Friday, January 20, 2023

Sáng 29 Tết ....

 


Ở VN về được cả tuần rồi nhưng giờ giấc vẫn còn lộn xộn. Thời tiết năm nay bất thường nên cây đào trước ngõ cũng chậm ra hoa. Cây lá, vạn vật, con người, mỗi năm mỗi khác. Ở VN cũng vậy, nhớ buổi khuya rời VN, mình nói người tài xế chạy một một vòng mấy công viên thường bán hoa như cv Gia định, Lăng Cha Cả ... trước khi ra phi trường. Rải rác, lưa thưa sắc màu so với những năm trước dịch. Hoặc cũng có thể thói quen mua sắm của người dân SG đã thay đổi, chậm hơn  ?

Thời tiết cuối năm chỗ mình ở tự nhiên ấm hẳn lên. Chiều hôm qua lái xe một vòng ra ngoại ô, vẫn bạt ngàn đồng khô cỏ héo mùa đông. Những con vịt trời lẻ loi vỗ cánh bay lên, oai oái gọi bầy. Trời sắp tết hay lòng mình đang tết :-) ? 

Thời gian qua nhanh thật, mới đó mà đã gần 40 năm mình rời xa quê hương (gần gấp đôi thời gian mấy ông đi tập kết). Nhưng may mắn là mình vẫn còn ký ức về những nơi chốn đã từng đi qua. Kỳ rồi về, bạn bè và mấy ông anh đồng hương của mình đãi toàn những món quê hương mắm rau, thịt luộc, cá kho .... đơn giản mà ngon tuyệt. Một người bạn thân của mình thời đại học tổ chức buổi họp mặt ở Elisa Floating Restaurant trên sông SG, chỉ để ca hát những ca khúc ngày xưa tụi mình một thời nghêu ngao. Chữ nhớ, chữ không, giọng khàn, giọng bể .... nhưng kỷ niệm thì không quên tí nào, đầy ắp tình cảm. Rất cảm ơn bạn !

Ngày cuối trước khi về lại Mỹ, một mình lặn lội đi thăm vị sư già, nhưng Thầy không còn ở đó. Đứng trên núi nhìn xuống, cảnh vật đã thay đổi quá nhiều. Vẫn nước, vẫn đá, vẫn cây lá, trời mây .....nhưng cái hồn của ngày xưa đã không còn nữa !

Chạy ngang BH, nhớ NTN, nhớ .... "Thà như giọt mưa" ...
Chạy ngang Tân Vạn, Thủ Đức, nhớ K.O của trường Trung học Kiểu Mẫu (BTCN) , nhớ ao sen, nhớ..."Mimosa, từ đâu em đến"... Muốn ghé lại ở hồ nước ct khai thác đá, nhưng đường vào đã phân lô bán nền, nhếch nhác và dày đặc !
Về SG, tìm được một quán chay nằm sâu trong hẽm . Ngồi ngấu nghiến tô mít non kho & dĩa măng luộc chấm chao, cậu lái xe thắc mắc nhìn cười hoài ...:-)

Chiều ấy em về thương nhớ ai?
Tôi chắc đường đi đã rất dài
Tim tím chiều hôm lên bóng núi
Dọc đường mờ những cánh hoa phai ...
(Quang Dũng)

Mà về quê, thực ra niềm vui lớn nhất chỉ có vậy. Gia đình, anh em, bạn bè gặp mặt, tìm nhau và sống lại với những hoài niệm cũ. Nhưng rồi bao giờ cho đến ngày xưa ? Mà thực ra chính những sự gắn bó trong tâm tưởng này mới là cái khổ !

Mở ngoặc chút nói thêm về đề tài này. Ở các nước Á đông, PG thường được giảng giải từ rất nhiều kinh điển, từ ngữ hán - việt , dẫn dắt "sâu xa". Thỉnh thoảng có nhiều ông còn hù ma, nhát quỷ, vẽ vời oan gia trái chủ, phong thuỷ mệnh số ..v.v... rất phức tạp. Còn bên Tây phương, những người nghiên cứu PG sâu sắc thường quan niệm nguồn gốc của sự khổ & phiền não của con người chỉ xuất phát từ 2 thứ, đó là "desire" (ham muốn) và "attachment" (gắn bó). Tất nhiên nói đến những chuyện này thì ai hiểu được bao nhiêu cứ hiểu, ai cãi được cứ cãi  :-). Ngài Lão Tử của TQ cũng nói một câu rất nổi tiếng là "To attain knowledge, add things everyday. To attain wisdom, remove things every day". (Tạm dịch: Muốn có kiến thức thì cọng vào mỗi ngày, còn muốn có trí huệ thì bỏ bớt mỗi ngày). Cũng lại là một câu nói dễ gây tranh cãi ....hihihi. Mình thì nghĩ câu nói của ngài Lão Tử sẽ dễ thuận lỗ tai hơn cho những người muối nhiều hơn tiêu :-).

Mà thôi, sướng khổ gì thì mỗi năm Tết cũng sẽ đến. Năm cũ sẽ qua đi, năm mới sẽ đến. Nhiều thêm một tí, hay ít hơn một tí, rồi cũng qua đi. Vừa rồi lên Bình Dương, nghe kể những tình trạng cám cảnh của công nhân năm nay, nhiều nơi đơn hàng ế ẩm, hãng cho nghỉ sớm, về quê cũng không được mà ở lại cũng không xong. Có thương cảm, giúp đỡ nhau gói quà gói bánh, thì cũng chỉ là những an ủi tạm thời. Phần quan trọng nhất vẫn là những nhà lãnh đạo, quan chức, chính quyền, cần có những tầm nhìn vĩ mô và quyết định sáng suốt, kế hoạch lâu dài hơn cho lực lượng công nhân, nông dân. Một đất nước tự hào mỗi ngày cao ốc biệt thự mọc lên nhan nhản, thế mà lực lượng nòng cốt xây dựng đất nước lại có tương lai bấp bênh, lao động cật lực năm bảy chục năm vẫn chưa mua nỗi một căn nhà để ở, thì quả là điều nghịch lý !

Hôm nay ở Mỹ là 29 Tết rồi, VN sắp bước qua ngày 30. Thân chúc các bạn hữu những ngày cuối năm ấm áp cùng gia đình, và một năm mới tươi sáng hơn, hạnh phúc và an lạc hơn.



Friday, December 23, 2022

Merry Christmas & Happy New Year !

Thân chúc quý bạn hữu mùa Giáng Sinh an lành và một năm mới an vui hạnh phúc, dồi dào sức khoẻ.

PN 







Saturday, November 12, 2022

Phiếm: Trước sau như một !



Vậy là lần bầu cử giữa kỳ (midterm elections) của nước Mỹ năm nay đã bắt đầu hạ nhiệt, mặc dù kết quả cuối cùng vẫn chưa chính thức. Những dự đoán kết quả về "làn sóng đỏ" của cựu t/t Trump và nhiều vị cảm tình viên đảng Cọng hoà đã không xảy ra như ý. Nhưng nhìn chung thì kỳ bầu cử vừa qua không những nắm giữ một vai trò rất quan trọng, mà diễn biến cũng không kém phần hấp dẫn & kịch tính. Hôm qua nói chuyện với ông anh đồng hương ở D.C, mình nói phải chi mấy vụ này xảy ra ở VN, cá độ bắt kèo dưới là ngon cơm :-).

Thực ra, bấy lâu nay bầu cử giữa kỳ của Mỹ, đảng đối lập thường chiếm ưu thế, nhưng lần này thì không như vậy. Khả năng rất cao là bên xanh nắm thượng viện, bên đỏ nắm hạ viện. Tuần rồi, trước ngày bầu cử, đi chợ Á đông, vô tình gặp ông VK kia quen hỏi thăm về chuyện bầu bán. Mình cười nói cũng chưa biết bầu cho ai. Còn ông ta thì rất tự hào - "Tôi xưa nay trước sau như một, luôn luôn tin theo ông ...., luôn luôn bầu cho ....v.v..". Gấp quá, mình cũng chào ông ấy rồi đi, hôm nay cuối tuần rãnh rang muốn phiếm chút về đề tài "trước sau như một" này. 

Trước hết nói về chuyện chính trị chính em chút. Có một số người lầm tưởng là ở Mỹ ai theo đảng nào thì gắn bó với đảng đó suốt đời, trước sau như một. Không hẳn là vậy, như ông Trump cũng từng nhảy qua nhảy lại mấy đảng, từ đảng Cọng hoà nhảy qua đảng Cải cách (Reform Party), rồi nhảy sang đảng Dân chủ, mãi đến năm 2009 ông mới nhảy lại đảng Cọng hoà. Còn chuyện bầu bán, nếu cả nước ai cũng nhất nhất trước sau như một, thì thực ra không cần đi bầu nữa, vì kết quả lần nào cũng sẽ giống nhau. Có vẻ vô lý và hài hước, nhưng thực sự là vậy. Ở Mỹ, có nhiều tiểu bang và địa hạt, kết quả bầu cử thường chỉ gắn liền với một bên, bên xanh (dân chủ), hoặc bên đỏ (cọng hoà). Tất nhiên nước Mỹ là nước tự do, ai cũng có quyền lựa chọn lá phiếu cho mình, nên tiểu bang xanh đỏ gì thì cũng có những người theo phe đối lập, nhưng thường chỉ là thiểu số. Bao nhiêu năm qua, có nhiều người vẫn không hề thay đổi quan niệm, đa số vẫn “trước sau như một”, bầu cho đảng chứ không phải bầu cho người, chỉ thích lắng nghe từ một phía, và bầu cho một bên. Cho nên chưa đi bỏ phiếu thì thiên hạ đã biết trước kết quả rồi. Bởi vậy trên thực tế, kết quả cuối cùng của những cuộc bầu cử ở Mỹ lại thường lệ thuộc vào những tiểu bang "ba phải" (swing states), tức là lệ thuộc vào các cử tri độc lập, hoặc những người cử tri mới đi bầu, hoặc giới trẻ mới lớn lên. Cũng như ở các nước độc tài, mang tiếng bầu cử cho xôm tụ, chứ ông nào cũng đậu gần 100% vì "trước sau như một". May mắn là ở nước Mỹ điều đó vẫn chưa từng xảy ra :-).

Giờ nói đến cuộc sống đời thường, quả nhiên cũng không hiếm những người ngộ nhận về câu "trước sau như một". Cụm chữ này đại ý muốn thể hiện sự chung thuỷ, cam kết hứa hẹn (commitment), nhưng nhiều người lại dùng nó để gán ép cho nhiều vấn đề khác nhau. Tất nhiên là từ ngữ VN, bao giờ cũng có nghĩa đen và nghĩa bóng của nó, nên cần phải phân biệt rõ ràng. Ngay cả vợ chồng, mặc dù nhiều người vẫn chung sống với nhau cho đến răng long tóc bạc, nhưng chắc gì tình cảm ngày xưa lại giống tình cảm ngày nay, nghĩa tình có khác, mỗi người mỗi cảnh, đâu ai giống ai. Trong ngôn ngữ dân gian VN, cũng thường gặp những cách nói tương tự. Ví dụ mới khen "sóng sau dồn sóng trước", rồi lại nói "áo mặc sao qua khỏi đầu. Mới khuyên người ta "ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau", rồi lại nói "miếng ăn là miếng tồi tàn". Mới dạy nhau "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau", rồi lại phán "đầu môi chót lưỡi"..v.v... Rất nhiều câu ca dao thành ngữ trong dân gian, nói cho có vần có điệu, nhưng lại không được lý giải đầy đủ nên dễ gây ra nhiều sự hiểu lầm.

Trở lại khái niệm "trước sau như một" trong cuộc sống hàng ngày, mà ngay cả nhiều vị chữ nghĩa một bụng, tri thức tu sĩ, cũng thỉnh thoảng lý giải lệch lạc ý nghĩa của cụm chữ này. Nếu tuyệt đối tôn vinh nghĩa đen của "trước sau như một", thì chắc cũng không cần tu học nữa làm gì. Khoa học ngày nay và PG đều tin vào quy luật vô thường trong tự nhiên. Mỗi phần trăm, phần ngàn của một giây (s), một sát na trôi qua, vạn vật đều thay đổi vô thường. Từ những phần tử tạm cho là nhỏ nhất như quarks,  protons, neutrons ... cho đến các cấu trúc vũ trụ, thiên thể, hành tinh to lớn nhất, cũng đều vận động liên tục. Rồi những tế bào, mạch máu, trạng thái, ý nghĩ, tư tưởng ... trong mỗi con người, động vật, thực vật cũng đều thay đổi từng phút từng giây. Quy luật "thành, trụ, hoại, diệt", "sinh, lão, bệnh, tử" .... liên tục vận hành, thì lấy gì để duy trì và bảo đảm chuyện "trước sau như một" ?

Mở ngoặc nói thêm chút, mục đích tối thượng của PG là giúp cho con người tự học hỏi, tự thực hành, tự thực chứng, tự chuyển biến để có trí tuệ tinh tấn hơn, hiểu biết giác ngộ. Còn nếu năm ngoái cũng giống năm nay, ngày trước cũng giống bây giờ, cũng hiểu bấy nhiêu chuyện, cũng làm bấy nhiêu việc, thì quả nhiên là cái ghe vẫn cột một chỗ, vẫn chưa nhúc nhích được phân nào, huống hồ chi mong mỏi chèo được qua sông. Thế nhưng trong thực tế cuộc sống thì không hiếm những hiện tượng lý giải đạo pháp lệch lạc, trở thành những câu chuyện vật chất phù phiếm, hù ma nhát quỷ, oan gia trái chủ, mê tín hủ tục..v.v..Không tự thực hành để thay đổi, mà trái lại đợi chờ ở một phép lạ nào đó. Tất nhiên là bất kỳ hiện tượng xã hội nào cũng ít nhiều bị ảnh hưởng trực tiếp từ những thay đổi trong đời sống. Có thể đó là những thay đổi từ nếp sống vật chất, từ thể chế chính trị, từ hệ thống giáo dục, từ dân trí, từ văn hóa, từ đạo đức xã hội, hoặc xa hơn nữa là từ kiếp nạn, nhân duyên, cọng nghiệp gì đó ..v.v...Nhưng chắc chắc là không khó khăn lắm để nhiều người nhận ra sự khác biệt to lớn giữa các sinh hoạt tâm linh xưa và nay, đặc biệt là ở quê nhà VN. Dĩ nhiên sự thay đổi đó sẽ còn tiếp tục biến tướng đa dạng hơn trong những ngày tháng tới. Âu đó cũng là quy luật thay đổi tất nhiên. Mọi chuyện cũng sẽ không bao giờ "trước sau như một", mà chỉ là thay đổi xấu hơn hoặc tốt hơn thôi !

