Showing posts with label Chuyện quê nhà. Show all posts
Showing posts with label Chuyện quê nhà. Show all posts

Wednesday, January 05, 2022

Phiếm: Chuyện trên trời



Đầu năm dương lịch, truyền thông và báo giới các nước Tây phương thường đăng tải nhiều tin tức, bài viết rất hay về những dự đoán hoặc kế hoạch phát triển trong năm mới ở nhiều lãnh vực khác nhau như kinh tế, tài chánh, khoa học, xã hội, công nghệ kỹ thuật.... Mở những trang mạng quê nhà, cũng thấy nhiều chuyện lạ, tin lạ. Nhưng có nhiều tin tức đọc xong không biết phải nói như thế nào ? Thôi thì "mạng" của ta ta cứ đọc, tin của ta ta cứ tin. Hy vọng mai này VN có cái mạng xã hội riêng, thì cứ tha hồ mà đăng tin trên trời dưới đất. Nhớ cách đây mấy năm, ông bộ trưởng 4T của VN tuyên bố đến năm 2020 số người dùng mạng xã hội Việt Nam sẽ đạt 90 triệu. Năm nay bước sang 2022 rồi, trễ chút nhưng chắc là cũng đã sắp tới đích. Hãy kiên nhẫn đợi thôi !

Cũng nhân nói đến những chuyện ở tương lai, mình bỗng nhớ đến vài cơ duyên cũ. Mấy chục năm trước mình may mắn được nghe 2 buổi nói chuyện khoa học về "thì tương lai", mà tới giờ này vẫn còn nhớ. Một là của ông T/S Nguyễn Hoàng Phương, nói về trường Sinh Học (chữ "trường" ở đây giống như trường điện từ, từ trường trong vật lý, chứ không phải là trường sinh bất tử). Nghe nói ông T/S NHP từng học ở đại học Lô-mô-nô-xốp ( Lomonosov Moscow State University). Đó là vào đầu thập niên 80, ông NHP vào SG và có buổi nói chuyện với giới SV về đề tài "trường Sinh học". Thực ra hồi đó nghe đề tài này, ai cũng mắt mũi tròn xoe, lạ quá và hấp dẫn quá. Nhớ là đến cuối buổi nói chuyện, ông ta còn nhắc nhở đây là những chuyện khoa học có thực, tuy nhiên còn đang ở giai đoạn nghiên cứu, cho nên không phù hợp phát tán ở môi trường đại chúng. Dạo đó, mình cũng rất quan tâm theo dõi đề tài này, nhưng rồi nhiều năm trôi qua, cũng không nghe tin tức gì thêm. Sau này về lại VN đi làm, nghe tin ông đã qua đời. Còn đề tài trường Sinh Học của ông cũng không nghe nói đến nhiều nữa, ngoài những chuyện của các nhà ngoại cảm đi tìm mộ, hoặc chuyện cầu hồn lên đồng ở các tỉnh miền Bắc. Nhớ là khoảng năm 2006 hoặc 2007 gì đó, mình có cơ hội gặp được ông T/S V.T.K là sếp lớn của ngành "vật lý ứng dụng" tại VN. Có hỏi thăm ông về sự phát triển của lãnh vực trường Sinh Học, nhưng chắc có lẽ đây là những chuyện "bí mật quốc gia" của VN, nên ông cũng không tiết lộ gì.

Buổi nói chuyện thứ 2 thì rộng lớn hơn nhiều, truyền thông truyền hình các kiểu. Đó là buổi nói chuyện của T/S Carl Sagan vào khoảng năm 1990 tại trường NC State University (Mỹ). Thực ra mình cũng không biết phải gọi ông Carl Sagan như thế nào cho đúng. Nhà bác học, nhà khoa học, nhà thiên văn học, nhà vũ trụ học ... hay là tác giả, học giả nổi tiếng chăng ? Tóm lại, tên tuổi không quan trọng lắm, nhưng ông là một người mà mình rất kính trọng. Và có lẽ rất nhiều người cũng nghĩ như vậy. Cái mình nể trọng nhất ở ông là ông có thể biến những câu chuyện trên trời thành những câu chuyện dưới đất, cho những con người bình thường nhất như mình có thể hiểu được về cái vũ trụ chung quanh. Đúng là nhiều đề tài ông nói vào thời đó còn quá xa lạ với người nghe, ngay cả với giới khoa học. Thế nhưng cho đến ngày hôm nay, nhiều vấn đề lần hồi được sáng tỏ và xác thực hơn, từ chuyện biến đổi khí hậu cho đến những khám phá vũ trụ, sao Kim, sao Hoả. Ông cũng là một trong những nhà khoa học hiếm hoi dự đóan đúng về cách thức ứng xử của con người trong xã hội tương lai. Điều mà gần đây, trong thời kỳ "fake news" và dịch bệnh hoành hành, nhiều người và báo chí thường nhắc nhở đến. Carl Sagan luôn cho rằng khoa học không phải chỉ là kiến thức mà còn là phương cách suy nghĩ, tư duy ứng xử. Chính tư duy, cách hiểu, và sự cảm nhận của con người đã tạo ra thế giới chung quanh. Rất thú vị vì đây cũng là điểm tương đồng với quan niệm của Duy thức học (Consciousness-only school) trong PG. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với những quan điểm này, nhất là ở một số tôn giáo có những đức tin khác biệt hơn. Ví dụ như đoạn trích một phát biểu của Carl Segan mà gần đây nhiều báo đài thường nhắc đến, vì có vẻ phù hợp với hoàn cảnh xã hội hiện nay. 

“I have a foreboding of an America in my children’s or grandchildren’s time — when the United States is a service and information economy; when nearly all the key manufacturing industries have slipped away to other countries; when awesome technological powers are in the hands of a very few, and no one representing the public interest can even grasp the issues; when the people have lost the ability to set their own agendas or knowledgeably question those in authority; when, clutching our crystals and nervously consulting our horoscopes, our critical faculties in decline, unable to distinguish between what feels good and what’s true, we slide, almost without noticing, back into superstition and darkness.”

Nhưng dĩ nhiên không phải chỉ có Carl Sagan, mà còn có bao nhiêu nhà khoa học, bác học, thiên văn học khác cũng nổi tiếng không kém. Ai cũng có những di sản nghiên cứu quan trọng để lại cho đời sau. Tất nhiên nhiều dự đóan hoặc công trình nghiên cứu của họ ở vào thời điểm nào đó, có thể cũng chỉ là những chuyện trên trời, những điều chưa hề được khám phá trước đó. Nhưng rồi lần hồi những lý thuyết này đã được thế giới khẳng định và ứng dụng, đem lại nhiều lợi ích cho xã hội loài người hôm nay. Nào là Einstein, Nikola Tesla, Neil deGrasse Tyson, Payne-Gaposchkin, Stephen Hawking, Clyde Tombaugh, Harlow Shapley ...v.v.. ai cũng để lại những công trình nghiên cứu mà ngày nay NASA cũng như các cơ quan vũ trụ khác, các nhà nghiên cứu, khoa học, bác học, hoặc các trường đại học đều rất trân trọng.

Nhưng đó là những chuyện trên trời có thực của thế giới. Còn ở quê ta khi nói đến "chuyện trên trời" là để ám chỉ những câu chuyện không đâu vào đâu. Quả thực nhiều khi coi báo coi đài, thấy nhiều tuyên bố hùng hồn, nghe cứ tưởng như thực, nhưng rồi một thời gian sau chuyện trước mắt lại trở thành những câu "chuyện trên trời". Bao năm trôi qua, vẫn là điệp khúc "vũ như cẩn", nói cho có nói, nói hết hồi thì thôi. Còn những câu chuyện thành tích to nhất, dài nhất, giỏi nhất, nhiều nhất, lớn nhất, hay nhất, ngon nhất ..v.v..thì gặp hoài. Thỉnh thoảng lại được nghe, được thấy, được nhắc trên báo trên đài. Đặc biệt là phát biểu của một số chư vị quyền cao chức trọng. Theo mình thì kiểu tuyên bố tự sướng, thiếu trách nhiệm như vậy sẽ lợi bất cập hại, làm mất lòng tin đối với người dân. Thời buổi này dân trí cũng khác, thông tin cũng dễ dàng kiểm chứng hơn. Tuy nhiên có thể là vì những lý do đặc biệt nào đó, mà cho đến nay vẫn còn tình trạng nói gà nói vịt. Mới đây nhất là vụ bộ kit thử Việt Á, tuyên bố kết quả chính xác 100%. Trong khi đó những chuyện đơn giản hơn như là sản xuất ở đâu, từ nhà máy nào ở VN ? ai là chủ nhân thực sự của nó ? Không xưởng, không công nhân mà sao vẫn được huân chương lao động ...v.v...thì đến nay vẫn chưa biết ! Còn chuyện chất lượng chính xác mà đến 100% thì thế giới đã xin chào thua VN rồi :-).

Công bằng mà nói thì những câu chuyện “trên trời” ở bàn nhậu hoặc chém gió trong giới bình dân thường ít được thiên hạ quan tâm như những câu chuyện ở chốn quan trường, hoặc những đề tài quốc gia đại sự. Và ngay cả trong thế giới tâm linh của tôn giáo, nơi đức tin được gởi gắm một cách tôn nghiêm, vẫn nhiều lúc bắt gặp những câu chuyện hoặc bài thuyết giảng rất “trên trời”. Thỉnh thoảng có nghe được một số bài nói chuyện của các vị “sư phụ” trên YouTube về các vấn đề như thế giới cõi âm, oan gia trái chủ…rất ư là hoang đường. Nhiều ông “sư” còn đem cả ông "Phật" ra để giảng kinh tế thị trường định hướng XHCN, hoặc chuyện ứng dụng tâm linh ma quỷ vào tình báo quốc tế ..v.v.. Thú thật là không biết những chuyện hoang đường như thế đã dựa trên cơ sở nào, và sẽ giúp ích được gì cho người tu tập? Còn nói đến những chuyện hoang tưởng về thành tích ảo, chính trị chính em vô căn cứ, với mục đích chỉ để lai chim lai chuột, "câu view" trên mạng thì nhiều vô vàn, khỏi bàn cãi. Mà đó không phải chỉ là chuyện ở trong nước, ra đến nước ngoài cũng gặp nhiều câu chuyện “trên trời” như vậy, nhản nhản khắp nơi, không ngoại lệ. Chỉ cần vô YouTube rảo bước một vòng biết bao nhiêu kênh tin tức nói chuyện trên trời :-). Ai nghe được cứ nghe. Ví dụ cách đây không lâu, gặp nhiều đồng hương hoặc kênh tin tức tiếng Việt khẳng định như đinh đóng cột, bầu cử ở Mỹ đã bị đánh tráo. Rồi nào là thuyết này thuyết nọ, thu giữ máy đếm phiếu, thiết quân lực, đảo chính, thiên sứ sẽ xuống trần tát cạn đầm lầy ..v.v.. Đến hôm nay gần cả năm trôi qua, thậm chí ngày mai là kỷ niệm một năm ngày bạo loạn ở quốc hội Mỹ, mà "thiên sứ" vẫn còn kẹt ở trên trời, chưa xuống trần gian được. Nhiều ông VK còn tuyên bố chính mắt thấy số phiếm đếm bị thay đổi trên TV, nhưng đến nay, ban điều tra kiếm người ra làm nhân chứng thì lại không thấy ai lên tiếng cả :-) .

Tất nhiên thực tế thì ai muốn phán cứ phán, tự do ngôn luận, còn mọi việc thì vẫn cứ đổi thay, vũ trụ vẫn cứ tuần hoàn theo cách vận hành của nó. Có những quy luật tự nhiên của tạo hoá mà không ai có thể thay đổi được. Nói đâu xa, mới cuối tuần rồi ở miền Đông nước Mỹ, đêm giao thừa tết Tây ấm áp lạ thường, ngày hôm sau tuyết rơi phủ trắng, xe cộ bị kẹt đầy xa lộ. Nói xa hơn chút nữa, cách đây không lâu, con người cho rằng phân tử (molecule) là dạng vật chất nhỏ nhất. Nhưng sau đó không lâu lại tìm ra nguyên tử (atom), và khẳng định đó là phần tử nhỏ nhất. Rồi bây giờ thì loài người lại tìm ra những thứ khác nhỏ hơn nữa, như là hạt lượng tử Quark, Neutrino v.v... Ngày mai này ra sao, đâu ai dám chắc điều gì ? Một năm nữa lại trôi qua, đầu năm dương lịch, cũng là cuối năm âm lịch. Cả thế giới vẫn còn gian nan đối phó dịch bệnh, chưa biết bao giờ mới hết. E rằng sẽ còn nhiều diễn biến mới lạ xảy ra. Bên cạnh đó thì công nghệ vẫn cứ phát triển ào ạt, chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới. Mà thay đổi nào thì cũng có tính hai mặt của nó, tốt có xấu có. Chỉ mong thế giới sẽ có nhiều chuyện vui hơn. Cũng mong là sẽ đọc được nhiều tin vui ở quê nhà, thực tế hơn, gần gũi hơn, và ít bay bổng ảo tưởng như những "chuyện trên trời" nữa :-). 

Chợt nhớ đến một mẫu chuyện vui nho nhỏ. Có chú muỗi con lần đầu được bay solo (một mình) vào một hội trường rộng lớn. Về nhà tự hào, chân thật kể cho gia đình bạn bè nghe:

- “Mọi người có biết không, hôm nay tôi bay vào tham quan một đại hội toàn những quan chức tai to mặt lớn. Vậy mà bay tới đâu, cũng được mọi người vỗ tay hoan hô chào đón !”. 

Trong khi đó, muỗi cha muỗi mẹ và những con muỗi khác hiểu chuyện, vừa nghe kể mà vừa hú hồn sợ hãi :-). 

Thôi phiếm chút cho vui, chúc mọi người một tuần an lành!

PN

Tuesday, December 28, 2021

Tản mạn - Món quà Noel ..

 


Mấy tuần qua ai cũng bận rộn lễ lộc. Trang hoàng, dọn dẹp, quà cáp, tiệc tùng, ăn uống với bạn bè đồng nghiệp … cũng đủ lu bu, hết ngày hết giờ. Vào mùa này ở Mỹ thiên hạ náo nức xôn xao giống như tháng Chạp bên VN. Chỉ khác nhau chút là bên này vào những ngày cuối năm, tiệc tùng quà cáp, thì nhân viên hoặc cấp dưới không cần phải cho quà cáp, hoặc biếu bìa thư cho cấp trên, sếp lớn. Mà ngược lại, làm sếp thì phải dẫn nhân viên đi ăn đi uống, hoặc cho quà. Nhưng đó cũng chỉ là số ít thôi. Năm nào ngon lành (như "trúng số đề", trúng cổ phiếu, tiền thưởng rủng rỉnh) thì sếp mời cả gia đình của nhân viên, khách khứa đối tác, bạn bè. Còn năm nào làm ăn xìu xìu, kinh tế khó khăn, thì cứ nhóm nào chơi theo nhóm đó, ăn uống nhanh gọn, trao quà trao thiệp cho nhau, hoặc ôm nhau cái rồi thôi, mạnh ai nấy về. Chứ chẳng có tăng hai tăng ba gì :-).

Nói chung mùa lễ Noel ở mấy nước phương Tây chủ yếu là gia đình bạn bè người thân gặp mặt, tận hưởng không khí lễ hội ấm áp, thân thiện và cởi mở với nhau. Chứ ngày Noel không nhất thiết mang ý nghĩa tôn giáo, và không chỉ dành riêng cho người có đạo. Tuy nhiên có một số ít tôn giáo hoặc gốc dân di trú khác như Do Thái giáo, Hồi giáo ...họ không ăn mừng Giáng sinh, mà coi mùa này như một kỳ nghỉ phép thường niên, hoặc có những ngày lễ hội riêng của họ như Hanukkah chẳng hạn. Một lý do nữa là vì Noel cận với Tết Tây, nhiều gia đình hoặc công ty thường sắp xếp nghỉ ngơi dài ngày để đi chơi hoặc thăm viếng gia đình bạn bè, nên càng làm cho không khí lễ hội rộn ràng hơn.

