Showing posts with label Chuyện tào lao. Show all posts
Showing posts with label Chuyện tào lao. Show all posts

Wednesday, January 02, 2019

Đầu năm & ước nguyện ....



Đêm Noel hoặc Thanksgiving, đại đa số người Mỹ chỉ quay quần ở nhà chung vui với gia đình và người thân yêu của mình. Ngược lại, đêm giao thừa, người Mỹ (châu Âu cũng vậy) lại thích đi ra ngoài, tụ tập đông người, tiệc tùng, hò hét, vui chơi xả láng, để đếm ngược thời gian, chờ đợi năm mới đến. Hàng năm cả triệu người tụ tập về quảng trường Time Square (New York) để đón chào năm mới. Nhưng thường thì vào cuối năm thời tiết ở New York lạnh rét (năm nay mưa gió), nên chỉ phù hợp với giới trẻ trung, ít bầu đoàn thê tử. Những người lớn tuổi hoặc có con cái thường thích chọn về vùng nắng ấm như Florida để đón năm mới. Nhiều người tận vùng Bắc Mỹ, Canada, cũng khăn gói quả mướp về đây. Còn muốn coi bắn pháo hoa pháo bông, thì mấy khu giải trí ở Orlando (Florida) thuộc hàng cao thủ thượng thặng rồi. Mỗi năm bắn vài trăm lần, nên rất là điêu luyện. Vào mùa lễ hội Giáng Sinh - Tết Tây, thì ở những thành phố nắng ấm miền Đông, miền Tây Hoa Kỳ, bao giờ cũng đông đảo hơn thường lệ. Như ở Florida vào mùa này, người khắp nơi trên thế giới tụ tập về đây, xe cộ kẹt đường, khu vui chơi nào cũng đông đúc.

Mấy đứa con mình thích về miệt này vào dịp lễ hội, nắng ấm, đông đảo. Có nhiều khu vui chơi đi đến 5,3 lần, vậy mà vẫn cứ thích. Mà phải nói khu vui chơi giải trí cho gia đình thì ở FL là nhiều nhất. Nào là Disney World với những công viên như Epcot, Magic Kingdom, Animal Kingdom, Hollywood Studios, Typhoon Lagoon, Blizzard Beach (muốn đi hết mấy chỗ này cũng phải cả tuần rồi). Rồi Universal Studio, Islands of Adventure, Sea World, Aquatica, LegoLand, Dinosaur World .... Còn biển thì nào là Daytona, Cocoa, West Palm, Miami, South Beach, Key Largo, Marathon, Key West, Naples, St. Petersburg, Clear Water, Tampa ..v.v..Ôi thôi tùm lum, ý là còn chưa kể đến nhiều khu giải trí, sân gôn, công viên nước, bãi biển, resorts hạng nhỏ hạng trung .... đầy rẫy ở miệt này.

Đêm giao thừa năm nay, Disney World có vẻ đông hơn mọi năm. Sáng thứ hai, kẹt xe ngay gần cổng vào, đợi gần 2 tiếng mới vào đến bãi gởi xe. Buổi tối thì thôi rồi, động nghẹt. Mấy năm trước mình cũng đi lễ giao thừa nhưng không đến nỗi đông như lần này. Nhiều người vẫn nghĩ mấy chỗ này dành cho con nít, nhưng thực ra là người lớn nhiều hơn con nít. Mình thấy nhiều người chả có con cái gì cũng chen chân vào đây  :-)

Nhưng dường như chuyện kẹt xe, sắp hàng ... linh tinh, vẫn là chuyện nhỏ. Ai cũng hân hoan, rạng rỡ, đến đây để tìm cái cảm giác, cái không khí tưng bừng của ngày cuối năm & bắt đầu một năm mới . Một giờ sáng công viên đóng cửa nhưng đến 3 giờ sáng vẫn còn đông người cho dù tàu thuỷ, tàu điện chạy hết công suất đưa người ra về. Đâu sao, một năm mới có một lần mà lị :-) ..

Mỗi khu vui chơi trong Disney đều có chủ đề show diễn khác nhau. Chủ đề pháo hoa đêm giao thừa ở Magic Kingdom là “Fantasy in the Sky” (tạm dịch: bầu trời mộng mơ ) .... Rất đẹp, nhạc rất hay ! Lúc đang sô diễn, mình nhìn quanh, thấy ai cũng im lặng say sưa theo dõi, như đang mơ ước một điều gì. Mấy đứa con mình dẫu coi lại, nhưng vẫn say sưa mơ màng, những người lớn chung quanh cũng thế. Có lẽ ai cũng ước nguyện cho riêng họ một điều gì đó tốt đẹp năm mới....

Mình hỏi con ước nguyện điều gì, nhưng tụi nó không nói, giữ bí mật. Chịu thua thôi :-).
Hết pháo hoa, mọi người đứng gần nhau, quay lại bắt tay nhau và thân thiện chúc mừng năm mới. Mình luôn biết ơn những ân điển và hạnh ngộ trong cuộc sống này. Cảm ơn "bầu trời mơ ước", và cảm ơn những tự do có được trong đời sống mỗi ngày. Chợt nghĩ đến quê nhà, nghĩ đến gia đình bạn bè anh em, và hai bầu trời của họ. Một bầu trời không gian thực hít thở ngoài đời, và một bầu trời không gian mạng mỗi ngày sống với niềm tin và kiến thức. Rất mong những luật lệ mới 2019 sẽ không làm cho 2 bầu trời của họ chật hẹp & vẩn đục hơn, mà sẽ là những bầu trời tốt đẹp tự do hơn, để họ có quyền sống với chính ước mơ của họ. Thực ra thì ở quốc gia hoặc chế độ nào cũng vậy, cuối ngày chỉ có những ước mơ lành mạnh và tư duy độc lập trong một cơ chế xã hội thực sự tự do mới có thể chắp cánh cho đất nước họ bay lên. Xưa nay, vốn không có sự khiên cưỡng, ức chế nào lại tạo ra được một môi trường phát triển tốt đẹp.

Xin chúc mừng năm mới an lành đến với tất cả các anh chị em, bạn bè đã cùng nhau chia sẻ trao đổi với mình qua diễn đàn này trong năm qua. Một, hai, ba ...dzô :-) ....


Sunday, December 16, 2018

Tản mạn: Gốc hay ngọn ?



Mấy tuần nay bận rộn chuyện công, chuyện tư, đi hoài, ít có thời gian đọc báo quê nhà. Hôm rồi, bão tuyết nằm nhà, đọc được bài báo của cụ chủ tịch VN kêu gọi đất nước "Phải xây dựng văn hóa khinh bỉ kẻ tham nhũng". Tự nhiên suy nghĩ mông lung ....

Từ lâu nay hầu hết trên thế giới, những chuyện phân biệt đúng sai, trọng thiện khinh ác, khen tốt chê xấu ... đều được xã hội dạy dỗ cho trẻ con từ thời còn mang bĩm, ị bô. Còn định nghĩa hoặc khái niệm thế nào là đúng sai, thiện ác, cũng dựa vào những nền tảng đạo đức căn bản chung. Văn hoá ứng xử công bằng (fair) cũng được phụ huynh và nhà trường dạy dỗ cho con cái rất sớm. Còn nếu phân tích cặn kẽ ra xã hội con người bắt đầu biết nhận thức đựợc đúng sai, thiện ác từ đâu hay khi nào ? chắc khó có ai giải thích chính xác.

Ngày xưa Nho, Khổng, Đạo, Lão cũng từng đưa ra những chuẩn mức đạo đức nhất định, nhưng đó chỉ là phạm vi văn hoá của Á đông, có nhiều điểm khác biệt với quan niệm Tây phương. Trong đó vai trò của tôn giáo, văn hoá, thuyết phái, giáo dục, thể chế chính trị, xã hội .v.v.. cũng đóng góp quan trọng trong việc giáo dục và định hình những ứng xử đúng sai trong cuộc sống hàng ngày. Dĩ nhiên quan niệm đạo đức xã hội của mỗi đất nước hoặc vùng miền, bên cạnh cái chung cũng có những nét đặc thù riêng, ảnh hưỏng bởi những yếu tố khác nhau.

Tuy nhiên, cho đến ngày nay thì hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có quan điểm chung về những giá trị đạo đức căn bản. Bởi thế cho nên việc giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ trên thế giới đều được xây dựng trên những nền tảng tương đối giống nhau, cho dù có khác biệt về tôn giáo, văn hoá, và quan điểm chính trị. Chỉ có một số rất ít quốc gia có định nghĩa (hoặc khái niệm) khác hơn về đạo đức, ví dụ như đạo đức XHCN. Và họ kiên định ở mục đích giáo dục & đào tạo theo mô hình "con người mới XHCN". Còn chuyện đúng sai tốt xấu thì "tuỳ người đối diện", mỗi người nên tự khám phá theo kinh nghiệm thực chứng của chính mình. Đơn giản nhất là cứ coi chuyện ứng xử người với người trong xã hội hằng ngày rồi tự mình chiêm nghiệm ra thôi. Những ai có điều kiện hơn, đi du lịch nước ngoài, tham quan các nước XHCN anh em như TQ, Triều tiên ...và các quốc gia khác, thì cũng dễ dàng nhận ra sự khác biệt.

Thực ra, các nhà giáo dục trên thế giới cũng đã từng nhiều lần tranh luận về mô hình lý tưởng của "con người đạo đức XHCN" là như thế nào ? Có lẽ đó vẫn chỉ còn là câu hỏi. Cũng mong rằng những nước như Trung quốc, Triều tiên, và Việt Nam sẽ sớm có câu trả lời, để thế giới văn minh có dịp học hỏi theo mô hình giáo dục đạo đức XHCN.

Nhớ hồi mình còn đi làm bên Anh quốc, có ông giáo sư kia hùng hồn nói: "Tôi đã lật từng trang của Communist Manifesto và Das Kapital, mà vẫn chưa thấy chỗ nào Karl Marx nói về phương cách đào tạo đạo đức con người để xây dựng đất nước"... :-). Đúng ra thì sau năm 1849, khi Marx chuyển về London, cả bộ sậu của Communist League cũng dọn về London. Quyền điều hành thuộc về August Willich và Karl Schapper. Hai ông này tối ngày lo nghĩ và cổ vũ chuyện bạo động khởi nghĩa (uprising), nên sớm bị các chính quyền châu Âu ngăn chận. Sau một thời gian khó khăn thì nhóm của Willich/Schapper cũng rời bỏ Communist League. Sau đó Marx lại tham gia cật lực vào tổ chức "German Workers' Educational Society" của công nhân Đức, nhưng rồi nội bộ lại mâu thuẩn, phân tán. Để cuối cùng ông lại thất bại và từ chức ra khỏi German Workers' Educational Society vào năm 1850.
Ông Marx đã sống rất chật vật & nghèo đói ở London trong quãng đời còn lại với mớ lý thuyết suông của mình. May mắn có được sự giúp đỡ của ông bạn tư sản Engels. Nên sau này nhiều người vẫn còn thắc mắc là những luận thuyết xã hội của Marx có liên quan gì đến khái niệm đạo đức XHCN ngày nay chăng ? Cuối đời trước khi chết, Marx nhờ Engels ghi chép lại những tư tưởng sau cùng để trình làng. Và sau khi Marx chết, năm 1884 Engels cho xuất bản cuốn sách "The Origin of the Family, Private Property and the State" (tiếng Đức là  Der Ursprung der Familie, des Privateigenthums und des Staats). Không biết VN có dịch quyển này ra tiếng VN không ?

Hết chiến tranh VN đến nay, hơn 40 năm, một thời gian quá dài và dư đủ để xây dựng một thế hệ đạo đức XHCN hoàn toàn mới, độc lập, thuần chất. Những em bé sinh sau năm 75, hôm nay cũng đã đã trưởng thành trên 40, và là tuổi đang dấn thân cống hiến nhiều nhất cho đất nước VN. Phải chăng những hạt giống XHCN đã đến hồi đơm hoa kết trái ? Đó chẳng phải là niềm mong đợi sao ? Đúng vậy, những khuôn mẫu con người mới, đạo đức mới XHCN, đã và đang nắm giữ các cương vị trọng yếu để góp phần xây dựng đất nước. Thế nhưng hôm nay nghe cụ CT kêu gọi đất nước cần xây dựng văn hoá "phải biết khinh bỉ tham nhũng". Thấy khó hiểu !

Thiết nghĩ, đất nước nào cũng thế, thời chiến tranh khác với thời bình. Đánh nhau hy sinh khác với làm kinh tế xây dựng đất nước. Bạn bè cũng thế, lúc cơ hàn thì chia nhau nắm cơm con mắm, lúc phú quý lại sinh ra ghen ăn tức ở. Vốn cũng là chuyện thường tình !
Lúc nghèo lấy gì tham nhũng nên ai cũng là quan thanh liêm, đến lúc giàu mà không biết tại sao giàu, thì thấy gì cũng ham, tham nhũng & biến chất cũng là chuyện thường thấy. Chuyện đạo đức hình thành cũng như các lãnh vực khác thôi, có gốc có ngọn, có nguyên nhân xa có lý lẽ gần. Thiết nghĩ tỉa ngọn mà gốc vẫn còn, lại cứ mọc ra. Cái chìa khoá chính yếu vẫn là do hệ thống. Mấy ông quan ở xứ này chắc gì đạo đức tốt hơn mấy ông quan ở xứ nọ. Chẳng qua là hệ thống chính trị, kinh tế, và pháp luật ở những quốc gia dân chủ văn minh không cho họ cơ hội để thông đồng, móc nối, cậy quyền cậy thế, lợi ích nhóm, tham nhũng, lường gạt mà thôi.

Ở quê nhớ ông bà thường nói "Khoá cổng là khoá kẻ ngay, chứ sao khoá được kẻ gian". Đúng vậy, đã gian thì dẫu khoá tốt cỡ nào, cũng bẻ khoá chui vào được, rinh đi hủ mắm :-). Ý là chưa nói đến chuyện vừa rinh hủ mắm lại vừa chửi, vừa tuyên bố huyên hoang khinh bỉ bọn xấu, tung hỏa mù mờ mịt, thiệt giả khó phân !

