn thua xa các vị quan ngày xưa về sự can đảm, trung nghĩa, lòng tự trọng & ái quốc thương dân.

Vậy thì chỉ vì có định kiến với triều đại nhà Nguyễn (chủ yếu là Gia Long), mà bao nhiêu công trạng của các vua quan nhà Nguyễn, Chúa Nguyễn, đều bỏ cả sao ? Hàng trăm năm mở mang bờ cõi, xây dựng đất nước cho chúng ta có được VN hôm nay, đều xấu cả sao ? Những con đường, những ngôi trường, những đền đài, mang tên Minh Mạng, Duy Tân, Lê Văn Duyệt, Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, Phan Thanh Giản.... đều phải gỡ bỏ hết sao ?
Thực ra nhiều người cũng thắc mắc tại sao triều đại nhà Nguyễn bắt đầu từ vua Gia Long đều không được trọng thị, tất cả tên hiệu của vua quan đều bị gỡ xuống. Có người cho rằng vì triều Gia Long là triều đại phong kiến cuối cùng. Có người cho rằng vì nhà Nguyễn về sau yếu kém nên để Pháp đô hộ. Có người cho rằng vì Nguyễn Ánh đi cầu viện nước ngoài để giành lại đất nước .v.v.... Mình thì luôn nghĩ nên có cái nhìn khách quan vào hoàn cảnh xã hội và chính trị mỗi thời kỳ, cũng như bối cảnh chính trị thế giới của từng giai đoạn lịch sử, để đánh giá công tội của các bậc tiền nhân công bằng hơn. Thời đại ngày nay cũng có những quốc gia trên thế giới nhờ cậy sự giúp đỡ chi viện từ nước ngoài, hoặc dựa dẫm quan hệ quốc tế để giành lại chính quyền, hoặc đi theo chủ thuyết ngoại bang để xây dựng đất nước. Chẳng lẽ đời sau cũng xoá sạch công trạng của họ sao ? Không. Mình nghĩ đời sau phải nên công bằng để luận công và tội của các tiền nhân. Càng không nên gieo vào đầu của những thế hệ trẻ những hận thù vô cớ & những quan niệm dựa trên ý thức hệ sai lệch và chủ quan. Trên thế giới, rất nhiều quốc gia dạy dỗ con nít sự công bằng (fairness) và lòng vị tha (forgiveness) từ hồi còn mang bỉm, mang tã.

Không ai phủ nhận công trạng của các bậc anh hùng tiền nhân đối với đất nước, nhưng cũng phải chấp nhận sự thật rằng ai cũng có những khiếm khuyết nhất định của họ. Vua chúa cũng thế, mà quần thần cũng thế. Ví dụ: Quang Trung tài ba, anh dũng, nhưng khi thành công lại đào mồ các Chúa Nguyễn. Cho nên Gia Long lên ngôi, lại truy sát tận diệt Tây Sơn là thế. Lâu nay vẫn thường vậy, đời sau "xử" đời trước. VN và Tàu ngày xưa luôn luôn bị lôi cuốn vào những bi kịch này, nên nội chiến triền miên, không tận dụng được tính kế thừa, chậm tiến so với thế giới phương Tây. Thử hỏi bao nhiêu công việc bận rộn để trả thù và gieo rắt hận thù như thế, rồi lo xây dựng tượng đài, lo xây lăng tẩm mồ mả, rồi lo dấu đi cho khỏi bị đập phá, lo yếm phong thuỷ địa lý để kéo dài thời đại, lo phô trương, rồi lo đi cầu hàng .....thì còn lại bao nhiêu thời gian để xây dựng đất nước và chăm lo đời sống người dân ? Thực ra Nguyễn Huệ và nhà Tây Sơn anh dũng, giỏi chiến đấu, giành được non sông nhưng lại yếu kém về mặt xây dựng đất nước. Quân đội đa phần là nông dân nổi dậy, chỉ giỏi đánh nhau. Đặc biệt là sau khi vua Quang Trung mất, triều đình suy thoái loạn lạc, tranh giành quyền lực. Người dân phải chịu nhiều khổ lụy, nhất là dân miền Nam và miền Tây Nam bộ, nên họ ủng hộ Nguyễn Ánh phục hưng. Người ta thường nói, đánh lộn thì dễ, làm hoà mới khó. Giành nước thì dễ, xây dựng quốc gia mới khó. Nhưng nếu không biết công bằng giữa công và tội, không phân minh giữa tốt và xấu, thì làm sao làm hoà, làm sao xây dựng kiến tạo ?