Cũng vào mấy dịp này, thì các bà các cô tha hồ đi shopping mua sắm, còn cánh đàn ông thì ngược lại, đa số ngán ngẩm, bị nhiều áp lực vì chẳng biết phải mua quà cáp gì cho đúng. Rất may là những thập niên gần đây, có người phát mình ra "gift card”, nhất là gift card online. Quả là một phát minh vĩ đại, cũng không thua kém gì "keo dính chuột" bên nhà :-).
Còn nói đến quà cáp Noel, thì ôi thôi, cứ đến hẹn lại lên, muôn màu muôn vẻ. Năm nay dịch bệnh hoành hành, chủng mới Omicron phát tán mạnh mẽ, nhưng vẫn không làm yếu đi sức mua sắm của người dân Mỹ. Hàng năm cứ vào dịp này, có nhiều nhà sản xuất, công ty thương mại bị "cháy hàng", còn nhiều người đi mua thì ngược lại, bị "cháy túi". Gần đây dịch bệnh kéo dài, cả thế giới bị khủng hoảng vận chuyển, chuỗi cung ứng, và nhân sự. Cho nên năm nay nhiều công ty thương mại và dịch vụ, đã rối lại càng thêm rối. Có nơi nhận đơn mà không kịp giao hàng hoặc không có hàng để giao. Nhưng đành chịu thôi, con người rồi cũng phải tập quen dần với những biến động của xã hội, và phải biết học cách nhẫn nại hơn ... để khỏi bị "chét" (stress) :-) . 

Nhắc chuyện cũ, nhớ đến cái thị xã ngày xưa mình ở, vỏn vẹn chỉ có 2 cái nhà thờ Roman Catholic, cái cũ cái mới. Thêm cái nhà thờ Tin Lành có trường trung học đệ nhất cấp. Đi ngang mỗi ngày, nhưng cả năm chỉ đến dịp Noel mới có dịp dừng lại, hoặc đi vào bên trong ngắm đèn ngắm hoa, ngắm Chúa Hài đồng trong hang đá máng lừa. Trong xóm mình, có cụ ông tên T làm "ông Trùm" cho cái nhà thờ Cũ. Ngày ngày hai buổi ông ăn mặc nghiêm túc chỉnh chu, cần mẫn chăm lo công việc giáo xứ. Bất kể nắng mưa, ông đúng giờ như một chiếc đồng hồ Thuỵ sĩ. Cả xóm mình ai cũng quen thuộc với tiếng chuông báo lễ nhà thờ. Sớm chiều hai buổi, nhiều người dựa theo tiếng chuông để thức dậy, đi làm, đi học, mở cửa hàng quán, cho heo ăn, cho gà ăn ...v.v. Tuổi thơ của mình luôn coi Cụ T. là một biểu tượng cho đức tin, dâng hiến, và sự tận tụy. Sau năm 75, cả xóm tản mác, kẻ ở người đi, hàng xóm không còn gặp nhau từ dạo ấy. Cụ T có mấy người con làm sĩ quan lớn cho chế độ cũ, có lẽ gia đình đã phải trãi qua nhiều biến động. Còn phần ông ấy chắc hôm nay cũng đã về với Chúa !

Và đó cũng là những gì mình biết về "đạo Chúa" ngày xưa. Bởi vậy những chuyện như tổ chức Giáng sinh, Réveillon, quà cáp Noel...v.v... là những thứ xa lạ đối với tuổi thơ của mình. Mãi cho đến khi lên SG đi học, thì mới bắt đầu làm quen với những điều này. Mình có người bạn học, gia đình đạo gốc, mấy anh em đều chơi đàn cho nhà thờ ở Tăng Nhơn Phú, gần trường sĩ quan Thủ Đức cũ. Mình cũng thường về đó chơi, nên lần hồi biết được thêm nhiều nghi lễ và giáo lý trong đạo. Thời đó mình cũng có nhóm bạn rất thân ở SG. Đứa sinh viên, đứa đạp xích lô, đứa học nghề, đứa kinh doanh, đứa thất nghiệp, đứa công nhân, đứa chờ thời .... nói chung là đủ ngành nghề, nhưng lại rất gắn bó với nhau. Cả đám thường xuyên gặp mặt mỗi tuần. Đặc biệt là những dịp lễ lộc như Noel hoặc tết nhứt, thì hẹn hò la hét thâu đêm suốt sáng. Những quãng ngày đầy ắp kỷ niệm đó dễ gì quên được !

Còn nói đến quà Noel, nhớ lần đầu tiên nhận được tấm thiệp của người cô từ bên Mỹ gởi về. Rất quý, mình giữ mãi, bao nhiêu năm trôi qua, vẫn còn nhớ rõ như in cái hình ảnh đó. Một món quà nữa là vào dịp Noel đầu tiên trên đất Mỹ. Mùa Đông năm đó, gần lễ Giáng sinh, và cũng là lần đầu mình nếm mùi "bão tuyết". Vốn chưa có kinh nghiệm, đến trường vô tình đậu xe ở chỗ trũng. Ra khỏi lớp, tuyết phủ ngập gần hết chiếc xe, không lấy xe ra được. Lội bộ đi đến chỗ làm. Đến nơi, hai lỗ tai lạnh cóng, tím tái không còn cảm giác. Mấy hôm sau, nhân ngày Noel, ông chú làm việc chung, một cựu sĩ quan VNCH, tặng mình chiếc nón len "thầy chùa" có hình logo của đội Redskins. Rất xúc động và vô cùng trân quý, cho dù món quà không đáng là bao. Ở thời buổi chân ướt chân ráo mới đến Mỹ, vui buồn lẫn lộn, tình người là những thứ vô cùng cần thiết và quý báu. Hàng năm vẫn có những món quà Noel khác từ bạn bè và người thân, dẫu có nhiều món giá trị hơn nhiều về mặt vật chất, nhưng rồi vẫn không sao quên được 2 món quà đầu tiên đó. Quả nhiên trong cuộc sống có những điều rất ư là giản dị, nhưng lại đi mãi với chúng ta suốt cả hành trình cho dù vật đổi sao dời !

Mấy hôm nay gia đình mình nghỉ lễ Giáng Sinh ở Savannah, tự nhiên lại lan man nghĩ đến chuyện quà cáp của ngày xửa ngày xưa. Chắc có lẽ vì bản thân thành phố Savannah cũng là một món quà Noel rất đặc biệt của lịch sử nước Mỹ. Nhắc lại chút, nhưng những ai có đọc qua lịch sử nước Mỹ, chắc cũng từng nghe qua câu chuyện này. Chuyện xảy ra vào thời Civil War, chiến tranh Nam Bắc ở Mỹ. Vào năm 1864, quân đội miền Bắc (Union) do tướng William T. Sherman chỉ huy, đánh chiếm Atlanta thuộc tiểu bang Georgia ngày nay. Sau đó, một chiến dịch bạo lực và thần tốc nổi tiếng của tướng Sherman, gọi là "March to the Sea", được chính ông dẫn quân bắt đầu từ thành phố Atlanta kéo ra bờ biển Đại Tây dương. Đi tới đâu tàn phá và hủy diệt đến đó. Ý định của tướng Sherman là thị uy biểu dương sức mạnh để uy hiếp quân đội miền Nam (Confederates), hòng chấm dứt chiến tranh sớm. Gần 6 tuần vừa di chuyển vừa tàn phá, thiêu hủy, không thèm đếm xỉa và liên lạc với ai. Cuối cùng quân đội của tướng Sherman đã đến thành phố Savannah vào trước ngày Noel (22/12/1864). Nhưng chính nơi đây, vẻ đẹp thanh bình của thành phố này đã làm ông chùn tay, không đốt phá nữa. Và đích thân tướng Sherman đã viết lá thư dâng tặng thành phố Savannah cho tổng thống Lincoln như một món quà Noel vào năm đó. Nguyên tác bức thư là “I beg to present you as a Christmas gift the city of Savannah with 150 heavy guns & plenty of ammunition & also about 25000 bales of cotton”. (Tạm dịch là: Tôi xin trân trọng dâng lên Ngài một món quà Giáng Sinh, thành phố Savannah với 150 súng pháo hạng nặng và đạn dược cùng với 25,000 thùng vải sợi). Bức thư được chuyển bằng tàu chiến lên Fort Monroe ở bang Virginia, để đánh dây thép cho kịp đến tay T/T Lincoln vào ngày lễ Giáng sinh năm đó. Một sự trân trọng của kẻ thắng cuộc, và cũng là sự lãng mạn bất ngờ của một vị tướng kiêu ngạo đầy bạo lực ! (Xin coi bản copy nguyên gốc của lá thư nằm ở phần đầu của bài viết này)

Dĩ nhiên là trong lịch sử chiến tranh thế giới, những kiểu ứng xử tương tự như tướng William T. Sherman cũng không phải là hiếm lắm. Thực tế xưa nay có nhiều vị danh tướng đánh đấm giỏi nhưng chưa hẳn là biết cách trị quốc an dân. Ngược lại có những người chưa hề đánh đấm lâm trận, chưa hề biết “thắng thua”, giết chóc là gì, nhưng lại có khả năng trị kỹ đất nước, có tâm có tầm trong công việc điều hành và lãnh đạo. Lòng thương dân yêu nước của họ khiến cho người đời kính phục. Ông Lincoln được coi là một trong số đó. Bởi vậy, khi đọc lá thư trả lời của T/T Lincoln gởi cho tướng Sherman, và thái độ ứng xử của ông về vụ việc tặng "quà cáp" này, mới hiểu thêm tại sao người Mỹ luôn kính trọng và coi ông là vị tổng thống hàng đầu của đất nước Hoa Kỳ. Tất nhiên, xưa nay chuyện ứng phó với nạn kiêu binh của bên “thắng cuộc”, bất kỳ là ở nơi đâu, cũng không hề dễ dàng chút nào. Đặc biệt là đối với những quốc gia hoặc vùng miền có thực trạng dân trí còn thấp kém. Thái độ ứng xử như thế nào để vừa phù hợp với hoàn cảnh thực tại, lại vừa có thể giáo hóa được đám binh tướng đang say men chiến thắng một cách điên dại, trở nên hiểu biết hơn về tình người, về đạo lý gần xa, về lợi ích ngắn dài của dân tộc v.v.. càng là những thứ thách vô cùng khó khăn.

Thực ra trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào rồi cũng có bên "thắng", bên "thua". (Mặc dù suy cho cùng thì chính người dân cả đôi bên mới là kẻ thua thực sự). Trong nhiều trường hợp, kẻ “thắng" chưa hẳn là đúng là tốt; mà kẻ "thua" chưa hẳn là sai là xấu. Bởi kết quả cuối cùng của một cuộc chiến còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố khác như thời cuộc, chính trị, xã hội, con người, biến động trên thế giới, hoặc sự can thiệp và sự tác động chính trị của các thế lực ảnh hưởng khác. Ai có đọc qua lịch sử đều hiểu rõ những điều này. Tuy nhiên, chính thái độ ứng xử và cách giải quyết vấn đề của bên "thắng cuộc" sau khi cuộc chiến kết thúc mới là phần quan trọng. Một chiến thắng sẽ trở nên vô nghĩa, hoặc có thể tồi tệ hơn trước, nếu như không tạo ra được sự đoàn kết dân tộc, không đem lại sự phồn thịnh cho đất nước, và hạnh phúc cho người dân. Giá trị mong đợi thực sự của cuộc nội chiến không phải là giết chóc tàn sát lẫn nhau, đánh đổi xương máu để “được làm vua thua làm giặc" như một số người quan niệm. Mà nguyện vọng chính là hóa giải được những mâu thuẫn bất đồng (nổi trội nhất là quan điểm về chính sách nô lệ), đem lại hòa bình thống nhất, cơm no áo ấm cho người dân, tạo dựng được một xã hội bình đẳng dân chủ, dân giàu nước mạnh. T/T Lincoln là người có tầm nhìn, hiểu được điều đó và có khả năng hoá giải được những mâu thuẩn nội bộ, những ảo giác “hơn thua" vô bổ của một số quan binh hám danh, háo thắng thời bấy giờ. Đáng tiếc, lắm khi những con người vĩ đại lại phải chết dưới tay của những kẻ tiểu nhân rất ư tầm thường !

Noel năm nay, thời tiết ở miền Đông nước Mỹ ấm lạ. Đêm đến, làm ly rượu ngồi nhìn con sông Savannah lững lờ trôi về phía Đại Tây dương, thật đẹp. Nghĩ đến những thời gian gần đây, nước Mỹ bị phân hoá trầm trọng, quốc hội hơn thua, coi chuyện đảng phái quan trọng hơn chuyện nước nhà. Bao nhiêu mưu hèn kế bẩn đều đem ra thi thố, ngày càng chia rẽ ngăn cách. Những kẻ cơ hội chủ nghĩa thì bao giờ cũng lợi dụng niềm tin và sự ngây thơ của người lương thiện. Những lá cờ Confederate bao nhiêu năm im ắng, nay lại được đem ra. Antifa, QAnon ... nhóm nọ nhóm kia, những cuộc đập phá, hôi của, hôi chính trị, cơ hội a dua, đạp đổ tượng đài lịch sử. Hết cớ này tìm cớ khác, dựng chuyện đổ lỗi cho nhau. Có nhiều người chưa bao giờ đọc qua trang lịch sử, chỉ nghe đầu này nói lại đầu kia, bị kích động biểu tình đập phá, dèm pha kỳ thị, phi dân chủ mà cứ ngỡ là đang mang trọng trách yêu nước. Ủng hộ, chửi bới, dèm pha, thuyết này thuyết nọ … đầy rẫy trên mạng. Nhiều người do tính chất công việc rảnh rang, suốt ngày copy những tin tức lá cải hoặc thuyết âm mưu hợp với ý mình, rồi cứ thế phát tán cho bạn bè mà không hề kiểm chứng đúng sai. Thậm chí có người chỉ xem qua cái tựa chứ chưa hề đọc hết nội dung đã chuyển đi rồi. Bởi vậy đôi khi có những nhầm lẫn là do truyền thông tin giả từ FB, Youtube, Twitter… nhưng cũng có rất nhiều trường hợp nhầm lẫn là do bạn bè người thân phao tin lệch lạc mà ra. Có nhiều người vì cả tin, không tìm hiểu rõ ràng mà phải vướng vào con đường lao lý, tù tội. Mấy tháng nay, nhóm quốc hội điều tra vụ nổi loạn ngày 6/1, cứ lần hồi lôi hết chuyện này đến chuyện khác. Càng coi càng ngán ngẫm cho những tấm lòng "yêu nước thương dân" của một số vị quan chức quốc hội HK. Cuối cùng ai thắng ai thua, vẫn chưa biết. Nhưng có một điều chắc chắn họ không phải là những con người có khả năng làm cho đất nước này đoàn kết và tốt đẹp hơn !

Còn Savannah, món quà Noel năm nào, khi màn đêm buông xuống, vẫn cứ lung linh sóng nước, đèn hoa như thường lệ. Uống gần hết chai rượu bỗng nghe tiếng đàn piano từ một quán bar hay nhà thờ nào đó văng vẳng bài ca Noel quen thuộc, như đón chào một đêm Giáng sinh tràn đầy hồng ân Thiên chúa. Cũng mong vậy. Cầu cho dịch bệnh sớm qua, và cuộc sống khắp nơi sớm trở lại bình thường. Chúc tất cả các bạn bè thân hữu một năm mới an vui và hạnh phúc.

PN
"Be with a leader when he is right, stay with him when he is still right, but leave him when he is wrong.”

 (A. Lincoln)







Sunday, November 21, 2021

Phiếm: Nhiều chức để làm gì ?


 

Mấy năm gần đây, người VN thường có câu hỏi "Nhiều tiền để làm gì?". Có người hỏi thật lòng, có người hỏi với ý trêu ghẹo, và cũng có người hỏi vì đã ngộ ra một điều gì đó sâu sắc hơn trong cuộc sống. Bên cạnh đó tất nhiên là vẫn còn bao nhiêu người khác miệt mài đeo đuổi tiền bạc danh vọng mỗi ngày, mà không ai có thể đoán được khi nào mới là điểm dừng của họ. Và trong lúc có những người nhiều tiền không biết làm gì, thì xã hội chung quanh vẫn nhan nhản bao nhiêu chuyện thương tâm xảy ra. Những mảng đời lây lất bên lề xã hội, trong bệnh viện, dưới gầm cầu, bên bãi rác…. Những đứa bé nghèo khó trông chờ từng manh áo ấm từng bữa cơm no, ấp ủ từng ước mơ được cắp sách đến trường. Những kẻ bất hạnh vẫn mỏi mòn chờ đợi từng ngày để qua đi kiếp sống khốn cùng kém phần may mắn. Nói đâu xa, ngay cả ở TP HCM, một nơi được cho là " Singapore thứ hai", vẫn còn không ít người dân ở ngoại thành đến nay vẫn chịu cảnh màn trời chiếu đất, lây lất không nhà không cửa, bữa đói bữa no. Nhiều gia đình vẫn chưa có được cái nhà vệ sinh kín đáo để che dấu cái bàn dân thiên hạ mỗi lúc cần giải bày tâm sự … !