Nói một cách công bằng, thì ít có quốc gia nào trên thế giới mà nổ lực kêu gọi, hô hào đào tạo đạo đức con người XHCN như ở VN. Đi đâu cũng thấy khẩu hiệu biểu ngữ giăng đầy. Ngân sách chi tiêu cho việc đào tạo con người & đạo đức XHCN cũng không phải là nhỏ. Dạy từ thưở còn là cháu ngoan nhi đồng, thiếu niên tiền phong, đến đoàn thanh niên, hội đoàn, tổ chức, đoàn thể, khu phố văn hoá ..v.v. Một nền giáo dục chu đáo, toàn diện và công phu bậc nhất trên thế giới. Bây giờ nhiều người được ra nước ngoài, ai cũng nhìn thấy tận mắt, so sánh được, không phải nói ngoa. Tính ra là chỉ có vài quốc gia như Triều tiên, Trung Quốc, Việt nam mới có được ngân sách đào tạo đặc biệt đến thế. Những nước khác, kể cả những nước tư bản lớn mạnh như Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức, Úc, Canada, châu Âu, châu Mỹ  ....cũng không thấy được những biểu ngữ, khẩu hiệu, đoàn thể, phong trào đoàn đội, dạy dỗ thanh thiếu niên rầm rộ như ở VN.

Thế nhưng, tội phạm xã hội càng lúc càng nhiều. Cứ nghe đến là diễn biến phức tạp. Hàng ngày đọc báo, nhiều lúc mở ra thấy ngỡ ngàng. Từ những trộm cắp vặt vãnh, cho đến "văn hoá hơn thua" nhỏ nhặt, cũng đâm chém giết người. Từ những câu chuyện đạo đức suy đồi, biết luật phạm luật, kẻ thi hành luật đi hiếp dâm cưỡng đoạt, thầy cô lạm dụng học trò...v.v.. Cho đến quan thầy rủ nhau xộ khám vì tham nhũng, lạm quyền, bè nhóm, một tay che trời, coi thường pháp luật. Nhiều người đã không khỏi băn khoăn liệu đạo đức XHCN có thay đổi được đất nước chăng ? Chuyện bắt bớ tù đày cũng chỉ là giải quyết phần ngọn của vấn đề, còn phần gốc rễ nguyên nhân giải quyết thế nào ? Liệu nhà tù và những bản án có làm thay đổi văn hoá ứng xử, đạo đức con người, và vận mạng của đất nước được chăng ? Liệu ngân sách khủng và hệ thống hội đoàn dày đặc có làm cải thiện được đạo đức xã hội và con người hay chăng ? Vấn đề là nằm ở gốc hay ngọn ? Cái nào là bản chất, cái nào là hiện tượng ?

Bên cạnh đó, thì các phương tiện truyền thông vẫn nổ lực đưa tin những tấm gương tốt về đạo đức và phẩm hạnh của giới hữu trách. Ví dụ như " 34 nghìn người khai tài sản, chỉ phát hiện 1 người không trung thực" (BM). "Hơn 1,1 triệu quan chức kê khai tài sản, chỉ 6 người sai phạm" (TN)" ..v.v... Nghe xong không biết có đọc nhầm không ? Nhưng liệu những câu chuyện và hình ảnh tốt đẹp ấy có đủ để làm cho người dân tin tưởng, noi theo gương tốt của các vị quan chức thanh liêm đó hay lại phản tác dụng? Gần đây dồn dập những vị quan chức lãnh đạo, những tấm gương từng là đoàn viên đảng viên ưu tú xộ khám, dĩ nhiên là làm cho nhiều giới hâm mộ & nhiều người quan tâm. Buồn vui lẫn lộn. Kẻ mừng người lo, kẻ vui người buồn, kẻ hóng người trông. Kẻ chán chường điệp khúc, người khinh bỉ tận cùng. Kẻ ngán ngẩm vai tuồng diễn dở, người khóc lóc van xin, đủ cả.

Suy cho cùng, thì người dân ở đất nước nào cũng thế, ai cũng đều luôn mong mỏi đất nước họ được ấm no, tự do, để sống bình đẳng, an toàn. Con cái được giáo dục đàng hoàng. Chứ không ai mong mỏi đất nước họ nhiều nhà tù, bắt bớ giam cầm, sống trong lo âu hồi hộp. Xưa nay quốc gia nào càng lôi cuốn sâu vào những việc thanh trừng tội phạm (cho dù dưới hình thức nào), thì đó không phải là quốc gia sẵn sàng cho một phát triển lành mạnh. Như ông Nelson Mandela đã nói .... "May your choices reflect your hopes, not your fears". (Tạm dịch: Hãy để sự chọn lựa trong cuộc sống là những hy vọng, chứ không phải là nỗi sợ hãi). Và chọn lựa nào sẽ dành cho người dân VN hôm nay và ngày mai ?
Lịch sử xưa nay sự thay đổi nào cũng cần phải có những đánh đổi. Kết quả luôn luôn là câu trả lời đúng nhất cho mọi lý thuyết. Càng trốn tránh sự thực, càng kéo dài thời gian, về sau càng khó khăn để sửa đổi, lại càng thiệt thòi chậm lụt cho sự phát triển của nước nhà.





Wednesday, October 31, 2018

R.I.P Kim Dung Đại Hiệp !



Qua giờ báo đài của các nước châu Á đăng tải nhiều về sự ra đi của Kim Dung. Đủ thứ, đủ chuyện. Nhiều bài viết lôi cả chuyện tình, chuyện đời riêng của ông ra. Người thì bàn về nhân vật anh hùng hay nhất của ông, người luận về mỹ nhân đẹp nhất của ông ..v.v. Tính ra, tín đồ của giáo phái Kim Dung quả nhiên đông đảo thật. Nói đúng ra thì hồi nhỏ đứa nào lại chẳng mê Kim Dung. Cái hay của KD là có thể làm cho mọi người tìm thấy cái riêng của họ, cái mà họ muốn nghe muốn thấy, muốn thương muốn ghét, trong tiểu thuyết của ông. Cho nên bàn truyện KD thì biết bao giờ mới hết, sao đúng sao sai, chỉ tổ tốn bia tốn rượu :-) .

Nhớ hồi nhỏ, mấy đứa xóm mình mê Võ Lâm Ngũ Bá, hẹn nhau ra đống cát tranh chức minh chủ võ lâm. Cuối cùng thằng đòi làm "Vương Trùng Dương", bị 4 thằng kia đánh hội đồng, mắt mũi đầy cát. Lớn lên đi nhậu la cà, thời bao cấp, thông tin hạn hẹp, ít có chuyện để bàn thế sự như bây giờ. Chính trị chính em thì không dám nói, nên đa phần là bàn chuyện đá banh & kiếm hiệp. Ôi thôi, Lệnh Hồ Xung, Điền bá Quang, Đông Tà, Tây độc, Hồng thất Công... Dạo đó cả thành phố Cái bang rỗng túi chạy đầy đường, ngồi đầy quán cóc vỉa hè. Xoài me cóc ổi, cá đuối cá thiều, Gò đen, Long an, Bàu đá, cây lý, bia bốc, bia hơi, bia lên men, lên cơn ... chiêu nào cũng có. Thực ra nhậu nhẹt mà có đề tài văn học thể thao nghệ thuật gì đó bàn bạc cũng hấp dẫn, uống cũng được nhiều, mà lại học hỏi được thêm cái mới. Còn nhậu mà nói về cái "tôi" hoài, lại cứ tình thương mến thương, hơn thua riết, lần hồi hết chuyện nói, lại sinh ra gây gổ giận hờn, phát mệt. Mình có thằng bạn cũ, nhậu mà cho nó nói về Kim Dung, 3 ngày chưa say ....ngủ dậy uống tiếp, nói tiếp :-).

Qua Mỹ qua Tây thì đến thời phim bộ, càng chết nữa. Mấy ông dịch phim lồng tiếng thì khỏi nói rồi, đủ gịong đủ kiểu, Việt Thảo giả gái, Thị Màu giả trai, có khi nghe mấy tuyệt đại mỹ nhân bị nhại tiếng nhão nhẹt đến rợn gai ốc. Sau này bên VN chiếu phim KD qua TV, nghe riết cứ tưởng Hoàng Dung Tiểu Long Nữ đang ở Hà Nội. Nhớ có dạo, ông anh BCV bức xúc làm bài thơ "Một ngày phải khác mọi ngày", đọc mà muốn sụt sùi. (Mình thì vốn không hưởng ứng cái vụ chiếu phim Tàu phim Hàn dày đặc trên đài TV mỗi ngày. Cũng không hiểu tại sao bộ VHTT lại cho phép ít chương trình giáo dục thiếu nhi, thiếu niên, tôn vinh đời sống lành mạnh xã hội văn minh, ngược lại tràn ngập phim Tàu phim Hàn. Hay là nghĩ vậy cũng hay, đầu tư ít, mà lại chuyển tải được phần nào khái niệm chánh tà, nhân nghĩa, anh hùng, quân tử, tiểu nhân ....?)

Hôm qua có ông anh gởi mình đọan bình của ai đó, nói là hồi xưa mê KD, sau này thấy KD cái gì cũng ca tụng dân Hán (dân Tàu), nên hết mê !

Mình thì không nghĩ vậy, nhà văn nào cho dẫu tài ba đến mấy rồi những câu chuyện của họ cũng phải giới hạn trong một phạm vi địa lý, chính trị, giai đọan lịch sử, hay bối cảnh xã hội nhất định nào đó. Ông KD có nhiều kinh nghiệm sống, trải nghiệm nhiều, quan sát tốt, phân tích giỏi, có được tầm nhìn rộng thoáng, khách quan, đa góc cạnh, triết lý sống đơn giản ít cầu kỳ. Nhưng truyện KD cũng không ngoại lệ, phải dựa vào bối cảnh các triều đình nhà Hán, nhà Tống, nhà Thanh, nhà Minh, hoặc Nguyên, Mông theo chính sử bên TQ mà thôi.
Cái đáng quan tâm hơn là bây giờ nhiều người không phân biệt được đâu là truyện đâu là thực, đâu là dã sử đâu là chính sử. Nhiều thanh niên VN rành lịch sử TQ hơn lịch sử VN, "hảo Hán" nhiều hơn "hảo Việt" !

Có một số ông VN ta đọc KD thì máu tự hào dân tộc nổi lên, cũng thích lôi kéo đôi chút cái "sử" quê nhà vào trong thế giới giang hồ nghĩa khí và đầy lãng tử đó. Nên cũng không ngạc nhiên lắm khi thấy những sợi dây liên hệ được kéo dài từ tiểu thuyết KD qua tới sử VN. Từ Việt Nữ Kiếm cho đến Đoàn thị Đại lý xâm chiếm VN, từ Triệu Mẫn quận chúa cho đến giặc Mông Cổ, từ Trần Hữu Lượng (con Trần Ích Tắc) đánh Chu Nguyên Chương cho đến Đoàn quán Thanh (Toàn Quan Thanh). Thậm chí có người mê Tiêu Phong quá lôi cả dân Khiết Đan về Lạng Sơn, biến Ải Nam Quan thành Nhạn Môn Quan  ...

Thôi thì đọc sách coi phim, phải vậy mới vui. Phải bình luận trên trời dưới đất mới đã. Ai giữ lại được cái gì thì giữ, nghiệm được cái gì thì nghiệm. Đọc sách Tàu chưa hẳn nô lệ Tàu, đọc sách Mỹ chưa hẳn thuần phục Mỹ. Mê Shakespeare chưa hẳn thích Ăng lê, ghiền Tolstoy chưa hẳn thích Nga, cũng như hiểu thấu Mác Lê Nin chưa hẳn là cọng sản :-) .

Hôm qua, khi nghe tin KD mất, mình chỉ nghĩ thế là từ nay "Tàng Kinh Các" tạm đóng cửa. Thế gian vừa chia tay một người tài hoa. Cảm ơn ông đã làm đẹp thế giới tuổi thơ của mình. R.I.P Kim Dung Đại Hiệp !


Ải Nam Quan (lãnh thổ của Việt Nam)


Nhạn Môn Quan (của Trung Quốc)

Sunday, October 28, 2018

Luật rừng,



Mới đọc bài báo thấy CA địa phương CT bắt vụ án đổi tiền 100 đô, rồi giữ luôn mớ hột xoàn của người ta, đến nỗi phó thủ tướng & quốc hội phải vào cuộc chỉ đạo. Rồi nhiều chuyện tương tự như thế, hôm bữa nam hành khách đánh nữ nhân viên sân bay Nội Bài, thủ tướng cũng phải vào cuộc chỉ đạo. Dẹp quán cafe Xin Chào ở Bình Chánh, thủ tướng cũng phải vào cuộc chỉ đạo.... Rồi nào là luật sư bắt cô giáo quỳ, chánh văn phòng Bộ đánh người, phó bí thư xã đánh trưởng công an, thành phố quy hoạch sai vì "mất" bản đồ, "tự ý" sửa điểm thi cho con lãnh đạo, nói xấu phạt 5 triệu ...v.v...& vv... Lâu lâu lại cứ được nghe những kiểu luật pháp bi hài như thế từ khắp các địa phương.

Người nước ngoài đọc được loại tin tức này, chắc nghĩ rằng luật pháp gì mà nhiều khúc mắc thế, bất quy tắc, linh tinh lớn nhỏ gì cũng phải đòi thủ tướng chỉ đạo, thì còn gì là luật pháp, hiến pháp ? T/T VN sao mà bao sân đến thế ? Mình thì không nghĩ vậy. Đúng là mỗi câu chuyện mỗi nét riêng, nhưng  lại có những điểm chung (ai cũng nhìn thấy), đó là ngộ nhận pháp quyền, luật rừng lên đời, cậy thế cậy quyền, thực thi không đồng nhất, phép vua thua lệ làng. Luật pháp hiến pháp vẫn có đấy, nhưng còn tại sao lại dẫn đến tình trạng như thế, thì có rất nhiều "lý giải" và "biện minh". Ở đây mình chỉ muốn nói về những gì đã từng "mắt thấy tai nghe", và những hệ luỵ của nó.