Nhớ hồi mình còn nhỏ đi học, học cả Nguyễn Huệ lẫn Nguyễn Ánh. Có những con đường, trường học, căn cứ huấn luyện, mang tên nhà Tây Sơn như Quang Trung, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân ... nhưng cũng có cả tên anh hùng của triều đại Gia Long như Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, Lê văn Duyệt, Duy Tân.... Suy cho cùng, đất nước nào thời đại nào cũng có những anh hùng tận tụy hy sinh vì nước vì dân, vì quê hương đồng bào của họ. Bên cạnh đó cũng không hiếm bọn bán nước cầu vinh, coi tư lợi trọng hơn quốc gia, cơ hội chủ nghĩa.
Thiết nghĩ, những vị anh hùng liệt sĩ hy sinh vì nước vì dân đều đáng được tri ân. Cho dù ý thức hệ có khác nhau, nặng tính triều đại phong kiến, nhưng có xưa mới có nay. Mỗi thời đại lịch sử có những ưu khuyết nhất định của nó, nhưng không nên vì thế mà phỉ báng tất cả công trạng cao cả của họ với đất nước. Lịch sử phải được công bằng nói lên sự thật. Một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ trở thành thế hệ "tiền nhân". Liệu ta có mong muốn thế hệ sau có cái nhìn phiếm diện, thiếu công bằng về những người đi trước hay chăng ? Chết là hết. Thiết nghĩ người chết không ai quan tâm đến công trạng thị phi nữa, nhưng người sống phải có trách nhiệm công bằng với công và tội của tiền nhân. Nghĩ vậy !


Friday, March 23, 2018

Phiếm: Về quê xưa



Mình nhớ có một nhà văn Mỹ nào đó khi trở về quê cũ của ông, đã nói như thế này "When you finally go back to your old hometown, you find it wasn't the old home you missed but your childhood." (Tạm dịch: Cuối cùng khi trở về lại quê mình, mới nhận ra rằng không phải là nhớ ngôi nhà xưa, mà là luyến tiếc thời thơ ấu"). Đúng vậy, mình cũng quan niệm như thế. Dĩ nhiên trong những kỷ niệm của thời thơ ấu, có cả ngôi nhà xưa cũ kỹ của mình.
Riêng mình, cả gia đình cha mẹ đã rời xa quê ấy lâu lắm rồi, cả gần thế hệ. Nơi đó, chỉ còn lại những ngôi mộ của ông bà, người thân, ngày mỗi riêu phong bạc phếch. Thế nhưng lần nào về VN, dù bận bịu thế nào cũng tranh thủ chạy về nơi đó thắp vài cây nhang, chạy xe máy một vòng, bờ đê ruộng lúa, nương mía nương mì, con sông ngọn núi, lang thang.... Xong, lên thị xã uống vội vài ly rượu với bạn bè, rồi đi. Dẫu ở xa cho mấy, rồi cũng thèm về ngồi cạnh mộ ông bà, nhổ cây cỏ, thắp cây nhang, ngồi nhớ lại những quãng ngày thanh bình, êm đẹp.

Mình lớn lên ở quê Ngoại nên không biết nhiều về quê Nội. Quê Nội mình là vùng chiến tranh, mất an ninh, mãi sau năm 1975 mới đến được. Gia đình mình thì gần như bị bắt buộc phải về quê nội ngay sau ngày đình chiến. Ở đó được vài năm nhưng không có nhiều ký ức đẹp đẽ lắm, ngoài những chuyện như cưỡng chiếm ruộng vườn, vô hợp tác xã, chứng lý lịch, hận thù và đố kỵ ....v.v. Quê Nội mình cũng có những cánh đồng mía bát ngát, dòng sông trong vắt lững lờ. Bên kia sông có bờ xe nước đêm ngày thổn thức cạnh luỹ đằng ngà râm mát quanh năm. Nhưng đáng tiếc, những nét đẹp ấy đã sớm bị lu mờ bởi những tranh chấp nghiệt ngã và định kiến nhỏ nhen của những con người thiệt thòi cả về tư duy lẫn ý thức hệ. Điều đó cũng dễ hiểu và dường như là hiện tượng tất yếu sau lưng một cuộc cách mạng vô sản. Một số nước khác trên thế giới cũng từng trãi qua hoàn cảnh tuơng tự như thế, rồi họ thay đổi. Cho nên mỗi lần về đó thắp hương, mình vẫn thương cái nơi chốn ấy. Cầu mong ngày mỗi thông thoáng, tốt đẹp hơn !