Nói đến đây mình nhớ đến một vài câu chuyện vui ở quê nhà. Lúc trước mình có quen một ông chú là một giáo sư trung học trước 75, kiến thức rất uyên bác, nhất là khi nói về văn hoá quê hương, đất nước và con người. Chú cháu thường xuyên nói chuyện, ông thường kể cho mình nghe những mẫu chuyện ở quê nhà, có nhiều chuyện xảy ra từ trước khi mình ra đời. Đặc biệt chú rất rành rẽ nhiều nhân vật nổi tiếng ở địa phương, hỏi ra mới biết là họ từng học chung với chú từ thời tiểu học trường làng, hoặc lớp 5 lớp 6 gì đó vào thời kháng chiến. Học với nhau vài tháng hoặc một năm rồi đường ai nấy đi, vậy mà gần 6,7 chục năm sau, vẫn còn "biết" nhau nhiều đến thế. Lúc đầu, mình thấy rất lạ, có chút ngạc nhiên, nhưng riết rồi cũng quen dần. Mình vốn cho rằng đó chỉ là những ý kiến chủ quan của chú, nhưng rất tôn trọng, vì nghĩ rằng những người lớn tuổi thường thích sống với hoài niệm, chắc mai mốt lớn tuổi rồi mình cũng sẽ như vậy. Thế nhưng khi trở lại quê hương làm việc, mình mới hiểu ra đó không phải chỉ là câu chuyện của người cao tuổi. Mỗi lúc họp trường, họp lớp, ăn giỗ, ăn cưới, họp mặt đồng hương, cafe, nhậu nhẹt ....vẫn thường nghe những câu nói quen thuộc :

- Lạ gì ổng, tui biết rõ quá mà, hồi xưa học tiểu học chung với tui ...

- Biết rõ quá mà, hồi xưa thường ở truồng tắm mưa chung...

- Quen quá mà, thằng Xoài con ông Mít...chứ gì !

- v.v....và v.v..

Quả vậy, dường như ở một số nơi, khái niệm thời gian như dừng lại. Người ta dễ dàng chấp nhận một người đầu bếp trở thành lãnh tụ, một nông dân trở thành chính khách, một tiều phu trở thành lãnh đạo. Nhưng họ lại khó chấp nhận những người quen biết cũ đã thay đổi khác xưa. Nhiều người trong tâm tưởng vẫn cứ nghĩ như thưở xa xưa nào đó, vẫn những con người ấy "trước sau như một" :-). Có người lại rất rành rẽ hiểu biết, hồn nhiên phán về người khác, mặc dù mấy chục năm chưa hề gặp mặt, hoặc thậm chí ngày xưa chưa từng tiếp xúc với nhau. Trong khi đó con cái sống chung nhà mỗi ngày, thì đôi khi lại than thở là không hiểu nhau. Nhớ có một người bạn của mình than vãn: "Nhiều ông đi tập kết mới có 21 năm, về lại không nhận ra người thân, ngay cả vợ con của họ, thì lại không sao. Còn mình đi xa quê gần gấp đôi thời gian ấy, 40 năm không hề gặp gỡ chuyện trò, mà về quê không nhận ra bạn bè cũ, bị trách móc quá". Mình đùa an ủi - "Chuyện trách móc là bình thường thôi, người kia cũng đâu nhận ra bạn, nhưng họ thích trách móc cho có chuyện nói vậy thôi. Lần tới về, bạn thử đeo thêm cái ba lô, mang đôi dép râu, đội cái nón cối, coi thử có bị trách không ?". Cũng may là bạn ấy biết mình nói đùa không làm theo, nếu không khi quay về Mỹ, có khi lại bị các anh khác chụp mũ rồi. Biết rồi, khổ lắm, nói mãi :-) ! (VTP)

Thực ra, cuối tuần phiếm chút cho vui, chứ nói đến những đề tài này, không đủ thời gian lý giải đầy đủ chi tiết sẽ dễ gây ra sự hiểu lầm. Như "vô thường" là khái niệm căn bản nhất, khoa học nhất, cũng là khái niệm sâu sắc nhất trong giáo lý nhà Phật, nhưng mình lan man một chút đi từ bầu cử Mỹ qua đến chuyện tôn giáo rồi. Thôi xin tạm dừng tại đây, để kể cho các bạn nghe một câu chuyện vui trong thiền. Có một anh chàng bán đậu hủ, một hôm đi ngang qua thiền viện của một vị cao tăng, thắc mắc tại sao các Thầy lại ngồi im nhắm mắt vậy. Sau khi biết được là các vị Tăng đang ngồi thiền, anh cũng thích và muốn được ngồi giống như vậy. Sáng hôm sau, anh đến ngồi thiền cùng các vị Tăng, ngồi một lúc, bỗng anh la lên mừng rỡ: Thấy rồi, thấy rồi ! Mọi người nghe ngạc nhiên, tưởng anh ngộ đạo hỏi anh thấy cái gì. Anh trả lời: Pháp thiền này hay quá, nhờ ngồi thiền con nhớ được có người thiếu con mấy chục ngàn tiền đậu hủ mà từ trước tới giờ con quên. Cho nên cũng là thiền, nhưng chắc gì cái "thiền" của các vị tăng kia lại giống cái "thiền" của anh bán đậu hủ. Biết đâu câu chuyện "trước sau như một" trong đời sống của mỗi chúng ta cũng khác nhau như vậy :-) ?

Thân chúc tất cả cuối tuần an vui !

PN

“No man ever steps in the same river twice, for it's not the same river and he's not the same man.” (Heraclitus)



Tuesday, November 01, 2022

Phiếm: Cuồng thần tượng ?

 



Hôm qua nói chuyện với một người bạn ở VN, thấy bạn băn khoăn lo lắng vì gần đây ở quê nhà những hiện tượng “cuồng thần tượng” thái quá ngày càng phát triển, dẫn đến nỗi lo sợ về “hiệu ứng cánh bướm" (butterfly effect) trong cuộc sống. Mình rất đồng cảm với quan tâm của bạn, một bậc phụ huynh trăn trở nhiều vì con cái, mong bạn sớm tìm ra giải pháp cho gia đình. Tiện thể mình muốn nhắc đến một mẫu chuyện nhỏ mới đây, phiếm chút cho vui :-).

Tuần rồi, mình chở con đi công viên quốc gia Shenandoah ở Virginia. Cung đường đèo Blue Ridge Parkway ở miền đông nước Mỹ trãi dài gần 7 trăm cây số, xuyên qua 2 công viên quốc gia Shenandoah (bang VA) và Great Smoky Mountains (bang NC), nằm giữa rặng núi Appalachian Mountains. Hàng năm đến mùa này rất đông du khách kéo về đây để thưởng thức mùa Thu. Mình thì năm nào cũng vậy, nếu có mặt ở Mỹ vào dịp này, đều ráng chạy lên đây chơi vài ngày. Lá vàng, lá đỏ ... trùng trùng điệp điệp, lái xe trên đèo hàng trăm cây số, ngút ngàn hoa lá. Thường thì mình bắt đầu lên đèo từ đoạn Ashville NC, nhưng năm nay mấy đứa nhỏ muốn bắt đầu ở Shenandoah VA, để tiện đường ghé thăm nhà ông Thomas Jefferson ở Monticello. 



Thomas Jefferson là vị tổng thống thứ 3 của nước Mỹ và là cha đẻ của bản Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ. (Mở ngoặc chút, trong bản tuyên ngôn độc lập của VNDCCH ngày 2/9/1945, cụ HCM có "echo" lại phần mở đầu từ bản Tuyên ngôn độc lập của Thomas Jefferson). Ông Jefferson là một vị tổng thống đa tài, hùng biện, và có nhiều đóng góp to lớn cho lịch sử nước Mỹ. Ông đã đặt nền tảng cần thiết trong một số lãnh vực quan trọng như luật pháp và giáo dục cho những thế hệ đi sau. Rất nhiều người thần tượng ông, tuy nhiên bên cạnh đó thì cũng có khá nhiều tranh cãi về việc sở hữu nô lệ và chuyện tình ái của ông thời bấy giờ. Ngày nay, tại thủ đô Washington DC, tượng đài của ông và tượng đài của tổng thổng Lincoln hàng năm có hàng triệu người từ các quốc gia khác đến chiêm ngưỡng. Ngôi nhà của ông ở Monticello VA, hàng ngày cũng có rất nhiều người đến tham quan du lịch. 

Ông xuất thân từ một gia đình giàu có, thừa hưởng hàng ngàn mẫu đất, nhưng tính tự lập cao. Ông tự học hỏi, tự vẽ mẫu xây nhà, tự mướn người trồng trọt nương rẫy, trồng khoai trồng bắp, tự cung tự cấp, tự thiết kế ý tưởng cho trường đại học VA ..v.v.. Từng làm đại sứ, thống đốc, bộ trưởng, phó tổng thống, tổng thống ....nhưng đến khi chết, cũng chỉ yêu cầu được chôn cất khiêm tốn, nhỏ bé bên vợ con ở góc vườn nhà. Mặc dù ông có hơn 5000 mẫu đất và từng là một vị thống đốc, tổng thống tài ba của đất nước Hoa kỳ, nhưng mồ mả và nhà cửa của ông nếu đem so sánh với nhiều vị quan chức cấp tỉnh hoặc cấp thành phố ở VN thôi, thì đã "không có cửa" rồi. Nói cho vui vậy thôi, chứ so sánh tài trí kiểu nào thì cũng khập khiễng :-) .




Nhưng chuyện mồ mả, nhà cửa của mấy ông tổng thống Mỹ không phải là điều mình muốn nói đến ở đây. Vì thời buổi này du lịch rộng mở, thông tin tràn ngập, nên ai cũng biết cả rồi. Điều mà mình muốn nói đến là tính "thần tượng" về một nhân vật lịch sử. Hôm rồi, ngồi uống nước với mấy đứa con ở Monticello, nghe tụi nó phê phán cách đối xử của Thomas Jefferson với Sally Hemings, mình mừng ghê. Mừng là con cái đã có chính kiến riêng của nó, không phải thần tượng ai một cách mù quáng. Tôn trọng là tôn trọng, nhưng chuyện đúng sai của lịch sử cần phải được minh bạch, rõ ràng. Sally Hemings là một người phụ nữ nô lệ da màu, từng có 4 người con với Thomas Jefferson. Tất nhiên vào thời kỳ đó, với địa vị của ông, chuyện ăn ngủ với một người nô lệ da màu quả nhiên không nhỏ chút nào, và mãi cho đến nay lịch sử ghi lại vẫn còn nhiều uẩn khúc. Hiện nay, trong khu vườn của ông Jefferson ở Monticello vẫn còn gìn giữ dấu tích một căn phòng nhỏ, không cửa sổ, từng dành cho cô Sally Hemings năm xưa. Chính vì tận mắt thấy được căn phòng này làm cho mấy đứa con mình càng bức xúc hơn :-)

Mình góp ý kiến với mấy đứa nhỏ là ai cũng có những khuyết điểm hoặc lỗi lầm, cho dù là tài ba hoặc đạo đức đến đâu, ăn thua là cách họ xử lý những sai phạm như thế nào. Đó là chưa nói đến quan niệm "đúng, sai" nhiều khi chỉ dựa vào suy nghĩ chủ quan của mỗi cá nhân, hoặc tin tức phiếm diện của giới truyền thông, hoặc ảnh hưởng từ quan điểm lập trường chính trị của các thể chế và đảng phái. Bởi vậy, chúng ta nên cảm thấy hạnh phúc vì đã may mắn được sống trong một thể chế chính trị dân chủ, được công khai tìm hiểu và tranh luận, cũng như được tự do phê phán những sai lầm đó. Một số quốc gia trên thế giới hiện nay người dân vẫn không có quyền công khai phê phán lãnh đạo của họ. Và đó cũng chính là cơ hội thử thách cho các thế hệ sau, cần học hỏi và hiểu rõ sự thật về lịch sử, để có những thay đổi và cải cách tiến bộ hơn. Ví dụ như chuyện mèo mỡ của ông Jefferson ngày xưa, nếu sau đó chính quyền dấu diếm hết, cấm tiệt truyền thông, thì làm sao chúng ta biết được ? Nói vậy không có nghĩa là hoàn toàn tuyệt đối minh bạch, nhưng trong một thể chế dân chủ thì sẽ ít gặp những trường hợp bưng bít, hư cấu, hoặc tuyên truyền bóp méo sự thật.
Thực tế cho đến ngày nay một số ít quốc gia trên thế giới vẫn còn áp dụng chính sách "thần tượng hoá" cá nhân như một quốc sách. Mặc dù đã có nhiều thay đổi, nhưng ở một số nơi vẫn còn tình trạng không cho phép người dân có quyền được biết những chuyện xấu xa của lãnh đạo, cho dù trong quá khứ hoặc hiện tại. Dân chúng không được quyền công khai thảo luận những sai phạm hoặc khuyết điểm của các cấp lãnh đạo, thậm chỉ kể cả việc phê phán lỗi lầm của những vị chức sắc tầm thường. Có nhiều người cuồng tín đến mức độ cho rằng đã là thần tượng thì không thể có lỗi lầm, thần tượng làm cái gì cũng hay, nói cái gì cũng đúng. Tất nhiên là nơi nào thông tin càng bưng bít, sự thật càng cấm đoán, thì chuyện hiểu sai, hiểu lầm là bình thường. Có nhiều người dẫu biết được sự thật, nhất là chuyện thâm cung bí sử, thì cũng sống để bụng chết mang theo, rồi cứ thế mà lụi tàn theo năm tháng. Và cũng chính vì những việc tuyên truyền hư cấu, thiêu dệt thần tượng, bóp méo sự thật, thiếu thông tin, thiếu tư duy phản biện, nên mới xảy ra nhiều trường hợp tôn thờ thái quá và cuồng thần tượng dựa trên những điều không có thực. Dĩ nhiên ở đó, hiệu ứng đám đông cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc phát triển và duy trì những kiểu tôn thờ cuồng tín lệch lạc này !