Nhưng đó là chuyện nhiều tiền nhiều gạo, nói bao giờ cho hết ? Nói sang đến chuyện nhiều chức. Mới tuần rồi, ngồi đọc tin tức bên nhà, lướt qua một vụ án tham nhũng quen quen, có thấy nhắc đến một vị cựu "sư thầy" chạy án. Nhìn cái danh mục chức sắc của ông ta mà mình choáng. Tự nhiên, loé lên câu hỏi “Nhiều chức để làm gì ?". Một câu hỏi mà chắc chắn lâu nay nhiều người cũng đã từng băn khoăn nghĩ đến rồi. 

Tất nhiên đây không phải lần đầu mình được nghe, được thấy một vị tu sĩ VN có nhiều chức sắc như vậy. Chỉ hơi ngạc nhiên là chức tước cùng lúc nhiều đến thế, thời gian đâu nữa để mà tu hành ? Mà để trả lời câu hỏi “Nhiều chức để làm gì?” thì từ một ông quan chức nhỏ cho đến một lãnh đạo cao cấp, chắc cũng phải khó khăn lắm mới trả lời đúng được, huống hồ chi là một bậc tu hành. Dĩ nhiên ở đây chúng ta đang nói đến câu trả lời cho chính lương tâm của họ, chứ còn trả lời cho thiên hạ trên báo trên đài thì bao giờ cũng dễ hơn nhiều.

Thực ra lâu nay ai cũng biết "chức sắc" chỉ là hình thức, là phương tiện để cơ cấu sắp xếp, hoặc phân bố tổ chức của một đoàn thể, công ty, doanh nghiệp, đơn vị hành chánh, hoặc chính quyền nhà nước, tổ chức quốc tế ...v.v. Mỗi chức vụ thường sẽ có những trách nhiệm, nghĩa vụ, danh dự, và quyền lợi tương ứng với chức vụ đó. Hầu hết trên thế giới, người ta thường chỉ quan tâm đến việc làm, sự cống hiến, trách nhiệm, hoặc vai trò thực hiện của người mang chức sắc. Làm công ăn lương thì có đúng người đúng việc không ? Làm quan chức thì có làm đúng trọng trách công việc không, có làm được việc gì hữu ích cho người khác, cho xã hội, cho dân cho nước hay không? Vì đó mới là mục đích chính, là phần hồn, và là điều quan trọng nhất đối với một chức vụ. Nhưng rồi cũng không biết cái văn hoá mê chuộng chức sắc này bắt nguồn từ đâu, mà lần hồi ở một số nơi trở thành nạn “loạn” chức sắc. Trong nước ngoài nước gì cũng gặp. Có chức được lãnh lương, có chức chỉ lãnh nợ. Ví dụ như ở nước ngoài làm chủ tịch chủ tiếc cộng đồng VN ở những địa phương có người Việt, chỉ là công việc tự nguyện ăn cơm nhà vác ngà voi, chủ yếu giúp bà con đồng hương tổ chức Tết nhứt, hội hè cho vui. Vậy mà có nơi cũng tranh giành nhau đến bốc khói, rồi lại có nhiều chỗ năn nỉ không ai chịu làm. Thật ra cũng có người hết lòng phục vụ đồng hương, nhưng cũng có người chỉ muốn tranh nhau cái chức hoặc khoái cái tên. Nên nhiều lúc dở khóc dở cười, vừa khôi hài vừa chua chát !

Nhiều người cho rằng văn hoá ham hố chức sắc này hình thành từ thời phong kiến xa xưa, vì "chức" có liên quan đến quyền hành và bổng lộc. Có thể vậy mà cho đến ngày nay vẫn còn một số nơi trên thế giới tồn tại quan niệm này, đặc biệt là ở những quốc gia có nạn tham nhũng và cửa quyền lộng hành. Tuy nhiên không phải ở đất nước nào cũng như vậy, cho nên đôi lúc gây ra một số hiểu lầm không nhỏ. Ví dụ như có nhiều người quen ở VN hiểu lầm về công việc của những nhân viên hoặc quan chức trong chính phủ Mỹ. Thông thường thì làm công chức nhà nước, chính phủ, cũng là một công việc bình thường, có trách nhiệm nghĩa vụ hẳn hoi tùy theo vị trí. Công việc chính phủ nhà nước thì thường không phải là những công việc có lương cao so với các công ty tư nhân bên ngoài. Tuy nhiên làm việc cho chính phủ thì các quyền lợi khác như tính ổn định việc làm cao hơn, tiền hưu, bảo hiểm sức khoẻ, thời gian nghỉ phép, nghỉ bịnh .v.v... tốt hơn. Nói đến lương bổng hoặc các khoản khen thưởng, thì các công ty tư nhân bên ngoài thường phong phú và rộng rãi hơn, đặc biệt là những công ty tư nhân lớn có các khoản đãi ngộ khác như tiền thưởng, stock options (cổ phiếu/cổ tức)... Còn nói về quyền hạn của các quan chức chính phủ Mỹ, thì chức vụ nào có nhiệm vụ nấy, ít ai dám lạm quyền lấn sân, cũng như ít chuyện hối lộ tham nhũng (ít chứ không phải là không có nghen). Chuyện lại quả hoặc cục sắt ném đi cục chì ném lại càng hiếm, vì lạng quạng dễ vô tù. Nên làm ông giám đốc sở, thị trưởng, nghị viên, thượng viện hạ viện, thống đốc, thậm chí tổng thống... thì cũng bình thường thôi. Lương của họ còn thấp hơn nhiều người khác, mà "lậu" thì cũng chẳng có bao nhiêu. Trời mưa lội nước thì cũng tự che dù mà đi, chẳng ai phải cõng họ bao giờ. Ngay cả những vị lãnh đạo cấp cao trong chính quyền, nếu tư cách đàng hoàng, năng lực tốt, gặp nhau người ta còn chào hỏi, kính trọng. Ngược lại, lỡ khi ra đường, vô quán ăn, đi quán nhậu ... để dân bắt gặp, bị kêu tên chửi thẳng hoặc la ó um sùm cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên vì thông tin không đầy đủ, nên nhiều người VN có bạn bè hoặc người thân ở Mỹ, mỗi khi nghe ai nói đến làm việc cho chính phủ, lại cứ tưởng là họ giàu có hoặc quyền lực gì ghê gớm lắm. Rồi cũng có những trường hợp ngược lại, nhiều vị VK lại tô vẽ thêm cho cái “uy lực” của họ nơi xứ người. Nên lần hồi bà con ở quê nhà cứ ngỡ quyền hành của họ to lớn giống như ông công an khu vực, ông trưởng thôn, anh chủ tịch xã, hoặc chị bí thư phường bên nhà :-). 

Nôm na thì phần việc công chức nhà nước cũng chỉ có vậy, có ngạch có cấp hẳn hoi, khó mà có được những bước "quá độ" hoặc “đột phá” như ở bên nhà. Còn đối với công ty hoặc doanh nghiệp tư nhân (DN tư nhân chiếm đại đa số việc làm ở Mỹ), thông thường thì cũng theo nguyên tắc chức càng to lương càng lớn. Nhưng vì đa số công ty tư nhân không có quy chế ngạch trật, nên có nhiều khoản thu chi linh động hơn, bất ngờ hơn. Một ông tổng giám đốc công ty lớn lãnh vài chục triệu đô một năm, cũng không phải chuyện hiếm. Thậm chí nhiều người chức vụ nhỏ hơn trong công ty tư nhân vẫn có thu nhập cao hơn tổng thống, bộ trưởng, thứ trưởng, tướng tá ở Mỹ, là chuyện bình thường. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp ngoại lệ, đặc biệt là ở các lãnh vực chuyên môn đặc thù hoặc công nghệ tân tiến. Nhiều người tài giỏi đi sâu vào các lãnh vực chuyên môn, có nghiệp vụ đặc biệt, thì cũng chẳng cần phải làm giám đốc giám điếc gì, nhưng lương bổng cao hơn hẳn các ông sếp hoặc giám đốc của họ. Điều đó cũng hợp lý thôi, vì với một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, người làm hưởng theo giá trị mà họ tạo ra, chứ không phải hưởng theo "chức sắc" hoặc theo phe cánh. Mặt khác, khoảng cách về lương bổng giữa những người "cổ trắng" (làm bàn giấy) và "cổ xanh" (lao động tay chân) ở nhiều quốc gia tư bản không khác xa lắm. Cho nên nhiều người mặc dù chức vụ nhỏ hơn hoặc làm ít lương hơn, nhưng siêng năng làm thêm giờ thêm việc, cuối ngày "cổ xanh" lại nhiều tiền hơn "cổ trắng". Ngoài ra cũng có rất nhiều người tự làm doanh nghiệp tư nhân, tự mở tiệm mở quán, muốn đeo cổ nào thì đeo, lúc bình thường thì cổ xanh cổ trắng, lúc nhậu vào thì cổ đỏ cổ đen. Chẳng cần chức sắc gì, nhưng họ lại giàu có, ai “chơi” tới đâu họ “chơi” tới đó. Dám có lúc cũng bị lăn tăn nỗi khổ "nhiều tiền để làm gì" chứ chẳng đùa :-).

Nhưng đó là những chuyện đời thường, còn chuyện ham muốn "chức sắc" trong đạo, trong tôn giáo, lại càng khó hiểu hơn. Nhiều chức để làm gì ?

Tất nhiên là ai cũng hiểu được sự khác biệt giữa "phương tiện" và "mục đích" trong đời thường. Tôn giáo cũng vậy, mỗi tôn giáo đều có những mục đích và phương tiện khác nhau. Do vậy, cách tổ chức và sinh hoạt của mỗi tôn giáo thường thì cũng khác nhau, mặc dù mục đích cuối cùng có thể là không khác nhau lắm. Có những tôn giáo quan tâm phần hình thức, nặng về việc tổ chức hành chánh. Có tôn giáo lại quan trọng đến phần phát triển tín đồ, gây dựng cơ sở vật chất. Có tôn giáo lưu ý chuyện truyền thừa hơn, rồi cũng có tôn giáo đề cao chuyện an dân, sống tử tế thiện lành hơn..v.v. Muôn màu muôn vẻ. Và nhiều khi ngay cả trong cùng một tôn giáo, cũng phân chia ra nhiều chi nhánh, nhiều kinh sách, hoặc nhiều pháp môn tu tập khác nhau để phù hợp cho từng hoàn cảnh con người và địa phương. Đó cũng là chuyện bình thường thôi. Thế giới này quá nhiều người có trình độ khác nhau, tư duy khác nhau, kinh nghiệm sống khác nhau, cá tính khác nhau, đức tin khác nhau…Không thể nào có một cái bánh mà mọi người ăn vào cùng thấy ngon như nhau cả !

Nói thêm về vấn đề này, xưa nay ở bất kỳ một quốc gia nào, cho dù văn minh hay lạc hậu, độc tài hay dân chủ, thì cũng không hiếm những trường hợp tôn giáo bị các thế lực chính trị lợi dụng. Từ cá nhân, phe nhóm, cho đến chính quyền đảng phái lạm dụng để phục vụ cho những mục đích riêng tư của họ. Khác nhau là nhiều hay ít. Ngày xưa chỉ có một số ít trường hợp núp bóng tôn giáo, trà trộn giả danh để hoạt động chính trị, thì ngày nay vấn nạn đó lại càng phát triển đa dạng và phức tạp hơn nhiều. Không những chỉ giả danh để làm chính trị tuyên giáo, mà còn giả danh để làm kinh tế, lợi dụng đức tin của thiên hạ để phục vụ cho nhiều mục đích khác. Ví dụ như có một số giáo hội trên thế giới ngày càng phải đối diện với nhiều vụ lạm dụng tình dục trẻ em, tư tưởng cực đoan, khủng bố cuồng tín...v.v. Dĩ nhiên là cách ứng xử và thay đổi của mỗi tổ chức tôn giáo đều phải bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có sự ảnh hưởng rất lớn của văn hoá địa phương và quyền hành của chính phủ sở tại. 

Riêng ở VN, thì ai cũng dễ dàng nhận ra sự thay đổi của các sinh hoạt tôn giáo trước kia so với hôm nay, đặc biệt là đối với mảng PG quốc doanh. Ngày càng nhiều những sinh hoạt nghiêng về hình thức vật chất, nghi lễ bên ngoài, và các rao giảng nặng về mê tín tâm linh, tài lộc, buôn may bán đắt. Tu "tỉnh thức" một cách mơ hồ :-). Trong khi đó, nguyên thuỷ xưa nay đạo Phật chỉ có một mục đích tối thượng là hướng dẫn con người đến chỗ tỉnh thức, sáng suốt hơn (chứ không phải mê tín hơn). PG chỉ giúp con người hiểu rõ bản thân, để họ tự học hỏi và tu tập, thay đổi bản thân, tự chuyển hóa, tự thực chứng, để có trí tuệ tìm đến sự giác ngộ. Chùa chiền, kinh sách, tăng đoàn, pháp môn ..v.v.. cũng chỉ là những phương tiện hỗ trợ cho mục đích đó. Sư thầy thì cũng phải tự tu, tự học cho bản thân. Có hiểu đúng tu đúng, mới có thể giúp ích & hướng dẫn đúng cho người khác được. Nói tới đây mới nhớ, mới hôm bữa nói chuyện với một chị bạn chuyên nghiên cứu kinh sách và giáo lý PG bên Mỹ. Thắc mắc là "Sao các vị tu sĩ PG ở phương Tây, cũng như các kênh nghiên cứu đạo Phật ở nước ngoài, rất ít khi nói đến những chuyện như cõi âm, ma quỷ, hoặc chuyện sau khi chết. Trong khi đó ở VN quá nhiều bài thuyết giảng về loại đề tài này? ". Thực ra, mình không phải là các vị đó nên không dám đoán những dụng ý của họ. Tuy nhiên cũng thắc mắc không hiểu là ai có thể kiểm chứng được những chuyện ở cõi âm mà họ nói như thế ? Mình thì luôn luôn tin vào quy luật nhân quả, nên quan niệm rất đơn giản như ban ngày ăn mặn thì ban đêm khát nước; ngày hôm nay nhậu say bí tỉ thì ngày mai nhức đầu. Còn chuyện chết chóc thì cũng chỉ là là một phần của sự sống, có ai tránh được đâu. Vậy thôi, có gì lạ ? 

Thiết nghĩ sẽ rất hữu ích khi đi nghe giảng thuyết một vấn đề nào, hoặc nghe thiên hạ đồn đãi chuyện độc lạ gì, mà có thói quen không vội vàng tin theo một cách mù quáng. Mình cho rằng dù người thuyết giảng là ai, “chức to quyền trọng” thế nào, chùa to nhà thờ lớn tới đâu, hoặc có là giáo sư tiến sĩ gì đó, thì người nghe cũng cần phải tìm hiểu để phân biệt được điều đó đúng sai, hoặc có phù hợp với bản thân mình hay không ? Hiểu đúng vấn đề, chính việc làm đó cũng là một bước tu tập rất quan trọng và cần thiết. Phải qua lớp một mới đến được lớp hai, không ai có thể leo lên trung học mà chưa biết đọc biết viết !

Suy cho cùng, thì mọi chuyện trong vũ trụ này đều không thể tự nó sinh ra và tự tồn tại được, mà phải dựa vào nhau để có. Cho nên chuyện thuyết giảng một giáo lý, hoặc rao giảng một chủ nghĩa, cũng như tôn xưng chức nọ chức kia cũng vậy, là phải do quan hệ song phương (hoặc đa phương). Bên này cảm thì bên kia mới ứng. Có người nghe, thì mới có ngưòi nói. Có người này nể, thì người kia mới xưng. Có người này phục, thì người kia mới “nổ”. Có kẻ tin, thì mới có người “thuyết”…Còn "đúng, sai" lại là chuyện khác, tuỳ theo cái biết của mỗi người. Mấu chốt của vấn đề vẫn là ở chỗ mục đích của nó. Một lý thuyết hoặc chủ nghĩa dẫu từ ngữ to lớn cho đến đâu, thì quan trọng là có làm cho đất nước giàu mạnh, con người văn minh hạnh phúc hơn không ? Một ông quan dẫu chức to quyền lớn đến đâu, quan trọng là có làm được việc gì để ích nước lợi dân hay không ? Một người tu sĩ dẫu chức sắc cả gánh, quan trọng là có làm được việc gì để giúp mình giúp người trên con đường tu tập dẫn đến sự tỉnh thức hay chăng ? Không khéo, có khi nhiều chức quá lại trở nên nặng nề hơn, rồi phiền khổ giống như mấy anh nhiều tiền, lâu lâu lại phải băn khoăn tự hỏi: "Nhiều chức để làm gì ?" :-).