Với quê Ngoại thì khác, mình thuộc cả từng cái mương cái hào, bờ tre khóm dứa. Từng phiên chợ chiều, từng ngôi chùa làng, từng mái đình lối xóm. Từng khu gò mả, từng cái chòi canh, từng ao sen bàu cá. Những con đường thân thuộc mỗi ngày Ba La, Vạn tượng, Quán láng, Thu Xà, Tân Mỹ, Phổ An, Hiền Lương, Khánh Lạc, Sung Túc, Hàm Long, Hổ tíu, Phú Thọ .... Đâu đâu cũng có một cái gì còn lại để nhớ để thương. Ngôi nhà Ngoại mà mình đã sống và lớn lên từ nhỏ cũng đã bị đốt cháy, nhưng quả nhiên cái ký ức tuổi thơ vẫn còn mãi mãi .....không ai thiêu rụi được !

Và về quê, thì cũng chỉ cần có thế là đủ. Lần nào cũng vậy, sau khi thắp hương cúng giỗ cho ông bà xong, mình mượn chiếc xe máy chạy một vòng những nơi chốn cũ quen thuộc. Vẫn thế, vẫn nghèo nàn, vẫn thân thuộc, vẫn một mùi lúa rạ, mùi phân bò phân trâu, cỏ rác, khói đốt .... nhưng mà vẫn mê vẫn thích mới lạ. Đôi khi nhớ đến TCS .... "Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy. Một bờ cỏ non một bờ mộng mị ngày xưa ...", rồi lại phì cười một mình. Có lẽ rồi ai ai cũng có một "đường chạy vòng quanh" cho cuộc đời mình, còn vòng quanh đó lớn hay nhỏ lại là chuyện khác :-).

Một người bạn thân thường cứ thắc mắc " ...Sao những người bà con ở gần đấy không làm chuyện mồ mả, mà mày xa xôi thế cứ nhất định phải về ?". Thực ra thì mình cũng chưa bao giờ trả lời cho bạn ấy. Câu hỏi của bạn mình thuộc về vấn đề trách nhiệm và nghĩa vụ. Còn đối với mình, việc chăm sóc mồ mả thờ cúng ông bà, chưa bao giờ là trách nhiệm hoặc nghĩa vụ, mà chủ yếu là vì nhu cầu bản thân. Như một bản năng cần thiết, như con cá hồi có nhu cầu trở về chốn cũ, như con cá thài bai cứ lội ngược giòng trở về cố hương, như một đứa con thèm được một cảm giác gần gũi thương yêu che chở bên cạnh cha mẹ ông bà. Mình từ nhỏ sống với ông bà Ngoại, nên cảm giác thân thuộc đó trở thành một nhu cầu cần thiết. Bởi thế mình ít quan tâm người khác có làm nghĩa vụ ông bà hay không. Nếu có, thì mình vẫn cứ về. Về chỉ để được ngồi cạnh ngôi mộ ông bà ấm áp. Về để được chạy xe máy vòng vòng trên những lối rẽ ngày xưa. Đôi khi không có thời gian, vội vã về vội vã đi, như lần mới vừa rồi cũng vậy, thế mà cứ thích.

Nhưng về quê mà không nói đến con sông quê thì cũng là điều thiếu sót. Nhớ có ai đó đã nói "...trong mỗi con người VN đều có một giòng sông ...". Có lẽ đúng thiệt. Mỗi người VN hình như luôn mang trong mình một giòng sông nào đó. Cho dù có lỡ bồi dâu bể, gương trong soi tóc, hay xuôi ngược lục bình, thì vẫn cứ lững lờ theo suốt hành trình tháng năm của họ. Nên lần nào về quê, dù gấp gáp thế nào cũng ráng ra bờ sông ngồi chút. Con sông bây giờ khác lắm so với con sông ngày xưa ở thời niên thiếu của mình, nhưng vẫn cứ là một hoài niệm bất tử. Mà ngộ, mỗi lúc được im lặng ngồi nhìn giòng sông quê lững lờ, mình cứ nghĩ lung tung về câu chuyện Siddhartha (Tất Đạt) gặp người lái đò Vasudeva (Vệ Sử) trong "Câu chuyện giòng sông" của Hermann Hesse. Một trong những câu chuyện sâu sắc nhất mà mình được đọc ngày xưa. Họ gặp nhau, rồi cả hai cùng làm việc của những người đưa đò và sống trong bình yên và an phận. Họ cùng lắng nghe rất nhiều âm thanh của giòng sông mà ngộ ra nhiều thứ cần thiết trong cuộc sống. Còn mình thì quả nhiên là phàm phu tục tử, ngồi đó hoài chẳng ngộ ra điều gì hay ho. Uống vài ly rượu, vài chai bia, tào lao thiên địa với mấy ông bạn già, rồi lại bỏ đi, hẹn lần sau .....:-) .