Nhìn trở lại thời cách mạng 1945, luật pháp non trẻ, chính sách mơ hồ, tự quyền tự phát, luật rừng là những chuyện không lạ lẫm gì. Cụ thể như những người có tiền bạc của cải, yêu nước thời đó, ủng hộ kháng chiến giành độc lập dân tộc (dĩ nhiên bần cố nông lấy của cải đâu mà ủng hộ). Nhưng sau khi cách mạng thành công, thì lại bị đấu tố, giết chết, vì những thù hận và đầu óc nhỏ nhen & kém hiểu biết của một số cá nhân lạm quyền, quá khích. "Luật rừng" tự phát, mỗi nơi mỗi kiểu. Khái niệm chuyên chính vô sản (chuyên chính với kẻ thù, vô sản với nhân dân) được diễn giải sai trái dẫn đến những nhầm lẫn tệ hại, thực thi "tự phát", bạo hành cưỡng chế, ở nhiều địa phương, kể cả ở thủ đô Hà Nội. Đó là một bi kịch của đất nước và là những nuối tiếc muộn màng của một số thế hệ lãnh đạo có kiến thức. Những ông trời con say men chiến thắng, kém đạo đức, thừa bạo lực thiếu hiểu biết, tự làm luật, kiêu binh & ngộ nhận, đã gây ra bao sai lầm khó gỡ. Quê mình, ngày ấy biết bao nhiêu người đã bị xử tử oan ức, kể cả những người có công với đất nước. Rất nhiều gia đình phú nông địa chủ ngày xưa, mang nặng ý thức dân tộc, yêu nước nên đóng góp chứ không hề có ý niệm về cọng sản hay quốc gia. Thế nhưng họ và gia đình lại trở thành những nạn nhân của bi kịch ý thức hệ sau khi cuộc chiến kết thúc. Gia đình ông B.T ở Chợ Chùa, Nghĩa Hành, một gia tộc giàu có nhất vùng, là một ví dụ điển hình, đau xót và bất công. Cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ ngoài Bắc cũng thế, nhiều chuyện xót xa, như câu chuyện bà Nguyễn Thị Năm vẫn mãi là một vết nhơ trong lịch sử.

Rồi đến 1975, cũng thế, nạn lạm dụng luật pháp, lạm dụng quyền hành nhiều nơi, a dua xu nịnh, cơ hội chủ nghĩa (cho dù có thể đó không phải là chính sách). Thật ra công bằng mà nói thì cuộc cách mạng vũ trang nào, khi đã xử dụng bạo lực, cũng luôn có những hiện tượng quá khích, lừa gió bẻ măng, tát nước theo mưa, mưu toan tư lợi, cướp đoạt cưỡng chiếm, vu oan giá hoạ. Nhiều hay ít là do sự nghiêm minh của chính quyền, rõ ràng của luật pháp, chính sách quản lý, và đạo đức của con người cũng như xã hội đó. Bởi vậy, thế giới lâu nay vẫn "sợ" nhất là sức mạnh rơi vào tay của những kẻ hiếu thắng và kém hiểu biết.
Nhìn lại một thời ở VN, từ đổi tiền, đánh tư sản, đi kinh tế mới, vô hợp tác xã .....cho đến đi làm, đi học ... ở đâu cũng có những mẫu chuyện lạm quyền mà cho đến ngày này vẫn còn là nỗi ám ảnh đáng sợ. Ngày đó mình đọc Mikhail Sholokhov (Liên Xô), cũng thấy những điểm tương đồng, cho dù ít nghiệt ngã hơn so với quê nhà. Có một điểm chung nổi bật là hiện tượng "luật rừng" ở địa phương luôn luôn tồn tại. Phần lớn đều được đổ lỗi do sự quá khích, kém tri thức, và chính quyền non trẻ. Nhưng nhìn lại cho kỹ, thì liệu đó có phải là lỗi hệ thống chăng ?

Còn nhớ thời đi học, thấy nhiều ông làng xã chặn đường cắt quần "loe", hớt tóc "dài" ... Hỏi chuẩn nào là loe là dài thì không biết. Mình có cái túi lính đựng sách tập đi học, cũng bị tịch thu vì nói là túi của "Mỹ Ngụy". Ông bí thư xã mình, học chưa hết tiểu học, mỗi ngày kè kè cái radio, chỉ đạo toàn diện. Chứng lý lịch, xét hồ sơ, trưng thu ruộng đất, cải tạo kinh tế, xây dựng đất nước, tuyên truyền ... kinh tế, xã hội, chính trị, quân sự, hành pháp, tư pháp .... quyết hết. Nhiều địa phương khác cũng thế, nhiều nơi tự tung tự tác, phép vua thua lệ làng. Nhiều ông làng xã thi hành xử án luôn tại địa phương. Ví dụ ly dị, xử chồng được con bò, vợ được con heo, bao nhiêu giạ lúa, bao nhiêu cái nồi... Vào hợp tác xã nông nghiệp, hệ thống chấm công điểm cũng vậy, tuỳ tiện cảm tính, thích thì 10 điểm không thích thì 5 điểm. Ai cãi lại thì cho là phản động. Nhưng hỏi phản động và phản biện khác nhau thế nào, thì hỏng biết. "Thương thì trái ấu cũng tròn, ghét thì bồ hòn cũng méo". Và cứ thế, mà mong rằng đất nước đứng lên ?!

Nhưng đó là chuyện đã qua, đã xưa, đã cũ, của một thời với những bước quá độ. Người ta có thể đã quên đi qúa khứ và cùng nhau hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng không ai có thể chịu đựng nỗi những lỗi lầm ấu trĩ & cơ bản cứ lập đi lập lại mỗi ngày. Những tư duy cũ kỹ của bao nhiêu năm trước, ngày nay chắc hẳn không còn phù hợp nữa. Và đã là luật pháp, thì dĩ nhiên phải đồng bộ, thống nhất, rõ ràng. Một nhà nước pháp trị không thể mãi đổ lỗi cho những bất quy tắc và ngoại lệ mang tính địa phương hoặc cá nhân. Vấn nạn "luật rừng" ở địa phương cần phải dẹp bỏ, những sai phạm lạm quyền cần được trừng trị thoả đáng, để người dân an tâm làm ăn, và các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng, mạnh dạn hơn.
VN hôm nay đã khác, vào WTO, có tên tuổi trên trường quốc tế. Là thành viên của hội đồng bảo an LHQ. Kinh tế xã hội phát triển, xe hơi nhà lầu, ngày càng mọc lên. TV tủ lạnh đầy nhà. Từ ao làng nay đã ra sông sâu biển rộng, gia nhập thế giới văn minh. Tham gia nhiều tổ chức quốc tế tầm cỡ, chuẩn bị tham gia CPTPP, EVFTA.... T/T đương nhiệm cũng kêu gọi chính phủ kiến tạo, công nghệ 4.0.... Thế thì đâu thể nào để luật pháp quốc gia có những kiểu thực thi tuỳ tiện như thế ? Để những ông trời con có thể "làm luật", tự tung tự tác một cõi. Rồi chuyện lớn nhỏ gì cũng kêu thủ tướng tham gia chỉ đạo. Thế thì còn gì luật pháp ? VN phải cần đến bao nhiêu ông t/t, c/t cho đủ ?

Ông Martin Luther King, Jr., người nổi tiếng thế giới về đấu tranh cho nhân quyền đã nhắc nhở rằng "Never forget that everything Hitler did in Germany was legal". (Tạm dịch là : Đừng bao giờ quên rằng những điều Hít-le làm ở Đức đều là hợp pháp ). Đúng vậy, "hợp pháp" ở một số nơi, không khéo lại có thể là tội ác đối với nhiều nơi khác. Một đất nước muốn hội nhập và đi lên, bắt buộc phải tuân thủ những quy ước nhất định của cộng đồng quốc tế. Sân chơi chung lúc nào cũng phải có luật chơi chung. Cần vậy !



Thursday, October 11, 2018

Công lý có thật không ?


Ngày 9/9/1886, một em bé 16 tuổi, Mary Jane Hicks, bị cưỡng hiếp tại Sydney (Úc), đã trở thành một sự kiện chấn động thế giới. Vụ án đi vào lịch sử nước Úc và ngày nay vẫn được nhắc nhở đến như một nỗi ám ảnh của xã hội, "Mount Rennie Outrage" hoặc là "Waterloo Outrage". Những kẻ phạm tội vào độ tuổi 20 (không ai là công chức nhà nước hoặc kẻ biết luật), đều bị treo cổ.

Trong những thập niên gần đây, những vụ án hiếp dâm trẻ em dường như ít hơn, vì luật pháp của thế giới càng nghiêm khắc hơn với loại tội phạm bịnh hoạn và đốn mạt này. Đó là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với xã hội văn minh và các bậc làm cha mẹ cho dù bất kỳ ở quốc gia nào. (Nạn hiếp dâm bè đảng ở Ấn độ và các nước châu Á, châu Phi vẫn còn xảy ra, nhưng thường liên quan với nạn nhân là người đã trưởng thành, du khách ...).

Lâu nay, những câu chuyện tội phạm liên quan trẻ vị thành niên ở Ấn độ, Thái Lan, Campuchia, Tàu, Việt, Phi ... như ấu dâm, mua bán trẻ em, mua bán trinh, tảo hôn, bạo hành, cưỡng bức lao động .v.v.. luôn được các cơ quan nhân quyền, hội bảo vệ trẻ em, NGO, và cơ quan luật pháp quốc tế quan tâm theo dõi. Đặc biệt là những vụ án hiếp dâm trẻ em trên thế giới, được trừng trị rất nghiêm mình. Bởi đó không phải chỉ là phạm trù đạo đức nhân phẩm, mà còn thể hiện bản chất của việc thực thi công lý & tôn trọng luật pháp của mỗi quốc gia. Điển hình như vụ Yuyun Gang Rape Sumatra (2016), Qatif gang rape, Saudi Arabia (2006), Richmond High School gang rape (2009), Houston gang rapes (1993) ...

Tuy đau xót và bất công, nhưng có những vụ án đã giúp xã hội thay đổi quan niệm về luật pháp tội phạm, giúp chính quyền thay đổi cách thực thi công lý, trừng phạt, và biện pháp ngăn ngừa. Cơ hội để nhiều quốc gia sửa sai, trám lại các kẻ hở luật pháp, để thực sự bảo vệ công dân của họ, đặc biệt là trẻ em vị thành niên.

Vụ án hiếp dâm ở Thái Bình là một tội phạm ghê tởm và kinh hoàng của VN. Đặc biệt những kẻ phạm tội là công an, đảng viên, kẻ đang đại diện cho pháp luật, doanh nhân thành đạt, có tiền, có quyền thế trong xã hội. Đây không phải là một vụ án hiếp dâm bình thường, mà là một điển hình của việc thách thức pháp luật, đạo đức XHCN suy đồi. Qua đó người ta có thể thấy được giá trị thực sự của nền tư pháp quốc gia dưới con mắt của những kẻ thực thi pháp luật và người có địa vị xã hội hiện nay ở VN !

Thiết nghĩ nếu VN mà không xử vụ án này ra khoai ra ngô, chỉ giơ cao đánh khẽ, để cho kẻ xấu cậy thế cậy quyền, xoa dịu dư luận rồi cho qua .... thì niềm tin của quốc tế và người dân trong nước đối với luật pháp VN sẽ là một vết đen khó rửa. Liệu công lý có thật không ?

Wednesday, October 10, 2018

Đồng thuận đồng lòng



Nói tới chuyện đồng thuận đồng lòng, tín nhiệm lãnh đạo, thì chỉ có một số nước trên thế giới luôn dẫn đầu bảng. Còn các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật .... thì không bao giờ có cửa, trừ khi có chiến tranh các vì sao (Star Wars) :-). Bầu bán mà đạt tới 100% đồng thuận thì đất nước làm gì có chuyện không tín nhiệm, mất đoàn kết nội bộ, hoặc là trống đánh xuôi kèn thổi ngược ? Lãnh đạo mà được dân bầu tín nhiệm 100% thì tát ao nào lại hổng cạn, đất nước lo gì nghèo đói ?

Nhìn lại sơ qua các lãnh đạo có được tín nhiệm cao nhất lâu nay, Saddam Hussein 100%, Kim Jong-il 99.9%, Kim Jong Un 100%, Castro 99.4%, Bashar al-Assad 97.6%, Turkmenistan's Saparmurat Niyazov 99.5% .... Còn lãnh đạo Liên Xô, Trung quốc thì khỏi nói rồi, như mới năm nay 2018 ông Tập (Xi) đạt 100%, cả hai ông phó chủ tịch cũng không kém tài năng, Wang Qishan 99.9%, và Li Zhanshu 100%. Báo chí thế giới mắt mũi tròn xoe, khâm phục !

Thực ra thì với thông tin thời nay không khó khăn lắm để hiểu chân tướng của một vấn đề. Cho nên nhiều lúc diễn sâu quá, hình thức quá, càng thể hiện sự thiển cận của một hệ thống, lại vừa tốn kém không hiệu quả.

Nhớ mới năm ngoái  theo dõi tin tức về một thành phố lớn ở miền Trung VN, lấy phiếu tín nhiệm một vị lãnh đạo trẻ. Thấy cũng bấy nhiêu người đó, với khuôn mặt đó, chức danh đó, nhưng chỉ trong một thời gian rất ngắn, 99% lại giơ tay phủ quyết những gì họ mới vừa đồng ý đồng thuận trước đó. (Chỉ có một chị không giơ tay). Mình cứ băn khoăn, sao lại có thể thay đổi nhanh thế nhỉ ? Như vậy công việc thực sự của họ là gì, đại diện cho ai ? Họ có tín nhiệm bản thân họ không ? Và làm sao giải thích những hiện tượng đó cho con cái của họ ? Nhưng nghĩ lại, thì chắc gì họ lại có những suy nghĩ bình dân và thắc mắc đơn giản như mình !