Nhưng thực ra thì không phải chỉ có những quốc gia độc tài hoặc chậm tiến, mới gặp những hiện tượng tôn thờ thần tượng một cách mù quáng. Mà ngay cả những quốc gia văn minh, dân chủ như Mỹ, hiện tượng tôn thờ “cuồng thần tượng" vẫn xảy ra nhan nhản, chỉ là ít hay nhiều thôi. Bởi vậy chuyện tin giả, tin vịt, phải trái bất phân, cuồng tín, quá khích, bạo động vẫn thường xuyên xảy ra. Nếu có khác nhau là so với các nước độc tài, thì thông tin ở những xứ tự do đa số là minh bạch, ai cũng có quyền được nói, được nghe, được biết, được hiểu ...v.v... Thế nhưng họ có chịu lắng nghe một cách khách quan hay không, hoặc có hiểu đúng vấn đề hay không, lại là một vấn đề khác. Nói chung là ở bất kỳ quốc gia nào, vấn nạn "cuồng thần tượng" mù quáng, hoặc giáo điều cực đoan, đều rất cần thiết được xã hội quan tâm đúng mức. Nếu không, thì sớm muộn gì cũng trở thành quốc nạn, dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho con người và xã hội.

Riêng mình, vốn không thích thần tượng ai, và cũng không hề quan niệm sự duy mỹ tuyệt đối, cho nên xưa nay chỉ tùy việc tùy người mà trọng thị. Vi dụ như có ai nhắc đến ông tổng thống Jefferson, thì ngoài chuyện kính nể ông về những đóng góp cho Hiến pháp HK và quyền tự do tôn giáo, mình phục nhất là chuyện ông đầu tư địa ốc :-). So với những đại gia lấy đất quốc gia phân lô bán nền phục vụ cho lợi ích cá nhân lợi ích nhóm, thì ông Thomas Jefferson lại đi mua đất, làm lợi cho đất nước Mỹ rất nhiều. Lousiana, một tiểu bang to lớn đến thế, dầu mỏ, tài nguyên, cá mắm nhiều đến thế, đặc biệt còn là thủ phủ của crawfish và nhạc Jazz. Vậy mà ổng không cần cò đất, cũng không cần bìa thư, tiền lại quả, tiền cà phê, chỉ mua lại của Pháp với giá 15 triệu đô. Tính ra còn rẻ hơn một miếng đất nho nhỏ ở Thủ Thiêm quê nhà hôm nay :-).

Thôi mến chúc mọi người vui vẻ. Hẹn sau !

PN




Friday, September 16, 2022

Tản mạn cuối tuần: Chuyện Nobel thơ !


 

Tuần trước mình có phỏng dịch bài thơ của một cô bé gốc Việt, mới đọat giải thưởng Nhà thơ trẻ toàn quốc của Mỹ vào năm ngoái. Có một vài anh chị em email hỏi mình, sao văn chương của TQ và VN hay như vậy, sâu sắc như vậy, số lượng nhà thơ nhà văn cũng nhiều hơn thiên hạ, nhiều người tài, mà không thấy ai được nhận giải Nobel văn chương bao giờ ?

Thực ra câu hỏi này thì phải nên hỏi mấy ông chấm giải Nobel :-). Còn chuyện khen chê hay dở là những câu chuyện dài, tuỳ theo cảm tính và lý tính của mỗi người, cũng như tuỳ theo cái "gu" thưởng thức của người đọc. Nói đến đây mình nhớ đến một câu chuyện tiếu lâm, có một buổi hoà nhạc nổi tiếng được tổ chức, khách mời toàn là những đại gia mệnh phụ, giáo sư tiến sĩ, trí thức, "đại" văn nghệ sĩ, tai to mặt lớn của thành phố. Mở màn, cả một dàn nhạc quy mô với sự có mặt của nhiều nhạc công, nhạc sĩ tên tuổi, nên ai cũng phấn khích, im lặng chăm chú theo dõi, không ai nói chuyện với ai. Buổi trình diễn được kéo dài khoảng 15 phút, mọi người đang im phăng phắc thưởng thức, thì người trưởng ban tổ chức bước ra xin lỗi - "Dạ kính thưa quý vị, xin thành thật xin lỗi vì nãy giờ vì lý do kỹ thuật nên không có âm thanh". Lúc đó, khách mời mới bẽn lẽn …. không thèm nhìn nhau :-).

Trở lại chuyện Nobel văn chương, thực ra lâu nay các nước châu Á rất ít khi đoạt được giải thưởng này. Các giải Nobel thuộc về vật lý, y khoa, hoà bình, thỉnh thoảng có nghe thấy, nhưng về văn chương thì rất hiếm hoi. Riêng nói đến chuyện làm thơ mà đọat giải Nobel thì lại càng hiếm hoi hơn. Mặc dù những nước như TQ và VN, khi nói đến thi sĩ thì không thể đếm hết được, thậm chí có nhiều người còn được ban phát chức quyền, được ăn lương chính phủ chỉ để làm thơ thôi. Nhưng thực tế thì xưa nay chỉ có mình ông Targore (Ấn độ) là nhà thơ châu Á duy nhất, từng đoạt giải Nobel văn chuơng. Còn TQ thì mãi đến mấy năm gần đây mới có được giải thưởng Nobel văn chương duy nhất của ông nhà văn Mo Yan. Mà để đoạt được giải thưởng Nobel văn chương ở một đất nước như TQ, thì đúng ra Hội đồng giải thưởng Nobel phải phát thêm cho ông Mo Yan vài giải thưởng nữa về sự khéo léo, bền bĩ nhẫn nhục, và chịu đựng. Riêng về vụ này thì mấy ông văn nghệ sĩ chân chính hiểu rõ hơn ai hết. Và tất nhiên là những nhà thơ làm theo kê toa, theo đơn đặt hàng, hư cấu, sáo rỗng, thổi phồng .... thì thường không có cơ hội để đoạt giải Nobel thơ :-).

Nói đến Targore, thì quá nhiều người VN đã biết về ông, nên mình không cần giới thiệu thêm nữa. Ông cũng là một trong những nhà văn, nhà thơ, triết gia, có nhiều cố gắng và thành tựu nhất trong việc kết nối cũng như chuyển tải những tư tưởng hoà nhập văn hoá Đông & Tây. Mình thì thích nhất một câu nói của ông, có phảng phất chút tư tưởng của PG. Đó là "You can't cross the sea merely by standing and staring at the water". (Tạm dịch: Không ai có thể vượt qua biển lớn mà chỉ đứng trên bờ ngắm nước). Cho nên mỗi khi đi họp hành, hay đọc tin tức gì đó, mà nghe mấy ông sếp lớn tuyên bố .... "chúng ta vươn ra biển lớn"... là mình nhớ đến câu nói này :-).

Thật ra từ khi bắt đầu có giải thưởng Nobel (1901), rất ít nhà thơ đoạt được giải thưởng cao quý đó. Có thể là so với các tác phẩm văn chương, thì thơ ca gặp nhiều giới hạn hơn trong việc diễn đạt chăng ? Mình không rõ lắm, chỉ trộm nghĩ vậy. Còn những nhà thơ lớn của thế giới thì thời xa xưa cũng có,  nhưng hồi đó lại chưa có những giải thưởng lớn như bây giờ. Nhắc đến những nhà thơ từng đọat giải Nobel, thì đa số các trường học ở Mỹ đều có dạy hoặc có giới thiệu cho học sinh, nhưng mấy ai còn nhớ ? ví dụ như Rudyard Kipling, Romain Rolland, W.B. Yeats, T.S. Eliot ...etc. Tuy nhiên, có một nhà thơ nữ người Ba Lan, mặc dù không nổi tiếng như những thi sĩ kia, nhưng mình lại rất ấn tượng về bà. Nhớ lại thời thập niên 90, sau khi bức tường Berlin sụp đổ, đế chế Xô Viết vừa tan rã, chiến tranh vẫn còn là những điều ám ảnh rất lớn đối với thế giới thời bấy giờ. Bà Wisława Szymborska, một phụ nữ sinh ra và lớn lên ở Ba Lan, đã nổi bật với những bài thơ viết về sự thật hoang tàn và đổ nát của những cuộc chiến. Những bài thơ của bà đã để lại trong lòng người đọc nhiều ấn tượng sâu sắc.

Bà Szymborska đoạt giải thưởng Nobel văn chương vào khoảng năm 1995/1996 gì đó, thời VN vừa mới mở cửa giao thương với thế giới. Một bài thơ rất nổi tiếng của bà là "The End and the Begining" (tạm dịch: Kết thúc và bắt đầu). Nhớ lúc đó đọc bài thơ này, mình cứ nghĩ đến hoàn cảnh của đất nước VN, vì có nhiều điểm rất tương đồng. Nhưng rồi nhiều năm sau đó, có dịp trở lại quê nhà, cũng như có dịp tiếp xúc với nhiều người VK ở nước ngoài hơn, mình hiểu ra thêm nhiều điều…. Và tất nhiên chuyện gì cũng vậy, cái cũ chưa kết thúc thì cái mới cũng không thể bắt đầu !

Thôi, hy vọng đã trả lời được phần nào câu hỏi của anh chị - tại sao VN ta & TQ nhiều thi sĩ quá, mà chưa ai đọat giải Nobel ? Thân chúc tất cả một cuối tuần an vui.

PN

----------

The End and the Beginning

After every war
someone has to clean up.
Things won’t
straighten themselves up, after all.

Someone has to push the rubble
to the side of the road,
so the corpse-filled wagons
can pass.

Someone has to get mired
in scum and ashes,
sofa springs,
splintered glass,
and bloody rags.

Someone has to drag in a girder
to prop up a wall.
Someone has to glaze a window,
rehang a door.

Photogenic it’s not,
and takes years.
All the cameras have left
for another war.

We’ll need the bridges back,
and new railway stations.
Sleeves will go ragged
from rolling them up.

Someone, broom in hand,
still recalls the way it was.
Someone else listens
and nods with unsevered head.
But already there are those nearby
starting to mill about
who will find it dull.

From out of the bushes
sometimes someone still unearths
rusted-out arguments
and carries them to the garbage pile.

Those who knew
what was going on here
must make way for
those who know little.
And less than little.
And finally as little as nothing.

In the grass that has overgrown
causes and effects,
someone must be stretched out
blade of grass in his mouth
gazing at the clouds.

(By Wisława Szymborska
Translated by Joanna Trzeciak)


Tuesday, September 06, 2022

Tản mạn cuối tuần - Chảy đi sông ơi ...

 


Nhớ lần đầu về VN, lúc ra đi người bạn nhét vô túi xách của mình tập truyện ngắn "Như những ngọn gió" của Nguyễn Huy Thiệp (NHT). Lên máy bay, đọc ngấu nghiến, vừa thích thú vừa ngạc nhiên. Thích thú vì lối viết kể chuyện rất bình dân và súc tích của NHT, ngạc nhiên là chính phủ VN đã không gây phiền phức gì cho ông. Có lẽ thời mình còn ở VN nhiều thứ bị cấm đoán quá, từ âm nhạc văn thơ cho đến lời ăn tiếng nói, nên dẫu đã  lâu vẫn còn bị ám ảnh !

Rồi thời gian qua mau, người bạn thân của mình cũng đã ra đi và nhà văn NHT cũng không còn nữa. Hôm cuối tuần rồi, ngồi bên giòng sông Niagara mịt mù sóng nước, tự nhiên nhớ đến con sông Bến Cốc trong truyện “Chảy đi sông ơi” của NHT, nhớ người xưa và những câu hát đồng dao ...

Chảy đi sông ơi
Băn khoăn làm gì ?
Rồi sông đãi hết
Anh hùng còn chi ?….

“Cuộc sống này có những điều rất ư bình thường, bỗng trở thành những điểm nhớ và điều ám ảnh”. Một người bạn cũ khác từng viết câu này lên trang đầu của cuốn sách tặng mình. Mà quả nhiên đúng thật. Mới đó mà cũng đã gần 40 năm trôi qua. Thực ra ở xứ này, đời sống cơm áo gạo tiền đã làm cho con người thực tế và đơn giản hơn. Sự cưỡng cầu hơn thua cũng làm cho con người tầm thường hơn, đôi lúc tránh né đối diện với bản thân khi chợt nhận ra mình đã vô tình đánh mất bao điều quý giá chỉ vì những mưu cầu vô nghĩa !

Chảy đi sông ơi
Băn khoăn làm gì ?
Rồi sông đãi hết
Anh hùng còn chi ?…

Dường như trong cuộc đời của mỗi người VN đều gắn liền với một giòng sông nào đó, mà lúc đi xa mới thiết tha nhớ về. Một số nơi mình đi qua, có những giòng sông rất đẹp như Thames ở London, Seine ở Paris, Isar ở Munich, St. Lawrence ở Montreal ...etc...nhưng rồi lòng vòng vẫn tơ tưởng nhớ đến những giòng sông nghèo nàn nhỏ bé ở quê nhà. Nhớ có lần mình lặn lội về tận Bình Dương (QN) nơi có con sông Trà Bồng êm đềm chảy xuôi về biển (cách biển nửa ngày sông), để nhìn tận mắt "con sông quê hương" của Tế Hanh đẹp đến cỡ nào. Rồi mới hiểu ra rằng, cái đẹp nhất chỉ là những gì còn đọng lại trong tâm tưởng.

Mà chắc là ai cũng vậy, bao giờ cho đến ngày xưa ? Nhớ thời còn đi học, mình và C, một người bạn rất thân của mình, thường ghé thăm anh Năm M. Nhà anh nằm sát cầu Kinh Thanh Đa, nước sông đục ngầu, lác đác lục bình rác rưởi, sớm chiều hai buổi thuỷ triều lên xuống. Mỗi người mỗi việc, cuối tuần gặp nhau. Có những đêm thật khuya, đến hai ba giờ sáng, ba anh em vẫn còn ngồi uống rượu bên hiên chòi lá nhà anh, nhìn ánh đèn le lói dưới sông của đám người soi ếch, câu lươn, lượm ve chai …. Những đêm trăng, lăn tăn sóng nước, lấp lánh trên sông rất đẹp. Mấy năm sau đó, nghe tin anh Năm M. được chính phủ HK cho đi Mỹ theo diện H.O. Mình rất vui, ngong ngóng đợi chờ. Chưa vui bao lâu, lại nhận được hung tin anh mất vào ngày trước lúc lên máy bay, cả gia đình phải ở lại VN. Ngày đầu trở về quê hương, C chở mình ra Thanh Đa, hai đứa đứng lặng im hàng giờ nhìn giòng sông cũ mà không nói được điều gì ...