Cũng nhân nhắc đến chuyện phúc đức cõi âm, mình nhớ đến một câu chuyện trong sách kể lại thời Đức Phật còn tại thế. Một vị phú gia có cha vừa mới chết, bèn vội tìm đến Đức Phật, cầu xin Ngài giúp làm phép cho cha ông ta được về cõi thiên đường. Ông ta nói:

- Có nhiều vị pháp sư nói có thể làm phép giúp cha tôi vãng sanh về chốn thiên đàng, nhưng tôi tin tưởng nơi Ngài, nhờ Ngài cứu giúp. Tốn kém bao nhiêu cũng được.

Đức Phật nói:

- Ông hãy ra chợ mua hai cái hủ sành, một hủ bỏ dầu ăn vào, và một hủ bỏ đá quý vào, rồi đậy kín đem về đây.

Người phú gia nghe lời ra chợ mua hai hủ sành bỏ dầu, và đá quý mang về. Đức Phật bảo ông ta hãy bỏ 2 hủ sành ấy xuống giòng sông phía trước, và đợi cho đến khi chìm hẳn, rồi lấy một khúc cây thọt bể hai hủ sành đó ra. Hai hủ sành bể, dầu nổi lên trên mặt nước, còn đá quý thì chìm sâu dưới đáy sông.

Đức Phật bảo rằng:

- Ta chỉ giúp ông được tới đây. Chuyện nghiệp lực của thân phụ ông là do chính ông ấy tạo ra bao lâu nay khi ông ấy còn sống. Còn bây giờ thì ông hãy đi nhờ các vị pháp sư kia cúng, làm phép cho dầu kia chìm xuống và đá quý nổi lên. Nếu họ làm được chuyện như thế, thì họ có thể giúp được cho cha ông. Vị phú gia chợt hiểu ra đạo lý và từ giã quay về.

Ngay cả Đức Phật ngày xưa cũng chỉ dừng lại ở đó. Thế mà ngày nay có nhiều vị sư thầy có thể làm nên những điều kỳ diệu hơn, thì quả nhiên là điều đáng kinh ngạc !

Trở lại câu chuyện chức sắc dày cộm và sự giàu có của một số vị tu sĩ VN ngày nay. Mình vốn không hiểu biết lắm về cách tu học của các vị ấy, nên không dám lạm bàn về triết lý tôn giáo của họ. Vả lại đối những kẻ phàm phu còn đầy rẫy ham muốn, ngụp lặn trong tham sân si, cơm áo gạo tiền như mình, thì cũng còn nhiều giới hạn để phân tích sâu xa hơn. Tuy nhiên theo sự hiểu biết hạn hẹp của mình, trên thế giới mỗi khi nói đến PG, ngay cả những người không phải tu hành, đều biết đến 3 khái niệm cơ bản nhất của đạo Phật (Fundamentals of Buddhism). Đó là Vô thường (impermanence), Vô ngã (non-self), và Khổ (unsatisfactoriness or suffering). Trong tiếng Anh gọi đó là "Three Marks of Existence", hoặc "Three Universal Characteristics". Những vị nào tu tập thực sự, hiểu biết đúng về vô thường, vô ngã, thì chắc chắn là họ rất ít khi quan tâm đến những chức sắc danh xưng phù du, hoặc tài sản sổ đỏ sổ xanh, xe hơi nhà bự, sớm nắng chiều mưa trong cõi tạm này. Thường thấy như vậy !

PN


Sunday, October 31, 2021

Ai sao mình vậy !



Nhắc đến câu nói này thì hồi còn ở VN nghe hoài, nhất là những buổi tiễn đưa. Bến xe bến đò, sân ga đưa tiễn, những đứa con lên đường nhập ngũ, lên rừng xuống biển, nghĩa vụ lao động, thanh niên xung phong, Tây Nam Tây Bắc, xuống thuyền ra đi, vô SG lập nghiệp, ra Hà nội làm quan ....v.v... Những bậc cha mẹ nước mắt rưng rưng, dúi tay con chùm bánh ú, gói mứt gừng, bịch cá khô, nhắn nhủ với theo "ai sao mình vậy" nghen con. Thực ra cũng không biết quan niệm này xuất xứ từ đâu, có từ bao giờ, có liên quan gì đến sự hiền hoà của nền văn hoá lúa nước, hoặc đạo lý dĩ hoà vi quý lâu đời của dân tộc hay chăng ? Chịu ! Nhưng theo thiển ý của mình thì quan niệm này có những mặt tiêu cực và tích cực của nó. Tuỳ theo cách nghĩ của mỗi người mà có thể dẫn đến những hệ lụy rất khó khăn trong việc phát triển xã hội và cải thiện an sinh đời sống con người.

Bên phương Tây phần lớn con cái được cha mẹ khuyến khích là hãy thể hiện chính mình (Be yourself !) . Ở truờng học, thầy cô cũng dạy dỗ học sinh hãy mạnh mẽ, độc lập, thể hiện chính kiến, sống thực với nguyện vọng của bản thân, không nên dựa dẫm hoặc sợ hãi một thế lực nào khác. Những lời khuyên bảo thường được nhắc nhở như - “It’s better to walk alone than with a crowd going in the wrong direction. - Diane Grant)” (Tạm dịch: Đi một mình tốt hơn là hùa theo một đám đông đi ngược đường). Albert Einstein thì nói -"The one who follows the crowd will usually get no further than the crowd. The one who walks alone, is likely to find himself in places no one has ever been.” (Tạm dịch là: Lẽo đẽo theo đám đông thì không thể đi xa hơn họ được. Những ai đi một mình thì có thể đi đến những nơi mà chưa ai từng biết đến). Tất nhiên là ông Einstein muốn nói đến nghĩa bóng của nó, và mục đích hướng đến của ông là những phát hiện, những khám phá, những tư duy hoặc tư tưởng có thể đem lại lợi ích cho nhân loại. Còn ở thời này, có nhiều điểm đến là cõi riêng, là hang động bí ẩn của các quan chức hoặc trọc phú đại gia. Họ vốn không cần phải "đi một mình" mới tìm ra những chỗ đấy. Mà đó là những nơi chốn thuộc về cõi trên, những người dân đen không thể tìm đến được :-).

Nói đúng ra thì trong cuộc sống này, không phải ai cũng có đủ khả năng để nhận ra sự sai trái của đám đông, hoặc có đủ dũng khí, bản lĩnh để chọn một lối đi riêng cho chính bản thân mình. Ông Gandhi có nói - “It's easy to stand in the crowd but it takes courage to stand alone !”. (Tạm dịch: Rất dễ dàng để hùa theo đám đông, nhưng phải có dũng khí mới đứng riêng một mình đươc). Quả nhiên là vậy, đặc biệt ở một số quốc gia, không phải muốn đứng riêng là được, ngay cả muốn thể hiện chính kiến cũng không phải là chuyện dễ dàng. Nên nhiều lúc con người chỉ vì mưu cầu sự yên ổn cho bản thân và gia đình, mà phải cam chịu lối sống "ai sao mình vậy". Lần hồi, trở thành một thuộc tính hoặc phản xạ có điều kiện, cứ nghe đến chuyện gì có tính "đột phá" là sợ, là né, mặc dù có những sự việc đúng sai rõ ràng trước mắt cũng không dám làm khác đi. Thậm chí, nhiều người trong giới khoa học kỹ thuật R&D (nghiên cứu và phát triển), giáo dục đào tạo, nhiệm vụ canh tân đất nước, mà cũng lặng lẽ "ai sao mình vậy". Mắt nhắm mắt mở, nghe theo nói theo, thì làm sao có được những đột phá ? 

Thực ra những ứng xử "ai sao mình vậy" trong đời sống hàng ngày của dân ta, thì cũng là những chuyện quen thuộc. Từ chuyện đi họp đi hành, đọc báo nghe đài, nghe diễn văn tin tức trên TV .... đôi khi quay chụp lẫn nhau giống từng câu chào lời nói. Có nhiều khi diễn giả chưa nói hết, người ngồi dưới đã đóan ra được câu kế kiếp là câu gì. Từ ngữ, câu cú, hình thức mở đầu kết thúc như nhau, rập khuôn. Đi tiệc tùng cưới gả ở quê nhà cũng vậy, nhiều lúc cứ tưởng mấy ông MC học chung một thầy, coi chung một sách. Ra đến nước ngoài cũng vẫn giữ gìn bản sắc truyền thống, giống nhau trong mỗi sinh hoạt. Xe cộ, ăn mặc cũng có gu giống nhau, hết 4Runner thì qua Lexus, hết Hummer thì qua Tesla, hết áo thần tài thì qua quần ông địa :-). Chuyện tổ chức đám cưới đám tang, lễ hội đình đám, uống bia uống rượu, cái gu ăn nhậu cũng thế, ai sao mình vậy. Hết cognac XO chuyển qua whisky, single malt, hết bia vàng bia đen chuyển qua vang trắng vang đỏ, hết sushi chuyển qua crawfish, hết tôm hùm chuyển qua ốc vòi voi, hết gà đồi chuyển qua heo tộc, hết chồn hương chuyển qua tê tê, hết anh vũ cá hô chuyển qua sturgeons, hết trứng cá hồi Alaska chuyển qua caviar Beluga, Almas ..v.v...Cứ ai sao mình vậy, nên đến chỗ đông người, sân ga phi trường, cũng dễ nhận ra đồng hương của mình. Ngay đến chuyện học hành cũng vậy, đa số chọn nghề nghiệp giống nhau, hết phần cứng tới phần mềm, hết nha đến dược, hết bác sĩ đến kỹ sư, hết đời trước đến đời sau. Có lẽ cũng có những lý do chủ quan và khách quan nhất định nào đó, nên đi dự hội đồng hương cộng đồng thường nghe được những câu chuyện na ná như nhau. Về quê ở tận miền xa xôi hẻo lánh cũng nghe những câu chuyện giống nhau. Nhiều người có bà con, bạn bè ở Mỹ, ở Tây, ai cũng làm to làm lớn, bằng này bằng nọ, nhà lầu biệt phủ, hết Harvard tới NASA, hết phát minh này đến bằng sáng chế nọ. Nhiều người VK còn mang cả “hàm” thứ trưởng, bộ trưởng ở nước ngoài về cho quê nhà. Hôm rồi coi tin tức, có người gốc Việt bên Mỹ đổi họ của gia đình anh ta thành Trump, biết đâu mai mốt trăm họ của người Việt Nam lại được cộng thêm một họ mới, đã từng làm tổng thống Mỹ ... Kể ra thì nhiều chuyện vô vàn, cứ ai sao mình vậy mà mần. Tất nhiên không hề có chuyện đúng sai ở đây, mà chỉ là nhu cầu và sở thích. Ai cũng có nhu cầu mơ ước, và có quyền tự do chọn lựa sở thích phù hợp cho riêng mình. Có khi những điều đó đã làm cho cuộc sống của họ trở nên thiết tha hơn, hưng phấn hơn. Cho nên quan niệm "ai sao mình vậy" cũng có những mặt tích cực của nó.

Mình cũng không hề có ý kỳ thị vùng miền ở đây, mà chỉ dựa vào những điều mắt thấy tai nghe, hạn hẹp trong sự hiểu biết của mình. Càng đi ra miền ngoài, thì nhu cầu "liền chị liền em", càng nặng nề ghê gớm hơn. Từ nhà cửa dinh thự, cơ ngơi thú lạ gỗ quý, cho đến mồ mả khuôn viên chôn cất, hơn thua nhau, to lớn đến nỗi không quốc gia nào trên thế giới có thể sánh kịp. Nhìn những món nội thất quý hiếm chạm trổ như vua chúa, cho đến những gian thờ sừng ngà điêu khắc vô giá, mới hiểu được cái mãnh lực của nhu cầu "ai sao mình vậy” to lớn đến dường nào. Suy cho cùng thì đó cũng là những nhu cầu bình thường trong đời sống, ai cần gì thì tìm nấy. Nhưng có tìm được hay không lại là một vấn đề khác !
Và đó cũng là hiện tượng nổi bật ở quê nhà trong vài thập niên gần đây. Ngày xưa dường như những hiện tượng này hiếm hoi hơn. Có lẽ nhu cầu "ai sao mình vậy" của ngày trước không nặng về tiền tài vật chất như hôm nay, mà chú trọng hơn ở những giá trị khác trong đời sống như tiếng tăm, địa vị, kiến thức, đạo đức, tư duy .v.v.. hoặc dựa trên những thành tựu cống hiến cho xã hội, cho đất nước, cho con người.

Thiết nghĩ mọi nhu cầu "ai sao mình vậy", "liền chị liền em", chạy đua “vũ trang” hình thức ...v.v. cuối cùng cũng chỉ là những ứng xử bên ngoài, nhu cầu tâm lý, mang nặng tính thời cuộc, rồi sẽ thay đổi dần theo năm tháng. Nửa thế kỷ trước không có, giờ lại có, thì biết đâu nửa thế kỷ sau lại biến mất. Vô thường là một quy luật của vũ trụ. Trên thế giới có nhiều quốc gia giàu có, phát triển hơn VN rất nhiều lần, nhưng cuộc sống họ không đặt nặng lắm về hình thức, mà chú trọng về nội dung nhiều hơn. Suy cho cùng những cuộc chạy đua so đo hình thức cũng chỉ là nhu cầu cá nhân  bình thường, tuỳ theo sở thích của mỗi người. Điểm chính mà mình quan tâm là có nhiều trường hợp quan niệm "ai sao mình vậy" một cách máy móc mà không suy xét kỹ lưỡng vấn đề đúng sai, hoặc chỉ hùa theo đám đông, sẽ dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng cho người, cho mình. Dĩ nhiên bất kỳ một quan niệm sống nào cũng có ảnh hưởng nhất định lên những khía cạnh khác nhau trong cuộc sống. Ở đây mình chỉ mạn phép trao đổi vài ba lãnh vực nổi trội thôi.

Thứ nhất, tin đồn. Đồn đãi tin tức, chuyện trên trời dưới đất, ông này bà kia, không ai kiểm chứng. Ai cũng biết, xã hội ngày càng nhiều tin đồn thất thiệt. Ông bà ngày xưa thường nói "Lời đồn sợ người có trí khôn". Nhưng thời nay thì dường như tin đồn không còn sợ "người có trí khôn" nữa :-). Nhiều người thông thái, bằng kia cấp nọ, ở nước ngoài nước trong, nhưng không những chỉ nghe theo tin đồn thất thiệt, mà còn góp phần phát tán mạnh mẽ. Có trường hợp không chịu phân tích kiểm chứng tin tức, cứ "ai sao mình vậy", dẫn đến những ngộ nhận, gây nên hậu quả nghiêm trọng cho bản thân, gia đình, và cho xã hội. Nhiều người còn phải vướng vào vòng lao lý, tù tội, vì hùa theo đám đông mà chẳng biết đúng sai. Ví dụ như vụ bạo loạn ngày 6 tháng Giêng ở quốc hội Mỹ vừa qua. Cho nên nhiều người nói rằng thời nay giết người không cần đến gươm dao, mà chỉ cần tin đồn !