Mà cũng lạ nghen, dường như dân ta mỗi lần họp hội gì, ví dụ như họp lớp, họp trường, họp đồng hương, họp khu phố, họp bạn, thậm chí họp vợ chồng con cái, anh em bà con, nhà thờ tộc họ ....cũng bất đồng, co cãi nhiều thứ lắm. Nhưng đến chuyện họp quan, họp nước, thì lại rất đồng lòng đồng thuận, tín nhiệm cao. Cũng là chuyện hay :-).

Ở Mỹ, chuyện theo dõi bầu bán ly kỳ hấp dẫn như coi đá gà ở quê mình. Trực tiếp truyền thông, từng giờ từng phút diễn biến sôi động. Thắng hiệp 1 chưa chắc thắng hiệp 2. Thắng tiểu bang này, lại rớt đài tiểu bang kia. Bên Anh có nhiều cửa hàng cho bắt độ bầu cử luôn. Cá độ thắng thua xong, vô pub ngồi uống bia hò hét cho đã, chờ lãnh tiền. Sướng !
Bầu cử trong từng tiểu bang cũng thế, tuy phạm vi nhỏ bé hơn. Mới tuần rồi coi kết quả bầu cử của thương viện Mỹ về ông thẩm phán Kavanaugh cũng vậy. Hấp dẫn đến giờ cuối, bên đỏ thắng bên xanh 50-48 :-) . Mình vẫn luôn thích kiểu không đồng thuận đồng lòng như thế này !




Monday, October 08, 2018

Nobel kinh tế

Nước Mỹ năm nay lại đoạt giải Nobel kinh tế. Lâu nay nước Mỹ vẫn thống trị về các giải Nobel, đặc biệt là Nobel kinh tế. Đọc những tóm tắt về thành tựu và công trình nghiên cứu của 2 ông William Nordhaus và Paul Romer, đáng kính nể. (Giáo sư Paul Romer là con của cựu thống đốc bang Colorado - Roy Romer).
Dĩ nhiên bên cạnh tài năng của hai ông giáo sư, ai cũng hiểu rằng môi trường sống, điều kiện học hành & làm việc, là những yếu tố chính quyết định thành tựu, chứ không phải là do người Mỹ thông minh siêu việt, hay thiên tài vĩ đại gì.

Hai người Mỹ cùng nhận Nobel kinh tế 2018

Vì sao người Mỹ thống trị Nobel kinh tế?

2018 Nobel in Economics Is Awarded to William Nordhaus and Paul Romer

Tuy nhiên, nhớ lại cái clip mình được coi trước đây của ông thầy này, mình nghĩ ban thẩm định giải Nobel kinh tế cần phải nghiêm túc kiểm điểm và rà soát lại :-).




Wednesday, October 03, 2018

Lại chuyện ông thẩm phán ...



Viết tiếp chuyện ông thẩm phán Brett Kavanaugh bị giới truyền thông và lưỡng đảng lôi ra những chuyện nhậu nhẹt say xỉn thời đại học. Thực ra thì người Mỹ không đến nỗi bảo thủ như thế, họ phân biệt được đâu là chuyện xưa đâu là chuyện nay. Nhưng chính trị bao giờ cũng có mặt trái bẩn thỉu của nó, quốc gia nào cũng vậy thôi, chỉ là ít hay nhiều. Khi có những mâu thuẩn xung đột, moi móc lại chuyện "không tốt" ngày xưa (không biết thật hư) là cách dễ nhất để hạ bệ uy tín người khác. Đôi khi lấy cả râu ông nọ cắm cằm bà kia. Âu cũng là chuyện thường, quê ta gặp hoài. Nhưng thời này thông tin đầy đủ, nên cũng ít người quan tâm đến tin đồn & những thủ thuật, tiểu xảo như thế. Vả lại cũng tuỳ vào nội dung của từng sự việc, thuộc về bản chất hay hiện tượng. Cái không tốt ngày xưa, nay có thể đã khác, vạn vật thay đổi cũng là chuyện thường tình. Cái mà giới chính trị quan tâm hơn là ông Kavanaugh có nói dối sau khi đã tuyên thệ (under oath) hay chăng ? Nghĩa là có biết, còn nhớ, nhưng không nói sự thực, dấu hẳn chuyện xưa. Một số người dân thì quan tâm tới thái độ nóng giận bộc lộ của ông khi trả lời chất vấn, bởi họ mong đợi một tính cách kiên nhẫn, trầm tĩnh, điềm đạm ở một vị thẩm phán tối cao. Nhưng suy cho cùng thì ông ta cũng là người thường, cho dù tài giỏi đến đâu cũng có giới hạn. Và những trò chơi truyền thông, chính trị, tâm lý, áp lực ... thì luôn luôn có những tác dụng nhất định của nó. Một trong những tác dụng trực tiếp là làm cho nhiều người rối mù, chẳng biết tin ai :-). Nhưng đã chọn ăn bún bò huế, thì phải chịu cay thôi. Chuyện thiên hạ bầu bán lâu nay cũng còn tuỳ thuộc vào não bộ của họ và nhiều yếu tố khác nữa. Có bầu bán công bằng đã là hạnh phúc lắm rồi, so với nhiều quốc gia khác chưa bầu đã bán, không có quyền chọn lựa, thì còn thê thảm hơn nhiều !

Nôm na là ở những xã hội dân chủ văn minh, người ta luôn đòi hỏi "chiếc áo phải làm nên ông thầy tu". Còn ở những xứ kém dân chủ văn minh, thì cứ khoác "chiếc áo" lên là muốn thiên hạ trọng, bắt người ta tin. Dĩ nhiên rồi cũng có kẻ tự nguyện tin, có người bắt buộc tin, có kẻ thấy thiên hạ tin mình cũng tin... Bên cạnh đó, cũng không hiếm người chỉ muốn an phận thủ thường ậm ừ cho qua, hoặc chẳng thèm quan tâm đến. Bởi thế, có nhiều "ông  thầy" ảo giác về giá trị "chiếc áo" mà mình đang mặc. Thậm chí ở một số nơi, người chết rồi còn sợ thiên hạ không khóc, có bao nhiêu giai thoại tốt lành đem ra rao bán nốt, ai tin được thì tin. Lâu rồi cũng quen !

Mình không phải là dân thích chính trị chính em, nên thường chỉ nhớ chuyện gì vui thôi. Như tổng thống Mỹ ông nào ghiền rượu là mình nhớ ...John Adams, Martin van Buren, Franklin Pierce, James Buchanan, Ulysses S. Grant, Grover Cleveland ...v.v. Ông nào thích chuyện em út, mình cũng nhớ, như Cleveland, Roosevelt, JFK, Bill Clinton ....chẳng hạn. Mà ở những đất nước dân chủ như Mỹ, thì những câu chuyện đó cũng bình thường. Tổng thống, chủ tịch, quan toà, lãnh đạo ... cũng là người, có ưu có khuyết, không ai bắt họ phải hoàn hảo như thánh. Quan trọng là họ đã có những đóng góp gì cho quê hương đất nước. Người dân tôn trọng những thành tựu và đóng góp của họ, nhưng cũng chả có ai bắt người khác học tập theo gương họ làm gì. Đời sống thực tế là vậy, mỗi người mỗi khác, càng cố tình thiêu dệt, càng thần tượng hoá, càng tốn công bảo vệ bào chữa, lại càng hài hước vấn đề mà thôi.

Thôi cũng mong mấy ông nghị bà nghị chốt sớm, để báo đài TV còn nói tin tức khác. (Sáng nay thấy có chuyển qua chuyện thuế khóa của T/T Trump rồi). Nhớ ông Voltaire có một câu rất nổi tiếng là "Judge a man by his questions rather than his answẹrs" (tạm dịch: hãy đánh giá một người bằng câu hỏi của họ thay vì câu trả lời". Mình đồng ý với câu này, nên lâu nay mỗi lần đi tới đâu mà nghe ông bà nào trả lời chung chung, na ná giống nhau, như ai viết sẵn tờ trình, cắm đầu cắm cổ mà đọc, là dẫu có hội họp gì quan trọng, cũng xin phép ra ngoài hút điếu thuốc ... :-) .


Tuesday, September 25, 2018

Giai thoại & sự thật,



Nhiều nước châu Á, lập quốc đã lâu nhưng vẫn còn lạc hậu ì ạch so với những nước phương Tây non trẻ, là do ý thức hệ phong kiến nặng nề, chiến tranh triền miên, mâu thuẩn nội tại & văn hoá đặc thù. Ngoại thì nước này lo xâm lấn nước kia. Nội thì triều đại này lo thanh trừng triều đại khác. Chia năm xẻ bảy, trả thù nhau, giết chóc nhau. Rồi lo củng cố quyền lợi, phân chia lợi ích cá nhân, cha truyền con nối, lấy công nuôi tư, bỏ nước lấy nhà. Lại ít có tầm nhìn cho đại cuộc, hoặc nếu có thì bị đố kị trừ khử. Một nguyên nhân chính nữa là rào cản của văn hoá mê tín, nặng tính giai thoại tâm linh, tư duy làm theo, biện chứng nhưng lại siêu hình, không (hoặc không dám) phản biện. Tốn kém quá nhiều thời gian và tài lực trong việc lăng tẩm đền đài, hư danh hủ tục, huyệt mộ địa lý, lễ nghi phép tắc thái quá, tập tục mê tín ...

VN, một đất nước sinh ra với những giai thoại từ buổi ban đầu, con rồng cháu tiên, trăm trứng trăm con, nỏ thần giữ nước, thần rùa mượn gươm ... mang nặng hồn thiêng sông núi. Nhưng không phải chỉ ở VN, mà nhiều nước khác cũng có những giai thoại tương tự như thế. Dĩ nhiên đó là điều cần thiết, là niềm tự hào dân tộc, là huyền thoại tạo nên nguồn linh khí cho một đất nước, mang tính kế thừa. Tuy nhiên cái khác nhau là ở xứ khác, người ta phân biệt rõ giữa giai thoại và đời sống thực tế, giữa phần "hồn" và phần "xác". Phân biệt được cái nào giả cái nào thiệt !

Ở VN, đại đa số người dân ai cũng phân biệt được như thế, nhưng cũng không hiếm người lẫn lộn mơ hồ giữa những giai thoại và sự thật. Kể cả một số trong giới quan chức hoặc báo chí truyền thông, mới lạ. Thậm chí biến tướng thành mê tín, tuyên truyền, thật giả bất phân. Nhiều địa phương vẫn nhất mực tin tưởng chuyện phong thủy trấn yếm huyệt mộ, hối lộ thiên binh thiên tướng. Nhiều giai thoại cũ ngày xưa nay được thêm thớt, thay da đổi thịt, thành những câu chuyện nóng hổi thời nay.

Như chuyện phong thuỷ đúng sai ai mà hiểu hết, đồn đãi là chính. Giai thoại vẫn chỉ là giai thoại, lời đồn vẫn chỉ là lời đồn. Ngay cả trong thời đại internet này, chuyện mới xảy ra thôi cũng tin giả tin thật tràn lan, huống hồ gì những truyền thuyết, giai thoại dân gian, câu chuyện phong thuỷ, cả ngàn năm về trước. Phong thuỷ ngày nay ở một số nước là bộ môn nghiên cứu mang tính khoa học, chứ không phải nặng về mê tín tâm linh. Tuy nhiên, nhiều  địa phương, xóm làng, gia tộc VN, vẫn quan niệm nhất huyệt nhì trạch, nên hơn thua nhau từng ngôi chùa, cái mộ, đền làng, nhà thờ, ngõ xóm.... Hết đất tư rồi lại đất công. Nhiều gia đình tâm linh thì cho rằng mồ mả càng hoành tráng, đời sau càng phát đạt. Nhưng cũng lắm người so đo hơn thua nhau chỉ đơn giản là vì mặt mũi, sĩ diện, liền chị liền em. Không hiếm những trường hợp lợi dụng quyền hành, lạm dụng của công, phô trương thái quá.
Trong lịch sử VN xưa nay, có lẽ đến thời kỳ này là nhiều tượng đài, nghĩa trang, mồ mả, chùa chiền, nhà thờ gia tộc ... được xây dựng hoành tráng nhất. Không phải chỉ là khía cạnh tâm linh, mà còn lo bị "thiệt thòi" ở khía cạnh khác. Cả công lẫn tư, so về mồ mả và công trình tượng đài, hiếm có nước nào sánh vai được VN hôm nay. Dĩ nhiên, cũng phải là gia đình quan chức có tiền thôi, còn đối với người dân đen lam lũ, điều đó mãi mãi chỉ là những ước mơ xa vời. Có một số ý kiến cho rằng xưa nay triều đại nào cũng vậy, từ Ai Cập, Ấn độ, Trung Quốc ... vua quan mà chăm chút lăng mộ càng nhiều, thì nhân dân càng thiệt thòi khốn khó !

Nhớ có năm, mình và ông anh lái xe đi lang thang bao nhiêu tỉnh ngoài Bắc, mệt đâu nghỉ đó, đói đâu ăn đó. Đi đến đâu cũng nghe nhiều giai thoại rất thú vị, từ ngôi đền làng cây đa, cho đến từng ngọn núi con sông. Chính sử, dã sử, dân gian, chính truyện, ngoại truyện, đủ hết. Từ chuyện ông Cao Biền cỡi diều giấy trấn yểm long mạch nước Nam cho đến thầy Tả Ao trên núi Hồng Lĩnh, Hàm Rồng. Từ con cọp trắng cứu người cho đến con rắn thần phủ phục. Từ xứ địa linh nhân kiệt cho đến ngôi làng ăn mày ..v.v. Tỉnh nào quan chức càng nhiều thì giai thoại càng nhiều, lăng tẩm đền đài càng nhiều, chùa chiền mồ mả hoành tráng càng nhiều. Thăng Long, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh ..v.v.. đâu cũng là tích xưa chuyện nay, vô cùng phong phú. Chuyện lên đồng lên bóng, nói chuyện với cõi âm cũng nhiều, mình có ghé vài nơi ở Thanh Hoá để coi cho biết.