Chảy đi sông ơi
Băn khoăn làm gì ?
Rồi sông đãi hết
Anh hùng còn chi ?…


Ngồi tản mạn một chút, lại lan man nhớ đến những bài hát câu thơ của một thời xa lắc. (Mà đã nhắc đến thơ, thì phải tự hào VN ta là một cường quốc :-). Nhớ có một ông nổi tiếng nào đó đã nói rằng "VN ra ngõ gặp anh hùng". Mình thì không tin là VN có nhiều anh hùng đến thế, nhưng ở quê mình chắc chắn có chuyện ra ngõ gặp nhà thơ (hoặc nhà bình thơ). Cứ đi họp lớp, họp đồng hương, đi ăn giỗ, ăn cưới một vài lần thì biết. Nhưng đa phần chỉ là làm thơ in sách, tặng nhau để làm quà lấy thảo, chứ cũng ít khi thi thố cùng ai. Có lần về quê, gặp anh bạn kia tâm sự - "Em à, thế hệ trẻ bây giờ không còn biết làm thơ và thưởng thức thơ như xưa nữa !”. Mình thắc mắc không biết đó là tin vui hay tin buồn ?

Theo quan niệm của mình thì thế hệ sau bao giờ cũng tài giỏi hơn,và luôn có điều kiện đi xa hơn thế hệ trước. Nhưng có thể vì những dị biệt về trào lưu thời đại, đôi khi cách nghĩ cách nhìn khác nhau, nên thỉnh thoảng có những ngộ nhận và hiểu lầm nhất định. Nhớ mới năm ngoái, một cô bé gốc Việt 18 tuổi đoạt giải nhất Nhà thơ trẻ (National Youth Poet Laureate) của Mỹ, có tên là Alexandra Huynh. Một người quen gởi ngay cho mình bài thơ của cô bé viết về Mùa Thu. Định bụng hôm nào sẽ dịch ra tiếng Việt gởi cho anh em bạn bè đọc cho vui, vậy mà lu bu công việc quá quên mất. Hôm nay nhắc đến mới nhớ :-) .

Hy vọng cô bé tài hoa đó sẽ còn đi xa hơn, để làm hãnh diện cho đất nước VN, một cường quốc thơ ca. Mở ngoặc chút, có một cô gái da màu khác từng được giải thưởng cao quý đó trước Alexandra Huynh, đó là Amanda Gorman. Cô bé Amanda đã từng được mời lên đọc thơ vào ngày nhậm chức của tổng thống Biden, và sau đó cuộc đời cô bé chắp cánh bay cao. Tiền bạc, danh vọng đến ào ào. Bao nhiêu tạp chí, công ty, mỹ phẩm thời trang như Vogue, Estée Lauder ... cũng thi nhau ngã giá hợp đồng. Mình băn khoăn không biết rồi em ấy có còn làm thơ hay được nữa hay không ? Xưa nay vẫn thường thấy một số tài năng vì không chống nỗi cám dỗ, nên bị tiền bạc và danh vọng "bóp chết" một cách oan uổng. Đặc biệt là trong lãnh vực văn hoá nghệ thuật hoặc một số ngành nghề như nghề làm quan và nghề làm báo. Mong rằng tài năng của các em sẽ không bị lôi cuốn vào những lối mòn đáng tiếc đó… 

Chảy đi sông ơi
Băn khoăn làm gì ?
Rồi sông đãi hết
Anh hùng còn chi ?…

Thôi chúc mọi người một tuần an vui. Xin chép lại bài thơ "Lời nguyện mùa Thu" của Alexandra Huynh dưới đây. (Đối với mình, thì dịch thơ từ bất kỳ ngôn ngữ nào cũng rất khó, bởi dịch ý thì bỏ từ, dịch từ thì thiếu ý. Nên chỉ mạn phép phỏng dịch bài thơ này. Đọc cho vui thôi nhé)

PN

--------------------

Autumn Prayer

it is here I receive all news,
old news of the world,
not my own
but with a passable scent

from an old man
with passable pity

he tells me about
unit title lesson number
& I swallow

until he mentions Vietnam
(the war)
that is
when I really start to listen

if I can’t be heroine
call me ornament immigrant

o the boats &
the people on those boats
so brave so different from
the refugees now we owed them

I moisten my tongue
at the sound of
almost home as the name

Duong Thu Huong loses
its river in the teacher’s mouth
and no one asks why
my face is wet.

& remembering my one sad desk,
in the desolation of that classroom
I write a prayer
for the children who fill it next:

let the children speak their names as their mothers do.
let the chorus sing it back or try & try.
let the stories have no accent.
& some sounds stay untranslated.
let the children fill the space with memory.

          yes the coriander. yes the silk. yes the stomp. the duplex. the honey.
          the beads. yes the asphalt. the drum. the sneakers. the curls. yes the
          incense. yes the white bread. yes the chainlink. the copper. yes the
          stars. the ballads. the cable buzz. the river. yes the multiple. the
          many. yes the love. yes the love.

let the memories be told by the hearts they tumored.
let the children know the name of their melancholy.
let them shape the vowels into hope.
& draw from ancestral hymn.
let honor make no hostages of them.
let their bloodlines become primary text.
let what they’ve seen become their language.

Alexandra Huynh

----------------------------------------------

(PN phỏng dịch)

Lời nguyện mùa thu, 

chính nơi đây 
tôi ghi nhận tất cả
những tin tức của thế giới ngày xưa 
không phải tự bản thân
mà với một hương vị diệu kỳ  

từ một người thầy giáo già
giàu lòng thương cảm 

ông đã giảng cho tôi nghe
những bài học buồn tẻ
& tôi gượng gạo nuốt vào ..

mãi cho đến khi ông nhắc đến tên Việt Nam
(cuộc chiến)
và đó là lúc
tôi mới bắt đầu thật sự lắng nghe

Nếu tôi không làm nên tích sự gì 
thì hãy xem tôi như một kẻ di trú trưng bày làm kiểng ! 

Ôi ! những chiếc thuyền nan
& những con người lênh đênh trên ấy
họ can đảm dị thường
chúng ta đã nợ họ, những người tị nạn !

tôi nấc giọng
theo từng âm thanh
quen thuộc & gần gũi 

những "quãng đời đánh mất" và thiên đường ảo vọng của Dương Thu Hương
như giòng sông miên man trên môi người thầy giáo
cũng chẳng ai buồn hỏi tại sao
mặt tôi đẫm ướt ?

Chợt nhớ đến chiếc bàn buồn bã của tôi,
trong xó lớp
tôi viết lên đó một lời nguyện cầu
cho những đứa trẻ mai sau ngồi vào chỗ đấy

để chúng gọi nhau bằng cái tên cúng cơm của Mẹ 
để lời ru là điệp khúc muôn đời 
và để những câu chuyện quê hương thật thà 
kể bằng ngôn từ trọ trẹ chân quê 
và để khoảng trống tuổi thơ luôn đong đầy kỷ niệm 

        nào là rau ngò. nào là tơ lụa. nào tiếng giậm chân. nào căn nhà nhỏ ngọt ngào. 
        nào những xâu chuỗi...
        Vâng, nào là mặt đường. tiếng trống. những đôi giày. những lọn tóc. nào là
        nén hương. nào là bánh mì. nào là dây xích đồng thau. nào là
        ngôi sao, nào là giai điệu. nào là những tiếng rì rào. giòng sông. nào những phép nhân tích số . 
        Vâng tình yêu. vâng tình yêu......

xin hãy để ký ức tự tình bằng lời ấp ủ của trái tim
hãy để cho đám trẻ biết tên nỗi buồn thế hệ
để chúng xướng lên niềm hy vọng
từ những bản hùng ca của thế hệ cha ông
xin hãy để danh dự của chúng không bị bắt làm con tin !
để nhiệt huyết của chúng trở thành bản sắc
và hãy để câu chuyện của chúng là những điều chính mắt thấy tai nghe !

Alexandra Huynh
(PN phỏng dịch)

Sunday, August 21, 2022

Phiếm cuối tuần - Chuyện con mèo



Có một câu chuyện được lưu truyền nhiều năm không rõ ai là tác giả, và sau này Osho có kể lại trong cuốn "The Buddha: The Emptiness of the Heart" của ông. Đại khái nói về một thiền sư nổi tiếng trước lúc lâm chung, đã để lại một di ngôn quan trọng cho người kế thừa, đó là "Đừng bao giờ cho con mèo đi vào cuộc đời của con" (“Never allow a cat in your life"). Lúc đó, từ người kế thừa cho đến bao nhiêu đệ tử, tín đồ vây quanh, không ai hiểu được ý nghĩa của di ngôn này :-).

Người đệ tử kế thừa mặc dù rất thông minh, kiến thức rất uyên bác, nhưng cũng không hiểu tại sao sư phụ lại dặn dò như thế ? Thực ra việc tu hành lại có liên quan gì đến con mèo ? Thế là ông cố tìm tòi câu trả lời, gặp ai cũng hỏi cho ra lẽ. Một ngày kia, may mắn gặp được một cụ già vô danh ở chùa. Nghe hỏi, cụ già cười nói - Muốn hiểu ý nghĩa câu này thì phải biết cả câu chuyện ....

Có một vị tri thức trưởng giả giàu có nổi tiếng một vùng, kiến thức hơn người, một hôm quyết định từ giã vợ con, rời bỏ tất cả tài sản của cải để lên một vùng núi hẻo lánh tu tập khổ hạnh. Gần đó có một khu làng nhỏ, nơi ông vẫn thường khất thực mỗi ngày. Gia tài của ông chỉ vỏn vẹn một túp lều tranh do dân làng cất cho, và 2 bộ y bát để thay đổi và gối đầu. Dân làng cũng rất vui mừng và tôn kính ông, vì lâu nay chưa hề có một bậc trí thức cao quý nào như vậy đến địa phương tu hành. Suốt ngày vị tu sĩ kia chỉ tập trung vào việc thiền định tu tập. Nhưng khốn nỗi là ở làng có rất nhiều chuột, hàng đêm chúng kéo đến cắn phá y bát của ngài. Ông đang lo lắng bị lũ chuột cắn rách hết y quấn, thì một người dân làng đem tặng ông con mèo để giải quyết vấn đề này. Ông vui mừng vô cùng, nhưng rồi từ đó ngoài việc kiếm thức ăn cho bản thân, ông còn phải đi xin sữa mỗi ngày cho con mèo. Thấy công việc đó ảnh hưởng đến việc tu tập của nhà sư, một người dân làng đem cho ông con bò để ông có thể lấy sữa mỗi sáng, khỏi phải bận công. Thế là xong việc lo sữa hàng ngày cho con mèo, ông thở phào nhẹ nhõm. Thế nhưng từ đó mỗi ngày ông lại phải xuống làng để xin cỏ khô về cho con bò :-). 

Cũng còn bất tiện quá, người dân làng lại bàn luận với nhau và cuối cùng đề nghị với ông là ở làng có một người goá phụ có thể giúp ông chăm sóc việc lo cỏ cho bò để ông yên tâm tu tập. Năm tháng trôi qua, tối lửa tắt đèn, ông và người goá phụ đó kết thân và sinh con đẻ cái, có một đời sống gia đình hạnh phúc. Một hôm ông lên núi nhìn xuống, nhận ra những thứ mà ông hiện có chính là thứ mà ông đã từng vứt bỏ ra đi từ nhiều năm trước !

Ông cũng nhận ra từ khi có con mèo, cuộc sống của ông đã đi qua một ngõ rẽ khác. Nhưng rồi ông lại tự an ủi bản thân - Ta phải làm gì khác hơn đây khi cuộc sống chung quanh chỗ nào cũng đầy chuột ? Tự an ủi được một thời gian, ông mới nhận ra được cốt lõi của vấn đề. Và người tu sĩ năm xưa đó chính là vị thiền sư vừa qua đời để lại di ngôn.

Câu chuyện tưởng chừng như một chuyện tiếu lâm hay ngụ ngôn gì đó. Nhưng thực ra đó lại là những điều mà chúng ta vẫn gặp mỗi ngày. Nhiều lúc nghe thiên hạ kể lể ông sư này xài Vertu, ông kia xài Mẹc, chùa ông này to, tiền ông kia nhiều, chức ông nọ lớn ..v.v... mình thường cười nghĩ thầm "Không biết mấy con mèo của các ngài giờ này đang ở đâu ?". 

Nhiều người dành hết tuổi thanh xuân để đeo đuổi một lý tưởng nào đó, rồi cuối cùng lại an phận chấp nhận đánh đổi cái khí phách của họ cho một vài quyền lợi nhỏ nhoi hoặc tiện ích nào đó. Thời mình mới về VN làm việc, may mắn gặp được nhiều vị VK hồi hương có những tâm huyết rất đáng nể phục. Mấy năm sau gặp lại, có nhiều vị rất thành công, thành danh, nổi tiếng ở một số lãnh vực, rồi những nhiệt huyết ngày xưa cũng lụi tàn dần. Chuyện bình thường thôi, ở đâu có chuột thì ở đó có mèo. Thỉnh thoảng cũng gặp nhau, vui vẻ ăn uống hát ca gì đó rồi lại chia tay, ít còn dịp nói với nhau về những mộng ước một thời. Nhớ lại thời mình mới ra nước ngoài cũng vậy, nhiều người đã đánh đổi những thứ vô cùng quý giá để ra đi. Rồi bao năm sau, chính họ lại cố đi tìm những thứ mà họ đã bỏ đi ngày trước, như một vòng lẩn quẩn. Cuộc sống này vốn vậy, có những đổi thay đến rất tình cờ và tự nhiên !

Ngoài lề chút, có nhiều lúc thấy thiên hạ, cả trong nước và ngoài nước, lên án nhau quyết liệt về những vấn đề mà có khi bản thân họ cũng chưa hề biết đến hoặc chưa từng trãi qua hoàn cảnh tương tự. Mình thường nghĩ đó cũng là những chuyện thường tình vì ai cũng có quyền được nói. Lời nói không mất tiền mua. Tuy nhiên khi phải đối diện với những "con chuột", "con mèo" trong đời sống thực tế của họ, thì không phải người nào cũng có ứng xử giống nhau. Mỗi người sẽ có những chọn lựa để đuổi chuột, nuôi mèo bằng những lý lẽ biện minh khác nhau .....:-)

Mấy hôm nay nhiều người bạn gởi những tin tức lùm xùm của các vị "sư thầy QD" từ VN. Mình nghĩ đây không phải là lần đầu, mà chắc chắn cũng không phải là lần cuối, quan tâm làm gì. Chuyện nhiễu nhương ở những nơi tôn nghiêm đã thế, chuyện ở chốn quan trường càng ghê gớm hơn. Mà ở đó nhiều lúc cũng chẳng phải là những chuyện mèo chuột sâu sắc gì, chỉ đơn giản là tham lam và lợi dụng lòng tin của kẻ khác, cụ thể là những người dân đen. Thiết nghĩ, thời nào cũng thế ở đâu cũng vậy, cái cần thiết nhất của một tín đồ (cho dù đạo hay đời), là phải biết phân biệt ông nào thật ông nào giả, chỗ nào nên đến, chỗ nào nên nghe. Còn chưa phân biệt được điều đó, thì phải chịu khó học lại vậy, coi thử con mèo của ai lớn hơn ai  :-) 

Thôi, chúc mọi người cuối tuần an vui !