Thứ hai, thần tượng. Xưa nay, đất nước nào càng tôn thờ thần tượng một cách mù quáng, thì càng bị lôi cuốn vào những vấn đề huyễn hoặc, vô lý. Đa số các quốc gia phương Tây thường quan niệm con người thì ai cũng có những lỗi lầm, chuyện rất ư bình thường, nên ít khi thần thánh hoá nhân vật. Bất kỳ ông to ông lớn nào cũng có những ưu khuyết điểm nhất định của họ. Dẫu là những chính khách như Washington, Napoleon, Lincohn, FDR, Churchill, hoặc nhà khoa học như Edison, Tesla, Marie Curie, Einstein, Pasteur ... thì ai cũng có lúc đúng, lúc sai. Ai tò mò muốn biết các ưu khuyết điểm của họ, thì thông tin tin tức cũng nhiều, đầy đủ và minh bạch, cứ hỏi bác "gục gờ chấm cơm". Nhưng ngược lại, ở một số địa phương khác, khi đã là "thần tượng" thì không ai được đụng đến điểm xấu hoặc khuyết điểm của họ, bất khả xâm phạm, bơm tới mây xanh luôn :-). "Thần tượng" nói gì cũng đúng, làm gì cũng đúng, và cứ thế khăng khăng nhất mực nghe theo làm theo. Có lần nhìn thấy đám đông thanh niên VN chen lấn gào thét khóc lóc như điên dại chào đón một ngôi sao Hàn Quốc ngoài sân bay, mà mình thấy sợ. Hiện tượng cuồng tín đó không phải chỉ xảy ra trong đời sống thực, mà gần đây trên không gian ảo mạng XH còn đáng sợ hơn nhiều. Mới hôm rồi đọc tin tức ở VN, có ai đó còm đụng chạm đến một nhân vật "thần tượng" lai chim, giang hồ mạng kéo đến tận nhà hành hung. Một người livestream nói nhăng nói cuội trên mạng XH, mà có thể kích động cả một rừng người đu theo bất kể đúng sai. Xu thế hùa theo đám đông là một vấn nạn nguy hiểm của xã hội hiện nay, khắp nơi khắp chốn tuỳ theo dân trí và văn hóa của mỗi vùng miền, chứ không phân biệt một quốc gia nào. Nguy hiểm hơn là có nhiều tổ chức hoặc cá nhân hiểu rõ điều đó, lợi dụng đám đông thích "ai sao mình vậy" để dẫn dắt vấn đề lệch lạc, hòng phục vụ cho mục đích riêng tư của họ. Với bản tính cả nể của người Á đông, những câu chuyện đồn đãi vô căn cứ lại càng được dễ dàng chấp nhận hơn. Hiện nay chính phủ ở các nước phát triển và các nhà khoa học, nghiên cứu công nghệ, rất quan tâm đến lãnh vực này.

Một khía cạnh khác, càng thần tượng hoá, càng duy ý chí, thì càng có những tác hại đối với khả năng hoặc phương thức suy luận logic, tư duy phản biện của bản thân. Nhớ có lần mình ghé thăm một gia đình người quen, nghe ca tụng rất nhiều về một người "nữ tu" gốc Việt, mà bao nhiêu người VK đang rầm rộ tôn vinh. Nhưng khi thắc mắc hỏi thăm là cô ta hay chỗ nào, thì người bạn trả lời - "Không biết, chỉ thấy có rất nhiều tín đồ đi theo". Mình nghĩ chắc cũng một dạng của đức tin "ai sao mình vậy" nên cũng không hỏi thêm. Lâu nay không còn nghe tin tức về cô ấy nữa. Thời kỳ mới về VN đi làm cũng vậy, ban đầu nghe nhiều bạn bè và người thân của mình tôn vinh nói về một "cao tăng" thuyết giảng rất nổi tiếng. Mình lặn lội tìm cho được mớ băng đĩa về coi, rồi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ngạc nhiên về người giảng, và ngạc nhiên cả về người nghe. Là một tín đồ PG, mình luôn kính trọng chư vị tăng ni, hiểu rõ được giá trị và công đức của việc truyền thừa đạo pháp của chư vị tăng đoàn. Tuy nhiên, nếu một bài giảng có những sai phạm cơ bản, quá nhiều lầm lẫn, mang màu sắc chính trị tuyên truyền, thế mà một số  người vẫn cứ theo quan niệm "ai sao mình vậy", mặc nhiên chấp nhận và nghe theo làm theo, thì đó không phải là sự tôn trọng, mà là phỉ báng đạo pháp !

Thời buổi này cũng không hiếm những người lạm dụng việc khoác áo tu hành, lạm dụng đức tin tôn giáo của người khác, để phục vụ cho những mục đích riêng tư, kể cả mục đích chính trị. Và điều đó làm cho nhiều người thất vọng, cho rằng đây là thời kỳ mạt pháp, nên bỏ đạo, bỏ chùa, bỏ nhà thờ, không thèm tu tập nữa. Nhưng nếu ứng xử như vậy thì cũng quá cực đoan, mình nghĩ vậy. Mình quan niệm rằng để hiểu rõ vấn đề, càng phải đến gần tôn giáo hơn, càng cố gắng để học hỏi hiểu biết giáo lý một cách rõ ràng hơn, thì mới phân biệt được cái nào đúng cái nào sai, mới hiểu được ai tu thiệt tu giả. Tin mà không hiểu thì chỉ là mê tín. Còn nếu cứ hùa theo số đông, ai sao mình vậy, lễ bái cung phụng mà không hiểu rõ thực chất vấn đề, thì có khi từ một tôn giáo rất khoa học, rất trí tuệ, lại có thể bị dẫn dắt đi vào con đường mê tín dị đoan, dựa dẫm vào những "thần tượng" mơ hồ. Tin vào những khái niệm lệch lạc hoang đường, hoặc tôn vinh những hình thức nghi lễ rườm rà vô lý !

Chuyện mê tín trong tôn giáo đã vậy, chuyện cuồng tín thần tượng trong chính trị chính em lại càng phức tạp hơn. Sử liệu biên soạn bao giờ cũng có những góc khuất tuỳ theo đứng ở góc cạnh nào. Xưa nay trong sách sử của một số quốc gia kém minh bạch, chuyện hư cấu thần tượng, triều đại sau bêu xấu triều đại trước, phe này dựng chuyện kết án bên kia, cũng là thường tình. Tìm hiểu sơ sài, chạy theo đám đông, không phân tích cẩn trọng, có khi lại vô tình bóp méo sự thật, biến không thành có, biến có thành không, làm ảnh hưởng đến nhiều thế hệ con cháu. Lịch sử thế giới vẫn có những tai họa này.

Thứ ba, "quy trình" và "ai sao mình vậy". Đúng vậy, ở quê nhà, quy trình là một từ ngữ thông dụng nhất, đơn giản nhất, mà cũng phức tạp nhất. Từ kinh doanh thương mại, hành chánh luật lệ, quan trường thi cử, toà án tối cao cho đến trung ương quốc hội, đâu đâu cũng có những quy trình “khó hiểu”, mà không nhất thiết phải là trắng đen rạch ròi. Có nhiều trường hợp, chữ quy trình được dùng như một chiếc đũa thần để trả lời mọi khúc mắc nghịch lý. Ở những nước tiên tiến thì họ có những phương cách minh bạch tiếp nhận ý kiến người khác, cải tiến quy trình để canh tân thay đổi chứ không mặc nhiên chấp nhận "ai sao mình vậy". Đại đa số các công ty, trường học, bệnh viện, cơ quan, nhà xưởng ... luôn có những quy trình cải tiến CIP (continuous improvement process) trong từng mỗi bộ phận ban ngành, để cải tiến công việc ngày càng hiệu quả hơn. Nói chi xa, đi xin visa hoặc đi phỏng vấn với phái đoàn Mỹ, năm ngoái năm nay cũng đã khác rồi. Riêng ở quê nhà, thì ai cũng ít nhiều có những trãi nghiệm với các "quy trình", nên không cần thiết nói thêm nữa ở đây. Nhiều nơi đến nay vẫn còn giữ những quy trình lạc hậu bao nhiêu năm không thay đổi, có người còn cho đó là sự chung thuỷ "trước sau như một", rất đáng giữ gìn :-). Thực ra trong những năm gần đây, cũng có nhiều quy trình được thay đổi, và luật lệ được cải tiến, nhất là ở những lãnh vực dịch vụ công cọng. Nhưng có thứ thay đổi để gọn gẽ hơn, thì cũng có thứ thay đổi để phức tạp hơn. Và giải pháp hiệu quả nhất của đám đông vẫn là an ủi nhau - "Thôi, ai sao mình vậy", rồi lại tiếp tục đợi chờ một quy trình mới. Như trong mùa dịch bệnh vừa qua, mình thường email gọi điện hỏi thăm bạn bè, người thân. Câu nói được nghe nhiều nhất vẫn là "Ai sao mình vậy !". 

Tóm lại những câu chuyện này nói sao cho hết ý trong phạm vi vài dòng tản mạn cuối tuần. Những kinh nghiệm thừa hưởng từ bao thế hệ đi trước, những năm dài tháng rộng với nhiều vốn sống để tự hào, thì đâu dễ dàng gì thay đổi một sớm một chiều được. Có người cho rằng quan niệm "ai sao mình vậy" là một sự khôn ngoan, thức thời. Cũng có người cho đó là một nguyên tắc sống hoà đồng, dĩ hoà vi quý. Có người lại cho đó là một sự cam chịu bất hạnh. Rồi cũng có người cho đó là sự bàng quang, vô trách nhiệm ..v.v...Và chắc chắn cũng có nhiều người không đồng ý với những quan niệm đó. Không đồng ý với quan điểm "ai sao mình vậy" không có nghĩa là tham vọng, ham muốn, tranh giành thêm cái biệt phủ này, miếng đất nọ. Mà nó mang ý nghĩa tích cực hơn về sự tự chủ của bản thân, tự nhận thức để thay đổi cho phù hợp, không bị lôi cuốn vào những điều nghịch lý, và không bị đồng loã với những sai phạm chung quanh. Cũng câu nói đó nhưng chắc chắn là ông nông dân nghĩ khác, ông lái buôn nghĩ khác, ông quan nghĩ khác, và ông lãnh đạo lại càng nghĩ khác hơn. Ai cũng có những lý do riêng của họ. Riêng mình, với khả năng hạn hẹp, luôn tin vào quy luật thay đổi của vũ trụ. Và con người cũng như xã hội cần phải thay đổi để phù hợp với quy luật đó. Tất nhiên là đất nước nào cũng thế, luôn hy vọng vào những đổi mới tiến bộ hơn, luôn tin tưởng vào thế hệ sau. Đó sẽ là thế hệ tiến bộ hơn, mạnh mẽ hơn, giỏi dang hơn, và thực tế hơn. Một đất nước không thể đi xa hơn nếu phải cứ gồng gánh những định chế cũ kỹ, lạc hậu, cam chịu chấp nhận, hoặc thoả mãn hài lòng với những mặc định "ai sao mình vậy". Chợt nhớ đến Elon Musk, một người thuộc thế hệ trẻ, được cho là người giàu nhất thế giới hiện nay, có một câu phát biểu rất hay - "Some people don’t like change, but you need to embrace change if the alternative is disaster". Mình tạm dịch là - "Nhiều người không thích sự thay đổi, nhưng chúng ta cần phải hoan nghênh và chấp nhận sự thay đổi nếu như hướng đi kia đang là thảm hoạ" :-) .

Cũng nhân nói đến đề tài "thay đổi", làm nhớ đến một bài hát mà ngày xưa mình rất mê, cho tới bây giờ cũng còn thích. Đó là bài "Wind of Change" nổi tiếng của băng nhạc Đức Scorpions. Bài hát này xuất hiện như một hiện tượng vào những năm cuối cùng của cuộc "Chiến tranh lạnh", khi bức tường Berlin sụp đổ. Sau đó bài hát đã được trình diễn tại một đại nhạc hội ở Liên bang Xô Viết, gây nên rất nhiều cảm xúc đối với khán giả cũng như giới trẻ Liên Xô thời bấy giờ. Tay guitar lừng danh của Scorpions là Rudolf Schenker đã từng xúc động kể lại rằng "We wanted to show the people in Russia that here is a new generation of Germans growing up, and they're not coming with tanks and guns and making war, they're coming with guitars and rock 'n' roll and bringing love !". (Tạm dịch là: Chúng tôi mong muốn nói với người Nga rằng, đây là thế hệ trẻ của Đức lớn lên. Họ đến đây không phải mang theo xe tăng và súng đạn để gây chiến tranh, mà mang theo những cây đàn guitar, nhạc rock, và tình thương yêu !). Quả nhiên là một thông điệp rất đáng trân trọng. 

Mình để đường dẫn bài hát phía dưới đây. Nếu ai nghe được thì nghe, không nghe được thì vô Youtube tìm bài "Wind of Change" nghen. Chúc mọi người cuối tuần vui vẻ.

PN




Saturday, October 16, 2021

Nobel hoà bình & sự thật

 


Năm nay, giải Nobel Hoà bình được trao cho 2 nhà báo người Phi luật Tân và Nga, có tên là Maria Ressa và Dmitry Andreyevich Muratov. Thông thường, giải Nobel Hoà bình về tay nhà báo là trường hợp rất hiếm hoi. Lần cuối cùng và duy nhất là gần 90 năm trước (1935), Carl von Ossietzky, một nhà báo người Đức đoạt được giải thưởng cao quý đó. Vậy tại sao năm nay hội đồng Nobel có quyết định như vậy ? Nhiều người cho rằng ngoài việc vinh danh sự hy sinh & lòng dũng cảm đấu tranh cho tự do ngôn luận tự do báo chí, Hội đồng giải Nobel Hoà bình năm nay còn đặc biệt hướng đến một giá trị vô cùng quan trọng trong xã hội hiện tại. Đó là giá trị của sự thật trong đời sống !

Quả nhiên trong đời sống hàng ngày của chúng ta, sự thật luôn nắm giữ một vai trò tối quan trọng. Từ tin tức thời sự cho đến các dữ kiện, số liệu thống kê, cũng như thông tin tin tức trong mọi quan hệ ứng xử giữa người với người, giữa chính quyền với người dân. Tất nhiên là không phải cho đến bây giờ, "sự thật" mới trở thành một vấn đề mà xã hội cần quan tâm. Xưa nay, "sự thật" bao giờ cũng là nền tảng chính của mọi niềm tin và quan hệ xã hội, thương mại, ngoại giao…Tuy nhiên, cho dù ở quốc gia nào, thể chế chính trị nào, thì cũng đều tồn tại những vấn đề nan giải về "sự thật". Nạn tuyên truyền, bóp mép lịch sử, tin tức dối trá, luận điệu vu khống, hoặc bưng bít sự thật, cấm đoán cưỡng ép, vẫn xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Chế độ nào càng kém văn minh dân chủ, thì thông tin càng dễ bị che đậy lấp liếm. Có những cơ chế chính trị đặc thù, mang tính hệ thống, thì dẫu muốn nói thật cũng không thể, thậm chí còn có thể bị loại trừ hoặc buộc tội. Cũng không phải vấn nạn thông tin dối trá chỉ xảy ra ở những quốc gia độc tài, mà ngay cả ở những nước dân chủ hàng đầu trên thế giới cũng tồn tại điều đó, chỉ là nhiều hay ít, hình thức khác nhau, hoặc động cơ khác nhau. Tất nhiên mỗi quốc gia đều có những cơ chế luật pháp nhất định để bảo vệ hoặc tố tụng những vi phạm làm phương hại đến quyền lợi người dân.

Nhìn lại trong những thập niên gần đây, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ. Các phương tiện truyền thông và phương thức liên lạc ngày càng đa dạng hơn. Con người cũng tiến bộ hơn và tinh vi hơn trong những cách thức dối gạt nhau, gây nhiễu loạn tin tức, hoặc làm lũng đoạn "sự thật". Ví dụ như thông tin nguồn gốc dịch bệnh covid từ TQ thì đừng hòng ai có thể tìm ra sự thật. Ngay cả ở những quốc gia tương đối dân chủ và minh bạch như Mỹ, mà lùm xùm vụ bầu cử từ năm ngoái đến nay vẫn còn chưa dọn dẹp sạch sẽ được. Mấy tuần qua nhiều vị cựu quan chức cao cấp của chính phủ, từng là thân tín của tổng thống tiền nhiệm, cũng bị trát toà kêu ra điều trần. Chưa biết diễn biến trong những ngày tới sẽ ra sao. Sự thật bị đánh tráo, còn tin hay không là tuỳ ....... người đối diện :-). Chuyện “đúng sai” cũng còn tuỳ thuộc vào việc chơi với ai, nghe đài nào, coi kênh you tube nào, đọc báo nào, bạn bè theo phe nào, theo đảng nào..v.v. Mấy hôm trước nước Mỹ cũng xôn xao về vụ một cựu nhân viên của Facebook, cô Frances Haugen, ra điều trần khai báo các thủ thuật của FB trong việc xử lý thông tin của họ. FB bị cáo buộc chạy đua theo lợi nhuận, bất chấp đạo đức. Ngay hôm sau đó FB đã có sự cố trong một khoảng thời gian dài, chưa rõ nguyên nhân, và cổ phiếu bị tụt dốc đáng kể. Nhưng chắc hẳn là sự việc không chỉ dừng lại ở đó. Và đây cũng là một câu chuyện liên quan đến sự thật của thông tin tin tức.