Có nhiều giai thoại nghe trùng hợp giống nhau từ nhiều địa phương, nhưng ai cũng cương quyết bảo vệ giai thoại của xứ mình là "chính sử". Ví dụ như câu chuyện tự hào nhất của Ninh Bình là ngài Đinh Bộ Lĩnh làm vua, nhờ ông bơi lặn giỏi, gạt được ông thầy địa lý Tàu, cải táng hài cốt của cha ruột là con rái cá (mẹ là bà Đàm Thị) ở huyệt Long Mã dưới đáy sông. Sau khi làm vua nước Đại cồ Việt, bị ông Tàu phát hiện, nhờ người khác trấn yểm huyệt Long Mã đó, nên lại bị Đỗ Thích giết. Ở QN cũng có câu chuyện tương tự thế, là ông vua Nam Chiếu bên bờ sông Trà & huyệt Hàm Rồng. Bà Mẹ là nàng Thiệu Khôi bị con rái cá cưỡng hiếp. Rồi ông đánh đuổi được giặc Tàu, làm vua Nam Chiếu. Sau lại bị Cao Biền dùng mưu gạt Thiệu Khôi, vô tình giết con mình. Tương tự như thế, có nhiều giai thoại địa phương người ta kể, nhưng cũng không biết tên họ nhân vật. Đôi lúc nghe kỹ thì na ná như chuyện Vũ Công Duệ, Lương Thế Vinh, Mạc Đĩnh Chi, Huyền Trân Công chúa, Yết Kiêu Dã Tượng, Chúa Sãi, Trạng Quỳnh ....v.v.

Nói chung những giai thoại lịch sử thì vô vàn, truyền thuyết trong dân gian cũng thế, phong phú đa dạng. Lâu nay những giai thoại điển tích đó được lưu truyền rộng rãi, như một truyền thống dân tộc đáng quý, nuôi dưỡng hồn thiêng của đất nước. Nhưng thời này, có một số người lại lợi dụng những giai thoại ấy, phóng đại hư cấu, để mưu cầu những mục đích khác. Đôi lúc có sự hiểu lầm, vượt quá giới hạn phô trương. Vô tình hay cố ý, trở thành tuyên truyền mị dân thì quả nhiên là điều không tốt, thậm chí còn phản tác dụng.

Chuyện xưa đã thế, nhưng giai thoại thời nay cũng không hiếm. Cũng như mấy hôm nay trên mạng đồn rầm tờ báo nào đăng chuyện phải bắt đom đóm để học vào những năm 60 ngoài Bắc. Thực ra thì vào thời chiến tranh, thông tin hạn chế, những giai thoại như tự tẩm xăng đốt chạy vài trăm thước, bị bắn vài chục viên vẫn lái xe tăng tiến lên, máy bay bay thụt lùi tắt máy núp vô mây, thả diều bắt máy bay, thả ong đánh giặc .v.v.. có thể có tác dụng nhất định của nó. Còn thời nay, đang kêu gọi công nghệ 4.0, mà vẫn duy ý chí những câu chuyện "đom đóm" như thế chỉ làm hại cho nước nhà nhiều hơn. Ít ra làm mất đi sự khả tín của báo giới, thể hiện tính giáo điều, xu nịnh, tư duy suy luận phân tích nghèo nàn !



Saturday, September 22, 2018

Lời thiên thu gọi ...



Đọc được tin ông chủ tịch nước VN mất sớm, lúc còn tại chức, điều đầu tiên mình nghĩ đến bịnh gì nan y đến thế, mà khoa học thế giới ngày nay cũng phải bó tay. Nhiều tờ báo thế giới cũng đăng tải tin tức và chia buồn cùng VN. Tuy nhiên tất cả đều thắc mắc về cách giải trình chết bởi nguyên nhân "vi khuẩn độc & hiếm". Dẫu sao thì người cũng đã ra đi, sinh tử xưa nay vốn không ai tránh khỏi, nhưng có những câu chuyện mãi mãi vẫn còn là câu hỏi dở dang.... Nhiều người VN trong nước cũng mong mỏi cơ quan chăm sóc sức khoẻ lãnh đạo sẽ sớm tìm ra nguyên nhân của những căn bịnh lạ, nan y, ngày càng nhiều.

Nhớ có lần đọc bài phỏng vấn của ông hiệu trưởng (hay thầy cũ) của ông CT dưới quê Kim Sơn, Ninh Bình. Ông thầy cũ nói ông CT sẽ là "Đinh Bô Lĩnh thứ 2 của Ninh Bình". Mình thắc mắc, không hiểu ý ông nói là chuyện làm vua hay là chuyện "dẹp loạn 12 sứ quân". Chuyện làm vua thì dễ hiểu, còn chuyện dẹp loạn sứ quân thì thời nay khác hẳn thời xưa. Thời này sứ quân cũng không chỉ đơn giản là cỡi ngựa cầm gươm. Thực ra người dân làng quê VN bao giỡ cũng tự hào và hy vọng về những người con của xứ sở mình, quê mình cũng vậy. Nhiều vua nhất, nhiều tướng nhất, nhiều công trạng nhất, nhiều lãnh đạo nhất, nhiều tể tướng nhất ..v.v... Nên có lẽ sự ra đi đột ngột nào cũng làm cho người dân quê ngỡ ngàng !

Sáng nay cũng mới đọc được trên báo VN nói rằng ông thủ tướng Hun Sen được ông TDQ cắt tóc cho đến 5 lần. Một kỷ niệm đẹp, và cũng phải nói trí nhớ ông Hun Sen này tốt thật. (Nhớ hồi mình học đại học, ở ký túc xá, bạn bè cũng hớt tóc cho nhau hoài, mà giờ làm sao nhớ nỗi mấy lần ?). Hôm qua, thấy nhiều lãnh đạo thế giới gởi lời phân ưu đến gia đình ông CT và đất nước VN. Hãy cứ cho nhau những lời tốt đẹp khi người nằm xuống, RIP. Thời nào cũng thế, những chuyện đóng góp cho chính trường hay quyền lực lúc còn tại vị thì cũng dễ đọc thấy qua báo đài, nhưng thành tựu thực sự của một người lãnh đạo là những gì còn đọng lại trong lòng người dân sau khi nằm xuống. Cứ trông dân mà nghiệm ra quan !

Trước sau nào thấy bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông
(Nguyễn Du)


Friday, September 14, 2018

Tản mạn : Đợi bão, nhớ quê ...



Cơn bão Florence được dự báo là siêu bão trong mấy chục năm nay, nhưng may mắn là khi đổ bộ vào bờ thì lại giảm cấp gió rất lẹ. Ngược lại nó di chuyển rất chậm và bán kính rộng, nên có khả năng gây nhiều thiệt hại về lũ lụt hơn là gió bão.
Ngoài đường hiện giờ đang vắng hoe, nhiều nơi đã bị cúp điện, nơi mình ở dự báo chiều nay bão mới đến. Mấy đứa con vừa nóng lòng hồi hộp, vừa nôn nóng đợi chờ, lâu lâu lại chạy ra cửa sổ ngóng vì chưa từng thấy bão ... Con nít bao giờ cũng thế, không hiểu được cái lo lắng của người lớn. Giống mình hồi nhỏ, mỗi lần có lụt, nôn nóng hồi hộp, thức trắng cả đêm chờ đợi nước lên.

Ngồi uống cafe, nghe nhạc, đợi bão đến, mà nhớ đến ngày xưa ở quê nhà. Quê mình hầu như năm nào cũng có mưa gió bão lụt, không lớn thì nhỏ. Thực tình mà nói, hồi nhỏ nhiều đứa còn mong cho có lụt bão, được nghĩ học mà lại được "ăn ngon". Nói đến món ăn mùa lụt bão thì làm gì có chuyện cao sang mỹ vị, nhưng lại là những món nhớ đời, cho mãi đến ngày hôm nay. Ngồi mà kể lại thì cả ngày chưa hết.

Nào là canh khoai, cá chuồng kho mít, cá khô, mắm chưng, cá trôi, cá diếc, dế cơm chiên dòn, kho quẹt tóp mỡ, mắm cá cơm, mắm mực, mắm ngừ ... Trước 75, còn có cả thịt hộp, cá hộp, mì tôm trong thực đơn bão lụt. Sau 75, thời bao cấp nghèo đói, thì khoai lang khoai mì, bo bo gao mốc, có gì ăn nấy. Nhưng ngày lụt ăn gì lại chẳng thấy ngon ? Ăn xong lội nước, lội phố, ra sông coi thiên hạ vớt củi, cất rớ, gỡ lờ, cắm câu, bủa lưới ... Đi một vòng về đã thấy đói bụng lại.

Nói chuyện đồ ăn, mấy hôm rồi thiên hạ ở đây ùn ùn đi mua đồ ăn nước uống dự trữ cho những ngày bão đến. Mấy siêu thị sạch trơn, nhất là khu vực bánh mì lương thực khô. Thực ra món ăn của người Mỹ đơn giản, đơn điệu, và họ ít có thói quen dự trữ nhiều. Còn dân An Nam ta thì có đi tới đâu cũng vậy, đồ ăn đồ uống lúc nào cũng dự trữ, lo xa, trừ mấy anh độc thân trên răng dưới rún. Chỉ tính sơ sơ mì gói, gạo mắm, xì dầu, lạp xưởng, chà bông, chả lụa, thịt cá đông lạnh trong tủ ... thì nếu cả tháng trong nhà, dân Mít ta vẫn ung dung tự tại mà coi phim Tàu phim Hàn, phim hài, Paris by night, hát karaoke, gọi VN, gọi bạn bè, bàn chuyện chính trị thời sự online, chơi facebook .... trừ khi bị cúp điện !

Hôm rồi, mình cũng ghé tiệm á đông chơi trái mít cho "có phong trào". Nhưng thực ra là mình không thích mít chín bằng mít non. Xứ này hiếm khi thấy bán mít non tươi, đa phần là trong hộp. Nói mới nhớ, hồi mấy chục năm trước, thời mới tị nạn đến Mỹ, một số ít dân Việt cũng tự kỳ thị nhau, phân biệt kẻ đến trước người đến sau. Quả là đất nước trọng hơn thua, nên mới có chuyện thân phận tị nạn với nhau mà vẫn "mít ướt, mít ráo". Có ông hồi đó hỏi mình - Phải tại dân VN thích trồng mít và ăn mít nên được gọi là VN mít không ? Làm mình lặn lội vô thư viện kiếm quyển sách nói về Annamite đưa cho ổng coi. Luôn tiện, để ổng biết thêm chút ít về cái ý nghĩa của Nam Kỳ, Bắc Kỳ, Trung Kỳ, và tại sao dân ta lại "thích" phân biệt đến thế.

Trở lại vụ mít non, là một trong những món ở quê hương mà mình ghiền nhất. Mình thuộc loại dân quê nghèo, nên toàn là khoái món dân dã. Mít non, nấm rơm, nấm mối, măng tre, bắp chuối, canh khoai, bông bí ... Về quê lần nào cũng kiếm mấy món đó mà ăn. Nhiều khi cũng ngại, may là chưa có thằng bạn nào nói xấu " thằng VK đó kẹo kéo quá, rủ mình mà đãi toàn rau thôi, không thấy món thịt cá tiến vua gì cả  :-). Nhà Ngoại mình ở quê trồng nhiều mít, nên ôi thôi nhiều món lắm. Từ huê mít chấm mắm ruốt, cho đến mít non kho cá cơm, kho cá chuồn, kho thịt ba chỉ, kho chay. Rồi đến món gỏi mít xúc bánh tráng thần thánh. Nhớ lần đầu về VN, hồi ông TCS còn sống, mấy người bạn rủ mình vô quán Tib TCS, chỉ đãi đơn giản gỏi rau muống bào, và mít trộn xúc bánh tráng, mà say lúy túy. Bây giờ thì SG quá nhiều quán bán món dân dã như quán Ba Miền, Cô Ba xứ Quảng ...Còn bên Mỹ thì Bolsa, San Jose, Atlanta, Washington DC ...cũng đầy, nhưng vẫn không đâu ngon bằng món của Ngoại mình làm. Mà đứa con nào lại chẳng thấy món của Mẹ, của Ngoại, là ngon nhất ? Mùa mưa bão mà ăn cơm nóng với nồi cá chuồn kho mít non, canh khoai môn nếp tấm, rau tập tàng chấm kho quẹt, thì thôi rồi :-) .

Công bằng mà nói thì xứ nào cũng có những món tuyệt chiêu của nó, tây tàu gì cũng thế. Nhưng với mình thì có đi đâu đi đó, dẫu là Jamon Iberico, Caspian Caviar, Foie gras, Boudin, Rillettes, Schweinsbraten, Asiago, Camembert ... sơn hào hải vị gì rồi cũng không nghiện bằng mấy món dân dã ở quê nhà. Nhưng thời này quán xá nhà hàng ở quê, rồi cũng chạy theo cái xu hướng "thời thượng", nên về quê cũng không dễ tìm được những món bình dân thời thơ ấu. Năm ngoái về quê thằng bạn chở mình đi 3 cái nhà hàng mà tìm không ra cái món bắp chuối hà nàm trộn gỏi, cá chuồn nấu ngót cà chua xanh. Mới tháng rồi về quê, ông anh hỏi mình muốn ăn nhà hàng nào, món gì đặc biệt ? Mình nói thèm bữa cá nục hấp cuốn bánh tráng nướng nhúng nước, đọt rau muống, mắm cáy chua. Ảnh đãi thiệt, ngon tuyệt !

Suy cho cùng, chuyện ăn uống thì ở đâu chắc cũng vậy. Đắt chưa phải là ngon, mà sang chưa phải là quý. Ăn thua là cái "hồn" còn đọng lại trong mỗi con người. Ai tha phương lại không mang theo bên mình những hương vị của một thời? Nhớ một người rất thân với mình đã từng nói "...Có những điều bình thường nhất bỗng trở thành những điểm nhớ quay quắt & những điều ám ảnh ...". Ngẫm lại, cũng đúng. Ngoài trời mưa bão không lo, lại ngồi đây tản mạn chuyện mít non, mít chín ....:-)



Tuesday, September 04, 2018

Tản mạn : Học & hành ..