PN 

p.s: .... Mèo của mình - Felix, coi phim và ngủ ngồi :-) 




Sunday, July 31, 2022

Phiếm: Chuyện thề thốt

 


Mấy tuần qua, Ủy ban điều tra ngày 6/1 của quốc hội HK đã công khai trình chiếu dữ liệu những buổi điều trần của một số  nhân chứng được cho là có liên quan đến cuộc bạo loạn lịch sử tại quốc hội vào năm ngoái. Rất nhiều chi tiết cụ thể và chuẩn bị khá công phu. Nhưng tất nhiên chuyện phân tích và nhận định vấn đề vẫn là do mỗi cá nhân, tin hay không đều có cái lý riêng của họ. (Hôm rồi coi phỏng vấn trên TV, thấy có những người vẫn tin rằng cuộc tấn công vào quốc hội là do đảng DC Mỹ gây ra để chống lại đảng CH, đặc biệt là để hạ uy tín ông cựu tt Trump. Còn mình thì lâu nay cũng thường xuyên nghe được những câu chuyện “duy ý chí” tương tự như vậy, riết rồi quen :-)). Nôm na, một trong những câu hỏi gây nhiều tranh cãi nhất là ông Trump đã làm gì trong hơn 3 giờ đồng hồ (chính xác là 187 phút), mà không lên đài tuyên bố hoặc kêu gọi đám bạo loạn giải tán ra về ? Giới truyền thông và một số nhà phân tích cho rằng việc im lặng trước cuộc bạo động đó của ông Trump có thể đã vi phạm lời thề, tuyên thệ của một vị tổng thống HK. Tuy nhiên, những ngày sắp tới, kết quả điều tra của bộ Tư pháp (DOJ) ra sao, chẳng ai biết trước được !

Qua sự việc này, mình cũng hơi thắc mắc -  Nhiều vị khi ra tranh cử hoặc mới lên nhậm chức từng tuyên thệ hứa hẹn đủ điều, nhưng đến lúc cần thiết, lỡ "cảm xúc dâng trào" lại quên mất thì sao :-) ?. Hoặc giả có những nhà lãnh đạo tuyên bố lung tung, đến khi đụng chuyện lại sợ quá, lo quá, hoặc mừng quá, chỉ biết nghĩ đến chuyện khác, thì sao ? Hoặc biết đâu có nhiều ông chỉ hứa cho vui, hứa theo mùa, hứa chiếu lệ, hứa theo chỉ thị, hứa cho nhiều rồi lại quên ...như nhạc VTA. Ví dụ như kỳ dịch bệnh covid-19 vừa qua, vào lúc đỉnh điểm, ở nhiều quốc gia người dân chỉ mong mỏi được nhìn thấy dung nhan quý ông lãnh đạo trên TV chút thôi, để nhẹ lòng. Thế nhưng đâu phải chuyện đùa, kiếm đâu ra, nhà quan lắm việc :-). Mà cuộc sống này vốn lắm điều bất ngờ như thế, từ dịch bệnh, đói  nghèo, chiến tranh hù dọa, uy hiếp lãnh thổ, xâm chiếm biển đảo, cho đến những xung đột lợi ích nhóm, quyền lợi cá nhân…v.v. Nói thì bao giờ cũng dễ, nhưng phải đợi đến lúc đụng chuyện mới biết được vàng thau !



Nói tới chuyện tuyên thệ thề thốt, thì xưa nay mỗi nơi mỗi khác. Nhưng cho dù văn hoá dị biệt, luật lệ khác nhau, thì chung cuộc thiên hạ vẫn luôn thề thốt dựa vào đức tin mà họ cho là thiêng liêng nhất. Ở Mỹ, mỗi khi ra toà ai cũng vậy, từ người dân đen cho đến ông to bà lớn, ngay cả tổng thống, bộ trưởng, quan toà, quan chức ... khi tuyên thệ, ai cũng để tay lên cuốn kinh Thánh mà hứa hẹn. Ở những quốc gia khác thì cũng dùng những cuốn kinh sách khác nhau hoặc có những nghi lễ tuyên thệ khác nhau. Còn ở VN, khi các sếp lớn tuyên thệ thường để tay lên cuốn hiến pháp có chủ nghĩa Marx – Lenin làm ngọn đèn pha soi sáng lãnh đạo nước nhà !

Mới cách đây vài ngày, một vị tân dân biểu của nước Úc đã tuyên thệ nhậm chức với cuốn Kinh Pháp Cú của nhà Phật, làm cho nhiều người bàn tán xôn xao. Nhưng ông dân biểu người Úc gốc Mã Lai này tuyên bố rất rõ ràng: "Chính Phật giáo giúp tôi giữ trung đạo và cân bằng, tử tế và quan tâm, biết ơn và đánh giá cao những món quà của cuộc sống". Giới truyền thông có nhiều người ca ngợi và cho rằng điều đó sẽ mở đầu cho những phương thức tuyên thệ mới trong tương lai, bởi đất nước Úc là một đất nước đa tôn giáo, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng !

Tất nhiên đó chỉ là những chuyện nghi lễ hình thức, còn thực tế vấn đề ra sao, thì chỉ có những người trong cuộc mới thấu hiểu. Chuyện hứa suông hứa lèo với người dân, cũng không phải là những điều lạ lẫm xưa nay. Mới hôm tháng trước, mình ngạc nhiên vô cùng khi thấy rất nhiều người VN thương tiếc ông thủ tướng Shinzo Abe của Nhật qua đời. Gọi hỏi thăm người bạn ở quê nhà, bạn ấy trả lời - "Cứ coi cách người dân thương tiếc một lãnh đạo, thì sẽ hiểu ngay ông ấy đã từng làm gì, chứ không phải ông ấy đã từng hứa gì !".  

Nhưng đó là chuyện chính truờng, quốc gia đai sự, phiếm chút cho vui. Còn trong đời sống, những chuyện hứa hẹn yêu đương trai gái, làm ăn công việc, bạn bè người thân ..... thì những lời thề thốt có nói cả ngàn năm vẫn chưa hết chuyện. Nhớ ông Vũ Thành An có làm bài “Không tên cuối cùng - hứa rồi lại quên", khiến bao nhiêu người mê mệt. Mấy chục năm sau, ông lại làm bài "hứa tiếp theo” nghe càng nẫu lòng hơn ..... :-).  

Thôi chúc mọi người cuối tuần an vui .

PN



Friday, July 22, 2022

Phiếm: Bò có ngu không ?


Mấy hôm nay mạng xã hội VN rần rần vụ án xét xử mấy ông cư sĩ tại gia ở một thiền am nào đó tại Long An. Dường như có những diễn biến khó hiểu ở phiên tòa, làm cho dư luận xôn xao. Xưa nay ai cũng biết toà án là nơi thực thi công lý, duy trì nền tảng luật pháp căn bản nhất của một đất nước. Thông qua những phiên toà, người ta có thể hiểu được và tin tưởng vào tính pháp trị của một thể chế. Còn việc chính quyền có thực thi được chức năng đó hay không, và toà án có lấy được lòng tin của người dân hay không, thì chính người dân sẽ nhận ra và tự trả lời cho chính họ. Cho nên mình cũng không muốn nói thêm về chuyện toà tiếc ở đây, mà chỉ muốn bàn loạn chút về việc bò có ngu hay không :-)

Trước hết, mình nghĩ câu nói "Ngu như bò" là hoàn toàn sai. Tư duy ứng xử giữa con người và con vật là ở 2 hệ quy chiếu khác nhau. So sánh khập khểnh, rồi phán như vậy e rằng chỉ là nghe theo nói theo, dựa vào thói quen, "chụp mũ" cho bò, không công bằng, mà cũng chẳng có một phân tích nào hợp lý. Nếu chúng ta hiểu được tiếng nói của loài bò, biết đâu nó cũng đang phán là "ngu như người ", bởi chắc hẳn những ứng xử của loài người quá vô lý và quá tàn bạo so với cách hiểu của con bò. Xưa nay trong quan hệ giữa người với người, thì người này "hiểu" về người kia cũng chỉ dựa vào mớ kiến thức chủ quan của mỗi cá nhân, nhiều trường hợp có thể chỉ là những quy chụp hoặc gán ép cho nhau, huống hồ chi là giữa người và vật. Thử làm một cuộc trắc nghiệm nho nhỏ, phỏng vấn riêng biệt 10 người khác nhau cho nhận xét về một nhân vật nào đó, một sự việc nào đó, hoặc một món ăn nào đó... thì sẽ nghe được 10 cách "hiểu" khác nhau :-). Đó là còn chưa nói đến những ảnh hưởng từ thông tin lệch lạc của một số người thích cập nhật, nghe ngóng các loại tin vịt, tin gà, hoặc những mẩu tin “câu chuyện làm quà". Ngoài ra cũng có nhiều trường hợp cực đoan quá mức, hoặc bị chi phối bởi những hận thù thương ghét chồng chất, mà nhiều người vô tình dẫn dắt câu chuyện ngày càng xa rời sự thật. Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, vẫn nhan nhản những vấn đề như thế, từ ở quê nhà cho đến hải ngoại, từ ông nông dân chất phác cho đến những người học giả thông thái, từ ông dân chủ cho đến bà cọng hoà, từ ông quan cho đến ông dân…. Biết đâu mà lần ?

Mở ngoặc chút, ở VN mỗi khi chọn biểu tượng cho trường học, cho đội banh, hoặc cho đơn vị nào đó, thì người ta ráng lấy những hình ảnh oai hùng như Quyết chiến, Quyết thắng, Lam Sơn, Đống Đa, Lê Lợi, Quang Trung ..v.v. Còn ở bên Mỹ thì ngược lại, thường lấy biểu tượng của các con vật, và họ rất tự hào về những Mascots đó. Từ những đội banh nổi tiếng cho đến những trường đại học uy tín, đều rất hãnh diện với những biểu tượng “súc sanh” của họ. Hồi còn đi học, mình cũng được vinh dự là dê, là chó, đôi lần :-). Nôm na mình nghĩ loài vật có cách ứng xử và thế giới riêng của nó. Con vật chỉ làm theo những gì nó hiểu, và con người cũng vậy, sống theo mức hiểu biết của họ. Thực tế, loài vật có những khả năng hơn hẳn con người nhiều mặt, nhưng vẫn bị loài người chê ngu, chỉ vì ứng xử không giống họ. Ví dụ con người không thể mạnh mẽ bằng con bò con ngựa, không nhìn giỏi bằng con quạ con diều hâu, không nghe giỏi bằng con dơi con cú, không ngửi giỏi bằng con chó con mèo, không chạy nhanh bằng con hươu con báo...v.v..Nhưng loài người thì xưa nay vẫn vậy, vẫn thường phê phán và kết tội những dị biệt hoặc những ứng xử khác thường đối với họ. Cho nên mới sinh ra nạn kỳ thị, mâu thuẫn, chiến tranh, và muôn vàn câu chuyện phiền phức khác. Ông da trắng chê ông da đen, ông lên tỉnh vài hôm chê ông dưới quê dính phèn, ông VK qua Mỹ vài năm chê ông VN lạc hậu, ông coi đài Fox chê ông coi đài CNN, ông bán ao cá tra trở thành đại gia chê ông còn giữ ao chăn vịt là "hai lúa", ông tu theo Phật chê ông tu theo Chúa, ông theo Trump chửi ông ủng hộ Biden ...v.v...Cứ thế mà cãi nhau hết ngày hết tháng !

Trở lại chuyện tin gà tin vịt. Sáng nay mình cũng mới coi cái FB của ông anh quen gởi. Thiết nghĩ ở toà án VN, ngay cả ông Thăng từng là uỷ viên BCT mà còn phải đề nghị "đối xử với bị cáo như số phận một con người”; ông Chung tướng CA, từng là bí thư thủ đô HN, còn phải kêu gọi được pháp luật "đối xử bình đẳng", thì chắc ông cư sĩ áo nâu đó cũng tự hiểu ra thân phận của mình. Còn việc ông cư sĩ áo nâu có râu kia có chửi ông sư quốc doanh nọ là "ngu như bò" không, hay là do mấy cậu thanh niên hay hát kia chửi, chắc cũng không khó lắm để tìm hiểu. Tất nhiên mấy ông "Bao Công mặt sắt đen sì” cũng không phải chỉ đơn giản là ngồi đó để xử án lệ "ngu như bò, ngu như heo", mà còn nhiều tích tuồng Liêu trai chí dị khác nữa. Tuy nhiên, trên mạng thì thôi rồi Lượm ơi, mù mịt sương khói, ai tin được thì tin :-).