Tất nhiên lâu nay ai cũng biết mạng xã hội như Facebook, Instagram, Youtube ... là những sân chơi không tốn mặt bằng, để người ta tương tác với nhau. Thật có, giả có, muôn kiểu hoá thân. Bên cạnh việc nhiều người coi đó là một công cụ để liên lạc với bạn bè người thân, thì cũng có rất nhiều người coi đó là một môi trường kép bên đời sống thực, để sống ảo với nó, hoặc để phô diễn phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, kể cả thương mại và chính trị. Rồi dần dà một số người vô tình bị lệ thuộc hoặc bị nghiện sâu không thể sống thiếu nó được. Đơn giản là ở nơi đó họ có thể tự do biến thành những "hình tượng" khác nhau để thoả mãn cảm xúc hoặc nhu cầu cá nhân. Để gặp gỡ, để hẹn hò, để chia xẻ trong những phạm vi tự chọn, hoặc có thể biến bất kỳ ai trở thành những thiên thần hay quái vật theo ý riêng của họ. Và mặt trái của nó còn ghê gớm hơn. Không hiếm những trường hợp mượn gió bẻ măng, bóp mép sự thật, vu khống mạ lị, nhan nhản xảy ra mỗi ngày. Chuyện chính trị chính em trên mạng cũng vậy, như một bữa tiệc buffet, xào qua xào lại, nấu tới nấu lui, món nào thấy ngon, hợp khẩu vị thì lấy ra để dành. Siêng thì xào nấu lại, không siêng thì bê nguyên gói, gởi cho bạn bè người thân cùng ăn. Có món ngon thật, nhưng cũng có món bị bội thực cả đời. Ngay cả nhiều người có bằng này cấp nọ, tự hào là thông thái rồi cũng bị lôi cuốn vào cái mê hồn trận đó. Cũng cay đắng, cũng chiêu trò, cũng lệch lạc tin tức một chiều, khuya sớm lục lọi tìm tòi những trang mạng, những kênh tin tức "vịt bầu" hợp ý, để vừa coi vừa phát tán rộng rãi. Ai cũng cho mình là hiểu biết hơn người khác, tin tức của mình là đúng, tin tức của bên kia là sai. Cuối cùng rồi ai cũng trở thành người "yêu nước thương dân" được, ai cũng trở thành người tốt được, và ai cũng trở thành "kẻ xấu xa" được. Lần hồi, tính công bằng trong ứng xử, tính logic trong nhận định vấn đề, và thông tin "sự thật" trong đời sống đã trở thành những món hàng xa xỉ, hiếm hoi. Đáng sợ hơn là nhiều lúc thiên hạ cũng chẳng còn cần thiết quan tâm đến chân tướng của vấn đề, mà chỉ cần họ và những người thân quen tin rằng đó là "sự thật" là đủ. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người đành nhắm mắt đưa chân, sống chung với lũ, vì muốn tìm hiểu sự thật cũng chẳng biết đâu mà mò !

Quả nhiên là vậy, và các nhà mạng xã hội cũng như giới truyền thông đã nắm bắt điều đó rõ hơn ai hết. Bởi chính họ là nhân chứng của sự truy tìm "kiến thức" thông qua những từ khoá, còm men, xì ta xì tút, "like", "subscribed", "views", lai chim lai chuột .v.v... Cũng chính họ là kẻ có thể "lèo lái" con tàu kiến thức chạy theo nhu cầu của mỗi cá nhân. Anh nào thích mắm tôm có mắm tôm, thích bồ hóc có bồ hóc, thích Trump có Trump, thích Biden có Biden. Ví dụ như nhiều lúc truy tìm cùng một từ khoá, nhưng ở hai nơi khác nhau, hai máy tính khác nhau, hai "đảng" khác nhau, có khi lại nhận được đường dẫn về hai cõi thiên thai khác nhau. Như cô kia tố cáo Facebook có những công cụ để phát hiện ra và "đổ dầu vô lửa” đối với những đề tài nào còm nhiều, cãi lộn nhiều, hoặc thu hút được đám đông, bằng cách tung chiêu kết nối thêm người xử dụng có cùng sở thích hoặc cùng “chí hướng”, bơm bong bóng cho các anh hùng mạng “điếc không sợ súng”… Bởi vậy, một số người có tầm nhìn xa hơn về một thế giới AI (trí tuệ nhân tạo) trong tương lai, cũng không khỏi có chút ngậm ngùi lo lắng !

Trở lại vấn đề mà nhiều người quan tâm, đó là liệu có một phương pháp nào, công nghệ nào, hay luật pháp nào có thể bảo vệ và duy trì "sự thật" trong thông tin tin tức chăng ? Mình nghĩ là không. Đơn giản là không thể nào hoàn toàn được. Ngay cả ngồi lục lại mớ kiến thức hoặc cái "biết" mà mỗi chúng ta đang có, thì trong đó có bao nhiêu là sự thật ? 

Tính đến nay, thì cho dù là theo khoa học hay theo tôn giáo, nhiều người cũng đồng ý với nhau là kiến thức con người có được là do sự cảm thụ (perceived) và tương tác với thế giới chung quanh thông qua cửa ngõ của ngũ quan (tai, mắt mũi, lưỡi, thân) và ý thức (mind). Mà nói đến kho tàng kiến thức của con người, thì cho dù là thiên tài hay ngờ nghệch, ông nghè ông tổng hay ông nông dân, ông bí thư chủ tịch hay kẻ trộm cướp ăn mày... cũng đều được hình thành từ 4 nguồn giống nhau dưới đây. Không ai ngoại lệ cả, tiếng Anh gọi đó là "Modes of Knowledge". (Vì hơi súc tích nên mình cố gắng dịch ý thôi, hy vọng là không sai lệch nhiều quá :-)

1. Knowledge from Direct Veridical Perception: Là kiến thức được ghi nhận trực tiếp bằng ngũ quan. Ví dụ như thấy trái cam, nghe tiếng chim hót, ngửi bông hoa, đọc cuốn sách..v.v.. là những gì xảy ra tức thời ngay tại thời điểm đó. Thấy sao, nghe sao, biết vậy, không đánh giá, không phán xét gì thêm.

2. Knowledge from Inference (true or false): Là kiến thức sau khi các giác quan ghi nhận, đã có gắn mác thêm phần xử lý của con người. Có sự so sánh, phân tích, đánh giá dựa vào tư duy, suy nghĩ, kinh nghiệm và kiến thức của bản thân họ. Nên chắc chắn là có đúng, có sai, không còn giống như sự ghi nhận nguyên thủy ban đầu nữa. Ví dụ như: thấy trái cam đó mỏng vỏ nghĩ chắc ngọt, nghe tiếng chim đó hót nghĩ là hoạ mi, thằng đó hách dịch chắc là nhà mặt phố bố làm quan, cuốn sách này nói đúng, cuốn phim kia rất hay, bà này bị khùng, ông kia hoang tưởng..v.v...Đây cũng là trường hợp thường gặp và đa dạng nhất trong cuộc sống.

3. Knowledge from fallacious reasoning: Là kiến thức có được từ sự tưởng tượng, hoang tưởng, hoặc nằm mơ. Ví dụ như dưới địa ngục chắc là ghê lắm, phải đốt đô la xuống cho bạn mình hối lộ. Đế quốc Mỹ dữ lắm chuyên ăn thịt người. Trăng Liên Xô tròn hơn trăng nước Mỹ. Thế giới đại đồng sướng như thiên đường ..v.v...
(Khác với hai cách ghi nhận (1) và (2) ở trên, sự cảm nhận luôn có chủ thể (subject) và sự vật (objects) . Nghĩa là có cái để tương tác, để nghe, ngắm, ngửi, nếm, trực tiếp. Còn hai cách ghi nhận phía dưới (3) và (4) chủ yếu chỉ là nghe đi nghe lại, hoặc tưởng tượng, hoặc nằm mơ, hoặc hư cấu hoang tưởng mà tạo thành kiến thức.

4. Knowledge from Saints and/or Trust-worthy Source: Là kiến thức có được do đức tin, niềm tin, hoặc nghe được từ nguồn nào mà họ cho là đáng tin cậy. Ví dụ như những câu chuyện, giáo lý nghe từ trong kinh sách tôn giáo, hoặc nghe từ các bậc tu hành phẩm hạnh, tri thức đáng kính ..v.v. Còn kiến thức có được từ nguồn "đáng tin cậy" thì cũng không đơn giản chút nào, vì ngay cái chữ "đáng tin cậy" cũng là một sự thật khác cần được kiểm chứng. Ví dụ như có thằng em ở NASA nói vậy, có thằng bạn làm cho chính phủ nói thế, hoặc nghe ông chú làm ở Viettel có tin nội bộ, hoặc đi họp lớp nghe chị bạn VK giải thích vậy, hoặc nghe ông trưởng thôn bảo thế, hoặc nghe dư luận nói rằng anh ấy thế nọ thế kia, hoặc báo nói thế này, ông ts gs nói thế kia .v.v..

(Nói mới nhớ hôm bữa có ai gởi cho mình đọan YouTube video của bác Phạm Tuân kể về chiếc máy bay B-52 của Mỹ, dài 600m rộng 60m. Thấy thiên hạ phê phán quá. Mình thì nghĩ chắc bác ấy lớn tuổi nhầm lẫn thôi, hoặc là bác mê Kiều, học theo cách của Nguyễn Du tả Từ Hải. Nhưng nếu lỡ ai mà nghe được, tưởng tượng ra B-52 to như một cái hàng không mẫu hạm trên không, thì đó lại trở thành một kiến thức khác :-))

Nôm na, toàn bộ kiến thức của loài người có được đều đến từ 4 nguồn kể trên. Cho dù tây hay ta, văn minh hay lạc hậu, dân chủ hay độc tài gì cũng thế. Ai nghĩ ra được thêm nguồn nào nữa thì cho mình biết :-). Còn chuyện xử lý thông tin, khả năng nhận định, phân tích vấn đề, chủ quan hoặc khách quan ...là vốn riêng của từng người dựa vào nhiều yếu tố duyên nghiệp khác nhau, không ai giống ai. Ai cũng có cái bộ lọc trí tuệ và cặp kính râm “ego” của riêng mình. Nói tới đây thì dễ dàng nhận ra là cho dù nhiều người cùng đọc một cuốn sách, nghe cùng một câu chuyện, ở cùng một ngôi nhà, ăn cùng một món ăn, thấy cùng một món đồ vật, cũng chắc gì đã có cùng những kiến thức giống nhau. Vậy nghiệm lại với cách hình thành kiến thức như thế, thì mớ kiến thức của chúng ta có được là bao nhiêu phần trăm sự thật ? Cái gì mới là bản chất thực thể của vấn đề ? Đây là điều đáng để suy gẫm. Nên có nhiều người học Thiền, thường cố gắng thực hành để đầu óc họ chỉ dừng lại ở Mode thứ nhất (Direct veridical perception), đó cũng là cách sống với hiện tại trong khoảnh khắc đó.

Trở lại chuyện đời thường, trong những năm gần đây, hiện tượng "fake news" (tin giả) trở thành vấn nạn của cả thế giới. Mạng xã hội càng phát triển thì nạn "tin giả" càng thăng hoa. Nước Mỹ cũng vậy, đặc biệt là trong nhiệm kỳ tổng thống vừa qua và kỳ bầu cử năm 2020. Quá nhiều vấn đề về "sự thật" dẫn đến những phân hoá trầm trọng, mà cho đến nay vẫn còn đang diễn ra. Không những chỉ xảy ra trên chính trường, mà ngay cả trong bạn bè thân hữu với nhau, ngày càng bộc lộ nhiều tư duy cực đoan đáng sợ. Trong khi đó, ở một số quốc gia khác thì tự do ngôn luận vẫn còn bị hạn chế. Những vấn nạn tuyên truyền, hư cấu, định hướng dư luận vẫn thường xuyên xảy ra, nên mức độ khả tín của nguồn thông tin chính thống ngày càng mơ hồ, không còn là điều quan tâm của người dân nữa. Mạng xã hội lề trái nhanh chóng trở thành những sân chơi sôi động cho đủ mọi thành phần, đủ mọi hình thức, thiệt giả khó phân, nên nhu cầu tìm kiếm "sự thật" lại càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Vậy "sự thật" là gì ? Sự thật dưới mắt của người này có là "sự thật" của người kia ? Và công cụ nào có thể gạn lọc được "sự thật" cho riêng họ ? Chắc ai cũng có cách tự trả lời cho riêng mình.

Mặt khác, trong cuộc sống này không phải ai cũng có đủ can đảm hoặc khả năng để chấp nhận được sự thật cho dù nó có hiển hiện ngay trước mắt họ. Nên có những câu hỏi sẽ không bao giờ có lời giải đáp, và có những sự thật sẽ mãi mãi nằm im. Lịch sử xưa nay vẫn thế !

Thôi. chúc tất cả cuối tuần an vui.

PN 


Monday, October 04, 2021

Ý nghĩ và đích đến ! (Thoughts & Destiny )

 


Mấy tháng nay quê nhà dịch bệnh nặng nề. Chết chóc đói khổ nhiều nơi, nhất là ở SG. Phong toả, đóng chốt, rượt đuổi, bao vây ... SG không còn nữa những "con đường có lá me bay, chiều chiều ta lại cầm tay nhau về", mà thay vào đó là hình ảnh những cung đường lặng lẽ, lạnh lùng, người lạy nhau trên phố. Những đoàn người lũ lượt trốn đi trong đêm như hành trình thập tự chinh của người Do Thái. Mùng, mền, chiếu, gối và những ước mơ đổi đời được gói gọn sau những chiếc ba ga gầy guộc. Những em bé vẫn còn bồng bế trên tay chưa biết gì, và những đôi mắt tròn xoe ngơ ngác quấn khăn quàng đỏ, lở dở tương lai. Những người nghèo khó đùm bọc nhau, chia xẻ từng gói mì chai nước, giúp nhau từng đồng bạc đổ xăng về quê. Những giọt nước mắt đã nhỏ xuống ngậm ngùi và cái ngoái đầu nhìn lại. Những thân thể cuộn tròn bên lề đường chợp mắt ru con. Những bàn tay nhỏ bé bất lực chào nhau lần cuối, rồi quay nhanh dấu nỗi nghẹn ngào... Còn bao nhiêu cảnh tượng đáng thương nữa, nhìn những hình ảnh đó ai lại chẳng đau lòng ? 

Ở nước ngoài, những người con xa quê cũng đau lòng không kém. Nhiều người đau đáu hướng về quê nhà. Mấy ông bạn, ông anh bên Đức, bên Mỹ, bên Tây, thỉnh thoảng lại email, ai cũng mong dịch bệnh chóng qua, để về thăm lại quê nhà, ai còn ai mất. Nhiều người gởi cho nhau những bài thơ khúc nhac. Cũ có, mới có, chia xẻ nỗi buồn. Có những câu, những chữ, dường như đã qua đi lâu lắm rồi, giờ nghe lại, thấy buồn man mác !

Mẹ tôi em có gặp đâu không ?
Bao xác già nua ngập cánh đồng
Tôi cũng có thằng em bé nhỏ
Bao năm rồi xác trẻ trôi sông !
(Quang Dũng)

Tuần trước, ngồi xem lại mấy cuốn phim tài liệu của thời kỳ dịch cúm năm 1918 (Spanish Flu) và các giai đoạn phục hồi sau năm 1920. Rồi nghĩ đến cơn dịch của ngày hôm nay, có những điểm tương đồng mặc dù đã hơn 100 năm trôi qua. Bỗng nhớ đến Erich Maria Remarque. Nhớ "Bia mộ đen và bầy diều hâu gãy cánh" (The Black Obelisk), nhớ "Bản du ca cuối cùng của loài người không còn đất sống" (Flotsam)..... Rồi cả một thời sinh viên hoang dại trở về !

(Ngoài lề chút, cho đến nay mình vẫn cảm thấy may mắn được sinh ra trong buổi giao thời của đất nước. Để được thấy sự khác biệt giữa chế độ cũ và chế độ mới, để sống với những đổi thay của con người và xã hội, để được tận mắt chứng kiến những biến động cũng như bao sự kiện lịch sử quan trọng của thế giới và quê nhà. Trong đó, có cả cơn đại dịch Vũ Hán lần này. Tất nhiên một số người quan niệm khác, cho rằng đây là một thế hệ bất hạnh và đầy hệ luỵ khổ đau. Cũng có một số người cho rằng đây là một thời kỳ rực rỡ, hãnh tiến chưa từng có. Mình tôn trọng những quan niệm đó, riêng mình vẫn nghĩ rằng khi nhìn nhận vấn đề với một thái độ tích cực và công bằng sẽ giúp cho cái nhìn trung thực hơn).