Giáo dục lâu nay luôn là một trong những ngành phát triển mạnh mẽ nhất trên thế giới. Là tiên phong dẫn dắt mọi sự tiến bộ trong đời sống con người & xã hội, nên giáo dục lúc nào cũng đòi hỏi sự sáng tạo và cải tiến hợp thời, hợp lý. Ngày nay thiên hạ phân biệt rõ ràng sự khác biệt giữa hệ thống giáo dục cổ điển (traditional education), và hệ thống giáo dục hiện đại (modern education). Dĩ nhiên là hệ thống giáo dục cũ cũng có những cái hay nhất định của nó, nhưng có rất nhiều thứ không còn hợp thời và hiệu quả nữa.

Nền giáo dục ở VN hôm nay là tiêu biểu của hệ thống giáo dục cổ điển. Thậm chí đến nay vẫn còn chật vật khó khăn để hoàn chỉnh những yêu cầu tối thiểu của hệ thống cũ kỹ đó. (In traditional education all students are lumped together under one instructor, and basic subjects read, write, arithmetic. Individuality is not promoted. There was a certain passing number upon entrance exams to determine if students are 'normal.' Different learning styles, social disorders, and mental illnesses were not what the Broad of Education considered appropriate behavior. This is probably where bullying others that are different originated.)

Ngược lại, rất nhiều nước trên thế giới đã đi quá xa trong lãnh vực giáo dục. Nên nhiều lúc mình cũng rất ngạc nhiên là có một số bạn ở VN ra nước ngoài học thêm (cho dù là Fulbright, hoặc tu nghiệp hoặc chính quy), nhưng khi về nước nắm giữ các chức vụ quan trọng trong ngành, lại không phát huy được những tiến bộ đó. Cơ chế ư ? hy vọng không phải là câu trả lời này !
Cũng có thể là được ra nước ngoài học, nhưng lại không có điều kiện ứng dụng hoặc đi làm để có những va chạm & kiến thức thực tế. Cũng có thể đi tu nghiệp quá ngắn hạn, ngôn ngữ bất đồng, ráng học hành cho đạt yêu cầu thì đã ngốn hết thời gian để nhìn trước ngó sau rồi. Hay là có tiếp thu cái hay cái mới, nhưng ba lô "cái cũ" sau lưng nặng quá, nên khó mà gỡ ra được.... Dẫu thế nào thì cũng là điều đáng tiếc !

Trở lại chuyện "modern education". Ví dụ như ở Mỹ, một trong những nước dẫn đầu thế giới về giáo dục, nhưng chuyện học hành con trẻ ở cấp phổ thông mỗi ngày mỗi khác, mỗi trường mỗi khác, mỗi quận mỗi khác. (Modern education consist of choices, online, independent, education intervention. Social groups are diverse, students can be a cool nerd, jocks can be on the honor roll, people from two different styles walks of life can find common ground and become friends. College is an option for students willing to work hard for scholarships, there are choices).

Cả nước Mỹ cũng chẳng phải theo bộ sách giáo khoa nào, mỗi nơi dạy mỗi khác, tuỳ quận, tuỳ tiểu bang, tuy có dựa trên những chuẩn mực nhất định. Con cái học ở nhà cha mẹ tự dạy cũng được (homeschooling). Trường tư cũng được, trường công cũng xong. Nhiều cha mẹ, phụ huynh, hoặc nhóm thân hữu tự lập trường dạy con em theo hướng của mình cũng được, hoặc dạy chuyên, miễn sao tuân thủ các yêu cầu tổ chức và đào tạo, thì chính phủ trả tiền (charter school). Còn trường lớp vận hành thì cũng khác nhau đủ kiểu sáng tạo. Nhiều trường bỏ hẳn homeworks (bài tập về nhà), có trường chỉ dạy thực tập và bài tập ở trường, học sinh về nhà tự học lý thuyết. Có trường dạy chuyên thêm công nghệ kỹ thuật, hội hoạ, ngôn ngữ ... Có trường tiểu học bỏ hẳn bàn ghế, cho học sinh ngồi dưới đất, mệt thì nằm dưới sàn luôn. Có trường học muộn về trễ cho học sinh đỡ buồn ngủ, có trường khai giảng sớm, có trường nghỉ hè trễ ...v.v.. Nói chung đủ kiểu sáng tạo, nhưng cứ thế mà họ tiến lên, tiến nhanh, tiến mạnh, trở thành những đất nước hàng đầu trong công cuộc thay đổi thế giới nhân loại !

Có thể là bao lâu nay những nước như Trung quốc, Việt Nam ... đi theo cách học từ chương. Do ảnh hưởng nền giáo dục phong kiến cổ điển, thuộc tính lâu đời, nên nhiều quan điểm rất khó thay đổi. Rồi thuộc địa chiến tranh, ảnh hưởng nền giáo dục chính phủ bảo hộ của Pháp. Cho đến thời Liên Xô, TQ ... thì lại càng chồng chất chuyện chính trị & ý thức hệ. Thậm chí nhiều môn học liên quan chính trị, đảng phái, mang tính tuyên truyền, còn kéo dài cho đến ngày nay. Xưa nay, nhiều người vẫn quan niệm tri thức giáo dục là phải đến từ học đường, "không thầy đố mày làm nên". Cứ cho rằng bằng cấp là thước đo kiến thức, nên cứ bằng cấp cao là kiến thức rộng. Bởi thế cứ mãi mê thi cử và tôn thờ bằng cấp, mà không sao thoát nỗi cái mặt trái tiêu cực của nó. Càng không thoát ra được tính giáo điều và những thói quen gởi gắm mua bán trong các hình thức thi cử bằng cấp, cũng như nạn từ chương học gạo trong một số chương trình. Nhiều trường, nhiều học sinh vẫn còn quan niệm dạy & học là để lấy bằng kiếm việc, thăng chức, chứ không phải để ứng dụng vào thực tế đời sống. Giáo trình, sách giáo khoa vẫn mang nặng tính lý thuyết, từ chương, đánh đố, theo quán tính, nhưng lại thiếu hẳn thực hành và tính ứng dụng. Tuy những năm gần đây, giáo trình có nhiều thay đổi và cải tiến, nhưng khoảng cách vẫn còn khá xa so với thực tế nhu cầu đời sống.
Cho đến hiện nay, đại đa số vẫn quan niệm chỉ có con đường đi học mới thay đổi vận mệnh được, càng bằng cấp cao thì tương lai càng sáng lạn, làm quan làm tướng. Tuy nhiên thực tế thì không hẳn là như vậy. (Ở đây không bàn đến các vấn nạn lý lịch, hạt giống đỏ đen, con ông cháu cha, đút lót cửa quyền, lợi ích nhóm ...). Một số ít bậc cha mẹ vẫn còn quan niệm bắt con đi học ngành này ngành kia là để có tiền, nở mặt nở mày, chứ chưa chắc tìm hiểu con mình có thực sự đam mê hay thích thú công việc đó hay không ? Nên cũng có nhiều trường hợp học sinh châu Á bị áp lực và khủng hoảng tâm lý vì phải đi theo những chọn lựa không phù hợp với khả năng và nguyện vọng của mình. Và cũng bởi vì quá xem trọng bằng cấp mà lại không quan tâm nhiều đến kiến thức thực thụ, cũng như đạo đức tư duy của nhân sự, nên nạn bằng giả bằng mua tràn lan. Ngay cả một số các ông hiệu trưởng, trưởng khoa, những người có trọng trách giáo dục, mà cũng vướng vào bi kịch đấy, thì làm sao đào tạo được một thế hệ sau công bằng và học hành nghiêm túc hơn ?

Trong khi đó, những nước văn minh hơn, họ quan niệm thông thoáng hơn, nhẹ nhàng hơn, và thực tế hơn. Họ cho rằng sự giáo dục hình thành từ những hiểu biết được dạy dỗ trong cuộc sống hàng ngày, thông qua nhu cầu tồn tại và phát triển của đời sống thực tế. Trình độ và kết quả khác nhau là tuỳ theo cơ hội và khả năng cũng như tính cách của mỗi con người. Giáo dục luôn được kết hợp từ nhiều yếu tố trong cộng đồng xã hội, trong đó có vai trò của trường học. Tri thức có thể đến từ nguồn giáo dục khuôn mẫu chuẩn mực (formal), và không khuôn mẫu (informal). Trường học là một trong những phương tiện đào tạo của nền giáo dục khuôn mẫu (formal education). Mặt khác, tri thức có thể đến từ những phương tiện khác nhau, đúc kết từ nhiều nguồn trong cuộc sống thực tế, kinh nghiệm bản thân, quá trình công việc, kể cả những công việc tầm thường & cơ cực. Bằng cấp là cần thiết nhưng không phải giá trị định đoạt duy nhất. Cho nên ở Mỹ là nơi có nhiều nhất các ông tỉ phú, nhà phát minh, nhà khoa học, mà không có bằng cấp. Kiến thức do tự học, tự nghiên cứu, tự tìm tòi mà có được. Thời đại bây giờ thì ngày càng nhiều những chương trình học từ xa, tự giác, tự thi, tự học, tự nghiên cứu ..v.v. Thước đo là kinh nghiệm, là giá trị đóng góp và thành quả cống hiến (có bằng chứng, kiểm chứng hẳn hoi). Ví dụ khi xin đi làm, lúc mới ra trường, chưa có kinh nghiệm thì người tuyển dụng lưu ý đến học trường nào, bằng cấp gì. Nhưng khi đã ra đời đi làm rồi, thì người ta quan tâm đến kinh nghiệm, thành tích, và giá trị đóng góp nhiều hơn. Đại đa số là vậy. Trong cuộc sống hàng ngày, người ta thường cũng không đánh đồng bằng cấp và giáo dục. Bởi lẽ đại đa số vẫn hiểu rằng bằng cấp & học thuật chuyên môn tuy quan trọng, nhưng không bảo đảm được giá trị của một con người. Mà chính sự giáo dục kết hợp giữa xã hội, gia đình, và trường học, mới tạo nên tư cách, ứng xử văn hoá, và tư duy của con người. Nhiều người không có cơ hội học hành lên cao, nhưng tư cách ứng xử, đạo đức, và sự đóng góp của họ cho xã hội thật đáng trân kính và ghi ơn. Ngược lại cũng không hiếm những vị có bằng cấp học vị cao, nhưng lại lợi dụng điều đó để làm nhiều điều xằng bậy, gây hại cho bao kẻ khác, thậm chí gây hại cho cả đất nước quốc gia. Đương nhiên là nếu có được cơ hội học hành đàng hoàng ở một nền giáo dục văn minh, xã hội dân chủ bình đẳng, kiến thức tương xứng với bằng cấp, thì bao giờ cũng là điều tốt nhất. Cơ hội tiến thân dễ dàng hơn. Tuy nhiên nếu không có được những cơ hội đó, thì cũng không phải là đường cùng trong cuộc sống.

Albert Einstein nói  “Education is that which remains, if one has forgotten everything one learned in school.” (Tạm dịch: Giáo dục là những thứ còn lại sau khi người ta quên hết những điều đã học từ học đường ". Mark Twain thì nói ” I have never let my schooling interfere with my education”. Tạm dịch: Tôi sẽ không bao giờ để chuyện trường học ảnh hưởng đến giáo dục của tôi". Dĩ nhiên, đúng sai là chuyện muôn đời ... ai muốn cãi nhau thì cứ cãi :-) .

Riêng những ai mà muốn nghiên cứu sâu hơn, rãnh rang muốn đọc thì mình nghĩ là nên bắt đầu từ thưở ban sơ .... Từ thời Plato với quan điểm giáo dục Idealism, Aristotle với Realism ... đến Kant, John Locke, Jean Jacques Rousseau ... rồi cho đến thời Perennialism, Classical Education, Essentialism, Democratic Education, Unschooling Education, Contemplative Education .... Rồi mới dám bàn đến thời giáo dục XHCN của quý thầy Nhạ, thầy Hiền, cô Hương, thầy Đại ...hôm nay :-)

Không phải là có ý ca tụng ngành giáo dục VN, nhưng đọc sách đọc báo quê nhà, lúc nào cũng thấy rất nhiều chữ nghĩa ấn tượng như ưu việt, xuất sắc, cải tiến, gương mẫu, đỉnh cao, thành tựu .vv.. cũng rất mừng. Tuy nhiên, cái cần nhất vẫn là những điều có thực, cái nhìn chân thực, hành động thực tế, kết quả thuyết phục, đường hướng rõ ràng, để con em và phụ huynh của đất nước VN khỏi bị trầy trụa lội bơi giữa những bánh vẽ hứa hẹn & ảo vọng mơ hồ.

Mới năm ngoái, tình cờ nghe được một vị thầy tu PG ở VN thuyết giảng về đề tài "Kinh tế thị trường định hướng XHCN ưu việt nhất thế giới". Mình tá hoả tam tinh, không hiểu ông thầy CQ ấy có nhầm lẫn không, mà dám lấn sân & chủ quan đến thế. Rồi ngẫm lại một tu sĩ suốt đời học Phật tụng niệm, chưa qua một trường lớp kinh tế nào, chưa từng làm kinh tế, mà "hiểu thấu" và "can đảm & hồn nhiên " thuyết giảng được một đường lối kinh tế ưu việt đến thế, thì mới kinh cho cái sự học !