Nhưng mà đọc tin cũng thấy lạ, có vẻ như diễu hài nhiều hơn. Ví dụ như ông cư sĩ áo nâu kia, từ lúc chưa kịp ra toà thì nhiều người, báo chí, mạng xã hội đã chụp hình đưa tin đủ chuyện giựt gân, buộc tội loạn luân ngay chấm phạt đền. Không cần phép tắc, chứng từ, lôi cả hình ảnh, gia thế của những đứa nhỏ vô tội vào cuộc. Chẳng có pháp luật lý lẽ nào bào vệ, cũng chẳng cần tôn trọng quyền riêng tư, quyền tự do cá nhân gì cả. Thế nhưng khi ra toà thì chính ông lại bị xử tội lợi dụng xâm phạm đến quyền tự do dân chủ của người khác :-). Rồi cũng chẳng nghe ai nhắc đến các tội danh từng gán buộc cho ông ta ban đầu. Bởi vậy nhiều người thắc mắc về mục đích thực sự của phiên tòa. Còn kịch bản phụ của vụ án như ông sư quốc doanh kia vác đơn đi kiện vì bị nói “ngu như bò", thì lại càng hài hước hơn. Cũng nhân tiện nói đến đề tài "ngu như bò", mình muốn phiếm thêm một tí. Vả lại còn chút thời gian, ly cafe buổi sáng uống chưa xong :-)

Tất nhiên lâu nay không phải là ai cũng hiểu đúng quyền tự do ngôn luận, và cũng không phải đất nước nào cũng tôn trọng cái quyền tối thiểu đó của con người. Như ở Mỹ nghe người ta chửi ông Bảy Đần hoài có sao đâu (!). Nhiều người ngôn ngữ còn hạn chế, nhưng cứ nghe đầu này thì nói lại đầu kia, chửi hết ông tổng thống này đến bà bộ trưởng nọ, toàn là những ông to bà lớn. Tội nghiệp những ông tổng thống, thủ tướng, nguyên thủ quốc gia, của nhiều quốc gia hùng mạnh nhất nhì thế giới cũng bị chửi là đần độn suốt ngày. Lúc trước ông Trump còn tại chức cũng vậy, nhiều người tạc cái tượng ông đứng trần truồng có con chim nhỏ nhắn xinh xắn như trái ớt hiểm, để giữa đường cho thiên hạ chụp hình, sờ tí ....Cũng có sao đâu ? Nhắc đến mới nhớ, mấy tuần nay “Uỷ ban điều tra vụ bạo loạn ngày 6/1 ở quốc hội Mỹ" công bố những dữ liệu minh bạch cho bá tánh thiên hạ coi trên TV. Nhiều người đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, nhưng cũng đâu dễ dàng gì mà thay đổi được quan niệm của một số người. Ai cũng có một bộ lọc để chỉ nghe những điều mà họ muốn nghe, và để "justify" (điều chỉnh) hoặc bỏ qua những thứ mà họ không thích nghe. Còn tin tức nào bất lợi quá thì cứ chụp mũ là “fake news". Còn khó nghe hơn nữa thì nếu ở bên ni tặng cho cái nón cối, ở bên nớ tặng cho cái huy hiệu thế lực thù địch. Thế là xong, vừa rẻ tiền lại vừa hiệu quả :-). Nhớ có lần mình đi siêu thị Á châu dưới Cali, gặp ông kia chửi trời chửi đất, chửi Mỹ, chửi Tàu, chửi xã hội VN, chửi người VN yếu hèn, nhu nhược .v.v.. Mình hỏi "Anh dũng cảm vậy, có ý định hôm nào về VN ra chợ Bến Thành chửi bữa cho đã không ?". Anh im lặng trừng mắt nhìn mình, chắc lại là đang kiếm cái nón cối :-) .


Nhưng đó là chuyện đời thường, còn chuyện ông sư kia đi tu (mặc dù có thể đi tu vì lý do nào đó), bị người ta chê ngu, mướn luật sư vác đơn đi kiện, thì lại càng lạ hơn. Ông Phật hồi đó mà "mặt mũi" như ông sư quốc doanh này chắc là vác đơn đi kiện hoài. Ngạc nhiên hơn là ông sư QD này từng thuyết giảng về "vô ngã", về "lục ba la mật" (six paramitas) .... mà lại ứng xử như vậy ? Nhưng suy cho cùng thì cũng không có gì lạ. Thực tế trong đời sống có quá nhiều sự gượng gạo gán ép giữa những danh vị vô nghĩa và tư duy của con người, để rồi tung hô lẫn nhau theo quán tính. Có nhiều lần mình may mắn được ngồi nói chuyện với một số vị học hàm học vị cả gánh, chức nọ chức kia ghê gớm (cả trong nước lẫn ngoài nước). Cố gắng hết sức để tìm được sự kết nối giữa cái danh vị và tư duy của họ qua câu chuyện, nhưng rồi lại thất bại. Thỉnh thoảng mình cũng có đọc, có nghe nhiều vị phát biểu trên báo trên đài TV, cũng vậy. Chỉ biết tự nhủ chắc là mình hiểu chưa tới, chưa đủ duyên, chưa đủ tầm, hoặc học chưa hết chữ :-).

Thực ra dẫu ông sư kia có thắng kiện, hoặc ông quan nào đó có dùng quyền lực khoá miệng người khác, thì cũng làm sao khoá được suy nghĩ của thiên hạ. Mà đó mới là điều quan trọng. Tiếng Anh có câu nói “Respect is earned, not given”. (Tạm dịch là: Sự tôn trọng phải là do tự mình tạo ra, chứ không phải là thứ cho không biếu không). Tôn trọng là ở chỗ hiểu nhau, quý nhau, kính nhau, nghĩ về nhau, chứ không phải chỗ nói suông, thổi phồng, nịnh đầm, hoặc tuyên truyền những chuyện đi mây về gió. Thiếu gì những trường hợp trước mặt nịnh nọt nhau, cụng ly nhau, tâng bốc nhau ầm ỉ, khen nhau toàn những lời hoa mỹ. Ký hợp đồng xong, nhậu xong, hoặc được việc xong, quay lưng lại là chửi thề. Bình thường thôi. Ở một số quốc gia đang phát triển, cho đến nay vẫn còn rất nhiều hiện tượng ngộ nhận về những giá trị ảo. Cứ nghe đồn đãi danh xưng, bằng này cấp nọ, chức này chức nọ, là vội tin, mà ít khi kiểm chứng hoặc tự thân tìm hiểu cái danh xưng và tư duy đó có thực sự thuộc về nhau không, bóng và hình có ọc rơ không. Bởi vậy nên mới có nhiều bị kịch và nghịch lý xảy ra !

Ông Gandhi có nói "I will not let anyone walk through my mind with their dirty feet." (Tạm dịch: Tôi sẽ không để bất cứ ai dẫm lên trí óc tôi với bàn chân dơ bẩn của họ". Mình luôn luôn đồng ý với quan niệm đó. Cuộc sống lúc nào cũng đầy rẫy những thị phi. Ai cũng có những người thương kẻ ghét, người hiểu đúng kẻ hiểu sai, người thật lòng kẻ đố kị. Sao có thể thay đổi và cấm đoán đưọc họ ? Đâu cũng có người thông thái, kẻ hoang tưởng. Tại sao phải bận lòng đến những câu chuyện không đâu vào đâu của họ mà tự làm khổ mình. Nhiều người đâu phải chỉ dẫm lên người khác bằng đôi chân dơ, mà có khi kéo theo vài xe phân, thậm chí vài trái bom tấn. Ông sư kia dễ bị ngoại cảnh khen chê tác động như vậy, làm sao giảng giải... chánh niệm, chánh tư duy ? 

Bỗng nhớ đến câu chuyện của Ngài Lục Tổ Huệ Năng ngày xưa. Để tránh những đố kỵ ghen tức, Ngài ẩn danh sống lây lất đây đó nhiều năm, đợi cho đến thời điểm phù hợp mới ra hoằng pháp. Một hôm đi đến chùa Pháp Tánh tại Quảng Châu, gặp lúc pháp sư Ấn Tông đang giảng kinh Niết bàn, nhiều người đang lắng nghe.
Lúc bấy giờ, gió thổi lay động lá phướn. Một vị tăng bảo rằng gió động, một vị tăng khác bảo là phướn động, tranh luận nhau mãi. Ngài Huệ Năng bước đến bảo rằng: "Chẳng phải gió động, cũng chẳng phải phướn động, mà chính tâm hai nhân giả động đó". Mọi người đều giật mình tỉnh ra !

Bởi vậy, biết đâu con bò không hề ngu, mà ngu cũng chẳng phải là ngu, mà chính chúng ta mới là những kẻ nên nhìn lại chăng ? 

Thôi chúc mọi người cuối tuần an vui. 

Go cow, go cow, go cow .... :-)

PN


Saturday, July 16, 2022

Tản mạn cuối tuần .... Con đường tôi về !

 


Hôm đầu tháng, lễ Độc Lập HK, mình chở con đi núi. Asheville, một thành phố nhỏ nằm giữa rặng Appalachian Mountains, cạnh cung đường Blue Ridge Parkway nổi tiếng, trãi dài hơn 700 cây số đường đèo, xuyên qua những công viên quốc gia núi rừng trùng trùng điệp điệp. Hàng năm rất nhiều du khách đổ về đây để nghỉ dưỡng và thưởng thức cảnh sắc núi rừng, đặc biệt vào mùa Thu. Trong những thập niên vừa qua, ngày càng nhiều người xứ khác dọn về đây sinh sống hoặc về hưu. Nhiều thiền viện, trung tâm nghĩ dưỡng, resorts, khu hưu trí được mọc lên. Lý do đơn giản nhất là ở đây cuộc sống nhẹ nhàng, khí hậu mát mẻ, "college town" (có đại học trong phố), và có nhiều sự kiện âm nhạc, văn hoá, nghệ thuật, thường xuyên được tổ chức. Đặc biệt nữa là có nhiều chỗ nấu bia ngon :-). Nhiều người gọi thành phố này là “the Paris of the South” (thành phố Ba Lê ở miền Nam), rồi cũng có người gọi là "Little bit of the West in the East" (một chút miền Tây ở miền Đông). Thực ra, muốn gọi gì cũng được, nhưng một thành phố mà phát triển nhanh chóng quá, thì bao giờ cũng có những mặt tốt xấu và hạn chế nhất định. Mấy chục năm qua, mình thường xuyên ghé lên đây, nên cũng dễ dàng nhận ra sự thay đổi của nó. Tất nhiên là hương đồng cỏ nội đã bay đi ít nhiều !


Đúng ra thì Asheville chỉ là một thành phố nhỏ, nhưng ngày xưa rất nhiều người biết đến nơi này chỉ vì địa danh "the Cove", một lò đào tạo giáo sĩ nổi tiếng của nhà truyền giáo Billy Graham. Tên tuổi lẫy lừng của ông Billy Graham từng chiếm lĩnh nhiều năm trên những kênh truyền thông của đất nước Hoa Kỳ, ngay cả thời kỳ chiến tranh VN. Ông là bạn thân với nhiều đời tổng thống Mỹ, đặc biệt là Lyndon Johnson. Ông cũng từng giảng đạo chung với mục sư Mark Luther King và nhiều người nổi tiếng khác. Bởi vậy, những di sản mà ông để lại, cũng như sự ảnh hưởng của ông đối với nước Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới, đã vượt quá xa tầm với của một mục sư Tin Lành bình thường. Thế nhưng từ ngày ông mất đi, "The Cove" có vẻ im vắng hơn nhiều. Hôm rồi lúc xuống núi, chạy ngang "The Cove", mình thoáng chút ngậm ngùi, chạnh lòng nhớ đến mấy câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan ...

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thắm thoắt mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đó người đây luống đoạn trường !".

(BHTQ)

Mà nói đến tên tuổi của Billy Graham thì quá lớn rồi, ai cũng biết, khỏi cần nhắc lại nữa. Thời còn sống, ông thường có những phát biểu rất đình đám. Tất nhiên là vậy, từ nữ hoàng Anh cho đến bao đời tổng thống Mỹ như D. Eisenhower, J.F.Kennedy, L.B. Johnson, Richard Nixon, Bill Clinton ... đều rất lắng nghe ông. Ngày xưa, thỉnh thoảng mình cũng có nghe một vài bài nói chuyện của ông trên TV, rất thú vị. Có một câu nói của ông mà mình còn nhớ, đó là "When wealth is lost, nothing is lost; when health is lost, something is lost; when character is lost, all is lost". (Tạm dịch là: Khi mất đi sự giàu có là không mất gì cả, khi mất đi sức khoẻ là chỉ mất đi một phần, nhưng khi mất đi bản sắc của chính mình thì là mất tất cả). Thực ra chữ "character" bao gồm một phạm trù khá rộng, mình tạm dịch là "bản sắc" trong trường hợp này để dễ hiểu hơn. Nhiều người có thể dịch khác hơn, cái "tôi", cái bản sắc, cái tiêu biểu, cái đặc điểm, đặc tính, cái tính cách, tư cách, cái phẩm chất .v.v.. gì đó cũng được. Mình thì rất ngại chuyện dịch thuật, bởi ý nghĩa của từ ngữ luôn bị hạn chế, đôi khi không có quan hệ tương ứng, đặc biệt là những câu cú mang hàm ý sâu sắc. Nhưng không sao, viết cho vui, cũng chỉ là những phút tản mạn của ly cafe buổi sáng :-).


Không thể phủ nhận, đó là một câu nói rất hay. Nhưng thực tế xưa nay có nhiều người vẫn sống theo quan niệm đó chứ không phải đợi cho đến khi có câu nói của ông Billy Graham. Chỉ đáng tiếc là hiện nay vẫn còn một số quốc gia hoặc do phát triển mất cân đối, hoặc do tôn thờ chủ nghĩa vật chất quá mức, hoặc do nghèo đói thiếu thốn quá, nên vẫn tồn tại nhiều ngộ nhận tiêu cực về những giá trị cuộc sống. Có thể khi phải vật lộn với cái bao tử, nghiệt ngã sinh tồn với những nhu cầu tối thiểu của chén cơm manh áo, thì những giá trị nhân văn khác đều trở thành món hàng xa xỉ. Có lẽ vậy, nên cho đến nay vẫn còn nhiều nơi trên thế giới, giá trị vật chất luôn được coi là tuyệt đối (tất nhiên không phải ai cũng vậy). Từ việc đi học, chọn nghề, hôn nhân, giao tiếp, cho đến quan hệ bạn bè, gia đình, người thân …vật chất luôn nắm giữ vai trò tối quan trọng. Thậm chí ngay cả trong công việc phục vụ đất nước và nhân dân, nhiều người cũng bằng mọi giá sẵn sàng chiếm đoạt những thứ không thuộc về mình. Họ nguỵ tạo bản thân, nguỵ tạo giá trị, nguỵ tạo "character", nguỵ tạo niềm tin .....để đạt được mục đích. Thắng thì huênh hoang tự đại, thua thì khóc lóc van xin. Tất nhiên ở những nơi chốn đó, thì những câu nói như của ông Billy Graham sẽ hoàn toàn vô nghĩa !

Mình có vài người bạn là mục sư. Thỉnh thoảng vẫn gặp nhau, hẹn đi ăn uống, hoặc đến thăm viếng nhà thờ của bạn vào những dịp lễ hội. Hiểu nhau, tôn trọng nhau, tôn trọng sự riêng tư cá nhân, nên cũng ít khi nào tụi mình bàn luận về những đề tài đức tin trong mỗi lúc gặp gỡ. Riêng bản thân mình là một người theo đạo Phật, nên có nhiều lý thuyết và quan điểm của một số tôn giáo khác không phù hợp với mình. Điều đó không có nghĩa là mình phê phán hoặc đả kích tôn giáo khác, mà ngược lại mình cảm thấy rất thú vị khi đọc và tìm hiểu được những sự khác biệt đó. Có lúc cuối cùng nhận ra là thiên hạ đang nói về một thứ giống nhau chỉ là khác nhau góc nhìn :-).