Nhớ lại thời mình còn đi học, cả một đất nước khó khăn nghèo đói. Bên cạnh đó là những biến cố xã hội xảy ra liên tục và bất ngờ, nhiều người hoảng loạn, bối rối, và sợ hãi. Thời kỳ "quá độ", cơ chế bao cấp, chuyên chính vô sản, hợp tác xã, kinh tế mới, đi cải tạo, đánh tư sản, đánh địa chủ, đổi tiền, điều tra lý lịch, chiến tranh Tây Nam, chiến trường Tây Bắc .v.v... Cái gì cũng mới, cũng lạ, cũng lần đầu. Còn hạnh phúc hay đau khổ, hân hoan hay cay đắng, là tuỳ vào vị trí và hoàn cảnh của mỗi người. Nhưng đại đa số người miền Nam nói chung và người Sài gòn nói riêng, đã sống cam chịu và nhẫn nhịn, cố hy vọng và chờ đợi sự thay đổi ở ngày mai để làm động lực vượt qua những tháng ngày khốn khổ. Cũng có nhiều người chịu đựng không nỗi, đã liều chết ra đi, và hàng trăm ngàn người đã ngã xuống giữa rừng sâu hoặc vĩnh viễn nằm lại dưới lòng đại dương.

Rồi mấy chục năm trôi qua, cuộc sống đất nước có thay đổi chăng ? Chắc chắn là có. Quy luật vô thường của vũ trụ, tất cả mọi thứ đều sẽ phải thay đổi, không ai có thể làm ngược lại. Có những thứ thay đổi tốt hơn, cũng có thứ thay đổi xấu hơn. Ngày hôm nay phải khác ngày hôm qua. Ngày mai sẽ khác hơn ngày hôm nay. Đó là chuyện tất nhiên, nhưng khác thế nào mới là quan trọng. Rồi cho đến ngày hôm nay, cuộc sống của người dân có còn phải cam chịu và nhẫn nhịn nữa không ? Ai cũng có thể dễ dàng tự tìm ra câu trả lời cho chính bản thân mình !

Có nhiều người thường dùng yếu tố thời gian để so sánh sự đổi thay hoặc tiến bộ của một đất nước. Mình nghĩ là sự so sánh nào cũng khập khiễng, vì sự thay đổi luôn lệ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Quả nhiên là vậy. Chỉ cần 30 năm, một quốc gia thất trận, bị tàn phá như Nhật đã có thể vươn lên trở thành một đất nước có nền kinh tế hùng mạnh thứ hai trên thế giới thời bấy giờ. Chỉ cần 35 năm Singapore trở thành một đất nước có nền kinh tế phồn thịnh hàng đầu thế giới. Đài Loan, Hàn Quốc cũng vậy, không cần đến 30 năm đã trở thành cường quốc về kinh tế và dân trí trên thế giới. Nhưng chúng ta không thể đem Liên Xô, Triều Tiên hoặc Cuba mà so sánh với họ được. Những nước Đông Âu cho đến ngày nay vẫn còn vất vả để đuổi kịp các nước Tây Âu láng giềng của họ. Suy cho cùng, yếu tố quan trọng nhất cho sự thay đổi và phồn thịnh không phải là thời gian, càng không phải là thành tích chiến tranh, mà là ở tư duy, ở trong từng ý nghĩ của mỗi con người.

Thời đại hôm nay, các ngành tâm lý học hoặc xã hội đương đại, ai cũng biết đến nguyên tắc chung “Thoughts become actions. Actions become habits. Habits become character. Character becomes destiny”. Tạm dịch là: “Ý nghĩ dẫn đến hành động. Hành động dẫn đến thói quen. Thói quen dẫn đến tính cách. Tính cách dẫn đến vận mạng”. Cá nhân cũng thế mà đất nước cũng vậy. Điều này thì rõ ràng quá, lại dễ dàng chứng minh, nên cũng chẳng ai tranh cãi gì nhiều. Có chăng là nhiều người lâu lâu vẫn còn tranh cãi ai là tác giả câu này. Người thì cho là của Lão Tử, người thì cho là của Gandhi, người thì bảo là của bà Thatcher. Thực ra người nào có đọc hoặc nghiên cứu về Yogacara (tên khác là Yogachara, Vijnanavada, Vijnaptimatra, Consciousness Only, Duy thức ....) thì những điều này đã được nói đến từ hơn 2500 năm trước rồi. 

Xin mở ngoặc chút, một số người xưa nay vẫn thường ngộ nhận quy chụp nhiều quy luật tự nhiên là của đức Phật tạo ra, hoặc là sở hữu của đạo Phật. Ví dụ như vô thường, nhân quả, hoặc đạo lý đang nói đến ở đây. Thực ra Đức Phật không phải là đấng tạo hoá, Ngài cũng không phải là Thượng đế như theo quan niệm ở một số tôn giáo khác. Cho nên những gì trong kinh sách mà Ngài đã giảng dạy truyền lại đều là những quan sát thực tế, trãi nghiệm và thực chứng dưới con mắt trí tuệ (prajna, wisdom) của một đấng giác ngộ, chứ Ngài không tạo ra những quy luật đó, và càng không muốn tranh giành công lao, lập thành tích, hoặc đăng ký sở hữu trí tuệ bản quyền :-).

Nói thêm chút, đạo Phật vốn cho rằng mọi thứ trên cuộc đời này đều xuất phát từ ý nghĩ (thoughts). Không những chỉ là số phận, mà cái tôi, cái tớ, cái "bố mày", cái chủ tịch, cái giám đốc, cái cu li, cái nô lệ, cái tự chủ, cái có, cái không, cái hạnh phúc, cái khổ đau....v.v.. nôm na đều bắt nguồn từ sự tương tác của thân và ý (body & mind) với môi trường chung quanh mà tạo thành. Ai muốn tìm hiểu sâu hơn thì mình nghĩ nên đọc tài liệu nói về 8 thức (consciousness), và 5 uẩn (skhandas). Còn đối với dân thường sửa máy tính như mình, thì đơn giản coi "body" như là phần cứng (hardware), coi "mind” như là phần mềm (software). Cho nên anh nào muốn thay đổi tư duy, thì kiếm phần mềm khác bỏ vào chạy thử xem sao :-).

Tuy nhiên nói vậy chứ không dễ chút nào. Mỗi người mỗi cảnh, mỗi quốc gia mỗi cách. Rất nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, hằng ngày nổ lực tìm kiếm và cổ vũ những tư duy sáng tạo, đề cao những lối suy nghĩ mới lạ. Bởi họ cho rằng đó là động lực chính để nâng cao giá trị đời sống con người, canh tân đất nước, cải tiến xã hội, thay đổi thế giới (changing the world). Những đứa trẻ đi học từ nhỏ đã được thầy cô, cha mẹ, khuyến khích nên suy nghĩ độc lập, tư duy rộng rãi, đa phương đa chiều, và luôn đeo đuổi giấc mơ "thay đổi thế giới". Thế nhưng bên cạnh đó, thì cũng còn một số quốc gia, giáo dục tư tưởng đi theo những khuôn mẫu nhất định, không dám phản biện lại hoặc đi theo lối khác. Thử hình dung nếu như sự đào tạo, tuyển chọn nhân sự, bao năm qua vẫn duy ý chí bằng một cách thức giống nhau, vẫn hồng hơn chuyên, vẫn hạt giống vẫn nguồn giống nhau, vẫn lựa chọn tư duy và cách nghĩ giống nhau, thì điều gì sẽ xảy ra? Tất nhiên là khó có thể mong đợi những đột phá về tư duy hoặc phương cách ứng xử khác biệt. Hãy nhìn vào hiện trạng thực tế của năng lực nhân sự ngày nay (nhất là qua đợt chống dịch vừa rồi) để có những nhận định cụ thể hơn. Thỉnh thoảng chắc cũng có những trường hợp ngoại lệ, nhưng đó là thiểu số rất ít.

Nhớ có lần ngồi nói chuyện với một người quen, anh ta nói mấy đứa nhân viên của anh bây giờ "phản động" lắm. Nghe nghiêm trọng quá, nhưng hỏi ra mới biết là mấy đứa trẻ có những tư duy mới mẻ, khác với lối suy nghĩ cổ xưa của các bậc trưởng bối. Mình góp ý với anh ta nên phân biệt được chữ "phản biện" và "phản động", không nên cứ nghe người ta nói bậy rồi nói theo, mà không hiểu được cái nghĩa của chữ "động" là gì. Rất nhiều trường hợp xưa nay vì không hiểu thấu vấn đề, hoặc thiển cận, hoặc sợ hãi mơ hồ, mà bóp chết nhiều tư tưởng và ý kiến cải cách có thể đem lại sự phồn thịnh cho quốc gia dân tộc. Ngày xưa thời phong kiến đã đành, ngày nay thời văn minh cũng không hiếm. Mình thì vốn nghĩ rằng một quốc gia có chính quyền, có quân đội, có quan to quan lớn, có luật pháp, sao lại sợ hãi một vài tư tưởng khác biệt ?  Chắc có lẽ chỉ là một vài cá nhân địa phương kém hiểu biết, hoặc chưa biết cách chấp nhận sự khác biệt, nên không xử dụng được cái hay cái mới của người khác thôi. Ngoài ra cũng có thể một số người ngộ nhận cho rằng phải có bằng này cấp nọ, hoặc con ông này cháu bà kia mới có khả năng suy nghĩ “đúng”. Buồn cười là những vị lãnh đạo quốc gia tên tuổi và thành công trên thế giới lâu nay, đại đa số chẳng có học vị cao, cũng chẳng ông nào có trình độ chính trị cao cấp trung cấp gì cả. Nhưng họ đều có điểm chung là suy nghĩ đúng và dám vì quốc gia hy sinh quyền lợi cá nhân !

Nói đến đây mình nhớ đến một câu chuyện thời Đức Phật còn tại thế. Hàng năm vào những mùa mưa lũ lớn, các tăng đoàn thường xin vào tá túc ở nhà dân vài ngày rồi đi tiếp. Lần đó, tăng đoàn xin trú chân tại một ngôi làng nhỏ. Sau khi tất cả mọi người sắp xếp được nơi trú ngụ, chỉ còn lại Ananda, đệ tử của đức Phật, và một ngôi nhà thổ của cô gái điếm trong làng. Mọi người trong đoàn đều cảm thấy bối rối và lo lắng, Ananda cũng vậy, bèn kéo nhau đến hỏi ý kiến đức Phật là có nên vào đó ở chăng ?

- Cô ta có mời ngươi vào ở không ? Đức Phật hỏi .

- Dạ có. Ananda trả lời .

- Vậy thì tại sao không ?

Nghe Đức Phật nói thế, cả tăng đoàn xôn xao, ồn ào thắc mắc tại sao đức Phật lại để cho đệ tử của Ngài, Ananda, vào nhà thổ ở dài ngày. Nhiều người cho rằng Ananda sẽ bị cô gái ấy (thế lực thù địch) dụ dỗ mất thôi. Nhưng Đức Phật từ tốn trả lời :

- “Ta đã khổ công tìm tòi học hỏi và thực chứng được con đường tu tập này. Ta cho rằng đây là phương pháp tối thượng để giúp các ngươi cùng chúng sanh tu tập, giác ngộ và thoát khỏi khổ đau. Nếu bây giờ cô gái đó có phương pháp còn hay hơn ta, có thể khiến Ananda bỏ pháp của ta mà đi theo cô ấy. Thì các ngươi cũng không nên theo ta nữa, mà nên đi theo cô ta. Bởi nếu các người thực sự là những người muốn tìm kiếm sự thật, cầu tiến, và luôn mong muốn đạt tới cảnh giới cao hơn của trí tuệ, thì hãy nên mạnh dạn đi theo những gì tốt đẹp hơn”.

Quả nhiên là vậy, xưa nay vẫn thế. Nếu ta đúng, ưu việt, thì ngại gì người bỏ ta đi. Còn nếu không, thì dẫu mọi cố gắng chiêu trò cũng gượng ép được bao lâu ? Mà nếu người không đủ khả năng phân biệt tốt xấu đúng sai, thì lo lắng có thay đổi được gì chăng ? Cả tăng đoàn lắng nghe theo Ngài, nhưng cũng còn nhiều bậc trí giả ấm ức, hậm hực. Một số người trong tăng đoàn vẫn không đồng ý để Ananda ở chung nhà với "thế lực thù địch", vì e sợ làm ảnh hưởng đến uy tín của họ, nên đã âm thầm theo dõi, để về báo cáo :-).

Khi đó, chiếc y của Ananda đã cũ, mỏng manh quá. Cô ấy may cho Ananada một tấm y mới bằng lụa quý, đắp lên người của Ngài. Mấy anh theo dõi nghĩ rằng "thôi rồi lượm ơi" !

Khi đó, mùa giá lạnh, cô ta nấu những chén cháo nóng dâng lên cho Ananda. Ngài Ananda ăn ngon lành, mấy anh theo dõi báo cáo "Ananda bị thế lực thù địch dụ dỗ rồi" !

Đêm đến, cô ta múa cho Ananda coi. Mấy anh theo dõi báo cáo "Ananda bị văn hoá đồi truỵ ảnh hưởng rồi" !

.... Và cứ thế, ngày nọ đến ngày kia, nhiều báo cáo “tối mật” đồn đãi trong tăng đoàn là Ananda đã bị thế lực thù địch âm mưu mua chuộc rồi. Cho đến cuối cùng, khi những ngày mưa gió qua đi, tăng đoàn tập trung lại để cùng với Đức Phật tiếp tục cuộc hành trình. Ananda cũng trở về với tăng đoàn, đi sau lưng Ngài là một vị ni sư mới, đó chính là cô gái điếm của "thế lực thù địch" :-).

Một câu chuyện đáng cho đời sau suy ngẫm, đặc biệt là những người luôn đặt sự nghi ngờ lên hàng đầu, và luôn quy chụp những gì khác biệt đối với cách nghĩ của bản thân. Mà cũng không phải chỉ có trong PG mới đề cập đến tầm quan trọng của tư duy và ý nghĩ (thoughts). Thực ra khi ngành tâm lý học bắt đầu hình thành và phát triển mạnh mẽ ở thế kỷ 19, thiên hạ cũng đã tranh luận rất nhiều về những quan điểm này. Nhiều nhà tâm lý học đã lục lại những di sản quan trọng của Aristotle, Descartes, Jean-Jacques Rousseau ...để làm tiền đề cho các nghiên cứu thời bấy giờ. Một câu nói nổi tiếng của Descartes là "I Think Therefore I Am" cũng được nhắc đến thường xuyên, và mãi cho đến ngày hôm nay. Vào đầu thế kỷ 20, James Allen, có cho ra cuốn sách ngắn có tên là "As a Man Thinketh", nói đến sức mạnh thực sự về sự suy nghĩ của con người. Và nó đã nhanh chóng trở thành một tác phẩm đình đám thời bấy giờ. Tác phẩm có những điểm tương đồng rất hay giữa triết học hiện đại và PG cổ đại, đó là nghiệp lực, năng lượng, và hậu quả sinh ra bắt đầu từ trong ý niệm.

Lan man quá, giờ trở lại chuyện dịch bệnh ở quê nhà. Rất không may mắn, VN từ một đất nước tự hào về cách chống dịch giỏi nhất, nhưng chỉ một năm sau cũng với cách chống dịch đó, lại đưa đất nước VN, đặc biệt là SG, vào con đường bế tắc, rớt xuống cuối bảng xếp hạng của thế giới. Đại đa số các quan chức và giới hữu trách đã nổ lực hết sức của họ. Nhưng nổ lực nhất chưa hẳn là hiệu quả nhất. Nhiều sự hy sinh của các nhà hảo tâm, các bác sĩ, y tá, các lực lượng tuyến đầu đã làm rung động lòng người, nhưng kết quả thì cũng chỉ dừng lại ở mức độ nhất định. Và mãi cho đến hôm nay, cả nước vẫn còn loay hoay giữa phương cách vừa sống chung với dịch vừa phục hồi kinh tế. Tất nhiên, chưa bao giờ ngoại lệ, và còn hơn bao giờ hết, VN cần những suy nghĩ tỉnh táo và đúng đắn để cứu dân cứu nước trong giai đoạn khó khăn này. 