Thursday, March 22, 2018

Re-post: Tản mạn cuối năm (1)

Người VN mình bao đời nay vốn quen thuộc với cuộc sống lưu lạc. Chiến tranh, lưu đày, di trú, sinh nhai ... làm cho họ hội nhập & quen dần với những vùng đất mới, kể cả món ăn, ngữ điệu, và phong tục văn hoá địa phương. Đến ngày nay văn hoá ẩm thực phong phú đa dạng, ba ngày tết, kẻ nấu người ăn, món ngon vật lạ, đôi khi chẳng biết xuất xứ tận phương nào. Mà thật ra cũng chẳng cần phải biết !

Nhà mình ở tận vùng cao nguyên nghèo, hẻo lánh. Ở đó người Kinh, người dân tộc, người gốc bắc, trung, nam, đều có đủ. Quanh năm lam lũ, dành dụm cho mấy ngày xuân. Tết về, la cà từ nhà này sang nhà nọ, bạn bè rủ nhau nhậu nhẹt, có gì đãi nấy, cứ thế mà mần. Có khi về đến nhà lại quên mất đã ăn qua món gì. Từ gỏi tré, thịt đông giò thủ, giò bò chả lụa, dưa món củ kiệu, thịt kho hột vịt, giò nấu măng, ba rọi thả mắm ... cho đến khô cá dứa, cá trám kho riềng, cá kèo khô nướng ... đủ món vùng miền, cholesterol các loại. Rượu thì cũng thế, từ vang Đà lạt cho đến rượu dâu tằm, từ bia nội đến bia ngoại, từ rượu đế đến rượu tây, không uống không được. Miền núi vào tiết xuân, trời se lạnh, mưa phùn, sương mù giăng rắc. Chậu mai, cành đào, lan rừng, lan đất, hoa huệ, hoa hồng, thược dược, lay ơn, cúc vàng, cúc tím ... sắc màu rực rỡ. Những phiên chợ cuối năm ở nơi đây luôn làm rạo rực lòng người, ngay cả những thời kỳ đất nước nghèo đói nhất.

Mình lúc nào về nhà, qua đèo Chuối đến đèo BL, cũng ngừng lại la cà hàng giờ, uống cafe ngắm rừng ngắm suối, ăn trái cây. Tuỳ mùa, có khi măng cụt, có khi sầu riêng, có khi chôm chôm, có khi mít tố nữ ... Dân vườn không biết cách chưng bày, nhìn không được đẹp mắt như Bến Thành, Hàm Nghi, nhưng toàn là cây nhà lá vườn, mới hái. Có một món mình thường mua đem về là măng rừng lồ ồ, đặc sản núi rừng. Lúc trước người dân tộc còn gùi ra bán, giờ cũng thưa dần, chỉ còn lại nhiều là măng mạnh tông. Măng khô ở đây cũng rất ngon, mua về hầm giò ăn tết. Bây giờ trên đèo còn có cả nhà hàng cơm lam rau rừng, nhưng cái hương rừng thực sự thì đã bay xa ...

Mấy năm gần đây, đường sá được sửa lại khang trang hơn, đường về nhà tưởng chừng như ngắn lại. Cuối năm lên đèo, cũng ngừng lại như mọi lần. Nhưng những thứ quen thuộc ngày xưa cũng bắt đầu xách gói ra đi. Người du lịch qua lại mua bán ngày càng nhiều, và cái chân thực hồn nhiên của người nhà vườn, của người dân tộc, cũng dần dần thay đổi. Thưa dần những nhánh mai rừng, những giò phong lan bụi bặm, những túi mật ong còn nguyên xác nhộng... Nhưng chuyện đổi thay âu cũng lẽ thường tình !
Tết năm nào về đây cũng thấy lòng mình lãng đãng, thích đi lang lang & nhớ mơ hồ về những điều đã cũ, đã xa. Mới hiểu cụ Vũ đình Liên... hồn ở đâu bây giờ ? Qua Đại Lào nhìn về Phương Bối Am, không biết "Sơn Núi" có còn ở đó ? Nhớ những đam mê một thời "Nẻo về của Ý", "Đường xưa mây trắng"... giờ cũng phai dần theo năm tháng. Nhớ Đại Bình, nhớ giòng Đạ Bin cần mẫn chảy qua núi Spung. Nhớ Dambri có còn những chiếc cầu vồng mịt mờ bụi nước ? Nhớ tiếng chuông Bát Nhã văng vẳng trên đồi mà thưở nào đã hàng giờ ngồi mơ mộng "Hồn bướm mơ tiên " ? Quanh bờ hồ, Viseri và màu sơn mới, những quán cafe sập sình mới mọc. Ngang qua trường Nông lâm súc B'lao, bất chợt đâu đó những khóm hoa vàng, giấy đỏ, giấy trắng, bỗng nghĩ về Trịnh Công Sơn với cao nguyên bụi đỏ sương mù ....