Trở lại câu nói nổi tiếng của ông Billy Graham, một câu nói rất có giá trị trong đời sống theo cách hiểu của nhiều người. Đó cũng là một cách diễn giải khác của quan niệm “hãy là chính mình và luôn giữ gìn giá trị bản thân”. Nhưng đối với những người theo thuyết nhà Phật, có lẽ quan niệm đó được hiểu đơn giản hơn, vì họ cho rằng mọi thứ đều sẽ phải thay đổi, chẳng có gì tồn tại mãi mãi. (Xin nhắc lại là hoàn toàn không có ý tranh chấp hoặc phê phán đúng sai ở đây, mà chỉ là ý kiến cá nhân). Như bản thân mình vốn tin vào thuyết “vô thường", “vô ngã", nên cho rằng mọi giá trị “được, mất” mà ông Billy Graham nhắc đến đều có mối liên quan mật thiết với nhau, có cái này mới có cái kia, luôn dựa vào nhau để tồn tại, và có thể mất đi bất cứ lúc nào. Không ai có thể thay đổi được quy luật đó. Ngay cả cái "character" mà ông Billy Graham nói đến cũng chỉ là những ảo giác hoặc tầm nhìn dựa vào các ý nghĩ (thoughts) hoặc các thức (consciousness) của riêng mỗi người. Nôm na đó chỉ là quan điểm cá nhân, hình thành do sự cảm nhận và tương tác với thế giới chung quanh, không định hình cụ thể mà cũng không tồn tại thường hằng. Ví dụ như như người này “hiểu” về người kia cũng chỉ là theo cách hiểu của riêng họ, chẳng có gì là đúng sai hoặc cố định cả. Cho nên nếu có thể nói được một điều gì đó "chắc chắn" hơn, thì mình sẽ nói là 3 thứ của cải, sức khỏe, và cái “bản sắc” của con người rồi cũng sẽ mất hết :-).

Thực ra nói đến mấy đề tài này thì chắc chắn là hơi "khó nuốt", chỉ là tản nạn cho vui thôi. Còn cuộc sống chung quanh ta thì mỗi ngày vẫn nhan nhản những chuyện gán ép nhau, gán ép "character" cho chính mình, gán ép "character" cho thiên hạ. Mới hôm rồi có ai gởi mình một bài thơ "Họp lớp" từ bên VN, thấy đi họp bạn cũ mà cũng có character Bá Kiến, Chí Phèo, Thị Nở. Thị Nở Chí Phèo không được Bá Kiến cho ngồi chung bàn, tủi thân rủ nhau ra ngoài gốc cây ... :-). Tưởng là chuyện đùa, nhưng nhiều lúc ngay cả ở nhà thờ, chùa chiền, từ đường hoặc những nơi thờ cúng tâm linh, cũng xảy ra trường hợp như vậy. Chuyện bình thường thôi. Thời buổi này vẫn có nhiều người đi đến nhà thờ, chùa chiền, mà phân biệt hình tướng to nhỏ, sang hèn. Đệ tử cũng phân biệt hàng đệ tử đại gia, tiểu gia, đệ tử ruột, đệ tử gan… (Nên mới sinh ra chuyện tu sĩ mà móc nối được với mệnh phụ phu nhân, đại gia, quan chức, để chạy chức chạy tù). Thực ra cuối cùng là khác biệt gì giữa một đại phu nhân xu hào rủng rỉnh cúng tiền tỉ, và một cụ già lượm ve chai cúng từng bó rau dại mỗi ngày ? Tên tuổi ư ? Hay là một người hô to một tiếng có bao nhiêu người cống nộp, và một người cặm cụi mồ hôi hái lượm cả ngày ? Suy cho cùng đó chỉ là những hình thức tạm thời bên ngoài, đâu ai biết được tấm lòng thực sự của họ bên trong. Ông  Chúa thì chắc chắc là sẽ không quan tâm đến chuyện tài vật ít nhiều. Còn ông Phật thì lại càng không thể ngồi đó xét lý lịch ba đời coi ai địa vị hơn ai, ai nhà to xe đẹp hơn ai, hoặc ai cúng lạy nhiều hơn ai. Cho nên cái "character" thực sự của mỗi người chỉ có chính họ mới cảm nhận được. Còn cảm nhận và hiểu đúng được bản thân hay không lại là câu chuyện khác. Hiện nay ở Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới, ngày càng nhiều người thực hành "meditation" (tạm dịch là thiền), với mục đính chính là để lắng nghe và hiểu đúng về bản thân của họ. Bởi lẽ cần phải biết con khỉ “monkey mind” ở đâu thì mới có thể mời nó ăn chuối được :-).

Hoàn toàn hợp lý. Bởi khi muốn buông bỏ hoặc thay đổi một điều gì đó, thì trước hết phải biết rõ điều đó là gì. Thiết nghĩ không biết mặt mũi cục bột ra sao mà đòi nắn ra hình này hình nọ thì mơ hồ quá, hoang tưởng quá. Cho nên có nhiều người hết sức cố gắng học tập hoặc làm theo một cái khuôn mẫu chuẩn mực nào đó, mà không biết mình là ai, cũng không biết người khác thực sự là ai, nên học cả đời mà cũng không hề có kết quả gì. Thậm chí học lộn còn bị tẩu hoả nhập ma :-).

Cũng không ngạc nhiên lắm, vì đối với những kẻ phàm phu tục tử như mình, chỉ để hiểu rõ bản thân cũng đã là chuyện khó khăn vô cùng. Huống hồ gì mơ mộng đến những chuyện cao siêu hơn. Tuy nhiên đối với các bậc thông thái, thiền sư, cao tăng đắc đạo thì lại khác. Họ chắc chắc không còn cái gọi là "bản sắc", bản thân, hoặc "characters" để hơn thua. Cũng chẳng có cái "tôi", cái "ngã" để tự hào. Càng không có cái mặt, cái mũi, để mất. Cho nên họ khoẻ re là vậy :-). Thực ra, ngày nay có rất nhiều kinh điển, tài liệu, sách vở nói về vô ngã, emptiness, non-self, substanceless, anatta (Pali), anatman (San) … Nhưng để đọc được, hiểu được, và thực chứng được điều đó là những chặng đường không dễ dàng chút nào !

Cũng nhân nói đến chuyện cái "không" cái "có", mình nhớ đến 2 câu nói của 2 nhân vật nổi tiếng, mà thời còn đi học tụi mình thường bàn luận đến. Đó là Các Mác (Karl Marx), một nhà xã hội học, một lý thuyết gia gốc Đức, được cho là ông tổ của lý thuyết cọng sản. Người thứ hai là vị tổng thống tài ba của Mỹ, Abraham Lincoln.

Ông Marx nói - "I am nothing, but I must be everything", (tạm dịch là: tôi không là gì cả, nhưng tôi phải là tất cả). Còn ông Lincoln thì nói - "I am nothing, truth is everything“, (tạm dịch: tôi không là gì cả, sự thật mới là tất cả). Chính 2 câu nói này đã từng gây ấn tượng sâu sắc cho mình thời con đi học, và mãi cho đến ngày hôm nay, vẫn còn là một trong những chiêm nghiệm đáng quý nhất !

Thôi chúc mọi người cuối tuần an vui. Lâu quá không viết lách gì, gõ máy một lèo, mỏi tay quá :-).

PN (07/2022)

Saturday, April 09, 2022

Tản mạn cuối tuần - Dễ thở hơn !

 


Tuần qua có người bạn cũ ghé thăm mình, ở lại cả chục ngày. Tối nào hai đứa cũng thức khuya lai rai, nhắc lại chuyện xưa trên trời dưới đất. Tính ra cũng quen biết nhau gần mấy chục năm rồi. Jim, sinh ra và lớn lên ở miền bắc New York, tốt nghiệp hạng ưu ở Brown University, một trong những đại học Ivy League danh giá của Mỹ. Thế nhưng cậu ta đã không chọn con đường kiếm tiền, không đeo đuổi giấc mơ Mỹ (American Dream), để có nhà lớn xe đẹp, mà chọn con đường chông gai hơn, đi làm thiện nguyện giúp đỡ những người cùng khổ ở các trại tị nạn (refugee camps). Sau bao nhiêu năm lang bạt kỳ hồ, sống với những điều kiện thiếu thốn từ các vùng đất nước xa xôi, Jim trở về lại Mỹ, học tiếp chương trình hậu đại học, rồi đi dạy đại học ở vùng San Francisco. Mấy chục năm nay tụi mình vẫn giữ liên lạc, lễ lộc thỉnh thoảng a lô, hoặc đi công tác tiện đường ghé thăm nhau. Nhưng thường thì cũng chỉ có đủ thời gian để hẹn hò ăn uống, hoặc cafe điểm tâm ở đâu đó, rồi chia tay. Lâu lắm rồi, kỳ này ông bạn mình mới sắp xếp được để ghé thăm và ở lại dài ngày. Hàng ngày hai đứa xách xe đi lang thang qua các ngõ ngách những vùng thôn quê, tiểu bang lân cận, thăm các di tích lịch sử, thăm một số trường đại học lâu đời .... và tìm thử những món ăn địa phương. Tối về lại bày ra, nhậu lai rai :-).

Nhắc đến, mình gặp Jim ở Indonesia vào thập niên 80. Lúc đó Jim làm giám thị (supervisor) của chương trình C.O (Cultural Orientation), do bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ. Mình cũng có một thời gian làm thiện nguyện cho chương trình này nên quen biết nhau. Chương trình C.O chuyên giúp đỡ những người tị nạn đã được chính phủ Mỹ nhận vào, nhằm mục đích giúp họ học hỏi văn hoá mới và định hướng nghề nghiệp trước khi đi định cư. Theo mình, đây là một chương trình rất hay, vì ngoài việc dạy dỗ chút vốn liếng tiếng Anh giao tiếp, còn giúp đỡ cho người tị nạn biết được đời sống thực tế ở nước Mỹ, nơi mà họ sẽ bắt đầu cho một hành trình mới. Giúp họ không bị bay bổng trên mây, không bị những cú sốc văn hoá, cũng như không hiểu lầm về những ảo vọng thiên đường sai lệch. Mặt khác, chương trình còn có mục đích sâu sắc hơn (và rất cần thiết), đó là truyền tải một thông điệp rõ ràng về nguyên tắc hội nhập giữa các nền văn hoá khác nhau. Ở đó bao giờ cũng có những cái chung và cái riêng, có những thứ dễ dàng hội nhập nhưng cũng có những thứ vô cùng khó khăn. Có những thứ đặc thù cần được giữ gìn và tôn trọng, ví dụ như nguồn gốc và phong tục đặc thù của mỗi dân tộc. Tất nhiên là trong một hợp chủng quốc đa chủng tộc đa văn hoá như Hoa kỳ, thì một người Mỹ gốc lúa mạch, mắt xanh mũi lõ, có thể có nhiều điểm khác biệt với một người Mỹ gốc rạ, da vàng mũi tẹt. Cho nên không nhất thiết là phải ráng copy để cho giống nguời khác, cũng không chờ đợi người khác phải sống giống mình hoặc phải hiểu mình, mà hãy nên tôn trọng sự khác biệt của nhau, để thông cảm, để hội nhập, học hỏi lẫn nhau để chung sống hoà đồng. Tất nhiên, tôn chỉ mục đích của chương trình là như thế, còn lãnh hội được hay không, hoặc thực hành được bao nhiêu là do .... người đối diện :-)

Nói đến ông bạn này thì có nhiều kỷ niệm. Nhớ lần đầu tiên mình trở về VN sau bao nhiêu năm xa cách. Liên lạc Jim, lúc đó ông bạn làm ở Thái Lan, lập tức bay qua Saigon đón mình. Bước xuống sân bay TSN lần đầu, ngỡ ngàng trước những thay đổi và cái nắng hầm hập của SG. Giữa đám đông xa lạ, đã thấy cái đầu lêu nghêu của ông bạn rồi, buồn cười. Đợi thêm thằng bạn VN nối khố nữa bay về từ Gia Lai, rồi kéo nhau vô quán Tib của nhạc sĩ TCS ăn gỏi mít, gỏi vả, và gỏi rau muống trộn... Chỉ đơn giản là vì Jim mê nhạc Khánh Ly :-). Hôm sau hai đứa theo xe về Lâm Đồng thăm ông bà già. Tối đến chó sủa vang trời không ngủ được. May quá, có mấy ông công an địa phương gọi điện thoại vào nhà nói chính sách của tỉnh thời đó chưa cho phép người nước ngoài ở nhà dân, nên Jim phải ra khách sạn ngủ. Đỡ phải kê ghế bố, mừng quá. Thực ra nhờ đi qua nhiều nước, và làm việc ở châu Á khá lâu, nên ông bạn rất quen thuộc với văn hoá của nhiều gốc dân bản địa, đặc biệt là kinh nghiệm ứng xử cũng như tâm tình của người tị nạn.

Mà cũng thật là trùng hợp, mấy tuần nay câu chuyện tị nạn đang làm thế giới xôn xao, nên cũng thêm chuyện để nói. Nói chung Putin của nước Nga đã "có công" tạo nên làn sóng tị nạn kỷ lục trong lịch sử cận đại. Cụ thể là chỉ trong vòng vài tuần lễ ngắn ngủi, cuộc xâm lược của Putin đã làm cho gần 3 triệu người Ukraine, kể cả phụ nữ, người già, con nít vô tội, bỗng chốc mất tất cả. Họ sống vất vưởng, loạn lạc, tản mác khắp nơi, ngay chính trên quê mảnh đất quê hương của họ và lan đến những quốc gia lân cận. Chết chóc, sợ hãi, lo âu, đã bao trùm lên khắp đất nước Ukraine. Bao nhiêu người mất nhà, mất mạng, mất quê hương, xin tị nạn để tìm đất sống. Khởi đầu hành trình lưu vong của một dân tộc, mà những ảnh hưởng và tổn thương sẽ còn kéo dài qua nhiều thế hệ. Xin mở ngoặc chút, có lần mình coi trên chương trình PBS, một đoạn phim tài liệu nói về tuổi thơ của Putin ở Saint Petersburg (Leningrad). Ông ta sinh ra và lớn lên trong một gia đình lao động nghèo khó. Thưở nhỏ Putin thường cô độc, có lúc chỉ chơi với những con chuột, và ông trả lời phỏng vấn là đã học được nhiều bài học quý giá từ việc chơi chung với những con chuột đó. Lúc đó, mình cứ nghĩ một người từng sống trong hoàn cảnh nghèo khổ như thế, từng biết được những bài học thiết thực như dồn chuột vào ngõ bí, thì cho dù có xuất thân từ KGB, Putin cũng phần nào thấu hiểu đời sống hơn. Có thể ông sẽ nhạy cảm hơn, giàu lòng trắc ẩn hơn, và biết thương cảm đối với những người dân đen vô tội. Thế nhưng đến bây giờ, thì biết chắc chắn là mình đã suy nghĩ sai. Có những loại người họ chỉ biết thương yêu cái tôi và tham vọng của họ, sống bám víu vào những ảo vọng quyền lực có được từ sự bất công đối với những kẻ yếu. Mà nhắc đến mới nói, mấy ngày qua cả thế giới đều phải rùng mình rúng rộng trước sự tàn sát man rợ của quân đội Putin tại vùng Bucha !