Mấy hôm rày cũng được nghe đủ chuyện, từ chuyện thầy Nhạ đổi mới giáo dục, thầy Hiền đổi mới quốc ngữ, thầy Đại đổi mới đánh vần .v.v.. Mình lại thấy hoang mang và bỡ ngỡ, nửa mừng nửa lo. Mừng vì đất nước không thiếu giáo sư tiến sĩ, lo vì không biết các ngài giáo sư tiến sĩ có làm được việc hay chăng ? Không biết cái mới có tốt hơn cái cũ không, hay chỉ là trống đánh xuôi kèn thổi ngược, vài hôm rồi biến mất ?
Bên cạnh đó, mình cũng nhận thấy một cái khó nữa ở VN là có nhiều "đổi mới" chưa cất cánh đã chết lâm sàng ! Dĩ nhiên là sự thay đổi nào cũng phải trả một cái giá nhất định. Nhưng cái văn hoá hay cũng chê mà dở cũng chê, sự ghen ghét đố kị, thấy người ta chửi mình cũng chửi, thông tin lệch lạc, lắm khi làm lu mờ cái giá trị thực sự của vấn đề. Cái học lâu nay vốn dĩ nhiều nguồn, nhiều phương pháp, nhiều quan niệm, nhiều hình thức học hỏi, giảng dạy. Cái đúng tất được duy trì, cái sai tất bị đào thải, cho dù cưỡng bức đến đâu. Tuy nhiên, khi nghe ông thầy phát biểu "phương pháp dạy cũ thì ai cũng dạy được, còn phương pháp mới của thầy, chỉ có thầy cô giáo mới dạy được thôi". Không biết có sự nhầm lẫn không, nhưng mình hơi ngạc nhiên. Cả thế giới văn minh đi tìm giải pháp rộng rãi giản tiện, để cho con em ngày càng học hỏi nhẹ nhàng, học mọi nơi, mọi chỗ, mọi tình huống. Học mà không biết mình đang học. Còn ta đi tìm cái nhất, cái lạ, cái độc, cái hẹp, cái khác người, chỉ có thầy cô giáo mới dạy được thôi .... như thế sao gọi là giáo dục phổ thông ?

Có người nói với mình "Quê ta có nhiều GS, tiến sĩ ... cả đời chỉ biết lãnh lương công bộc, chưa nghĩ ra được cái gì đóng góp cho đất nước dân tộc cả, nên họ có nhiều trăn trở lắm". Mình hiểu được và rất tôn trọng nỗi trăn trở của quý gs, quý tiến sĩ, quý quan phụ mẫu, quý lãnh đạo. Nhưng quả thật là có những ý kiến làm lợi cho đất nước quê hương, nhưng cũng có những quyết định làm phương hại đến quốc gia dân tộc, mà phải tốn bao nhiêu công sức để sửa sai. Càng bào chữa, càng bưng bít, càng kéo dài sự tổn thất và gây ra nhiều hệ luỵ. Thậm chí kéo dài ảnh hưởng đến bao thế hệ về sau, cây càng cao rễ càng lớn. Ông nông dây chỉ cày sai thửa ruộng, nhưng ông giáo dục mà cày sai xới nát cả thế hệ. Lịch sử lâu nay vẫn thế !


Tuesday, August 21, 2018

Phiếm: Đào Cốc Lục Tiên



Dĩ nhiên là lâu nay trong giới mê kiếm hiệp không ai phủ nhận tài năng và kiến thức của Kim Dung. Xuất thân từ giòng họ Tra nổi tiếng học hành khoa bảng, nhưng kiến thức về đời sống thực tế của Kim Dung quả nhiên vượt xa ngoài tầm của giới mọt sách, thường chỉ biết ôm mớ lý thuyết suông, tôn thờ bằng giấy, thánh phán cả đời !

Kim Dung hiểu biết rành rẽ từ trà, rượu, hoa, phụ nữ, đàn nhạc, âm ngữ, món ăn... cho đến thiên văn, địa lý, quân sự, chính trị, thâm cung bí sử, triều đình, thái giám, phi tần, tâm lý xã hội, thiện ác, chánh tà, tham vọng, cuồng tín, hội đoàn, đảng phái, giả quân tử, thuần tiểu nhân ....rồi cả thiền học, Phật, Đạo, Nho....v.v. Dĩ nhiên trong các bộ sách của ông, thỉnh thoảng cũng có những điểm không chặt chẽ và bất hợp lý, có lúc tính cách nhân vật xây dựng mâu thuẩn, thâm chí hơi sơ sài. Nhưng đời mấy ai vẹn toàn ?
Nhìn chung ông là một hiện tượng văn học nổi bật của TQ trong thế kỷ 20. Người TQ rất tự hào về ông. Nhiều trường có cả khoa Kim Dung Học. Còn phim ảnh thì biết bao nhiêu sản phẩm đã được xây dựng từ những tiểu thuyết của ông. Nhiều bộ phim được lập đi lập lại, hết dàn diễn viên này đến dàn diễn viên khác. Hết hãng phim này đến hãng phim khác, cùng một câu chuyện, hết bộ "hậu" này đến bộ "tân" khác, nhiều lúc đến nhàm chán.

Còn VN ta, thì khỏi nói rồi. Trước 75 đọc truyện chưởng, tiểu thuyết kiếm hiệp, thoải mái. Báo đài ra hàng tuần, sách có tiền thì mua, không tiền thì thuê. Sau 75, tiểu thuyết kiếm hiệp thuộc loại "văn hoá đồi trụy", đốt hết. Cuốn nào còn sót lại, chui nhủi lén lút chuyền tay nhau trong giới đọc sách. Mãi cho đến sau cuối thập niên 80 đầu 90, nưóc nhà qua cơn bĩ cực bao cấp, thì phim bộ Hồng Kông TQ lại tràn lan, rả rích khắp nơi. Nhiều người VN thuộc lòng vanh vách từng nhân vật chính của Kim Dung. Có người thuộc sử Tàu còn hơn cả sử Việt. Hết bộ này đến bộ kia, nói đụng đến thì như nước trôi qua cầu, hoa rụng ven sông, thao thao bất tuyệt....

Phi Tuyết Liên Thiên Xạ Bạch Lộc
Tiếu Thư Thần Hiệp Ỷ Bích Uyên

Người Việt ở hải ngoại cũng thế, từ cuối thập niên 70 mãi cho đến bây giờ, cứ buồn buồn lại mở ra coi. Băng gốc, băng trộm, sao đi chép lại, dịch, lồng tiếng, Bắc Trung Nam, ngọng nghịu, cải lương, giả tiếng, giả giọng, đủ cả. Thời này nhờ có internet, mạng xã hội, you tube ... sự truyền tải càng mãnh liệt hơn. Nhưng cũng phải nói nhờ nó mà đời sống của bao nhiêu người VN xa xứ đỡ phần cô quạnh nơi đất khách quê người. Nhiều đứa trẻ cũng nhờ vậy mà duy trì được chút vốn liếng tiếng Việt. Nghe riết rồi quen :-).

Ở VN, sách truyện của Kim Dung đã vượt xa các tác giả khác như Cổ Long, Ngoạ Long Sinh, Độc cô Hồng, Mộ Dung Mỹ, Gia cát Thanh Vân .v.v.. để đi vào lòng các cao thủ tại gia, ngày ngày rượu trà luận kiếm. Truyện của ông không phải chỉ thịnh hành trong giới bình dân, mà giới trí thức học giả cũng say mê đắm đuối. Nhiều người còn bị ảo tưởng nghĩ rằng mình là những cao thủ võ lâm thứ thiệt, nên ứng xử chuyện gì trong đời sống cũng có chút Kim Dung trong đó. Kể sao cho hết những kẻ từng mê Lệnh Hồ Xung, Tiêu Phong, Đoàn Dự, Quách Tĩnh, Dương Quá, Trương Vô Kỵ, Vi Tiểu Bảo, Triệu Minh, Hoàng Dung, Tiểu Long Nữ, Vương Ngữ Yên .... Nhưng cũng may là lâu nay chưa từng nghe ai tự thiến để trở thành Lâm Bình Chi, Nhạc Bất Quần, Đông Phương Bất Bại :-).
Từ nhà tù cho đến ký túc xá sinh viên. Từ bàn nhậu vỉa hè cho đến tiệc tùng sang trọng. Từ người tự xưng "giang hồ hiệp nghĩa" đến kẻ ảo vọng "luận kiếm Hoa Sơn". Từ lao động, xe ôm, xích lô cho đến giới học sinh sinh viên, giáo sư, bác sĩ, quan chức, lính tráng, bộ đội, thanh niên xung phong, lao công đào binh ... Từ xấu cho đến tốt, từ thực cho tới ảo, từ trẻ cho đến già, đều thấp thoáng ẩn hiện sắc thái của Kim Dung. Ghê thật !

Nói về dịch Kim Dung thì không ai qua nỗi Hàn Giang Nhạn rồi. Một dịch giả tài hoa, đã làm say đắm không biết bao nhiêu người Việt. Ông đã từng dịch không biết bao nhiêu kỳ tích may mắn, thoát hiểm ly kỳ ngoạn mục, hang động thung lũng, núi cao vực thẳm, huyền thoại kỳ bí, huyền diệu cơ duyên... Nhưng rồi nghe nói ông lại bị chết vì một tai nạn lãng xẹt ngoài đời. Oan nghiệp !
Còn nói đến thầy bàn Kim Dung thì vô số. Bàn đúng, bàn sai, bàn loạn, bàn tiếu, bàn Mao Tôn Cương chí dị, thánh đề, thánh ngóng, thánh phán, thánh liều... nhiều như lá rụng mùa thu.

Giờ mới nói về chuyện mấy đại ca Đào cốc Lục Tiên. Trong truyện Kim Dung thỉnh thoảng xây dựng những nhân vật ngây thơ, thật thà, khùng khùng, điên điên, rất đời thường như Châu Bá Thông, Quách Tĩnh, Nam Hải Ngạc Thần, Khúc Cô ....v.v... Nhưng Đào Cốc Lục Tiên thì khác, cả bọn khùng tập thể. Nửa khùng, nửa điên, không biết là lục "tiên" hay lục "ma", nhưng mỗi người đều có cái "tài" riêng và sự cao ngạo của mình. Điểm chung lớn nhất là cả 6 người đều nghĩ mình giỏi, tưởng mình là "tiên" thật. Không cần biết kết quả đúng hay sai, cứ thế mà mần, phá cũng không biết mình phá, hồn nhiên mà tự hào. Nội cái chuyện cứu Lệnh Hồ Xung cũng làm bao nhiêu người xem dở khóc dở cười :-).

Nhớ ông bà ta xưa có câu "Tam ngu thành hiền". Dẫu biết rằng có nghĩa bóng nghĩa đen, nhưng mình vẫn thường đùa là nếu 3 người ngồi lại mà có thể "thành hiền", thì không thể nào gọi họ là "tam ngu" được. Tỉ như Đào Cốc Lục Tiên, làm sao thành hiền nỗi :-) ?
Mà đúng vậy, lâu nay thiên hạ thiếu gì người tài giỏi thông minh. Nhưng kêu ba người tài giỏi ngồi lại với nhau, chắc gì đã "thành hiền" được ? Không có ý vơ đũa cả nắm, vì đồng bào VN ta vốn thường thương yêu nhau. Nhưng cũng không hiếm những vùng miền thích so đo hơn thua, chia rẽ bè phái, cạnh tranh không lành mạnh với nhau. Có những địa phương luôn tự hào là nhiều người tài giỏi, học cao hiểu rộng, nhưng bao nhiêu năm trôi qua, xứ sở họ vẫn nghèo nàn lạc hậu. Ngay cả khi phải đi xa để tha phương cầu thực, hoặc ra nước ngoài tị nạn sinh sống, làm nghề sinh kế, thì họ cũng khó có thể hoà thuận với nhau. Vẫn đố kỵ nhau, vẫn hơn thua nhau, vẫn co cãi nhau, vẫn cạnh tranh không lành mạnh, vẫn chụp mũ nhau, chia đàn xẻ nghé, phe này nhóm nọ. Năm người mười ý, ông này chửi ông kia, hội này nói xấu hội nọ, ai cũng cho mình là chính nghĩa, ta đúng người sai. Rồi kéo nhau ra toà kiện cáo, tội nói xấu, vu khống nhau .v.v... Tất nhiên đó chỉ là thiểu số, nhưng lắm khi lại gây ra ảnh hưởng lớn đến lòng tin cũng như những suy nghĩ tích cực của nhiều đồng bào, đồng hương khác.
Lâu nay cả trong nước và ngoài nước, cũng không hiếm những người độc quyền yêu nước theo kiểu riêng của mình, rồi dựng chuyện chụp mũ, hoặc phê phán, bài xích những ai có quan điểm và ứng xử khác họ. Người có lòng cũng không hiếm, kẻ có tài cũng đầy rẫy, nhưng hết năm kia đến tháng nọ vẫn lòng vòng bấy nhiêu chuyện. Tự vỗ về nhau, tự hù doạ nhau, tự làm khó nhau, rồi vẫn không thay đổi được điều gì, ngoài việc chỉ để an ủi nỗi niềm "thất phu hữu trách". Mấy chục năm qua, nhiều địa phương ở hải ngoại, có những cộng đồng VN vẫn chưa thuận nỗi lấy một cái hội đồng hương bé tí. Hơn thua nhau, co cãi, mạ lỵ nhau chưa hết, huống hồ chi mong chuyện "tam ngu thành hiền". Còn trong nước thì cũng nhan nhản chuyện lợi ích nhóm, phân biệt vùng miền, lý lịch nhân thân, "cận huyết quyền lợi", giây mơ rễ má, ông này lên thì kéo ông kia, ông kia chết thì con cháu họ hàng lại lên thay.... Và cứ thế mà "hồng hơn chuyên". Rồi lâu lâu lại bắt, lai khui, lại đốt lò ... :-)

Dĩ nhiên là Kim Dung xây dựng tính cách Đào Cốc Lục Tiên không tới nỗi tệ vậy. Tuy Đào Cốc Lục Tiên khó thành công trong bất cứ chuyện gì, nhưng họ vẫn sống hoà thuận nhau với cái dở điên dở khùng của họ. Tuy họ không lắng nghe nhau, tự làm theo ý mình, mỗi người mỗi ý, nhưng không hề chà đạp và đố kỵ nhau, vẫn thương yêu nhau.