Mà suy cho cùng, về quê ăn tết, cùng chỉ là như vậy. Gặp gỡ bè bạn gia đình, ăn lại món xưa, đi lại chốn cũ, mơ màng chuyện đã qua... rồi lại đi. Cho dù to lớn đến đâu khi về với gia đình cha mẹ, rồi cũng thấy mình non nớt, nhỏ bé như hôm nào. Vẫn ước mơ những điều đơn giản, và vẫn thèm từng món của Mẹ, Ngoại, nấu ngày xưa !


Wednesday, March 21, 2018

Chuyện đời thường ...


(Hình của hai mẹ con Jane & Jenny được anh T chụp hôm cuối tuần rồi, tháng 3/2018)

Năm đó, mình ở Tân Bình, có lẽ cách đây đã hơn mười năm. Có người cho con chó Chiwawa rất đẹp. Đem về, con mình mừng lắm, ngày nào đi học về cũng nựng nịu suốt, đặt tên Jane. Con chó khôn lạ lùng. Mình trước đó cũng từng nuôi qua chiwawa, nhưng chưa gặp con nào khôn như vậy, dù còn bé tí xíu.
Khi nhận Jane về, nghe người cho nói rằng Jane đã qua một đợt chích ngừa ban đầu, nên mình cũng chưa cần đem lại bác sĩ thú y ngay, mà đợi cô nàng lớn lên chút nữa. Mấy tuần sau, bỗng nhiên Jane ngã bịnh nặng, sốt, không ăn uống. Mình vội chở Jane đi bác sĩ bằng xe máy. Đặt trong chiếc giỏ để phía dưới chân xe tay ga, chạy gấp đến phòng mạch BS. Không hiểu lý do gì, mình đang lái xe, thì cô nàng dọt ra ngoài giỏ . Đầu của Jane (lúc đó khoảng 2-3 tháng tuổi) đập mạnh xuống lòng đường, may là những chiếc xe sau né được. Nó nằm ngay đơ, thoi thóp. Mình vội gởi xe lại, đón taxi, ôm nó vào lòng, đem qua nhà ông anh (anh T), nhờ gọi BS thú y đến coi gấp. Anh T nuôi nhiều chó, nên có ông BS thú y ruột, giỏi, thường xuyên chăm sóc, gọi đến ngay.
Ông BS đến khám Jane rất cẩn thận, rồi nói cho mình và anh T, nên tiêm muỗi thuốc cho Jane đi nhẹ nhàng, vì sẽ không thể nào cứu nỗi chú cún đáng thương này. Lúc đó nghe thấy rất đau lòng. Vừa cảm giác bất lực, vừa cảm giác tội lỗi, vì đã không bảo vệ được một sinh mạng nhỏ bé. Vợ chồng anh T thì nói thôi "còn nước còn tát", không chích thuốc, cứ để anh chị nuôi cho đến ngày Jane mất.
Muôn vàn khó khăn để nuôi một cô chó con bị chấn thương sọ não, không mở miệng, không nhai ăn được, lại bị dịch bịnh nặng nề. Cứ vài giờ, phải bơm thức ăn dinh dưỡng và nước vào miệng. Ban ngày đã khó, ban đêm lại càng khó hơn. Hàng đêm vợ chồng anh T thay phiên nhau thức dậy chăm sóc, nửa đêm vài lần, 2-3 giờ sáng. Dạo đó anh chị T có đứa con dâu đang sinh nở. Hôm nào con dâu của anh chị T cũng dành chút sữa Mẹ cho Jane để có thêm dinh dưỡng. Và cứ thế, thức đêm thức hôm, chăm sóc từng ly từng tí như thế mỗi ngày, sữa thuốc đủ loại. Như một phép nhiệm màu, vài tháng sau, Jane khỏi bệnh, cứng cáp, và đứng lên đi lại được. Tuy nhiên, di chứng của chấn thương sọ não, vẫn không chữa được. Jane đi đứng không bình thường, chốc lát lại quay vòng vòng, đập đầu xuống đất. Anh T nhờ người thiết kế cái loa cổ đeo vào, để chống va đập sọ đầu, và tiếp tục chăm sóc tiếp.
Rồi thời gian qua đi, công việc bận rộn, thỉnh thoảng mình ghé thăm anh chị T, thấy Jane vẫn sống, vẫn khoẻ mạnh, vẫn bị động kinh thường xuyên. Thấy thương nhưng cũng chẳng biết làm sao hơn. Cảm ơn anh chị T đã dày công chăm sóc Jane. Ông BS thú y thì cứ vẫn không tin điều đó là sự thật.
Một hôm anh T. gọi báo tin cho mình là Jane vừa hạ sinh được một cô con gái, anh đặt tên Jenny. Mình vô cùng ngạc nhiên, chở thằng con, chạy qua coi ngay. Cô bé con lông màu nâu, đẹp giống Mẹ như đúc. Mình cứ nghĩ như là một thứ nhiệm màu, nhưng lại lo lắng cho vấn đề khả năng làm mẹ của Jane, nuôi nấng và bảo vệ được cho con. Ai dè, chính Jane, một con chó tật nguyền, được sống sót, bị động kinh liên tục, lại là người Mẹ nuôi con giỏi nhất. Nó bảo vệ con rất tốt, và chăm sóc Jenny còn tốt hơn bao nhiêu con chó bình thường khác. Hai mẹ con quấn qúit bên nhau mà sống, vui vẻ mà tồn tại, mà trưởng thành mỗi ngày. Mỗi lúc nhìn thấy hai mẹ con bên nhau, một hình ảnh rất dễ thương và vô cùng cảm động !