Cũng rất may mắn là trong thời gian qua, Ba Lan và các nước phương Tây đã mở rộng vòng tay cứu giúp những người tị nạn Ukraine một cách chân thành. Đó là những món quà vô giá đầy tình người của cuộc sống dành riêng cho họ. Tất  nhiên trong những hoàn cảnh khẩn cấp, éo le như thế thì bao giờ cũng có một vài mặt trái hạn chế hoặc thiếu sót. Nhưng nhìn chung là một kỳ tích của lòng nhân đạo và tình người, đặc biệt là đất nước Ba Lan. Mình luôn ngưỡng mộ và trân trọng tấm lòng nhân ái của những con người đã ngày đêm không quản khó nhọc, thiện nguyện hy sinh, cứu giúp kẻ khốn cùng. Trong số đó có nhiều thiện nguyện viên là đồng bào VN đang sống và làm việc ở nước ngoài.

Nhưng hôm nay mình không muốn nói nhiều đến chuyện tàn sát người vô tội của Putin ở đây. Cũng không muốn kể nhiều về Jim, nhưng nhân dịp ông bạn mình nhắc về những thế hệ học sinh của bạn, những cái nhìn khác biệt của thế hệ sinh viên hôm nay so với thời kỳ làn sóng tị nạn VN, làm mình cũng băn khoăn đôi điều. Tất nhiên những suy nghĩ tản mạn của mình viết ở đây chỉ thuần tuý mang tính chất cá nhân, không tranh chấp đúng sai, lại càng không có ý phê phán hoặc chỉ trích, mà chỉ nói về một số điểm khác biệt. 

Nhớ cách đây không lâu, một người bạn cũ hỏi mình ý kiến tư vấn về việc con đi học đại học ở Mỹ. Sau khi nói chuyện một lúc, hiểu thêm nguyện vọng của bạn, mình lại càng cảm thấy rất thông cảm và quý mến sự hy sinh lo lắng cho con cái của bạn mình. Trong câu chuyện của bạn, mình tìm thấy sự tương đồng của thế hệ cha mẹ mình ở VN, và thế hệ bạn bè, anh em của mình cũng vậy. Ai cũng thương yêu lo lắng, hết lòng hy sinh cho con. Đại đa số ai cũng mong muốn cho con mình thành đạt, giàu có, tên tuổi, ông này bà nọ, làm rạng rỡ cho gia đình giòng họ. Mặc dù hiểu thấu điều đó, nhưng cuối cùng mình đành phải xin lỗi không giúp được. Bởi quan niệm đi học, chọn nghề của mình có nhiều điểm khác biệt, ngại ý kiến cá nhân của mình sẽ không phù hợp với bạn. Thế nhưng người bạn vẫn không chịu, cuối cùng mình khuyên hãy để con bạn gọi điện thoại cho mình, hỏi những câu hỏi mà cháu thắc mắc, sẽ tiện hơn. Nếu câu hỏi nào mình biết, sẽ cố gắng trả lời, hoặc tìm tài liệu gởi cho cháu đọc. (Mình nghĩ rằng ở Mỹ, các tài liệu về trường học chính thống và các ngành học đều rất rõ ràng minh bạch. Hàng năm các cơ quan thẩm định có uy tín như US News, Forbes ... có cập nhật thông tin rõ ràng trên mạng. Cho nên không cần thiết phải nghe tin tức từ ông chú Viettel, ông anh Cali, ông bạn Harvard, hoặc bà chị NASA :-). Mấy hôm sau, con của bạn mình gọi, nói chuyện rất lễ phép, ngoan ngoãn dễ thương. Câu đầu tiên cháu hỏi - "Ngành nào bây giờ học ra kiếm tiền nhiều nhất vậy chú ?". Mình sững người một chặp. Rất ngạc nhiên, nhưng rồi cũng cố gắng tìm cách giải thích cho cháu ấy trong khả năng hiểu biết của mình. Hy vọng cháu chọn được ngành nghề mà mình đam mê, mơ ước. Còn chuyện kiếm nhiều tiền, thì thực tế cuộc sống này có rất nhiều đại gia rủng rỉnh tiền bạc mà không cần thiết phải học hành khổ cực như cháu :-) .

Mấy ngày trước, mình và Jim đi lên thăm trường Duke ở Durham và trường Wake Forest ở Winston-Salem. Trên đường đi, ông bạn kể rằng rất tâm đắc và thường chia xẻ với sinh viên về quan niệm sống của Ralph Waldo Emerson - "To know even one life has breathed easier because you have lived, this is to have succeeded." (Tạm dịch: Chỉ cần làm cho một người khác dễ thở hơn, nghĩa là bạn đã thành công rồi). Mình đùa - "Vậy các sinh viên du học sinh nghĩ gì khi họ đang xử dụng điện thoại thông minh đời mới nhất, còn ông giáo sư của họ thì không có cái điện thoại di động ?". Jim cười khì, ông bạn không xài smart phone, không chơi FB và  mạng xã hội như mình, mà ráng tranh thủ thời gian đi và về trên phương tiện xe công cọng mỗi ngày để đọc thêm vài trang sách hoặc bài dạy. Vì bạn nói khi về đến nhà, lại bận rộn gia đình con cái, e không có nhiều thời gian để đọc.


Hỏi đùa vậy thôi, nhưng mình biết Jim cũng như nhiều người Mỹ khác, đặc biệt là trong môi trường giáo dục, rất ít khi để ý và quan tâm đến các hình thức vật chất bên ngoài. Có lẽ vật chất hoặc hình thức không phải là đấu trường hơn thua của họ, càng không phải là mục đích sống của các vị "scholar". Mình thì luôn quan niệm rằng trong đời sống, con người thường sẽ tự chọn lựa cho mình một lẽ sống mà họ cảm thấy phù hợp nhất, tương ứng với tư duy của họ. "Thành công" hay “thất bại" cũng chỉ là những định nghĩa và quan niệm mang tính chủ quan của riêng từng người. Bằng cấp tất nhiên không phải lúc nào cũng là tờ giấy bảo chứng cho trí tuệ và sự hiểu biết của một con người. Có rất nhiều người suốt đời đeo đuổi cái "có", có tiền, có nhà, có xe, có chức, có quyền ... Rồi đến cuối đời lại chạy đi tìm cái "không", không bịnh, không già, không tai nạn, không lo âu, không phiền phức... Có vẻ như khôi hài nhưng lại là sự thật !

Mình và Jim đều may mắn được đi làm ở một số quốc gia khác nhau. Nên có những tâm trạng giống nhau mà cũng có những kinh nghiệm khác nhau. Mình vốn rất ngưỡng mộ những người có quan niệm sống như Jim, sống đơn giản, đề cao lối sống tư duy, đề cao sự cống hiến, luôn bảo vệ môi trường, bảo vệ lẽ phải, và bảo vệ kẻ yếu hơn mình. Đi làm ở nước ngoài, may mắn là cũng thường gặp được nhiều người như thế. Cho nên mình thỉnh thoảng nói đùa với bạn bè và người thân là - "Có nhiều đất nước PG, ai cũng lý thuyết một bụng, nhưng họ lại ít thực hành đạo Phật. Trái lại ở nhiều quốc gia PG chưa hề được phát triển, nhưng con người ở đó lại thực hành đạo Phật mỗi ngày". Âu đó cũng là những duyên nghiệp tự nhiên của đời sống vậy.

Nói đến đây nhớ đến một câu chuyện mà ngày xưa Thầy Ahbinyana kể cho mình thời ở Indonesia. Thầy nói có người tị nạn kia giữa lúc tuyệt vọng trên biển đã thành khẩn van vái Đức Phật phù hộ cho họ đến được bến bờ bên kia, họ sẽ cạo đầu ăn chay mấy tháng để tạ ơn. Khi đến nơi an toàn rồi, cô suy nghĩ lại cạo đầu hơi bị xấu, nên khấn vái ông Phật, xin nấu cúng mâm cơm, hương hoa thịnh soạn để bù lại thay vì phải cạo đầu. Nhớ lúc đó ông Thầy cười, nói đùa với mình - "Thắc mắc là không biết ông Phật lấy đầu tóc mấy ngày không tắm đó về để làm gì ?". Quả nhiên là vậy, những lời khấn nguyện chân thành thường mang giá trị sâu sắc đối với việc thay đổi bản thân, chứ không phải là một sự ngã giá. Còn theo thiển ý của mình nếu như ông Phật mà phải đợi cho đến lúc con người van vái, hối lộ cái đầu tóc, cái mâm cơm, cái bìa thư, cái tượng Phật lớn nhất, cái ngôi chùa to nhất, cái chuông đồng đẹp nhất..v.v.. hoặc phải phân biệt đứa này Phật tử, đứa kia Công giáo, đứa nọ đảng viên, đứa kia chủ tịch, rồi mới ra tay cứu giúp thì ông ta đâu còn là Phật nữa :-). 

Nhưng cuộc sống này nhiều người vốn tin như vậy. Trong khi đó thì mọi thứ chung quanh chúng ta luôn thay đổi không thể ngăn cản được, kể cả tâm nguyện và ước mơ của mỗi người. Tâm tình của một người tị nạn ở White Head, Bidong, Palawan, Phanat Nikhom, Galang ... ngày xưa, hoặc ở Dortmund, Warsaw hôm nay, chắn chắn sẽ có những điểm tương đồng. Những lời hứa hẹn của họ với bản thân, với thượng đế, với quê hương, với tổ quốc, rất có thể là giống nhau. Nhưng rồi biết đâu lại cũng như mái tóc huyền của người phụ nữ năm xưa, khi đến được bến bờ bên kia họ sẽ không còn cạo nữa. Cuộc sống tự do ở California, không khí thoải mái ở New York, cung đường tráng lệ ở Paris, giòng sông lững lờ ở London ... hoặc là những giấc mơ Mỹ, mơ Tây, mơ Úc, mơ Canada, mơ Anh quốc…nào đó ít nhiều đã làm thay đổi những tâm nguyện ngày xưa của họ. Con người rồi sẽ phải thay đổi, sẽ tìm kiếm những thứ khác nhau, sẽ thích ứng với những tiêu chuẩn giá trị mới, kể cả việc chi phối người khác hoặc thế hệ sau bằng quan niệm sống của họ !

Nhưng đó không phải chỉ là câu chuyện của những người tị nạn bỏ xứ ra đi, mà là sự thay đổi thông thường của quy luật tạo hoá. Trong nước cũng vậy. Ngồi nói chuyện với một bà mẹ kháng chiến nuôi quân năm xưa, một người thương binh vá xe bên đường, một người lính trận đi B về hưu, một người cựu giám đốc vừa mới ra tù.... về những người đồng đội “thành đạt” của họ, mới hiểu ra nhiều vấn đề. Nhiều người phê phán sự xa hoa, ăn trên ngồi trước, tham nhũng hối lộ, tham quyền cố vị của một số vị quan chức, nhưng mấy ai hiểu được rằng ngày xưa chính những con người đó cũng đã từng dễ thương, từng hứa hẹn, và từng mang đầy nguyện ước cao cả. Nhưng khi hoàn cảnh sống thay đổi, địa vị thay đổi, vật chất thay đổi, đã làm cho con người có nhu cầu kiếm tìm những thứ khác nhau !

Mình không rành lắm về số liệu đăng ký ngành nghề của sinh viên VN hôm nay trong nước. (Nhớ đọc đâu đó nói cao nhất năm rồi là ngành Hàn quốc, ngành công an, quân đội ...gì đó, nhưng không rõ lắm). Riêng mỗi lúc thấy số lượng của các bậc trí thức VN ở quê nhà tăng nhanh đột biến, hoặc đầy rẫy danh xưng trên báo trên đài ở hải ngoại, mình thường thắc mắc bao nhiêu người trong số đó lấy bằng là do yêu cầu công việc, hoặc do nhu cầu lương bổng ? Tất nhiên thực tế thì cũng không hiếm những người học hành để trang bị dấn thân, và làm việc để cống hiến, phục vụ xã hội. Hôm rồi đọc qua số liệu đăng ký ngành học của sinh viên Á châu tại các trường đại học ở Mỹ, mình lại cảm thấy khâm phục những người nhiệt huyết dấn thân như Jim, bạn mình. May mắn là ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, những ngành nghề kiếm tiền ít, vẫn còn nhiều người đeo đuổi theo học và chọn lựa. Thực ra đa số các bậc phụ huynh ở nước ngoài thường rất tôn trọng nguyện vọng của con cái. Họ cổ vũ việc sống có mục đích ý nghĩa và có trách nhiệm xã hội, chứ không đề cao lắm chuyện giàu nghèo. Nên đa số những đứa trẻ thường nhẹ nhàng hơn trong việc chọn lựa nghề nghiệp & định hướng lối đi riêng cho bản thân. Sự chọn lựa của họ thông thường không phải bắt đầu từ những danh xưng ông này bà nọ, cái thắng cái thua, cái giàu cái nghèo, mà thường bắt đầu bằng những điều đơn giản nhất. Ví dụ như mong muốn được là chính họ, theo đuổi những công việc mà họ thích, hoặc đóng góp được một phần nhỏ bé nào đó giúp cho cuộc sống chung quanh tốt đẹp hơn. Hoặc biết đâu đơn giản hơn nữa, chỉ là mong muốn làm cho người khác dễ thở hơn như Jim bạn mình :-) ?

PN 
(Tặng Jim - April 2022)