Sở dĩ hôm nay bỗng dưng lan man về câu chuyện Đào Cốc Lục tiên, là bởi hôm qua có người hỏi mình - "Nghĩ sao về việc tài lực dư đủ, hô hào rềnh rang, tiền hô hậu ủng, thiên thời địa lợi, mà sao có quá nhiều dự án công trình phạm lỗi. Cứ vài hôm củi chụm vô lò ?".
Một thắc mắc mà chắc chắn đã có nhiều người từng trăn trở, từng tự hỏi và từng tự trả lời. Có những nguyên nhân cứ như điệp khúc "biết rồi nói mãi", vài hôm vài bữa lại nghe trên báo trên đài, từ tham nhũng, hối lộ, thông đồng, lợi ích nhóm, cho đến cửa quyền, thân thế, bằng giả, kém năng lực .v.v.. cũng là những chuyện không mới mẻ gì. Tất nhiên ông bạn kia không xa lạ gì với những nguyên nhân quen thuộc đó, nên mình nghĩ ông muốn nói đến một khía cạnh khác. Nhưng suy nghĩ hoài không biết trả lời sao cho trọn vẹn đầy đủ, mình nói anh ấy về kiếm Đào Cốc Lục Tiên mà đọc :-).
Lâu nay mình vốn quan niệm rằng con người cho dù có tài ba đến đâu, thì khả năng của họ cũng chỉ đạt đến một giới hạn nào đó. Mỗi người cũng chỉ có thể hiểu biết khiêm tốn trong một phạm vi nhỏ bé nhất định. Cho nên để thành công thì chắc chắn con người cần phải biết hòa thuận và hợp tác được với nhau. Một cộng đồng thích kỳ thị, chia rẽ, phân hoá, co cãi, thì không thể đồng lòng hiệp sức với nhau được ? Cũng như một xã hội chỉ biết tự hào chuyện đấm đá, "tượng đài", luôn nhắc nhở chuyện hận thù thắng thua, thì chỉ chuốc lấy chiến tranh chứ sao tạo nỗi hoà bình ? Mà đã nói đến vấn đề hoà hợp, chung tay chung sức với nhau, thì ở đâu cũng vậy, nước ngoài nước trong gì cũng thế, đều có những quy luật chung giống nhau. Đó là, nếu biết nghĩ cho đại cuộc, tôn trọng lẫn nhau, công bằng với nhau, trọng đãi cái tốt, đào thải cái xấu, thì chắc chắn sớm muộn gì họ cũng thành công. Ngược lại, nếu chỉ biết kiêu binh tự phụ, chia bè chia phái, tham nhũng bạo quyền, tuỳ tiện độc đoán, ganh ghét đố kỵ, nghi ngờ lẫn nhau, thì tất nhiên là sẽ thất bại. Nếu có may mắn ngoại lệ, đạt được thành tựu nào đó, thì cũng chỉ là ngắn hạn. Đó là còn chưa nói đến nhiều hệ lụy khác có thể sản sinh ra như phân hoá, mâu thuẩn, hơn thua vặt vãnh, gây thù chuốc oán hãm hại nhau…v.v. Lịch sử thế giới lâu nay vẫn vậy. "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao". Ai cũng biết thế, nhưng để chụm lại được là vấn đề không đơn giản chút nào.

Tuy nhiên, nhìn lại thực tế thì trên thế giới vẫn có những xứ sở hoặc địa phương, con người ở đó hiền hoà và đoàn kết hơn hẳn so với nhiều nơi khác, mặc dù trình độ dân trí cũng không khác biệt nhau lắm. Nhiều trường hợp cũng là những cộng đồng người di trú, tị nạn, hoặc đồng hương định cư nơi xứ lạ. Nhưng họ không hề hận thù chia rẽ, phe phái hội đoàn, phỉ báng mạ lỵ, vu khống dựng chuyện, đố kị ghen tức nhau dai dẳng từ năm kia đến tháng nọ. Ngược lại họ đoàn kết, đồng lòng, biết lắng nghe, và tôn trọng nhau, nên việc gì cũng dễ dàng thành công. Nhiều lúc mình cũng thắc mắc không hiểu những ưu khuyết điểm đó thuộc về bản sắc dân tộc hay ảnh hưởng văn hoá vùng miền? Hay là lại giống như “triết lý duy nhất” chỉ có Scottish malted barley mới làm ra rượu whisky ngon, chỉ có mạch nước Bàu Đá hoặc Làng Vân mới nấu ra rượu chiến, hoặc chỉ có cá bống sông Trà kho mới ngon :-) ?

Suy cho cùng thì bên tây bên ta gì cũng thế, từ chuyện nhà cho đến chuyện quốc gia đại sự, yếu tố tư duy con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất để thành công và thất bại !



Wednesday, August 08, 2018

Chuyện ngôi sao ở Hollywood !

Đúng là chuyện chỉ có ở Mỹ. Hôm qua hội đồng thành phố West Hollywood bàn tính chuyện bỏ đi ngôi sao của Tổng thống Trump trên đại lộ danh vọng Hollywood. Quê ta ai dám làm thế :-) .
May quá, mới hôm bữa mình còn chụp được ngôi sao của T/T Donald Trump để dành làm kỷ niệm. Hai đứa con mình cũng tranh thủ tậu 2 ngôi sao trên đại lộ đó, nhìn cho ngầu ....hehehe.

City of West Hollywood calls for Trump Walk of Fame star to be removed









Monday, July 16, 2018

Ảo giác quyền lực !



Hôm qua ngồi coi đá banh chung kết World Cup với gia đình và mấy người bạn. Tới phần phát giải thưởng, trời mưa. Đám nhân viên  (hoặc vệ sĩ) chạy ra che dù cho Putin, còn tổng thống Pháp & Croatia giữa trời mưa dột, mặc kệ. Người bạn nói "Hình như những người đó đã được huấn luyện rập khuôn, thuần hoá, trở thành thuộc tính, thấy mưa là che dù cho lãnh đạo họ ngay :-) ". Còn mình thì đợi hoài, coi thử phản ứng của chủ nhà Putin có quan tâm tới người khác chung quanh không, nhất là đối với phụ nữ (tổng thống Croatia) đang ướt như chuột lột. Không, ngài vẫn thản nhiên như vại, ung dung và hãnh diện. Có lẽ ông ta cũng không nhận ra đó là điều khác thường !

Đang định nói chút về cái thuộc tính văn hoá của nhà lãnh đạo Putin, thì sáng nay thấy báo chí khắp nơi đăng đầy. Thực ra thì mình cũng không ngạc nhiên lắm về những ứng xử như vậy, bởi cũng từng gặp qua nhiều trường hợp tương tự, ngay chính trên quê hương mình. Chuyện che dù xách dép cho sếp là bình thường. Chưa bắt cõng cho khỏi ướt giày đã là văn minh lắm rồi :-) .

Nhiều người cho rằng đó một thứ văn hoá trong xã hội quyền lực tập trung, độc tài. Mình thì cho rằng đó là một thứ ảo giác quyền lực. Sống với những ảo giác quyền lực lâu ngày, dần dà quên mất cái giá trị bình đẳng giữa người với người, dễ ngộ nhận mình là cái rốn của vũ trụ. Và cách ứng xử của họ đối với thuộc cấp hoặc những người yếu thế hơn đã thể hiện rõ điều đó. (Dĩ nhiên là không có ý vơ đũa cả nắm, cũng có nhiều trường hợp ngoại lệ). Hiện tượng này cũng thường thấy trong giới trọc phú của những đất nước kém phát triển, hoặc luật pháp còn nhiều kẻ hở. Sống trong một xã hội mà quyền lực càng bị lạm phát, thì con người càng có xu hướng muốn thể hiện quyền lực. Đó là sự thật, ai cũng có thể dễ dàng nhận ra hiện tượng đó ở một số quốc gia trên thế giới hiện nay.

Hồi mình mới về SG làm việc, lớ ngớ. Có lần, chiều tan sở về, lục đục đi mua đồ làm cái chuồng cho chú chó con. Cậu bảo vệ công ty thấy vậy, nói "Thôi đi anh, để đó em kêu lính làm cho". Mình ngạc nhiên hỏi "Em cũng có lính hả ? ". Sau này, dần dà mới hiểu, cả nước VN nhiều người có "lính", chứ chẳng phải gì cậu ấy. Lính thiệt, lính giả, lính không ăn lương, lính sai vặt, lính tự nguyện, lính biên chế .v.v.. Lớn có lính lớn, nhỏ có lính nhỏ, nói đùa nói thật, đủ cả, không biết đâu mà lần. Ảo giác quyền lực tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, và thường dẫn đến những phô trương kệch cỡm. Không những thế, nó còn là nhu cầu giải thoát của sự tự ti mặc cảm. Ở đâu cũng vậy. Nhớ lại hồi mấy chục năm trước mình quen biết anh kia làm công nhân trong sở. Anh một thời khuấy nước nên hồ, hô hào quy chụp, nổi đình nổi đám, thọc đông thọc tây, "chỉ đạo" thiên hạ. Lúc nào anh cũng tỏ ra mình là lãnh tụ, chỉ huy. Ai không theo ý anh, anh "tặng" ngay cái nón cối. Có lần mình hỏi thăm "hồi đó chắc anh sĩ quan thuộc binh chủng nào ?". Anh trả lời nhỏ nhẹ " Hồi xưa mình trốn lính". Đã lâu lắm rồi không gặp, không biết giờ này anh ở đâu ?

Mới hôm lễ Độc Lập đầu tháng này, mình dẫn con đi dự lễ dưới phủ thống đốc/toà đô chính của tiểu bang. Có ông thứ truởng và mấy ông quan chức cao cấp tiểu bang đi vòng vòng ngoài bãi cỏ chào hỏi bà con, đùa giỡn với mấy đứa nhỏ, phát cờ, thẩy pie .... Một người quen bên VN mới qua, hỏi mình: "Sao mấy ông này bình dân thế ?". Mình trả lời "Xứ này người ta quan niệm làm quan chức nhà nước cũng là một công việc bình thường như công việc khác mà thôi, có khi lương còn ít hơn bên ngoài. Làm việc cho dân, lãnh lương của dân, thì chào hỏi đùa giỡn với người dân, cũng là chuyện bình thường thôi. Hết giờ làm việc, cũng là dân. Mai mốt hết làm, về hưu cũng là dân. Có gì họ phải tự đề cao phân biệt đối xử !".

Đúng là như thế. Nhưng thực ra, nói dễ dàng vậy, thấy đơn giản vậy, nhưng để có được một quan niệm tôn trọng bình đẳng trong xã hội thì quả không dễ chút nào. Bởi nó liên quan đến cả một hệ thống văn hoá giáo dục & xã hội. Nhiều chính khách, quan chức, từng diễn xuất chuyên nghiệp, rồi có lúc cũng sơ suất thể hiện cái tư duy văn hoá thực sự của mình. Lâu nay nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ảo giác quyền lực là do sự mất cân đối giữa quyền hành và khả năng thực sự, hoặc là hệ quả của những tiếm dụng quyền lực không công bằng. Ảo giác quyền lực càng lớn thì văn hoá ứng xử càng nhỏ !

Ông Putin hết làm tổng thống qua làm thủ tướng, hết thủ tướng lại nhảy qua làm tổng thống. Tài năng kiệt xuất như vậy, thì lỡ ứng xử sai chút, thế giới cũng nên rộng lòng tha thứ vậy :-) ....


Friday, July 06, 2018

Yếu hay mạnh ?

Cách đây vài tháng, truyền thông Mỹ xôn xao vì vụ bà Caren Turner, một uỷ viên của thành phố cảng New York-New Jersey (Port Authority of New York and New Jersey), đã lạm dụng quyền lực của mình. Câu chuyện bắt đầu khi con gái bà & vài người bạn bị 2 người cảnh sát dừng xe vì quá hạn đăng kiểm. Cô con gái gọi điện thoại cho bà ra, nhưng hai người cảnh sát đã không quan tâm gì đến chức vụ của bà, và chỉ làm theo lẽ phải (coi video). Bà nói, “Tôi là Ủy viên Thành phố, tôi đứng đầu 4.000 cảnh sát ở đây, anh rõ chưa?". Người cảnh sát cũng không e dè và trả lời “Thưa cô, chúng tôi không cần xem giấy tờ của cô”. Họ chỉ làm đúng vai trò và trách nhiệm của mình. Sau cùng, bà Thành Ủy viên này xin lỗi hai người cảnh sát và từ chức, chấm dứt sự nghiệp chính trị đang lên của bà.  Mở ngoặc chút, dĩ nhiên ở đâu cũng có "good cops, bad cops" (cảnh sát tốt & cảnh sát xấu), chỉ là nhiều hay ít. Tuy nhiên ở Mỹ nếu phạm luật thì con ông Trời cũng phải tuân thủ theo luật pháp, nếu không thì chỉ mang hoạ vào thân !



Rồi coi đến đoạn video dưới đây xảy ra ở VN, những ông trời con đời thường. Dối trá, ngang ngược, và hèn yếu. Xưa nay trên thế giới, trong một xã hội pháp trị, niềm tin vào luật pháp được hình thành và duy trì là nhờ ở quan hệ thực thi song phương. Cho nên để dẫn đến những câu chuyện bi hài như thế này, có phần trách nhiệm của cả người thi hành pháp luật và người thừa hành pháp luật. Thỉnh thoảng đọc báo VN vẫn thấy những mẩu tin "ông trời cha và ông trời con" như thế. Dường như họ có cùng một điểm chung là muốn thể hiện "Mày có biết tao là ai không ?".

Rõ ràng có một sự ngộ nhận rất lớn ở đây, bởi họ cho đó là cách thể hiện sức mạnh, trong khi thực ra đó lại là một hiện tượng yếu đuối, kém tự tin. Sự cầu cạnh, nhờ vả, dựa hơi, bám víu vào những thứ không thuộc về mình để thể hiện quyền lực là một tâm lý yếu đuối, và tư duy "cơ hội". Sự tự trọng của con người và sự công bằng của xã hội, chắc chắn sẽ không bao giờ dựa trên nền tảng của văn hoá dựa hơi & bao che. Những nước văn minh, đại đa số không ai giáo dục con cái như vậy !



Ngược lại có những đất nước, văn hoá dựa hơi, nhờ vả, cửa quyền, hống hách xưng tụng ... đã ngấm sâu qua nhiều thế hệ, đến mức không còn phân biệt được đúng sai. Xã hội đầy rẫy vấn nạn "con ông cháu cha", dựa hơi, thân thế. Từ làng xã địa phương cho đến những cấp chính quyền cao hơn. Từ trong nước cho đến ra nước ngoài, một số người vẫn thế !

Thực ra suy cho cùng, nếu không thay đổi được tư duy và văn hoá này, thì sẽ khó có được một đất nước hùng cường, thịnh vượng thực sự.