Hết thời gian làm việc tại VN, mình về lại Mỹ. Lâu lâu về VN, ghé thăm anh chị T, vẫn thấy mẹ con Jane và Jenny mạnh khoẻ, chạy nhảy vui đùa. Đã mười năm qua đi, cả hai mẹ con đều già đi, nhưng vẫn thương yêu, gắn bó nhau mà sống như xưa.

Gần đây anh chị T dọn về một ngôi nhà, đầy hoa và yên tĩnh. Phía trước là một giòng sông, chung quanh nhà và lối đi nhiều loại hoa, đủ màu đủ sắc, chim chóc hót líu lo cả ngày. Anh T. vẫn làm công việc cho chim ăn mỗi ngày, và dọn dẹp rác trên sông, làm sạch môi trường, làm sạch đường đi. Hàng ngày, ngàn ngàn con chim trời kéo về đó ăn uống rồi bay đi, líu lo ca hát. Mỗi tháng anh phải mua cả mấy tạ lúa cho chim ăn. Lo lắng chim bay đụng cửa kiếng chết, mua giấy màu về, nghiên cứu tỉ mỉ dán ..... Mẹ con Jane & Jenny cũng được đưa về đó, rộng rãi thoáng mát hơn. Vẫn mạnh khoẻ, và thương yêu nhau như ngày nào.

Đôi lúc mình vẫn thường nghĩ về cái nhân đức của con người đời thường. Sẽ không thể nào dựa vào cái nhìn bên ngoài, hoặc những lời nói ngọt ngào bóng bẩy, những cái "tâm, tầm" luôn đưọc kể lể, mà khẳng định được điều gì. Ví dụ như nhìn cái ngoại hình dữ dằn của anh T, đâu có ai thấy được một trái tim nhân hậu núp đằng sau ấy. Nhưng cuộc sống này vốn là thế, không có ai hoàn hảo cả, có người làm tốt chuyện này, nhưng chưa làm tốt chuyện khác. Quý nhau là ở cái tâm hồn của họ. Nên lâu lâu nhìn thấy mấy ông quan chức, trọc phú, mệnh phụ .... phóng sinh cầu phước, trồng cây, làm thiện, chụp hình đưa tin, mình cũng hy vọng một ngày nào đó họ làm thiện với cái tâm thực sự của mình, có lẽ cuộc sống được an vui tự tại hơn.

Mình cũng có bạn bè và quen biết nhiều người thành công trong cuộc sống (đa phần là về mặt vật chất), nhưng một số ít lại thích hơn thua nhau. Vô tình hay cố ý, họ so đo quá nhiều trong cuộc sống, ít chịu hy sinh cho người khác, huống hồ là cho những con vật, cỏ cây vô thức. Mình thực sự không biết sự so đo, hơn thua đấy, có đem lại hạnh phúc gì cho họ không ? Nhưng mình vẫn luôn nghĩ rằng hạnh phúc là những gì mình đang làm chứ không phải là cái đích để đến. Mỗi ngày thấy nhẹ nhàng hơn, tha thứ hơn, ít câu nệ hơn, làm nhiều việc có ý nghĩa hơn, thì đã là hạnh phúc rồi. Trong Đạo cũng có nói khi giúp đỡ người khác hay làm việc tốt, thực ra là đang giúp đỡ chính mình, nên cũng chẳng cần ai đáp trả. Có lẽ đó mới là cái gốc của sự an lạc vậy !