Thiết nghĩ lối mòn suy nghĩ thường không phải là cách nghĩ dẫn ta ra khỏi lối mòn. Rất cần những tư duy mới, ý nghĩ mới, để có được cách làm mới hơn, hiệu quả hơn. Rất mong dịch bệnh chóng qua, đời sống người dân và xã hội trở lại an bình. Cũng mong VN ngày càng mạnh dạn thay đổi, từ cách bầu bán tuyển chọn nhân sự cho đến cách điều hành nhất quán, quan tâm hơn đến những suy nghĩ độc lập có chính kiến, cũng như tôn trọng hơn những ý kiến đóng góp chân chính, để góp phần tạo dựng đời sống xã hội an vui hơn, đất nước giàu mạnh hơn. Và tất nhiên là mọi hành động dẫn đến sự thay đổi lớn lao nào cũng đều bắt đầu bằng một cách nghĩ mới !

PN


Friday, September 17, 2021

Phiếm: Câu chuyện hai mũi tên !


Trong sách nhà Phật, có câu chuyện "2 mũi tên" kể về thời Đức Phật còn tại thế. Một ngày kia, có người đến xin Ngài dạy dỗ cách nào để vượt qua nỗi đau khổ tuyệt vọng của anh ta, rồi kể lể ra nhiều tình tiết dông dài. Cuối cùng đức Phật giải thích cho anh ta rằng, sự đau khổ của con người giống như bị 2 mũi tên bắn vào cùng một chỗ. Mũi thứ nhất bắn vào tất nhiên là bị đau (pain), nhưng mũi thứ 2 càng làm cho đau đớn hơn, đó là khổ (suffering). Trong cuộc sống hàng ngày, thông thường chúng ta khó có thể tránh được mũi tên thứ nhất, vì nó tạo ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể liên quan đến nghiệp lực mà chúng ta đã tạo ra trong quá khứ. Ví dụ như bị mất đi người thân yêu, bị thất bại, mắc bịnh nan y, tuổi già, bị tai nạn, bị vu oan giá họa, bị covid ...v.v.. và chúng ta phải chịu đựng những nỗi đau đó. Còn mũi tên thứ 2, chính là những phản ứng (reaction) và thái độ của chúng ta đối với mũi tên thứ nhất, ví dụ như than thân trách phận, so sánh, tiếc nuối, phán xét, đổ thừa đổ lỗi, giận dữ, căm ghét, hận thù, hổ thẹn...v.v...Chính những điều này mới làm cho con người phiền não khổ lụy hơn. Mũi tên thứ nhất, thường là không tránh được vì chúng ta không hề làm chủ được nó, nhưng mũi tên thứ hai thì con người hoàn toàn có khả năng tránh được !

Câu chuyện này rất nổi tiếng và được nhắc đến rộng rãi lâu nay, đặc biệt là ở các nước Tây phương trong các lãnh vực trị liệu tâm lý (y khoa), therapy, hoặc giáo dục, văn hoá, nguyên tắc ứng xử, tư duy logic ..v.v... 

Tất nhiên khi nghe đến câu chuyện này thì ai cũng hiểu là đức Phật muốn nói đến cái "thọ", cái "tưởng", cái “hành”, cái "thức"…sự cảm nhận và trạng thái ứng xử xuất phát từ bên trong của mỗi con người trước những biến cố thay đổi chung quanh. Tuy nhiên, riêng đối với mình thì nhận thấy câu chuyện này cũng có thể được hiểu theo nghĩa đen đơn giản của nó, và là bài học đáng quý cho những vấn đề đất nước xã hội.

Như xưa nay nhìn lại bản thân, gia đình, và đất nước thì có biết bao nhiêu câu chuyện để nói, dài như những thước phim nhiều tập của quê nhà. Thực ra thì trong cuộc sống ai cũng có những kinh nghiệm bản thân, hạnh phúc hoặc khổ đau, dù ít hay nhiều, mắt thấy tai nghe những biến cố đã từng xảy ra chung quanh. Nên ai cũng có thể tự suy gẫm, "ôn cố tri tân", và tự rút ra kết luận cho riêng mình. Từ chuyện chiến tranh cho đến hậu chiến tranh. Từ chuyện "dùng người" cho đến "không dùng người". Từ chuyện thời bao cấp cho đến thời đổi mới. Từ chuyện nói và làm, từ chuyện hứa hẹn và thực hiện, từ chuyện lý thuyết đến thực hành, từ chuyện đày tớ đến ông chủ, từ chuyện "hồng" đến "chuyên" ..v.v.. Và mới đây nhất là chuyện chống dịch covid 19. Thực ra nói bao nhiêu cho hết, mà nói cũng bằng thừa, vì thời gian và thực tế đã quá dư đủ cho bất cứ ai để hiểu nhau và tin nhau (nếu có). Mình thì vốn không hề có ý đổ thừa đổ lỗi cho ai, vì đổ thừa đổ lỗi cũng là mũi tên thứ 2 :-). Tuy nhiên trong cuộc sống này, thiết nghĩ cho dù ở bất kỳ quốc gia nào, nếu như chúng ta không nhận ra được nguyên nhân của những sai phạm đã từng xảy ra trong quá khứ và hiện tại, thì nói gì cho đến tương lai? Đặc biệt là những sai phạm đó đều có cùng những tính chất giống nhau, nghịch lý giống nhau, và lập đi lập lại dai dẳng giống nhau. Cứ rút kinh nghiệm, cứ cảnh cáo, cứ kiểm điểm, cứ xin lỗi, cứ doạ nạt, cứ hình thức, rồi lại cứ tiếp diễn những quy trình sai phạm như cũ, thì khác nào bắn hàng trăm hàng ngàn mũi tên vào cũng một chỗ, chứ sá gì chỉ có 2 mũi tên !

Xin nói chút về chuyện chống dịch ở quê nhà. VN ta từ lúc tự hào chống dịch giỏi nhất thế giới đến lúc bị đánh giá xuống hàng thấp nhất, là cả một quá trình dài đầy nổ lực và kịch tính, làm sao kể hết. Ở đó, có biết bao nhiêu sự hy sinh cao quý của những nhân viên y tế, bác sĩ y tá, cán bộ công nhân viên tuyến đầu, đồng bào đồng hương trong và ngoài nước, đã tương trợ giúp đỡ nhau, ngày đêm cùng nhau đối đầu dịch bệnh. Nhiều người đã ngã xuống, đã hy sinh cả tính mạng, gia đình, tài sản, ước mơ, để góp sức cứu nguy giúp đỡ đồng bào đồng loại trong cơn khốn khó. Quả nhiên không thể nào tỏ bày đầy đủ hết được lòng biết ơn đối với sự hy sinh của họ. Xưa nay mỗi lúc trãi qua những biến cố to lớn như vậy, quốc gia nào cũng đều bộc lộ rõ nét điểm mạnh và yếu của đất nước họ, VN cũng không ngoại lệ. Điểm mạnh lớn nhất của đất nước VN là tình người, sự chia xẻ và đồng cảm của người dân với nhau, đặc biệt là những người đã từng có cùng hoàn cảnh khó khăn, nghèo đói. Rất cảm động và trân quý !

Bên cạnh đó thì cũng phải hoan hô sự nhiệt tình đóng góp sức lực và tư duy “chống giặc” của chính quyền trong sự nghiệp chống dịch lần này. Nhiều vị chỉ trong một thời gian ngắn mà tiều tụy hẳn ra, không còn được dáng vẻ đầy đặn như xưa. Hôm trước có người bạn quen nói với mình là "chính quyền đã cố gắng hết mức". Mình cũng đồng ý như vậy, và rất trân trọng những sự cố gắng đó. Tuy nhiên trên thực tế thì nhiều khi dẫu "cố gắng hết mức" cũng chưa chắc đạt được kết quả mong muốn và hiệu quả cao nhất. Bởi lẽ cái "mức" của mỗi người khác nhau, vả lại còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan khách quan khác nhau nữa. Người Tây phương cũng quan niệm "work hard" khác với "work smart". Cho nên sự duy ý chí trong nhiều trường hợp rất cần thiết phải được thay đổi, cần mở lòng và khiêm tốn học hỏi kinh nghiệm của những quốc gia đi trước, đặc biệt là những nước có kinh nghiệm khống chế dịch bệnh thành công. Đó cũng là một trong những cách làm hiệu quả. Nhớ trong Tạp chí Tuyên giáo VN từng trích câu nói của Lê Nin "Lòng nhiệt tình cộng với sự ngu dốt bằng sự phá hoại”. Tất nhiên thời nay không còn ai "ngu dốt" như thời ông ấy nữa rồi, nhưng có lẽ câu nói này cũng còn có một giá trị nhất định nào đó nên vẫn được nhắc lại chăng ?

Theo thiển ý của mình thì mỗi quốc gia đều có những phương cách ứng xử với dịch bệnh khác nhau tuỳ vào điều kiện của đất nước họ. Mỗi giai đoạn mỗi tình huống, đều có những thay đổi khác nhau để cho phù hợp. Tất nhiên có cách làm đúng thì cũng có cách làm sai, và kết quả cuối cùng bao giờ cũng là thước đo trung thực nhất cho những cách làm đó. Nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, cũng từng có những sai phạm nghiêm trọng buổi ban đầu, nhưng họ nhanh chóng học hỏi kinh nghiệm và thay đổi để tốt hơn. Đâu ai tuyệt đối bao giờ, đặc biệt là trong lúc phải đối đầu với cơn đại dịch thế kỷ như lần này. Cho nên chưa hề thấy quốc gia nào lại duy ý chí, khư khư giữ lấy những cách làm đầy nghịch lý và sai trái trong thời gian dài mà không thay đổi, bởi hậu quả khó lường !

Nhiều người mỗi khi thấy những ứng xử lạ thường hoặc việc làm trái cách ở một số quốc gia, thường thắc mắc về năng lực  nhân sự của nước này nước kia. Mình thì quan niệm rằng ở đâu cũng có những người tài giỏi đức độ. Suy cho cùng cho dù sinh ra và lớn lên ở bất kỳ quốc gia nào, thì những giá trị chuẩn mực của xã hội như đạo đức, tư duy, kiến thức, và kinh nghiệm, đều luôn được tôn trọng. Tuy nhiên nếu như nguyên tắc tuyển chọn nhân sự ở quốc gia đó không tôn trọng những chuẩn mực chung, cũng không dựa vào bầu cử công khai của dân, mà chỉ bố trí sắp đặt dựa vào một vài tiêu chí “đặc biệt”, thì giá trị của tư duy, của khoa học, của kinh nghiệm, của chuyên môn, của sự cầu thị, của sự khiêm tốn....đều trở thành vô nghĩa. Tất nhiên mỗi người đều có một khả năng nhất định nào đó, nhưng trong công việc thì chắc chắn có người này phù hợp hơn người kia. Nhìn lại lịch sử dân tộc VN, thì xưa nay chưa bao giờ thiếu người tài giỏi và hiền đức, chỉ là cần phải có cách chọn lựa và bầu bán như thế nào cho công bằng hợp lý thôi !

Nhân nói đến chuyện người "người tài giỏi", mới tối qua đọc mấy bài báo nói về kế hoạch sắp tới của SG, sống chung với dịch và khôi phục kinh tế như thế nào. Mình thấy tên các vị chuyên gia quen quen, lục lại báo cũ ra coi, thì ra cũng là mấy vị cách đây mấy tháng đã phân tích và dự đóan "dịch ở SG sẽ nhẹ thôi, mấy con covid sẽ sớm khăn gói ra đi trong tháng 8". Thoáng nghĩ qua không biết thân nhân của hơn chục ngàn người chết và bạn bè anh em của họ, cũng như bao nhiêu người công nhân, nông dân, dân nghèo, lao động đường phố đang vất vưởng mong cầu sự sống mỗi ngày, có cảm nhận được dịch bệnh lần này là "nhẹ" không ? Mình thì nghĩ rằng đại dịch cúm Vũ Hán chính là “mũi tên thứ nhất” đã bắn vào đất nước VN, không thể tránh né được. Phần quan trọng còn lại là mũi tên thứ 2, đang nằm trong tay của con người VN, đặc biệt là giới lãnh đạo điều hành đất nước hôm nay. Cho nên hơn bao giờ hết, người dân cả nước ai ai cũng mong muốn được thấy “đúng người đúng việc” phen này !

Chợt nhớ đến câu chuyện tiếu lâm đã được nghe lâu rồi. Có anh VK áo vest về làng, phải đi qua một con sông. Ngồi trên ghe rãnh rỗi, đang thưởng thức trời mây non nước, bỗng hỏi anh chèo đò :

- Anh có biết gì về khoa học không ?

- Dạ thưa không. Người chèo đò ngạc nhiên trả lời.

- Vậy anh đã mất đi 30% cuộc đời. Thế anh có biết gì về âm nhạc nghệ thuật không ?

- Dạ cũng không ! 

- Vậy là anh lại đánh mất thêm 30% phần trăm nữa của cuộc đời. Chắc là anh biết qua chính trị thời sự chứ ?

- Dạ cũng không. Em chỉ biết chèo đò mỗi ngày.

- Vậy thì phí phạm quá. Coi như anh mất cả 90% cuộc đời rồi.

Lúc đó trời đang có cơn giông, sóng gió hơi lớn. Anh lái đò thật thà hỏi anh "trí thức" VK:

- Dạ thưa anh biết bơi không ?

- Không 

- Thế thì anh sắp mất hết cả cuộc đời rồi !

Đó là chuyện tiếu lâm, nhưng trong cuộc sống hàng ngày thì cũng không hiếm những câu chuyện khôi hài như thế. Dĩ nhiên kiến thức phải được xử dụng đúng lúc đúng nơi mới phát huy hết vai trò của nó. Nhưng ngay cả bên Tây bên Mỹ cũng không hiếm cảnh lấy râu ông kia cắm cằm bà nọ. Ví dụ như mấy đài tin tức cây nhà lá vườn, hết người, nhờ mấy ông ts gs chuyên môn kỹ thuật mà đi phân tích chuyện chính trị chính em, cũng là chuyện thường. Bên VN thì càng không hiếm trường hợp mời các ông nghè ngành nghề không liên quan ra làm cố vấn chuyên môn, cứ có danh xưng là được. Ví dụ như hành chánh, kinh tế, giáo dục, ra làm tư vấn chống dịch, rượt đuổi F0, F1. Mà cũng thật là bất công, khi đoán đúng thì hoan hô, đóan sai lại phê phán người ta "ếch nằm đáy giếng". Chắc gì là lỗi của họ, biết đâu chính sự tung hô quá trớn của đám đông đã làm cho nhiều người bị ảo giác đa năng ? Nhớ hồi còn nhỏ ở dưới quê, bạn bè tụi mình đi thả trâu, chăn vịt. Đứa nào cũng biết là cách rượt bắt vài con vịt lẻ bầy chạy lạc khác xa với chuyện rượt đuổi vài trăm con sổng chuồng chạy rông. Mà đó chỉ là chuyện nhỏ nhặt vịt gà, huống hồ chuyện đại sự dịch bệnh mạng người, đâu phải chuyện đùa !

Cũng là chuyện mới hôm qua, ngồi coi những tấm hình và clip ngắn mùa dịch SG mà ai đó đã đăng trên mạng. Nào là, cả xóm đem thau ra để trước nhà, nào là những bà mẹ bò lết chui qua những hàng rào tấm chắn với túi đồ ăn rách nát, nào là người mẹ ngồi canh con ngủ trong ống cống, nào là những người y tá bác sĩ lả người nằm bệt xuống sàn, nào là những đứa bé mồ côi ngơ ngác sụt sùi, nào là những đứa con quỳ lạy trên vỉa hè đưa tiễn người thân.... Thế rồi lại vô tình nhìn thấy cái cơ ngơi chôn cất của một vị cựu quan chức vừa mới qua đời ở VN. Thực ra, mình cũng thuộc loại may mắn đi qua nhiều nơi, nhiều nước trên thế giới, nhưng chưa từng được thấy ở đất nước nào lại có những miếng đất chôn cất, hoặc lăng tẩm mồ mả của quan chức to lớn đến như thế. Bỗng nghĩ đến bao nhiêu người ngoài kia còn đang chờ đợi từng đồng trợ cấp, thuốc men, miếng sống mỗi ngày. Nghĩ đến nhiều vị quan chức dãi dầu đường xa vạn dặm "ngoại giao" từng mũi thuốc ngừa. Nghĩ đến còn bao nhiêu người dân vô tội sắp sửa ra đi ? … Chạnh lòng ! 

Rồi ngồi đó thẩn thờ cả lúc, mà cũng không biết mũi tên nào đã bắn trúng tim mình ? Thôi, chúc mọi người luôn may mắn và một cuối tuần bình an. Cầu mong dịch bệnh chóng qua, nước nhà sớm an lành.

PN