Saturday, February 24, 2018

Phiếm: Quê ta hay hát

Hồi xưa mình chỉ biết dân xứ Quảng thích thơ. Mà đúng vậy, có lẽ Quảng Nam, Quảng Ngãi là những tỉnh có nhiều nhà thơ nhất nước. Nên mỗi lúc nghe người ta nói "Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co", mình cứ nghĩ nếu co cãi vì thơ, thì cũng thú vị chứ sao nê :-). Đã có lúc mình định về quê mở quán nhậu cho khách thơ, giống quán 81 ở SG, nhưng ước mơ chưa thực hiện được, thì bây giờ quê mình đã chuyển sang hát. Đâu đâu cũng hát. Từ karaoke cho đến "hát với nhau", từ chương trình sân khấu cho đến hội thi nội bộ. Từ làng karaoke, tụ điểm, phòng trà, quán cóc, khu phố, cho đến tư gia. Từ thành thị cho đến nông thôn, từ vùng biển cho đến miền núi, vùng sâu vùng xa... đâu đâu cũng nghe tiếng hát, giọng ca. Tết nhất, lễ lộc, thôi nôi, đầy tháng, tất niên ... nhiều nhà nhiều xóm còn mướn cả băng nhạc về hát, chỉa loa kẹo kéo qua nhà hàng xóm bắt nghe. Cũng là có ý tốt giúp láng giềng thử thính lực và rèn luyện đức tính kiên nhẫn. Mà phải công nhận là quê ta nhiều người hát hay. Khi hát thì cái chất giọng miền Trung của con trai ấm hẳn ra, con gái thì mượt mà trong suốt, nhún nhẩy điệu đà. Cái ngữ âm lúc bình thường nói khó nghe, nhưng khi hát tự nhiên bay mất. Nên đôi khi yêu cầu họ hát giọng Quảng chính gốc, còn khó khăn hơn.

Mình lần nào về quê mà có dịp ngồi lai rai với bạn bè, thì cũng có chút văn nghệ văn gừng. Kiếm cái đờn guitar, rồi thì tha hồ mà QN nhớ thương, QN anh hùng... Cái món đặc sản đờn ca tài tử trong bàn nhậu của dân miền Tây giờ mất độc quyền rồi. Quê mình miền Trung cũng dữ dằn không kém. Mà thời buổi này muốn nghe đờn ca tài tử cũng không cần về đến miền Tây. Nhiều ông bạn mình ở SG cứ hát "Đã bao lâu rồi không về miền Trung thăm miền Tây". Mà về tới rồi thì cứ hát. Không hát tăng một, thì cũng hát tăng hai, có khi còn hát cả tăng ba. "Hát ngày chưa đủ, tranh thủ hát đêm, lại thêm tròng bóng !". Nhiều bạn luyện sẵn dăm ba bài tủ (bài ruột), đến hẹn lại lên, cứ thế mà hát. Hát hoài, thành thương hiệu riêng như .... anh T "Đời tôi cô đơn", chị H "bolero", ông N "Lá ngọc cành vàng", thằng C "Riêng một góc trời" ..vv. Có lần đi ăn tiệc, nghe nói bạn kia tới nơi, đã có người lỡ hát bài ruột của hắn trước rồi, thế là tức giận bỏ về. Mình tính chạy theo năn nỉ kêu lại mà không kịp. Còn chuyện hát hay dở thì không dám bàn ở đây, trầm bổng bất thường cũng là chuyện hên xui. Bạn bè thì có đứa hát hay, có đứa hay hát. Có đứa ban đầu thì e lệ mắc cỡ, nhưng hát qua vài bài, xin nó nhường lại cái mic cũng khó. Có đứa lỡ lên sân khấu rồi, còn lâu mới chịu xuống, hát miệt hát mài, chỉ có cách cúp điện, hoặc nhờ bảo vệ kéo xuống. Nghe nói ở quê có nhiều vụ đánh lộn, hàng xóm bất hoà, cũng vì tranh nhau mà hát. Mấy đứa đi xa như mình, lâu lâu về quê luôn được bạn bè tặng những bài xứ Quảng, đầy tình cảm. Có bài mình được tặng đến cả vài chục lần. Còn đi xe lửa thì mới vô địa phận Sa Huỳnh là đã nghe "...anh từng nói với em về QN ...Ba Tơ, Sơn Mỹ, ghi sâu nợ máu không nhoà...". Đi máy bay thì vô ga Chu Lai đã nghe "...các anh về đây quê hương chào đón ...núi Ấn sông Trà mai này sẽ nở hoa..". Máu lửa và hứa hẹn !

Mà không phải chỉ dân quê ta ở trong nước mới thích hát nghen. Đi đây đi đó, vô SG ra Hà nội, ra đến nước ngoài cũng thế. Cứ cafe thì có nhạc nghe, cứ bàn nhậu thì có nhạc hát. Nhiều nhà còn tậu cả dàn karaoke bên VN đem ra nước ngoài, cập nhật nhạc vàng, nhạc đỏ, đủ loại. Tối hát, cuối tuần hát, tiệc hát, nhậu hát .... Hàng xóm Tây, Mỹ gì lần hồi rồi cũng phải biết cái văn hoá hay hát của dân ta.

Hát riết đâm ghiền. Mình quen biết nhiều ông anh, bạn bè, ở nước ngoài, cứ mong ngóng về quê để được đi hát. Mấy đứa bạn quen ở SG cũng vậy, lâu lâu xin vợ về quê, để nhậu rồi hát. Hát hay không bằng hay hát. Nhưng có đứa bao nhiêu năm cũng vẫn một vài bài tủ, không ai dám xâm phạm đến chủ quyền lãnh thổ của nó. Còn có đứa lâu lâu gặp lại, hát hay nghe đến ngỡ ngàng. Mình thuộc loại khô khan, mà đôi khi nghe lòng còn muốn tái tê, huống chi là mấy cô gái thích thơ yêu nhạc. Nhiều anh ở xa về quê, chạy làm tô don cái bánh tráng, hay dĩa bê thui, rồi đi hát. Chiều về làm dĩa ram nướng hay mấy cái bánh xèo, rồi đi hát. Sáng xuống Mỹ Khê tắm biển, làm mấy chén bánh bèo hay tô cháo, rồi đi hát. Ai khen thì vui chóng, ai chê thì giận lâu. Hát riết cũng đâm ghiền, mà nghe riết cũng quen tai. Như mình bây giờ về quê lúc nào cũng thủ sẵn cái album "QN nhớ thương" của cô ca sĩ Quảng ...Ninh. Không ai hát, thì mình cũng tự nghe :-).

Mà dân quê ta hát nhạc cũng chọn lọc kỹ càng, đôi khi còn có chút kỳ thị. Có khi bạn bè chơi chung, cũng lựa người cùng gu nhạc mới thân nhau. Nào là gu nhạc sến, nhạc sang, nhạc mùi, nhạc thính phòng, nhạc Pháp, nhạc Mỹ, nhạc Tàu, nhạc Tây Ban Nha, đủ loại. Từ Abba, Eagles, Beatles, Bolero, Slow, Rock, Pop ...cho đến Classic, New Wave, New Age ... Thế hệ lớn chút thì chơi nhạc tiền chiến, nhạc ngoại thập niên 60,70. Trẻ hơn chút thì Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương, Vũ Thành Anh, Lam Phương, Anh Bằng, Nhật Ngân... Trẻ nữa thì  Phú Quang, Thanh Tùng, Trần Tiến, Diệu Hương ... Và dĩ nhiên là không quên các nhạc sĩ quê nhà, cây nhà lá vườn như Trương Quang Lục, Đình Thậm, Thế Bảo, Hà Chương, Nguyễn Tuấn, Phạm Đăng Khương, Vân Đông, Dương Quang Hùng, Đông Sơn, Trần xuân Tiến, Trần xuân Tiên ...nhiều, nhiều lắm. Đó là chưa kể nhiều bài nhạc tự biên tự diễn, cứ có thơ là có nhạc. Mà riêng về cái khoảng thi sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ, võ sĩ, thì quê mình phong phú nhất :-).

Mình thì chả có gu nhạc gì, cứ ai hát hay thì mình nghe. Mà cũng lạ, hồi trẻ thích nghe đủ thứ, đủ loại nhạc. Bây giờ tóc muối tiêu, mỗi khi về quê lại thích nghe bolero. Có nhiều đứa bạn uống vài chai bia vô, hát "..giọt lệ đài trang, những đồi hoa sim, đôi mắt người xưa ...", nghe lâm ly, mùi mẫn, đứt ruột đứt gan, chịu không thấu. Nhiều người chê nhạc Bolero là dòng nhac bình dân, nhạc sến. Nhưng bây giờ mình lại thấy dễ nghe, hợp tâm trạng mấy đứa bạn già. Hôm rồi coi báo QN, thấy có đăng chuyện "Không ít những cặp đôi trí thức 70, 80 tuổi tối hằng tuần vẫn đèo nhau đến các tụ điểm để nghe và hát nhạc “sến” trong đó có bolero". Mình nghĩ nghe nhạc mà phân biệt trí thức, trí ngủ gì ở đây. Bảy, tám chục tuổi mà còn đèo nhau được là bảnh rồi, sá gì nhạc sang, nhạc sến. Nhạc nào đi vào lòng người dễ dàng, thì họ nghe thôi. Ai cũng có quyền bình đẳng thưởng thức cái hay và sống với cảm xúc của họ. Âm nhạc là thế. Đừng quên, đa số những nhạc sĩ, ca sĩ, nổi tiếng trên thế giới đều không thuộc về giới "trí thức". Ngay cả việc đi nghe nhạc, mà cũng phân biệt giới cấp, thì ông nhà báo đó phải coi lại quan niệm của mình. Cũng có khi vì nhiều người quan niệm như thế, nên nước nhà đang bị lạm phát "trí thức", tiến sĩ,  giáo sư ... :-)